8. Phương pháp nghiên cứu
1.1. Khái niệm công cụ
1.1.1. Khái niệm vai trò
Theo tác giả Phạm Tất Dong - Lê Ngọc Hùng trong cuốn sách Xã hội học (2001) [10]: Vai trò là những đòi hỏi của xã hội đặt ra với các vị thế xã hội. Những đòi hỏi này được xác định căn cứ vào các chuẩn mực xã hội. Các chuẩn mực này thường không giống nhau trong các loại xã hội. Vì vậy, ở các xã hội khác nhau cùng một vị thế xã hội nhưng mô hình hành vi được xã hội mong đợi rất khác nhau. Tức là các vai trò xã hội cũng khác nhau.
Theo Từ điển Xã hội học (1999), nhà xuất bản Le robert và Seuil, Paris [25]: Vai trò bao gồm vai trò kỳ vọng, vai trò khách quan và vai trò chủ quan.
Vai trò kỳ vọng là những mong đợi của người thực hiện vai trò; Vai trò chủ quan là sự đánh giá của người thực hiện vai trò về vai trò của mình; Vai trò khách quan là sự đánh giá của người khác về vai trò của chủ thể thực hiện vai trò.
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng khái niệm vai trò ở hai tài liệu nêu trên để phân tích, luận giải, vận dụng vào nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ vai trò của nhân viên xã hội và đề xuất vai trò chuyên nghiệp của nhân viên CTXH trong hoạt động chăm sóc – trợ giúp NCT.
1.1.2. Khái niệm nhân viên công tác xã hội
Nhân viên xã hội bán chuyên nghiệp có thể hiểu họ là những người tham gia các hoạt động xã hội, đảm nhiệm những vai trò can thiệp - trợ giúp các đối tượng. Tuy nhiên, họ không được đào tạo một cách chính quy, bài bản về chuyên môn nghiệp vụ ngành CTXH, trích quan điểm về nhân viên xã hội của tác giả Nguyễn Tiệp trong tài liệu Nhu cầu sử dụng và đào tạo nhân lực CTXH của Việt Nam ở kỷ yếu Hội thảo phát triển nghề CTXH tại Việt Nam (2009) [37]: Rất nhiều người ở cấp xã được gọi là những nhân viên xã hội cơ
sở. Họ làm việc trực tiếp với các cá nhân, gia đình nhưng họ không được đào tạo hoặc chỉ được đào tạo rất ít thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn.
Những nhân viên xã hội này được coi như là bán chuyên nghiệp trong vai trò của mình, nền tảng kiến thức và kỹ năng của họ vẫn ở dưới mức cần thiết để thừa nhận vai trò chuyên nghiệp. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng quan điểm này để phân tích vai trò của nhân viên xã hội (cán bộ và nhân viên, tình nguyện viên đang tham gia các hoạt động chăm sóc NCT trên địa bàn nghiên cứu), trên cơ sở đó để đề xuất vai trò chuyên nghiệp của nhân viên CTXH trong chăm sóc NCT tại địa bàn nghiên cứu.
Nhân viên công tác xã hội theo quan điểm tác giả Zastrow (1996): Nhân viên CTXH là người được đào tạo công tác xã hội, sử dụng kiến thức hay kỹ năng để cung cấp các dịch vụ xã hội cho các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng, tổ chức, hay xã hội, nhân viên xã hội giúp đỡ con người tăng cường năng lực đối phó và giải quyết vấn đề và giúp đỡ họ tìm kiếm được các nguồn trợ giúp cần thiết, tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các cá nhân và giữa con người với môi trường xung quanh họ, làm cho các tổ chức có trách nhiệm với con người và tác động đến các chính sách xã hội.
Còn theo tác giả Lê Văn Phú (2008) trong tài liệu Nhập môn công tác xã hội thì [23]: Nhân viên công tác xã hội là những người có khả năng phân tích các vấn đề xã hội, biết tổ chức, vận động, giáo dục, biết cách thức hành động nhằm tối ưu hóa sự thực hiện vai trò chủ thể của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào quá trình cải thiện, tăng cường chất lượng sống của cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội.
Trong nghiên cứu này tác giả vận dụng cách hiểu và quan điểm về nhân viên công tác xã hội của hai tác giả nêu trên, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng thực hiện vai trò của nhân viên xã hội, để đề xuất vai trò chuyên nghiệp của nhân viên CTXH trong hoạt động chăm sóc và trợ giúp NCT tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.
1.1.3. Khái niệm chăm sóc
Theo tác giả Hoàng Đình Cầu trong cuốn sách Quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu (1995): Chăm sóc chính là làm thỏa mãn các nhu cầu trong sinh hoạt như: nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, được vui chơi giải trí…), để đảm bảo trạng thái thỏa mãn về thể chất, tinh thần và xã hội của mỗi thành viên trong xã hội.
Trong nghiên cứu này, tác giả sẽ dùng khái niệm chăm sóc của tác giả Hoàng Đình Cầu để luận giải, phân tích về thực trạng hoạt động CSSK, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho NCT tại địa bàn xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội [4].
1.1.4. Khái niệm người cao tuổi
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về NCT. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hiện nay thuật ngữ
“người cao tuổi” được thay thế và sử dụng phổ biến hơn, hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực, thể hiện thái độ tôn trọng, với hàm ý kính trọng do họ là lớp người có uy tín, kinh nghiệm, có tiếng nói và vị thế trong xã hội.
Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể.
Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi (2009), tại điều 2 quy định:
Người cao tuổi là tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên.
Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định NCT là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau.
Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn. Vì vậy, quy định về tuổi của các nước đó cũng khác nhau.
Theo quan điểm của Công tác xã hội [38]: Với đặc thù là một nghề trợ giúp xã hội, công tác xã hội nhìn nhận về NCT như sau: NCT với những thay đổi về tâm sinh lý, lao động - thu nhập, quan hệ xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, vấn đề trong cuộc sống. Do đó, NCT là một đối tượng yếu thế, đối tượng cần sự trợ giúp của công tác xã hội.
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng khái niệm về NCT được quy định tại Điều 2, Chương I, Luật Người cao tuổi (2009): Người cao tuổi là tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên [9], để vận dụng vào đề tài nghiên cứu.
1.1.5. Vai trò công tác xã hội với NCT
Công tác xã hội đối với người cao tuổi là cách tiếp cận giúp đỡ cá nhân người cao tuổi vượt qua khó khăn trong việc duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường, hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng khó có thể duy trì trạng thái cân bằng trong gia đình.
Nhân viên công tác xã hội trong chăm sóc NCT thường thực hiện một số vai trò như Người tạo khả năng, người điều phối, kết nối dịch vụ, người giáo dục, người biện hộ, người tạo môi trường thuận lợi, người đánh giá và giám sát.
Những người làm công tác xã hội đối với người cao tuổi luôn đặt mục tiêu là tăng cường sức mạnh của cá nhân, cung cấp những dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết những vấn đề của bản thân đạt hiệu quả; tạo ra những thay đổi cụ thể trong việc thực hiện chức năng của gia đình nhằm giúp người cao tuổi đảm bảo tốt cuộc sống hằng ngày.