Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.4.2. Đặc điểm rối nhiễu trầm cảm
Các triệu chứng của trầm cảm theo phân loại DSM-IV-TR (APA) [98].
Các triệu chứng chủ yếu của trầm cảm:
- Khí sắc trầm.
- Mất quan tâm và thích thú.
- Mất sinh lực, dễ mệt mỏi.
- Giảm khả năng tập trung và chú ý.
- Giảm sự tự tin và quí trọng bản thân.
- Ý tưởng có tội và vô giá trị.
- Bi quan về tương lai.
- Ý tưởng hay hành vi tự sát hoặc tự huỷ hoại.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Dạy sớm hơn.
- Giảm cảm giác ngon miệng, ăn không ngon.
- Mất quan tâm thích thú với các hoạt động mà mình ưa thích.
- Không có cảm xúc với các sự kiện, môi trường vui vẻ xung quanh.
- Trạng thái tinh thần rất xấu vào buổi sáng.
- Có sự bồn chồn bất an hoặc trì trệ tinh thần.
- Sụt cân.
- Giảm hoặc mất ham muốn tình dục.
Các triệu chứng cơ thể và tâm thần khác có thể gặp:
- Lo âu.
- Ám ảnh.
- Giảm trí nhớ.
- Giảm khả năng tập trung và chú ý.
- Nhức đầu.
- Các hình thức đau nhức khác như đau ngực đau lưng, đau cơ bắp.
- Ngứa; Khô da; Thị lực yếu; Nhịp tim nhanh, hồi hộp, trống ngực; Táo bón.
Phần lớn người bị rối loạn trầm cảm có kèm theo các triệu chứng lo âu. Sự phối hợp giữa lo âu và trầm cảm có thể xem như là một qui luật, nó làm cho diến biến trầm cảm dể trở thành mạn tính hơn và người bệnh bị suy giảm về mặt chức năng nhiều hơn, có nguy cơ tự tử cao hơn. Trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đa khoa hoặc nội khoa nhiều người bị rối loạn trầm cảm đã bị bỏ sót [6],[7].
Đó là vì các triệu chứng trầm cảm không điển hình hoặc các triệu chứng trầm cảm bị che lấp, giống các triệu chứng bệnh nội khoa khác, đó là dạng trầm cảm che dấu, trầm cảm ẩn.
Các triệu chứng thường gặp của trầm cảm che dấu:
- Rối loạn giấc ngủ.
- Đau nhức mơ hồ.
- Đau đầu.
- Đau lưng, đau giống đau thần kinh.
- Rối loạn hô hấp như khó thở, hụt hơi.
- Rối loạn tim mạch như đau hay cảm giác khó chịu vùng quanh tim, hồi hộp, trống ngực.
- Rối loạn đường tiêu hoá như đau, ăn không tiêu, khó chịu thượng vị, đại tràng hoặc ỉa chảy, táo bón kéo dài.
Nhiều lần khám nội khoa, làm rất nhiều xét nghiệm mà thày thuốc không tìm thấy một nguyên nhân thực tổn nào ở những người bệnh này [82],[98].
Một giai đoạn trầm cảm chủ yếu liên quan đặc trưng không chỉ sự bất hạnh mà còn giảm sự quan tâm và vui thú trong các hoạt động thường ngày của một người và giảm ưa thích đối với các kích thích vui thú như tình dục và ăn uống. Mất khẩu vị với thực phẩm thường dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể hoặc tăng trọng lượng cơ thể (giảm hay tăng khoảng 5% trọng lượng cơ thể). Người bị rối nhiễu trầm cảm cũng thường khó duy trì giấc ngủ và trở nên mệt mỏi kéo dài. Trong trầm cảm không điển hình, những người bệnh có thể tăng cân nhiều hơn là sụt cân, và có thể biểu hiện ngủ nhiều quá mức.
Những người bệnh trầm cảm có thể biểu hiện tư duy bối rối và trở ngại trí nhớ nhẹ. Ở người già, các triệu chứng nhận thức này có thể bị chẩn đoán nhầm là sa sút tâm thần.
Những người bệnh trầm cảm cũng biểu hiện rõ rệt sự thay đổi ban ngày trong các triệu chứng; họ cảm thấy buồn hơn vào buổi sáng và tốt hơn vào chiều tối.
Những cảm xúc mạnh về có tội và ý nghĩ tự tử và các hành động xảy ra trong trầm cảm. Tự tử là một nguy hiểm đặc biệt ở những người bệnh trầm cảm họ cảm thấy vô vọng, bị nhập viện vì trầm cảm, hoặc có các triệu chứng loạn thần như các hoang tưởng [37]. Nếu có xảy ra, các hoang tưởng của trầm cảm thường phù hợp với khí sắc tiêu cực và liên quan đến chủ đề của sự phá hủy, thảm hoạ, và bệnh chết người.