TRONG TH Ế KỶ XVII - XVIII
1.1. B ỐI CẢNH QUỐC TẾ THẾ KỶ XVII – XVIII
1.1.3. Tình hình bang giao qu ốc tế
Bang giao quốc tế mà trước hết là giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước, các khu vực xuất hiện sớm từ thời cổ đại. Vào thời trung cổ, việc buôn bán giữa Đông - Tây được xúc tiến khá mạnh mẽ thông qua "Con đường hương liệu" (hay còn gọi là
"Con đường hồ tiêu") và "Con đường tơ lụa". Đó là hai con đường một thủy, một bộ, đem của cải, báu vật của Á Đông tập trung về miền duyên hải ở Hắc Hải và Hồng Hải để các lái buôn Venise và Genes chuyển hàng sang bán ở các nước châu Âu.
Từ thế kỷ XV, những tiến bộ về kỹ thuật đường biển cho phép những quốc gia hàng hải thực hiện hải trình dài và vượt xa ra đại dương. Vì thế, sau những phát kiến địa lý đầu thế kỷ XVI, thương mại Đông - Tây bước sang giai đoạn mới, mở rộng và mang tính quốc tế. Chính những cuộc phát kiến này mở ra kỷ nguyên đại hàng hải của nhân loại, dẫn giai cấp tư sản châu Âu đi khắp nơi trên thế giới.
Sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp châu Âu thời kỳ này làm nảy sinh nhu cầu tìm kiếm thị trường ngoài châu lục. Châu Á được coi là một thị trường béo bỡ có sức hấp dẫn lớn đối với chủ nghĩa tư bản phương Tây. Con đường hàng hải từ châu Âu theo Đại Tây Dương qua bờ biển châu Phi lại được nối liền với Ấn Độ Dương, mở đường cho sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây sang phương Đông. Mốc mở đầu cho quá trình xâm nhập của người châu Âu vào mạng lưới buôn bán truyền thống của các nước châu Á là khi Bồ Đào Nha đến Ấn Độ vào năm 1498. Sau đó, Bồ Đào Nha đã nối dài được hành lang buôn bán của mình từ Lisbon đến Góa (Ấn Độ, 1510) sang bán đảo Malaysia (Mallaca, 1511), nối liền với Ma Cao (Trung Quốc, 1557), rồi đến Hirado, Deshima,...(Nhật Bản, từ sau năm 1543). Trên con đường hàng hải Mallaca - Ma Cao, thuyền buôn Bồ Đào Nha bắt đầu tiếp xúc với các điểm buôn bán của Đại Việt. Năm 1564, Tây Ban Nha chiếm được Philippine, dùng địa bàn này để thâm nhập thị trường Đông Bắc Á.
Từ nửa sau thế kỷ XVI, khi trở thành một cường quốc hàng hải quốc tế, nhiều đội thương thuyền, nhiều công ty buôn bán của Hà Lan đã đến Indonesia, Ấn Độ để mua hàng hóa. Sau khi chiếm được Batavia từ tay Bồ Đào Nha, Hà Lan đã xây dựng
nơi đây thành một thương điếm để đặt trụ sở của công ty Đông Ấn Hà Lan điều hành hoạt động buôn bán của Hà Lan trong khu vực nhằm tiến tới độc quyền thương mại khu vực Trung Ấn. Nhờ có đội thương thuyền lớn, thế lực kinh tế mạnh, thương mại Hà Lan áp đảo được Bồ Đào Nha và lập được thương điếm ở Tích Lan, Xiêm La, Nhật Bản, Indonesia, ...
Cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan, Anh, Pháp cũng tìm cách đến giao thương với nhiều nước châu Á, châu Phi. Để cạnh tranh, công ty Đông Ấn Anh, công ty Đông Ấn Hà Lan, công ty Đông Ấn Pháp được thành lập,... Các nước Tây Âu thực sự tổ chức cuộc chạy đua kiếm lợi nhuận từ hàng hóa của các nước phương Đông. Cho đến nửa đầu thế kỷ XVII, Hà Lan vẫn còn giữ địa vị độc quyền buôn bán với khu vực Trung Ấn, nhưng từ nửa sau thế thế XVII, người Anh đã vươn lên giành được ưu thế hàng hải từ tay người Hà Lan và mở rộng buôn bán đến các nước phương Đông. Ở Bantam (Ấn Độ), Áo Môn, đảo Đài Loan (Trung Quốc) đều có thương điếm quan trọng của Anh. Pháp cũng tích cực buôn bán ở khu vực châu Á vào thế kỷ XVIII. Trung Quốc, Ấn Độ, Xiêm, Đàng Trong, Đàng Ngoài,... là thị trường buôn bán của thương nhân Pháp.
Thương mại khu vực châu Á phát triển sôi động hẳn lên. Ngoài việc buôn bán với các nước láng giềng truyền thống, vào thế kỷ XVII - XVIII, do chịu ảnh hưởng của luồng thương mại quốc tế, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và cả châu Á đều tiếp xúc và buôn bán với các nước phương Tây ở những mức độ khác nhau. Tình hình bang giao châu Á có những thay đổi bởi những chính sách của đối ngoại của các nhà nước phong kiến.
Nhà Minh - Trung Quốc chủ trương "Hải cấm", hạn chế và kiểm soát ngoại thương, mặc dù vào năm 1567, có nới lỏng hơn chính sách này, cho phép người Hoa vượt biển buôn bán và cấp giấy phép cho thuyền buôn ra nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế quan hệ với Nhật Bản. Từ nửa sau thế kỷ XVI, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc tăng trưởng ở Đông Nam Á. Trong khi đó, quan hệ buôn bán trực tiếp giữa Trung Quốc với Nhật Bản bị khống chế dẫn đến hoạt động buôn lậu dọc ven biển gia tăng. Sau khi nhà Minh bị lật đổ, nhà Thanh trị vì Trung Quốc (1644), trong phong
trào "phản Thanh phục Minh, nhiều người Hoa rời đất Trung Quốc di cư xuống vùng Đông Nam Á. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh giữa nhà Thanh với họ Trịnh (Trịnh Thành Công cầm đầu) ở Đài Loan (1661 - 1683), chính sách cấm vận của nhà Thanh cũng một thời thúc đẩy quan hệ ngoại thương giữa Đài Loan với Đông Nam Á.
Chính quyền Mạc phủ Nhật Bản thực hiện chủ trương "Châu ấn thuyền"
(Shuinsen), cấp giấy phép cho thuyền Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á buôn bán và thu mua hàng của Trung Quốc từ các nước này. Chính sách Châu ấn thuyền (có thể thiết lập khoảng từ năm 1592 - 1596, nhưng chính thức thực hiện từ đầu thế kỷ XVII) đã tạo điều kiện cho thuyền buôn Nhật Bản mở rộng quan hệ giao thương với các nước Đông Nam Á. Đến năm 1635, Mạc phủ ban hành chính sách "Tỏa quốc", hạn chế ngoại thương nhằm chống lại sự cạnh tranh và thâm nhập của nước ngoài, thúc đây sự phát triên kinh tế trong nước, nhưng vân duy trì quan hệ với công ty Đông An Hà Lan và Trung Quốc như những cửa ngõ thông thương với thế giới. Năm 1715, chính quyền Edô đã đặt ra qui định hạn chế số thuyền buôn Trung Hoa đến Nhật Bản.
Chính sách này buộc các Hoa thương phải chuyển hướng hoạt động xuống Đông Nam Á. Đàng Trong trở thành tụ điểm buôn bán của thương thuyền người Hoa từ Trung Quốc và từ các nước Đông Nam Á đến buôn bán.
Những biến động về tình hình bang giao khu vực, đặc biệt do sự thay đổi chính sách kinh tế đối ngoại của hai nước vốn có nền ngoại thương phát triển là Trung Quốc và Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến nền thương mại Đông Nam Á và cả châu Á, trong đó có Đại Việt.
Tại Đông Nam Á, vịnh Xiêm là nơi hội tụ của nhiều đoàn thương gia khu vực và phương Tây, Xiêm trở thành cường quốc thương mại trong khu vực Đông Nam Á.
Sự tham gia của các nước khu vực vào nền thương mại quốc tế làm xuất hiện mạng lưới thương mại hàng hải quốc tế ở khu vực, nó xuất phát hoặc từ Hirado hay Nagasaki của Nhật tới Ma Cao, hoặc từ Nhật Bản xuống phía Nam qua một số cảng thị nằm ở phía bắc vĩ tuyến 10 bắc tới Trung Hoa. Trên con đường này, đoạn giữa
Nhật và các cảng thị do các tàu Nhật phụ trách, còn đoạn từ các cảng thị đến Trung Hoa do các thuyền buôn Trung Hoa đảm nhận.
Ngoài hoạt động thương mại, trong bang giao quốc tế và khu vực thời kỳ này còn có những hoạt động truyền giáo của Giáo hội Thiên Chúa giáo tại nhiều nước châu Á nhằm gây thế lực thần quyền cũng như thế quyền ở những vùng đất mới.
Cùng với việc bành trướng của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI, các giáo sĩ dòng Tên cũng theo chân lái buôn người Bồ đi truyền giáo. Tại những căn cứ của người Bồ đều đã thành lập Giáo hội Công giáo. Giáo sĩ của một số nước khác ở phương Tây theo thuyền buôn vào mở rộng hoạt động truyền giáo ở nhiều nước trong khu vực. Khoảng năm 1635, Giáo hội Đàng Trong của nước Đại Việt được thành lập.
Xúc tiến thương mại Đông - Tây, phát triển giao thương giữa các nước trong khu vực, đẩy mạnh hoạt động truyền giáo là những nét nổi bật của tình hình bang giao quốc tế và khu vực châu Á thế kỷ XVII - XVIII.