CHƯƠNG II THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC TẠO ĐỘNG LỰC TẠI VIỄN THÔNG HÀ NỘI
2.1. Tổng quan về Viễn thông Hà Nội
2.1.3. Thực trạng lao động và công tác quản lý lao động
2.1.3.2. Công tác quản lý lao động
2.1.3.2.1 Các văn bản, quy chế hoạt động
Qua khảo sát nghiên cứu, Viễn thông Hà Nội đã ban hành Thỏa ước lao động tập thể. Đây là thỏa ước được ký kết giữa Lãnh đạo chuyên môn và đại diện Lãnh đạo công đoàn Viễn thông Hà Nội được thông qua Đại hội công nhân viên chức.
Thỏa ước này được sự công nhận của Sở Lao động và Thương binh Xã hội thành phố Hà Nội. Thỏa ước lao động tập thể của Viễn thông Hà Nội đã công nhận những nội quy, quy chế sau:
+ Nội quy lao động của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế thực hiện dân chủ ở Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế phân phối lương cho tập thể và cá nhân của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế khuyến khích thu hút đối với lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế thưởng khuyến khích hàng quý theo năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập thể trong Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế thi chuyển chức danh và nâng ngạch viên chức chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Quy chế thi nâng bậc nghề công nhân của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế phân phối tiền thưởng hàng năm cho cán bộ công nhân viên;
+ Quy định về tổ chức hoạt động và chế độ chi tiêu cho các hoạt động văn hoá thể thao;
+ Quy chế về tổ chức tham quan học tập trong và ngoài nước;
+ Quy chế tuyển dụng lao động vào làm việc tại Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế cử người đi đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ;
+ Quy chế về công tác đào tạo tại chỗ của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế về thi hành kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
+ Quy định về xử lý đối với cán bộ công nhân viên Viễn thông Hà Nội có hành vi liên quan đến các tệ nạn xã hội;
+ Quy chế tạm thời sử dụng quỹ chính sách xã hội;
+ Tiêu chuẩn cán bộ Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với cán bộ của Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động tại Viễn thông Hà Nội;
+ Quy chế về việc chi quà mừng sinh nhật, trợ cấp cho cán bộ công nhân viên về hưu hoặc qua đời khi đang công tác và hiếu hỷ đối với cán bộ công nhân viên của Viễn thông Hà Nội.
2.1.3.2.2 Tình hình thực hiện công tác quản lý nhân sự của Viễn thông Hà Nội
*Công tác tuyển chọn sử dụng nhân sự.
Để có thể tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường, Viễn thông Hà Nội đã có những đổi mới trong công tác quản trị nhân sự, một trong số đó là công tác tuyển chọn, sử dụng lao động. Cũng như các doanh nghiệp khác, việc tuyển chọn lao động ở Viễn thông Hà Nội được căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, vào nhu cầu sử dụng lao động vào kế hoạch tuyển dụng.
Yêu cầu của công tác tuyển dụng người lao động vào làm việc tại Viễn thông Hà Nội phải là: những người có trình độ chuyên môn cần thiết, có thể làm việc đạt tới năng suất lao động cao, hiệu suất công tác tốt; những người có ý thức tổ chức kỷ luật, tư cách đạo đức tốt, trung thực gắn bó với công việc của Viễn thông Hà Nội;
tuyển những người có đủ sức khỏe để công tác, làm việc laai dài tại Viễn thông Hà Nội với nhiệm vụ được giao. Nếu tuyển chọn không kỹ, tuyển chọn sai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Viễn thông Hà Nội cũng không tránh khỏi việc chảy máu chất xám, lao động trẻ có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm làm việc đã ra khỏi Viễn thông Hà Nội tới những doanh nghiệm có điều kiện làm việc tốt hơn. Vì vậy, bên cạnh vấn đề tuyển dụng, Viễn thông Hà Nội cần phải có những hình thức khuyến khích và đãi ngộ một cách thoả đáng nhằm ổn định tình hình nhân lực cũng như tạo chất lượng cao cho nguồn nhân lực của mình.
*Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Để tăng cường sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, Viễn thông Hà Nội đã trú trọng đầu tư đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đây là một hoạt động đầu tư đem lại những lợi ích lớn và lâu dài. Các hình thức đào tạo mà Viễn thông Hà Nội đã và đang tiến hành:
- Đào tạo dài hạn: cử cán bộ tham dự các khóa học để láy bằng Đại học, sau đại học tại những cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.
-Bồi dưỡng nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên thông qua các khoá học ngắn ngày, chuyên sâu. Với hình thức này, Viễn thông Hà Nội đã
thu nhiều thành công, đã đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, nghiệp vụ và thái độ đối với công việc tốt.
-Hình thức cử đi học hoặc khảo sát ở nước ngoài cũng được Viễn thông Hà Nội quan tâm. Viễn thông Hà Nội đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, cử nhiều lượt cán bộ tham dự, tạo điều kiện và khuyến khích họ nâng cao trình độ. Kết quả của hình thức này là Viễn thông Hà Nội đã có những cán bộ nhân viên xuất sắc có trình độ chuyên môn giỏi.
- Đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ: đây là hình thức đào tạo rất thiết thực đến công việc của cán bộ công nhân viên. Người lao động được hướng dẫn, kèm cặp đào tạo tại chỗ (On Job Training) nên việc tiếp thu kiến thức được học để áp dụng vào công việc rất hiệu quả.
Qua khảo sát thực tế, kết quả hoạt động công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Viễn thông Hà Nội từ năm 2007 đến 2009 được thể hiện trên biểu 6.
Bảng 2.5: Kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Viễn thông Hà Nội
Loại hình đào tạo Đơn vị
tính 2007 2008 2009
1. Dài hạn: Người 17 10 19
- Sau đại học Người 4 4 12
- Đại học & cao đẳng Người 12 3 7
- Trung cấp Người 1 3 -
2. Ngắn hạn (không tính đào tạo tại chỗ):
Lượt
người 3.593 2.180 2.240
Tổng cộng 3.610 2.190 2.259
(Nguồn: Phòng TCCB – LĐ Viễn thông Hà Nội) Trong 03 năm (2007 – 2009) Viễn thông Hà Nội đã tổ chức được trên 300 khóa học với 8.059 lượt người tham dự, trong đó chủ yếu tổ chức các khóa học ngắn hạn về các lĩnh vực quản lý, quản trị kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng, các khóa về công nghệ thông tin, viễn thông, các khóa học ngoại ngữ,…Điều này đã chứng minh rằng Viễn thông Hà Nội rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công nhân viên để đáp ứng được với công nghệ mới, hiện đại trên thế giới.
* Bố trí, sử dụng nhân lực.
Với một số lượng lao động tương đối đông (4.567 người), việc bố trí, sắp xếp lao động tại Viễn thông Hà Nội thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với cơ cấu tổ chức khoa học, Viễn thông Hà Nội đã có những chỉnh lý, bố trí một cách hợp lý và tương đối hiệu quả trong hoạt động.
Theo mô hình tổ chức đã nêu ở phần trên, Giám đốc Viễn thông Hà Nội là người quản lý, điều hành chung toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Viễn thông, các Phó Giám đốc Viễn thông Hà Nội được Giám đốc Viễn thông Hà Nội ủy quyền chịu trách nhiệm quản lý trên một số mặt cụ thể. Các phòng ban, đơn vị trực thuộc, lao động được bố trí vào những chức vụ, công việc khác nhau gắn với từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể.
* Công tác tiền lương.
+ Tiền lương
Tổng quỹ lương là tổng số tiền lương mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động do đã hoàn thành công việc trong một thời kỳ nhất định. Quỹ lương được xem như là một khoản mục trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Quỹ lương phụ thuộc vào khối lượng và hiệu quả công việc sản xuất kinh doanh. Quỹ lương hàng năm của Viễn thông Hà Nội được xác định trên cơ sở thu nhập doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước theo các quy định hiện hành.
+ Chế độ khen thưởng – kỷ luật cho người lao động
Hầu hết các doanh nghiệp đều có những hình thức khen thưởng hay kỷ luật riêng theo quy định của từng doanh nghiệp. Trong quản lý lao động ngoài những biện pháp hành chính mang tính chất bắt buộc, người lao động phải tuân theo những nội quy lao động. Ngoài ra còn có những hình thức khen thưởng bằng vật chất để khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn, góp phần nâng cao năng suất lao động. Chế độ khen thưởng tại Viễn thông Hà Nội ngoài việc căn cứ vào việc hoàn thành vượt mức về doanh thu, về lợi nhuận, còn có hình thức thưởng đột xuất chẳng hạn thưởng cho nhân viên có sáng kiến cải tiến lao động, nâng cao năng suất lao động, những nhân viên làm việc tốt được khen ngợi.
Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề về quản trị nguồn nhân lực của Viễn thông Hà Nội có thể thấy Viễn thông Hà Nội đã có những đổi mới về công tác này. Đặc biệt viêc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhân sự từ rất sớm (quản lý nhân sự trên mạng máy tính – mạng LAN) đã đem lại hiệu suất quản lý cao cho Viễn thông Hà Nội.