Đứng trước nguy cơ Ý dính líu vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Ý có nhiều lập trường khác nhau, nhưng hầu như không ai ủng hộ chiến tranh, đặc biệt là những người yêu nước không bao giờ ủng hộ việc Ý chiến đấu bên cạnh Áo. Đối với Mussolini, ông đòi hỏi một cách mạnh mẽ cái gọi là việc trung lập hoàn toàn.
Những tư tưởng xã hội của ông với đặc trưng chống chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt đã khiến ông đòi hỏi Ý phải trung lập. Tuy nhiên ở Ý, chỉ có người nông dân là những người theo tư tưởng trung lập đúng nghĩa, họ đã từng biết được mục đích của cuộc chiến tranh ở Lybia là vì đất đai nhưng lần này họ không hiểu vì điều gì. Và sau này khi Ý quyết định tham chiến và đứng trong Liên Minh Ba Nước thì chính những người trung lập thực sự này đã chống đối một cách kịch liệt nhất nhưng họ cũng không thể dựng nên được chướng ngại nào cho nỗ lực tham chiến của Liên Minh Ba Nước.
Nhưng rồi Mussolini lại là người duy nhất trong số những người theo chủ nghĩa xã hội cả ở Ý chuyển từ lập trường trung lập sang ủng hộ chiến tranh. Ở Pháp, Bỉ và Đức khi chiến tranh nổ ra, những người theo chủ nghĩa xã hội là những người đã thuyết phục những người chống chủ nghĩa yêu nước phản đối lại việc bắt buộc gia nhập quân đội. Cuộc chiến tranh diễn ra đã khơi dậy sự đoàn kết của giai cấp công nhân nhằm bảo vệ cho quê hương. Trong hoàn cảnh đó, Mussolini tự đẩy mình ra khỏi đa số.
Trong các tháng 7,8,9.1914 trên Avanti! hoặc trên các bài diễn thuyết, Mussolini đã dùng mọi cách để chống lại những tư tưởng trung lập. Có lần Mussolini đã viết “…hỡi vô sản Ý, hãy đứng lên! Đây là thời khắc của sự kiên cường và tinh thần trách nhiệm. Máu, bánh mì và tương lai của các bạn nằm trong cơ hội này”, hoặc “ những người theo chủ nghĩa xã hội Ý không có lý do gì để thay đổi sự đồng cảm cho những nguyên nhân dẫn đến Hiệp Ước Ba Nước…” [20,
Tr.103]. Những phát biểu trên giúp Đảng Xã Hội Ý định hình được cái nhìn chính xác hơn về Mussolini.
Vào khoảng đầu tháng 10.1914, có một lời đồn đại về Mussolini rằng ông đang dao động, rằng lập trường trung lập của ông không hề vững chãi như những gì mà ông tuyên bố, Mussolini ghét Áo, ông có cảm tình với Pháp hơn. Có hai con người trong Mussolini, một là người phát ngôn chính thức của Đảng và một là cá thể, con người của riêng Mussolini, cả hai tuy chung nhau một cơ thể nhưng không hề hiểu nhau. Báo chí cập nhật hết tất cả những gì liên quan đến hai con người này trong Mussolini, nhưng Mussolini không thừa nhận, ông cho rằng cuộc chiến tranh chống lại Áo là điều tất yếu và còn là nhiệm vụ mà văn minh Ý để lại cho giai cấp vô sản [ 35].
Ngày 15.10.1914, Mussolini viết một bài báo có thể nói là thuộc vào loại dài nhất trong số những bài viết của ông, nhưng sai lầm lớn nhất là thay vì ông chỉ phát ngôn cho chính ông, quan điểm của riêng ông thì Mussolini lại nhân danh Đảng, không hề hỏi ý kiến bất kỳ một ai. Bài báo có tên From Asolute to Active and working Neutrality, tạm dịch là Sự trung lập từ hoàn toàn đến năng động và hoạt bát. Nó đã làm ngỡ ngàng tất cả mọi người. Trong bài báo này ông nhấn mạnh lập trường trung lập là tiêu cực. Ông nhắc nhiều đến Áo – Hung, ông nói, cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Áo – Hung có thể giải phóng Italia mãi mãi và có thể giúp quốc gia đòi lại những vùng đất đã bị mất dưới thời thống trị của Áo. Ông cho rằng tư tưởng trung lập là một công thức nguy hiểm và không linh hoạt.
Mussolini phải chịu trách nhiệm cho bài báo đó. Trong cuộc họp gồm những người có chỗ đứng cao trong Đảng tại Bologna vào khoảng giữa tháng 10, Mussolini đã phải hứng chịu sự chỉ trích, tố cáo kịch liệt. Cuối cùng ông bị buộc phải thôi chức giám đốc tờ Avanti! Và Mussolini ra đi tay trắng, từ chối sự giúp đỡ của Đảng. Tuy nhiên, mọi sự cảm thông cho ông trong thời điểm này là vô bổ.
Không đầy ba tuần sau cuộc họp tại Bologna, ngày 15.11, bài báo đầu tiên của tờ Il Popolo d’Italia do chính Mussolini lập ra đã được xuất bản. Mọi người đọc được
những dòng sau “ ngày nay, tuyên truyền chống chiến tranh là hèn nhát … một từ đáng sợ và tuyệt vời: Chiến tranh” [24, tr. 89].
Trong cuộc họp của nhóm những người theo chủ nghĩa xã hội Milan được tổ chức vào ngày 24.11, mọi người đã đòi tẩy chay tờ báo của Mussolini. Khi Mussolini đến cùng với một số người cùng phe cánh thì đã bị cuộc họp gọi là kẻ phản bội. Tuy nhiên, ông vẫn cố nói trong sự phản đối của đám đông “ … bây giờ, các người ghét tôi vì các người còn yêu mến tôi, mười hai năm trong Đảng là một sự đảm bảo vững chắc cho niềm tin vào chủ nghĩa xã hội của tôi, chủ nghĩa xã hội đã ăn sâu gốc rễ vào trong tôi” [20, Tr. 112].
Tuy nhiên, đây chưa phải bước đường cùng của Mussolini, ông trở về văn phòng báo của mình, điên cuồng viết những bài châm biếm, văng những lời rác rưởi vào những người chống lại ông, kể cả những người đã từng nâng bước ông trong bước đầu hoạt động chính trị trong Đảng, đó là Giacinto Menotti Serrati và Angelica Balabanoff. Còn tờ Avanti! lại buộc tội ông là kẻ điên, vô trách nhiệm, mất đạo đức.
Ở đây có một nghi vấn nổi lên về vấn đề ai đã tài trợ cho Mussolini lập nên tờ báo riêng. Có những ý kiến cho rằng kinh phí từ Pháp. Mussolini đã trả lời gọn ghẽ rằng tất cả kinh phí đều “trong sạch” [38]. Trong cuốn Mussolini Diplomatico được xuất bản vào năm 1925, Salvamini đã đưa ra những tài liệu đã được phân tích và cho thấy những bằng chứng về những nguồn gốc Pháp trong vấn đề tài chính của tờ báo mới của Mussolini. Vậy nhưng, vào năm 1914, bản thân Mussolini đã có gì đáng giá để Pháp quyết định bỏ tiền cho ông?
Cuối cùng thì người ta cũng biết tờ báo đó có sự viện trợ từ đâu, nguồn tài trợ đầu tiên là của một người Ý, và Mussolini trong những ngày đầu thành lập tờ báo đã nhận được sự hỗ trợ của một nhà báo ở Bologna, người này là đặc phái viên của bộ trưởng bộ ngoại giao Ý, người theo chủ trương ủng hộ Ý tham chiến. Sau này, khi thấy được cái lợi từ tờ báo này, Pháp đã đầu tư cho tờ báo của Mussolini.
Nhưng người ta cũng phỏng đoán rằng tờ báo phải được dự tính từ rất sớm trước khi Mussolini bị khai trừ khỏi Đảng vì không thể trong vòng ba tuần có thể
lập được một tờ báo. Vậy có thể nó được trù tính từ khoảng tháng chín năm 1914.
Lúc bấy giờ hướng hành động của Ý có vẻ chưa rõ ràng. Lúc đó việc tham chiến trong Liên Minh Ba Nước dường như là không thể, và ngay cả bản thân liên minh này cũng chưa bị lên án và chủ trương trung lập trong nước vẫn còn rất mạnh mẽ.
Như vậy việc “mua” Mussolini hoàn toàn có lợi: tạo ra một đối trọng với Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa trong lúc đang bị xáo trộn về tổ chức, hơn nữa người ta biết Mussolini là người có khả năng kích động người khác, kiểm soát quần chúng, vậy nó là một công cụ hiệu quả để phục vụ cho những mục tiêu chính trị của phe đối lập.
Vào khoảng mùa thu năm 1914, chiến tranh bắt đầu lan rộng trên toàn Ý và những người chuộng hòa bình nổi lên tình cảm yêu nước, đặc biệt trước nguy cơ nếu Ý tham chiến thì nó sẽ đứng cùng chiến tuyến với Áo và Đức, lúc này đây điều mà họ mong muốn là sự thắng lợi của cuộc cách mạng của giai cấp vô sản hơn là cuộc chiến tranh đầy hào nhoáng đã bắt đầu.
Đứng trước nguy cơ Ý tham chiến, Mussolini đã đấu tranh đến cùng cho chủ trương can thiệp của mình. Ông không nhận thấy hoặc từ chối thấy rằng Ý vẫn đang còn chịu nhiều hậu quả từ cuộc chiến tranh ở Lybia, đặc biệt là nền kinh tế quốc gia bị đánh thuế nặng nề, đó cũng là do Ý đã không có sự chuẩn bị kỹ càng về quân đội, vì thế lúc này Ý nên đứng ngoài cuộc chiến để kiến thiết lại đất nước chứ không phải tham gia vào cuộc chiến này. Vì vậy, Mussolini và một số người tập hợp xung quanh ông đã đòi hỏi rằng nên tiến hành chiến tranh để hủy bỏ hoàn toàn cảnh nô lệ của nhiều giai cấp trong xã hội, những người bị bắt làm việc vì lợi ích của số ít trong xã hội.
Sở dĩ bên cạnh Mussolini có những người chủ nghĩa xã hội, thậm chí những người theo chủ nghĩa nghiệp đoàn vì nhóm người này bị ảnh hưởng bởi những luồng ý kiến khác nhau: nhà vua đã được lớn lên như là một người lính và rất nóng lòng làm cho danh dự của mình được lên cao cũng như danh dự của quốc gia, Phó thủ tướng Salandra cũng mắc một sai lầm tương tự khi đánh giá tình hình cũng như Mussolini đã từng làm trong năm 1940, thời kỳ Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai,
rằng chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc cho nên Ý chỉ có cơ hội duy nhất hoặc là bỏ lỡ hoặc là sẽ có cơ hội chia chác lợi lộc từ cuộc chiến tranh. Những người theo chủ nghĩa dân tộc còn nhớ như in rằng Dante đã ca ngợi như thế nào về lãnh thổ bao la của nước Ý, nhưng trong hoàn cảnh thực tế trong năm 1915, một số lớn lãnh thổ của nó ở phía nam và tây đang còn nằm trong tay Áo. Tất nhiên những người theo chủ nghĩa lý tưởng có thể nhìn thấy một con đường khả thi của việc hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước hay là để bị chuyển dịch bởi cơn thịnh nộ của Đức và cuộc xâm nhập của nó vào Bỉ. Tất cả những luồng tư tưởng này dù có đưa ra những lý lẽ khác nhau thì họ đều mong chờ chiến tranh và một điểm chung của họ là lòng yêu nước của họ bị đặt sai chỗ. Mussolini, trong bài viết kỷ niệm lần thứ ba chiến tranh diễn ra ở châu Âu đã nói “ trung lập là tự sát, trong khi sự can thiệp đầy hào hiệp ngoài kia đang mang đến cho Ý một cơ hội được tham gia vào những nước quý tộc của thế giới” [35].
Khoảng cuối tháng 4.1915, cả hai phe đối lập vẫn đang ve vãn Ý. Áo nhận ra rằng tình cảm dành cho Pháp ở Ý ngày càng trở nên mạnh mẽ và như thế khả năng Ý tham chiến trong hàng ngũ của phe Liên Minh là rất cao và thế là nó đã chủ động thương lượng với Ý đổi đất lấy sự trung lập của Ý. Nhưng những người theo chủ nghĩa can thiệp đã từ chối không ký bất kỳ một hiệp ước nào. Khi Giolitti già nua, người lãnh đạo vẫn đang còn có sức ảnh hưởng chính trị lớn ở Ý chủ trương thương lượng để giữ nền trung lập thì Mussolini đã chỉ trích ông trên tờ Il Popolo.
Phe Liên Minh sẵn sàng cung cấp cho Ý nhiều hơn Áo đã hứa nếu Ý tham chiến và đứng trong phe mình, phó thủ tướng Salandra đã tin rằng cuộc chiến tranh này sẽ nhanh chóng kết thúc nên rất nóng lòng đưa Ý về với phe Liên Minh. Ngày 26.4, Ý và phe Liên Minh đã ký bản hiệp ước bí mật tại London, nó đã không được trình lên quốc hội. Ngày 3.5, chính phủ Ý đã lên án phe Liên Minh vì nó bị bắt ép phải hành động quá gấp gáp, chỉ tham chiến trong vòng một tháng. Trước tình hình đó, chính phủ Ý phải nghĩ ra một điều kỳ diệu nào đó có thể thuyết phục đa số quần chúng nhân dân chấp nhận tham chiến, đó không phải là Mussolini hay một người
theo chủ nghĩa can thiệp nào khác. Đó lại là Gabriel d’Annunzio, nhà thơ – nhà văn, là người được giới trí thức yêu thích và đã có vài năm sống ở Pháp.
Trong các tác phẩm của ông người ta nhận thấy rằng tư tưởng của ông ảnh hưởng bởi Đức rất nhiều, đặc biệt ông rất thích Nietzsche. Ông có một cuộc sống khá vương giả. Giống như Mussolini, Gabriel là người rất nhạy cảm và thích tình ái.
Nhưng không giống như Mussolini, ông ít khi thể hiện quá chi tiết về các cuộc tình của mình trong các tự truyện của mình. Và giữa hai con người này lại có một điểm giống nhau nữa là thích ngôn từ, thích nói nhưng hầu như là những lời vô nghĩa.
Chưa hết, cả hai nhân vật này đều đóng vai rất tốt, không khác các diễn viên chuyên nghiệp.
Đối với cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Gabriele xem nó như là cuộc viễn chinh thần thánh. Vào ngày 5.5.1915, Gabriele xuất hiện trong một sự kiện được tổ chức ở Quarto, gần Gernoa trong buổi lễ khánh thành bức tượng của Garibaldi và đội quân của ông. Trong bài diễn thuyết, ông đã hết lời kêu gọi ủng hộ tham chiến với tất cả những từ ngữ, tác phẩm văn chương nhiệt huyết nhất. Bài nói này đã thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp bán đảo Ý và cũng là dấu chấm hết cho chủ nghĩa trung lập tại Ý.
Mặt trái của vấn đề này là những người theo chủ nghĩa can thiệp ở Ý cảm thấy mình bị chơi khăm, bị lãng quên rằng chỉ bằng một bài phát biểu của một nhà thơ mà bao nhiêu công sức họ bỏ ra để kêu gọi chiến tranh đến giờ phút này gần như bị lãng quên. Mussolini là một trong số những người mang tâm trạng này. Thế là ông lên báo, viết nhiều về Gabriele nhưng không đề cập tên cụ thể, cả hai tranh công, Gabrienle cho rằng Ý có được quyết tâm tham chiến là nhờ vào những lời vàng ngọc của ông còn Mussolini, trong vài năm sau, năm 1917 vẫn đòi hỏi rằng đối với sự chuyển biến to lớn này của nước Ý thì ông là người có công đầu.
Dù cho có tranh cãi gì đi nữa thì Gabriele vẫn nổi tiếng và được yêu thích bởi những tác phẩm văn thơ của ông, một minh chứng rõ ràng nhất về trình độ tri thức cao đã được khẳng định của ông, sự hiện diện của ông ở bất cứ nơi đâu có mặt Mussolini đều làm Mussolini khó chịu. Tuy vậy, Mussolini đã hấp thụ được khá
nhiều từ văn phong của Gabriele hơn bất kỳ người trí thức nào. Sau này, dù là trực tiếp hay không trực tiếp, nhận thức được hay không nhận thức được thì Mussolini vẫn bắt chước, thậm chí sao chép văn phong của Gabriele trong các bài nói cũng như bài viết của mình.
Khi Italia tham chiến, Mussolini đã không tình nguyện tham gia vào quân đội.
Nhiều năm sau, khi đã trở thành người lãnh đạo của Ý, những dữ liệu trong Enciclopedia Italiana vàWho’s Who, ông tuyên bố rằng đã nhập ngũ và trong các tự truyện của mình ông cũng nhắc đi nhắc lại điều này, đây là cách để tạo nên một huyền thoại Mussolini và một anh hùng thời chiến. Sự thật thì trong những tháng đầu tiên của chiến tranh, tờ Avanti! và nhiều tờ báo khác đã buộc tội ông không nhập ngũ, không những sợ Áo mà còn sợ cả những người xã hội chủ nghĩa Ý trả thù vì tội phản bội tổ quốc. Để trả lời cho những lời buộc tội này, Mussolini chống chế rằng đã cố gắng nhập ngũ nhưng bị từ chối vì tầng lớp của ông, ông còn nói đó là luật của quân đội. Những lời biện hộ đó cho thấy Mussolini là người chỉ thích đấu tranh trên bàn giấy và bút viết chứ không thích súng ống, đạn dược. Đây lại là một bằng chứng rõ ràng cho tính yếm thế của Mussolini, luôn từ chối hành động khi thời cơ đến.
Thời kỳ này ở Ý không phải ai cũng hành xử như Mussolini, tất cả những người trẻ trong tuổi tác và tinh thần đều tham gia quân ngũ dù cho có làm sai luật quân đội về điều kiện tham gia. D’Annunzio cũng là một trong những người tình nguyện nhập ngũ và trong chiến đấu đã trở thành một hình tượng đẹp của một người lính với tinh thần chiến đấu anh dũng xuất sắc.
Đến cuối tháng 8.1915, quân đội gọi Mussolini vào quân ngũ. Giai đoạn này ông bắt đầu xuất hiện trong đồng phục quân đội và mũ có gắn lông vũ của Beraglieri – lính thiện xạ Ý. Ông rời Milan vào ngày 2.9, khoảng nửa tháng sau ông trải qua đêm đầu tiên trong quân ngũ trên chiến hào. Thời gian phục vụ bắt buộc trong quân ngũ của ông là 17 tháng, nhưng tính đến thời điểm bị thương, ông chỉ trên mặt trận chỉ một phần ba trong tổng thời gian trên. Ông là một người lính tận tâm nhưng chẳng bao giờ làm được một chiến tích đáng kể.