Vào ngày 3.10.1922, tình hình chính trị ở Ý trở nên cực kỳ nguy hiểm, nếu chính phủ cứ duy trì thái độ cũ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Những ngày này, trên tờ báo của Mussolini có các bài về sự thiết lập lực lượng Dân Quân của phe phát xít. Có thể xem đây là quân đội phát xít bên cạnh quân đội chính quy của Ý. Hành động trên hoàn toàn trái với pháp luật và không hợp hiến. Ấy vậy mà chính phủ Ý không hề phản ứng gì.
Sai lầm chết người của Giolitti là đã tìm kiếm một liên minh với những người phát xít. Luigi Facta, thủ tướng Ý lúc bấy giờ, là một người sống chân thật nhưng yếu kém về năng lực chính trị; bản tính tốt, dốc hết mình cho vị vua và đất nước, nhưng lại thiếu nhạy bén và kiên quyết. Bởi vậy, đứng trước việc thành lập quân đội phát xít, hành động đầy kiêu ngạo và thách thức, ông đã không làm gì cả. Dường như sự ra đời của lực lượng Dân Quân Phát Xít chẳng ý nghĩa gì đối với Luigi Facta. Ông thơ ngây giải thích rằng chẳng có mối nguy hiểm nào từ lực lượng đó cả vì họ đã tuyên thệ trung thành với sự nghiệp phục vụ nước Ý.
Luigi Facta bắt đầu nhậm chức vào tháng 2.1922. Ông thắng thế trước Ivanoe Bonomi, người theo chủ trương cải cách cũ, từng bị đuổi ra khỏi đảng chủ nghĩa xã hội bởi Mussolini vào năm 1912.
Bonomi cũng đã từng thắng thế trước Giolitti, người đã từ chức trong mùa hè trước, sau cuộc bầu cử quốc hội vì không còn nhận được sự ủng hộ đa số như trước kia, khối Quốc Gia của ông cũng bị chia rẽ và hòa vào các nhóm không liên kết.
Ba tuần sau, vào ngày 24.10, một hội nghị cực lớn được tổ chức ở Naples.
Thực ra, sự kiện này được tổ chức để phô trương lực lượng Dân Quân Phát Xít, đây là sự kiện ra mắt chính thức đầu tiên sau khi lực lượng này được thành lập. Trong sự kiện này, Mussolini, đang là người được ủy quyền của quốc hội Ý, trình bày lại những yêu cầu mà nhiều lần trước đó ông đã nêu ra. Ông nói chủ nghĩa phát xít Ý cần trở thành một nhà nước, Đảng Phát Xít sẵn sàng bước vào chính phủ. Mặc dù
bài phát biểu của ông luôn nhắc đến quyền lực nhưng lại không đả động gì đến con đường hợp hiến để đạt được điều đó.
Ông diễn thuyết vào buổi sáng, buổi trưa tiến hành duyệt 6000 quân phát xít, đây là số quân đã được tập hợp tại Naples và xuất hiện trong tư thế một đội quân hoàn chỉnh. Mussolini thề trước những người này: “… tôi xin nói với các anh với sự nghiêm trang nhất rằng tình thế này đòi hỏi hoặc là chính phủ phải được trao cho chúng ta hoặc là chúng ta sẽ đoạt lấy nó…Đó là yêu cầu cấp bách đối với chúng ta từng ngày, từng giờ”[29, Tr. 189]. Tiếng hô to “vì Rome, vì Rome” ngay sau đó cho thấy Mussolini được ủng hộ hết mình.
Khuya hôm đó, Mussolini đã có cuộc họp bí mật với các tướng lĩnh. Quyết định lớn đã được đưa ra, một cuộc đảo chính sẽ được tiến hành, thời gian ấn định là 28.10.1922. Trong vài tuần trước đó, Mussolini đã thường xuyên nói về cuộc đảo chính ở Rome nhưng chỉ tám ngày trước thời điểm quyết định, ngày 16.10, ông đã chính thức đề nghị nó. Vài người lãnh đạo phe phát xít, những người đã kinh qua trận mạc cho rằng cần 8 tháng để chuẩn bị cho sự kiện này nhưng Mussolini thì khẳng định cần phải khẩn trương, đối với ông yếu tố bất ngờ phải được đặt lên hàng đầu. Được ủng hộ bởi những thành phần kém kiên nhẫn trong Đảng, sự nóng vội và tham vọng của Mussolini đã thắng thế.
Tại Naples thời cơ đã đến. Một quyết định được đưa ra: cuộc tổng động viên lực lượng Dân Quân Phát Xít sẽ bí mật sẽ được tiến hành ngay khi những đội quân phát xít đang tập trung ở Naples trở về nhà. Lệnh tổng động viên do chính Mussolini viết, được công bố vào đêm 27.10. Sau khi quyết định được đưa ra, Mussolini trao toàn quyền lại cho một nhóm 4 người, sau đó ông mất tăm cho đến sáng ngày 30.10.
Thành phần của bộ tứ bao gồm: Michele Bianchi, tổng thư ký của Đảng Phát Xít, người gần gũi nhất với Mussolini trong sự nghiệp và các quan điểm chính trị, hợp tác với Mussolini trong thời gian lâu nhất. Thứ hai là tướng Emilio de Bono, người lớn tuổi nhất trong bộ bốn này, bấy giờ ông được 82 tuổi, là người có tiếng trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến, ông đảm nhiệm khâu tổ chức quân đội dựa trên
những kinh nghiệm trong quân ngũ của mình và chịu trách nhiệm liên hệ với những tướng lĩnh trong quân đội quốc gia nhờ vào mối quan hệ rộng rãi được xây dựng trong thời kỳ trước đó. Thứ ba, Đại úy Cesare Maria de Vecchi, người trẻ hơn một tuổi so với Mussolini và Bianchi, là một chủ đất ở Piedmont, một người theo chủ nghĩa bảo hoàng và đồng thời là một luật sư. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất Vecchi là người tổ chức hoạt động phát xít ở Piedmont. Người cuối cùng, trẻ nhất trong nhóm, 26 tuổi, Italo Balbo. Mussolini rất tin tưởng vào Balbo trong vấn đề chiến lược.
Theo đề nghị của bộ tứ thì Mussolini rời Naples đến Milan vào ngày 25 tháng 10. Mussolini đến Milan vào buổi sáng ngày 26.10 và tiếp tục các cuộc đàm phán với chính quyền về một chính phủ liên minh. Bài phát biểu của ông tại Naples đã gây ra một tình trạng đáng báo động nhưng chính phủ vẫn bình chân. Thái độ của Mussolini trong những bài phát biểu trong ngày tiếp theo cho thấy rằng ông không mặn mà chút nào đối với cuộc đảo chính ở Rome chút nào. Ông vẫn cân nhắc về việc hoãn nó lại hoặc ngưng luôn. Ông đã sẵn sàng một chiếc xe để có thể chạy trốn đến biên giới Thụy Sỹ.
Ông không thể nhưng vẫn cảm nhận sự không chắc chắn của tình hình.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người phe phát xít đẩy chuyến phiêu lưu của mình đến kết cuộc cuối cùng và cố giành lấy thủ đô. Sự khó khăn trong việc vận chuyển một số lượng lớn quân phát xít đến Rome là vô cùng. Không phải tất cả những người phe phát xít đều có thể tham gia vào cuộc đảo chính ở Rome. Nếu chính phủ quyết định tiến hành bảo vệ thành phố, nếu quân đội tuân thủ quân lệnh và quyết đánh trả đội quân phát xít thì cuộc tấn công Rome có thể sẽ thất bại. Nhưng đây chỉ là những giả thiết.
Sự thật là trong ngày 26.10, việc Mussolini đòi đàm phán về một giải pháp hòa bình đã chứng minh lập trường của ông. Ông đẩy cuộc đàm phán đến một bước quá gấp cho đến ngày 29.10. Trong bốn ngày đó điện tín và thư từ dồn dập, các cuộc gọi đường dài liên tục diễn ra và được ghi âm lại. Hầu hết những tài liệu này
được xuất bản sau khi chế độ của Mussolini sụp đổ và đó cũng là nguồn thông tin quý giá để có thể tái hiện lại về sự kiện cuộc đảo chính vào tháng 10.
Ngày 26.10 được giới phát xít biết rất rõ rằng là ngày được ấn định để tiến hành cuộc đảo chính. Tuy nhiên, sự chệch choạc trong hoạt động đã xảy ra, nguyên nhân từ phía lãnh đạo. Trong ngày đó, văn phòng của tờ Il Popolo d’Italia ở Naples gọi cho văn phòng biên tập ở Milan sốt sắng hỏi về ngày giờ tiến hành sự kiện này thì được trả lời rằng chưa có chỉ thị chính thức, thậm chí Mussolini còn không có ở văn phòng.
Đúng thật là Mussolini đã đi nhà hát vào tối hôm đó. Ông còn đi hơn một nhà hát. Nhiều báo cáo nói rằng ông đi với vợ và con gái, có thông tin là ông đi với Margherita Sarfatti và con gái của bà ấy. Về lý do tại sao Mussolini quyết định xuất hiện ở nơi đông người như thế vào đêm ấy thì có rất nhiều cách giải thích. Có ý kiến cho rằng ông muốn mượn hình ảnh thư thái đi giải trí của mình để cho mọi người thấy lời đồn đại về cuộc đảo chính ở Rome là hoàn toàn không có căn cứ. Những người tin vào bản chất hay lung lay của Mussolini thì cho rằng bằng cách tránh liên lạc với văn phòng của ông ấy thì ông ấy mới tránh được cấp dưới làm phiền và như thế mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng được. Trong khi đó, nội các chính phủ trở nên rất lo lắng, họ giao phó tình huống này cho vị thủ tướng, Facta, tùy thuộc vào ông quyết định việc nội các có nên nhượng bộ hay không.
Trong buổi tối ngày 26.10, trong khi Mussolini đang ở nhà hát, Michele Bianchi tại Rome tuyên bố trên báo “ giải pháp khả quan nhất của cơn khủng hoảng này là giao phó lại nội các chính phủ cho Mussolini. Ai sẽ là người làm chuyện lập nội các mới? Chính chúng tôi. Hôm trước có thể có những thương lượng về một chính phủ liên minh. Nhưng hôm nay tình thế đã thay đổi hoàn toàn…” [6, Tr.196].
Trong trường hợp Mussolini làm thủ tướng thì chủ nghĩa phát xít sẽ trở thành lực lượng lãnh đạo, đó là những gì mà Bianchi đã theo đuổi từ trước. Biết rằng Mussolini có thể sẵn sàng thương lượng nên Bianchi luôn để mắt đến tình hình ở Milan. Cũng đêm hôm đó, sau khi gọi cho Il Popolo tham khảo ý kiến, Bianchi đã nói chuyện thẳng thắn với Mussolini. Những lo lắng của ông về Mussolini quả thật
không thừa. Bianchi đã biết tại sao Mussolini lại chần chừ, không có gì quá lạ lẫm cả, Mussolini đang bị những lời hứa từ phía chính phủ làm tê liệt hành động. Sự thật là Lusignoli; thượng nghị sỹ, cảnh sát trưởng của Milan, người làm vai trò trung gian giữa Mussolini và Giolitti; hứa với Mussolini rằng ông ta có thể tranh thủ được bốn chức bộ trưởng quan trọng và bốn chức trợ lý bộ trưởng từ Giolitti. Dù cho Bianchi cố sức thuyết phục rằng vấn đề vần kíp bấy giờ là phải hành động theo kế hoạch đã đặt ra, không nên trông đợi gì vào những lời hứa kia, Mussolini vẫn ra lệnh chờ đợi.
Vài giờ đồng hồ sau đó, Salandra gọi cho Mussolini từ Rome. Nhìn thấy cuộc khủng hoảng nội các, ông muốn Mussolini đến Rome ngay lập tức. Nhưng Mussolini sẽ không làm vậy trong bất cứ trường hợp nào. Ông cảm thấy an toàn hơn và thoải mái hơn khi ở trong văn phòng của mình ở Milan.
Cuộc tổng động viên của phe phát xít bắt đầu. Nhiều tỉnh báo cáo về Rome rằng những người phát xít đang trưng thu xe và vũ khí, cướp ngục, cắt dây điện thoại và tấn công vào các tòa nhà công cộng, nhà ga xe lửa và các kho của quân đội.
Họ đang đến những điểm tập trung bằng xe lửa và xe tải. Theo như kế hoạch thì bộ tứ sẽ lập đầu não chỉ huy ở Perugia và thi hành nhiệm vụ chỉ huy có sự bàn bạc hội ý với Mussolini, nhưng nó đã mất kiểm soát bởi tất cả những sự cố vừa xảy ra.
Trong suốt những ngày xảy ra khủng hoảng. Perugia bị cắt đứt liên lạc với những bộ phận chính của phe phát xít.
Là thành viên của bộ tứ, Bianchi dành nhiều thời gian ở Rome, là một thư ký của đảng Phát xít, ông làm nhiệm vụ nắm bắt tình hình và đại diện cho tiếng nói của phe phát xít. De Vecchi làm nhiệm vụ cố gắng gây ảnh hưởng đến triều đình hoàng gia và Đảng Dân Tộc. Còn Balbo di chuyển giữa Perugia, Florence và Rome trong nỗ lực thu thập thông tin và liên lạc giữa các nhóm cố định và những người phát xít đang được động viên.
Trong một bản báo cáo đến từ Enrico Corradini, nhà lãnh đạo Đảng Dân Tộc, gửi cho Giolitti có đoạn : “ …một hành động đã bắt đầu đối với những người áo Áo Đen, những người theo nguồn thông tin rời rạc đang dự định sử dụng áp lực mạnh
nhằm đạt được sự hình thành một chính phủ của phe phát xít. Sự thật có vẻ là Mussolini đã thể hiện những tín hiệu của việc ngả theo con người quá khích của ông. Trong khi đó, đức vua đã đến Rome…”[1, Tr.301]. Nhà vua đến Rome vào tối ngày 27.10, được gọi trở lại từ cung điện mùa hè bởi thủ tướng Facta, người cuối cùng đã nhận thức được sức nặng của tình hình lúc bấy giờ. Tối đó, hai nhân vật đứng đầu Ý bàn bạc rất khuya.
Cũng trong buổi tối ngày 27.10, Mussolini lại một lần nữa đến nhà hát. Sau đó ông về lại văn phòng, nghe tin mới nhất, làm việc muộn và trở lại vào 6 giờ sáng.
Đó là một buổi sáng định mệnh, ngày 28.10, ngày của cuộc đảo chính ở Rome. Lối vào trụ sở Il Popolo d’Italia bị ngăn lại, 70 người thuộc phe phát xít sẵn sàng bảo vệ tòa nhà (văn phòng của tờ báo lúc này không còn ở Via Paolo da Canobbio, kể từ thời điểm vận may của chủ nghĩa phát xít thay đổi, nó chuyển vào một tòa nhà mới).
Buổi sáng hôm đó, Mussolini đã hơn hai lần đến Prefettura để thảo luận với Prefect Lusignoli, người đại diện cho Giolliti, ông còn tham gia vào cuộc chạm trán nhỏ trên đường phố trước văn phòng tờ báo và dành nhiều thời gian nói chuyện điện thoại.
Mussolini nhận được tin không hay. Những người đứng đầu nội các chính phủ phản ứng lại trước cuộc tổng động viên của lực lượng phát xít bằng cách tuyên bố quyết định bao vây, và trước 8 giờ 30 tuyên bố này được dán trên các bức tường của Rome và được chuyển đến các tỉnh qua điện thoại. Lực lượng quân đội mọi nơi bắt đầu kiểm soát các cơ quan dân sự, tình hình cho thấy có thể quân đội sẽ nhận được lệnh để kháng cự lại các đội quân phát xít. Trong thực tế, quân đội đã bắt đầu phá hỏng các tuyến đường di chuyển của quân phát xít và ngăn chặn các bước hành động của cuộc đảo chính.
Bộ tứ vẫn bị cô lập ở Perugia, vai trò chỉ huy của nó bị tê liệt. Nhiều toán quân Áo Đen hành động theo người chỉ huy của họ, cứ lần hồi theo kế hoạch vốn mơ hồ được vạch ra trước đó, không hề chắc chắn về các bước đi của mình. Họ được trang bị kém, thiếu thức ăn, nước uống, mọi thứ cơ bản cho cuộc đảo chính này.
Vào lúc 10 giờ sáng, Mussolini nhận được một cuộc gọi từ người ủy quyền của Đảng Dân Tộc, Luigi Federzoni ở Rome. Ông nói “ … nếu tình hình này còn tiếp diễn thì nhà vua sẽ rời bỏ ngai vàng. Chúng tôi không thấy ai có thể đại diện cho quân Áo Đen, người mà chúng tôi có thể thảo luận. De Vecchi chưa đến Perugia. De Bono khẳng định với tôi rằng sẽ cho ông biết tất cả những đang diễn ra, và ông ấy xin ông hãy đến Rome ngay” [ 5, Tr.199-200]. Mussolini trả lời: “ tôi không thể, vì ở Milan mọi thứ đang được tiến hành. Chúng tôi phải chờ lệnh từ trung tâm chỉ huy…” [5, Tr.200].Thật khó để nói Mussolini có tùy cơ ứng biến không, trong khi bộ tứ cần ông nhưng ông lại mất định hướng, định thoái thác cho họ.
Trong quãng thời gian Mussolini và Federzoni đang nói chuyện bằng điện thoại, thủ tướng Facta đến Quirinal xin chữ ký cho sắc lệnh tiến hành bao vây của quân đội chính phủ. Nhưng điều mà ông nhận được là sự từ chối của nhà vua. Trong lúc Facta và các tướng lĩnh quân đội thể hiện sự kiên quyết của mình thì nhà vua vẫn không chịu ký, ông sợ nội chiến xảy ra. Điều này hoàn toàn làm Facta bị động vì chỉ ngay trong đêm trước đó nhà vua đã đồng ý với đề nghị bao vây của ông. Giờ đây Facta bị buộc phải rút lại sắc lệnh trên và đối mặt với sự chỉ trích trong nước.
Điện tín được gửi đi để hủy sắc lệnh và cả nước Ý rơi vào sự hỗn loạn. Mọi thứ đều đảo lộn, từ trung ương đến địa phương, quân đội đến dân thường, thậm chí bộ tứ của phe này đều không thể chắc rằng có hay không việc rút lệnh bao vây của chính phủ, nói gì đến các nhóm phát xít địa phương. Lúc này thời tiết còn làm cho tình trạng rối ren ở Ý thêm phần bi kịch bằng cơn mưa tầm tã trên toàn Ý. Các đội quân phát xít không hề được che mưa phải chờ bên ngoài Rome để chờ lệnh. Trong sự náo loạn, những đội quân đảo chính vẫn trông chờ vào Mussolini.
Nhà vua và chính phủ, nắm bắt thông tin kém, đánh giá quá cao số lượng và sức mạnh của phe Áo Đen nhưng không hề biết rằng một số người trong phe này đã trở về nhà vì trời mưa và đói lả. Với tình trạng thiếu phương tiện chiến tranh trầm trọng của phe phát xít, quân đội có thể dễ dàng đánh bại được nhưng điều này được nhận thức muộn.