Chương 3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC Ý THỨC CHÍNH TRỊ CHO HỌC SINH VÀ SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ KỸ THUẬT - MỸ NGHỆ VIỆT NAM HIỆN NAY
3.1. Những vấn đề đặt ra trong giáo dục ý thức chính trị cho học sinh và sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam hiện nay
3.1.1. Những vấn đề đặt ra từ chủ thể và lực lượng tham gia giáo dục Chi bộ đảng, Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đóng vai trò quan trọng trong giáo dục YTCT cho HS - SV. Cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, vai trò của các chủ thể này nổi lên trong việc giáo dục các nội dung khác của YTCT. Đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng, sự quản lý của Ban Giám hiệu, sự hợp tác, lồng ghép các nội dung giáo dục YTCT vào hoạt động của các tổ chức đoàn thể.
Có thể nói, chủ thể giáo dục còn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác giáo dục YTCT đối với sự phát triển nhân cách của HS - SV. Do đó, chưa coi trọng việc thiết kế nội dung và điều phối chương trình, phương thức đào tạo ở nhà trường còn nhiều hạn chế.
Ở Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam hiện nay chưa chuẩn bị đồng bộ các điều kiện phục vụ giáo dục YTCT, như: quy mô lớp nhỏ, thiếu trợ giảng, thiếu cơ sở vật chất (phòng học, tài liệu…), thiếu sự hỗ trợ về tổ chức… nên giảng viên không thể triển khai đầy đủ, thực chất các quy trình, công việc trong đề cương bài giảng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định. Các khoa trong trường chỉ đạo còn chung chung hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc, khuyến khích HS - SV học tập tốt các môn kiến thức nền. Chưa
có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận liên quan, do đó còn có những
“chỗ vênh” không đáng có trong công tác chỉ đạo và điều hành. Hơn thế, ở một số cán bộ quản lý còn có tư tưởng xem trọng chuyên môn, chuyên ngành;
xem nhẹ các môn giáo dục YTCT nên trong chỉ đạo còn hình thức, vi phạm tính logíc của hệ thống các môn giáo dục YTCT về quy luật tâm lý - nhận thức HS - SV. Một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm của trường, khoa chưa quan tâm chỉ đạo biên soạn nội dung giảng dạy cho phù hợp với ngành học của HS - SV của nhà trường.
Trong thực tế, nhiều giảng viên hạn chế năng lực sư phạm, vốn kiến thức thực tiễn còn hạn chế, kinh nghiệm giảng dạy còn ít ỏi… họ cũng bị tác động của thực tiễn đời sống xã hội, còn có tiêu cực về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức nhà giáo… nên sẽ ảnh hưởng nhất định tới việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, nhận thức và bản lĩnh chính trị cho HS - SV.
Giảng viên chưa chuẩn bị chu đáo cho bài giảng, hoặc đôi khi không hề thay đổi cách thức lên lớp trước đây “thầy đọc, trò ghi”, hoặc giảm giờ lên lớp, cho HS - SV tự học tuỳ tiện, không chỉ dẫn cho HS - SV cách tra cứu tài liệu. Cá biệt có giảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, bỏ tiết dạy, thay đổi giờ giấc lên lớp. Sự phân chia thành 2 thái cực còn thể hiện cụ thể trong việc xây dựng đề cương bài giảng: một số cán bộ lúng túng trong việc biên soạn đề cương, không có đề cương hoặc không giảng dạy theo đề cương.
Nhiều giảng viên, báo cáo viên giảng các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng nghị quyết, nói chuyện chuyên đề thời sự cho HS - SV nhưng không chú ý đến việc HS - SV muốn nghe, muốn học gì không. Họ nói dài dòng những điều đã thuộc lòng, nhắc lại những câu nói đã thành lối mòn, sáo rỗng, những câu nói mang tính khẩu hiệu khô khan hoặc nhắc lại những thông tin mà ai cũng biết. Vì vậy, nhiều HS - SV đến học, đến dự nghe cho đủ sĩ số, họ tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm. Bên cạnh đó, một số giảng viên, báo
cáo viên giảng dạy YTCT nhưng không nghiêm túc trong lập trường tư tưởng, hay phê phán, lên án những tiêu cực xã hội, những vấn đề còn tồn tại của hệ thống chính trị một cách thái quá, tạo ra những phản ứng khác nhau từ phía HS - SV và ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, suy nghĩ của HS - SV.
Bên cạnh đó, các lực lượng khác tham gia giáo dục HS - SV như Đoàn thanh niên, cán bộ, giáo viên giảng dạy ở lĩnh vực khác cũng chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn vai trò của việc giáo dục YTCT nên họ cũng thờ ơ, không quan tâm hỗ trợ, khích lệ, động viên HS - SV học tập tốt các môn học này.
3.1.2. Những vấn đề đặt ra trong nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục
- Thứ nhất, về chương trình, giáo trình, nội dung
Giáo dục YTCT còn diễn ra thụ động, máy móc, hình thức xơ cứng, nội dung thiếu hấp dẫn nên không thu hút được đông đảo HS - SV tham gia, không đạt được kết quả như mong muốn. Trong chương trình giáo dục YTCT trước đây (5 môn) chưa khoa học, chưa hợp lý. Điều này thể hiện sự trùng lắp về nội dung giữa các phần trong chương trình dẫn đến tình trạng cắt bỏ tùy tiện, theo cảm tính những phần, những bài trong từng môn học trong quá trình giảng dạy,…
+ Tính thiếu nhất quán, không thống nhất trong một chương sách, một quyển sách đã là điều khó chấp nhận, còn đối với một cuốn giáo trình thì đó là điều tối kỵ. Với kết cấu như vậy, cuốn giáo trình, cũng như các chương, mục của giáo trình không “thuận lý”, thiếu tính hệ thống, không đảm bảo tính chuẩn mực.
+ Nội dung trình bày ở từng chương bị trùng lắp, gây cảm giác lộn xộn, rối rắm khi đọc giáo trình, giảng dạy và học tập. Với cách bố cục chưa hợp lý và nội dung trùng lắp của các chương, người dạy rơi vào trạng thái lúng túng, còn người học thì dễ rơi vào tình trạng chán ngán.
+ Về mặt dung lượng mất cân đối trong giải quyết nội dung khoa học của các phần. Về mặt kiến thức, giáo trình còn rất sơ sài, không có độ sâu, không đáp ứng được tiêu chí kiến thức cơ bản của việc biên soạn giáo trình.
- Thứ hai, về phương pháp giáo dục YTCT
+ Phương pháp dạy: giáo dục hiện nay trong về cơ bản giảng viên vẫn còn sử dụng phương pháp thuyết trình, nói một chiều, ít có cơ hội để HS - SV trao đổi. Trong cơ cấu các môn học có một yêu cầu bắt buộc dành một thời lượng 10-15% số tiết học để thảo luận, nhưng trên thực tế, những buổi thảo luận chỉ mang tính hình thức. Thêm vào đó, năng lực truyền thụ của mỗi cán bộ giảng viên hết sức khác nhau. Có giảng viên vì mưu sinh cuộc sống đã phải "chạy xô" nhiều buổi giảng, giảng nhiều tiết, nhiều kiểu nội dung trong cùng một ngày, làm cho sức sáng tạo và ham muốn truyền thụ kiến thức bị suy giảm, khi lên lớp lại thể hiện sự hời hợt với vấn đề, không truyền ngọn lửa đam mê cho HS - SV. Hậu quả là, HS - SV tỏ ra "dị ứng" với các môn học chính trị, chỉ lo học đối phó hơn là khát khao tìm hiểu, tiếp thu khoa học.
Nhiều phương pháp mới đã được sử dụng, nhưng lại bộc lộ nhiều hạn chế do giảng viên chưa nắm chắc được ưu, nhược điểm từng phương pháp và chưa biết vận dụng phù hợp. Phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm có khi lại tỏ ra nhàm chán, bởi câu hỏi đặt ra mới chỉ đơn thuần là lý thuyết. Mặt tích cực trong phương pháp truyền thống cũng chưa được khai thác triệt để. Do đó, HS - SV trở nên thụ động trong quá trình lĩnh hội kiến thức (trong suy nghĩ, tham gia thảo luận …), không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của HS - SV. Thêm nữa, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và tin học, chưa sử dụng thành thạo các máy móc hiện đại nên rất hạn chế trong sưu tầm tài liệu, nghiên cứu tài liệu, sử dụng các phương tiện vật chất hiện có của nhà trường để phục vụ công tác giảng dạy.
+ Phương pháp học tập của HS - SV: Hiện có không ít HS - SV cho rằng học tập các môn lý luận chính trị là khô khan, thiếu thực tế và không cần
thiết. Do đó, các em không quan tâm tới việc sử dụng các phương pháp học tập hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều HS -SV không đạt hiệu quả với phương pháp tự nghiên cứu do thiếu kiên nhẫn, hoặc chưa tạo hứng thú trong học tập.
Phương pháp trao đổi, thảo luận cũng ít được áp dụng do không lựa chọn đựơc thời gian, địa điểm phù hợp... Việc tham gia hoạt động thực tiễn chỉ lôi kéo được những HS - SV năng động, nhanh nhẹn, có năng khiếu. Nhiều HS - SV e ngại, lười hoạt động ít sử dụng phương pháp này. Cũng có nhiều HS - SV có ý thức sử dụng phương pháp học tập, nhưng chủ yếu là tự phát, mà chưa nhận được sự hướng dẫn từ phía thầy cô. Mặt khác, việc đổi mới nội dung, chương trình các môn kiến thức nền cũng làm cho HS - SV lúng túng, chưa tìm ra phương pháp học tập hiệu quả.
- Phương pháp đánh giá kết quả học tập các môn kiến thức nền: Nhìn chung, các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn kiến thức nền của HS - SV vẫn thiên về tự luận. Việc sử dụng phương pháp tự luận thực chất đòi hỏi HS - SV thuộc bài mà không đánh giá được HS - SV có hiểu bài hay không. Hơn nữa, trong thời gian 120 đến 180 phút, làm bài với một khối lượng nội dung nhỏ so với nội dung chương trình không đánh giá được bao quát HS - SV trong việc hiểu rõ và nắm bắt môn học đến đâu. Thực tế khi sử dụng phương pháp này, tình trạng quay cóp, học tủ vẫn diễn ra. Phương pháp thi vấn đáp, viết tiểu luận hiện ít được sử dụng. Bên cạnh đó, phương pháp thi trắc nghiệm cũng đang được áp dụng, nhưng chưa phổ biến. Như vậy, việc sử dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá trong giáo dục YTCT chưa phát huy hết ưu thế của nó.
3.1.3. Những vấn đề đặt ra trong phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục
Hệ thống giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường, nhất là khoa Cơ bản kỹ thuật cơ sở có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học chưa
nhiều. Đây là một thách thức trong việc nâng cao chất lượng dạy lý luận chính trị mà trong những năm tới cần được khắc phục.
Yêu cầu lồng ghép các nội dung giáo dục YTCT trong hoạt động của chi bộ đảng, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể là một thách thức đối với các tổ chức này.
Thư viện nhà trường cần được đầu tư tài chính nhiều hơn nữa để trang bị các tài liệu phục vụ cho công tác dạy và học của giảng viên và HS - SV nhà cũng là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết trong thời gian tới.
Là trường mới thành lập được 08 năm, chưa có thương hiệu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đồng bộ là vấn đề cần phải khắc phục của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Những năm gần đây, mặc dù việc mua sắm, sữa chữa các thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường được tiến hành thường xuyên, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn thiếu so với các trường đào tạo nghề khác ở Hà Nội.