Chương 1: VÙNG ĐẤT VÀ SỬ THI TÂY NGUYÊN
2.3. Mối quan hệ giữa thế giới nhân vật thần linh và con người trong sử thi Tây nguyên
2.3.2. Sự tác động trở lại của con người đến thế giới thần linh
Trong mối quan hệ với thần linh, không phải lúc nào con người cũng bị động, yếu đuối. Họ cũng có những tác động nhất định trở lại thế giới thần linh. Có khi họ tìm cách chế ngự nỗi sợ hãi thần linh bằng những buổi cúng tế, cầu khấn.
Họ tin rằng làm như thế sẽ có hiệu quả, thần thánh sẽ không làm hại họ nữa. Cũng có khi họ sẽ trực tiếp chiến đấu với thần linh để thiết lập sự cân bằng, chủ động.
Con người vươn lên ngang với bán thần và gần tới thần linh. Ở phương diện này, sử thi cho thấy vai trò của thần thánh như là một phương tiện nhằm củng cố, nâng cao tài năng, sức mạnh của con người.
Những lúc như thế, con người không ở thế bị động nữa, họ là chủ thể, mạnh mẽ, kiên cường trong những giây phút quyết định số phận, phần thắng. Thậm chí, có lúc con người còn ra tay cứu sống, giúp đỡ thần linh. Chẳng hạn, trong sử thi Mùa rẫy bon Tiăng, thần lúa Dôi, Dai bị thần xấu Sơng và Dong con Nghe bắt trói phải nhờ đến anh hùng Lêng con Rung giải cứu.
Bên cạnh đó, con người không ngại ngần trừng trị đích đáng thậm chí chửi mắng, đánh đập những ác thần gây tai họa cho con người. Trong thế giới quan tín ngưỡng ba tầng của người Tây Nguyên thì mỗi tầng đều có cả người và thần sinh sống. Thần và người không hề xa lạ, ngược lại rất gần gũi. Thần linh không chỉ là n gười phù hộ mà còn là bạn bè trên nguyên tắc bình đẳng, dân chủ cùng con người.
Vì thế, dù là thần linh đi nữa mà phạm vào những giao kèo bình đẳng trên vẫn sẽ bị con người trừng phạt đúng thần đúng tội. Ngày nay, ai đã từng đến thăm mảnh đất Tây Nguyên ch ắc sẽ còn lưu giữ hình ảnh một tượng gỗ được chạm khắc ở chân chòi cúng hay nhà mồ. Tượng gỗ này đầu bị chém một nhát dao, lưỡi dao vẫn cắm vào chỗ bị chém, cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Đó là thần Liê – vị thần chuyên làm hại con người: gây gió bão làm mất mát tài sản, gây hạn hán làm hại mùa màng, gây rét buốt, dịch bệnh giết hại gia súc. Hình ảnh thần Liê chính là biểu tượng cho việc con người thẳng tay trừng trị đích đáng thần xấu – cái ác, cái xấu - làm hại con người. Cũng xin nói thêm, việc con người trừng trị thần ác đã có từ lâu trong truyện cổ tích Ê-đê. “Chàng Gơ Răn DơHông” từng giết thần nước để cứu nàng H’Bia. Điều này tiếp tục đi vào sử thi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở nồng nàn vốn có, như mạch nguồn sông suối bao đời vẫn chảy.
Nếu ai yêu mến sử thi Ê-đê có lẽ sẽ nhớ hình ảnh chàng Đăm Săn tức giận nắm cổ áo đòi chém đầu ông trời khi vị thần này làm chàng phật ý. Hay trong sử thi Ba-na Anh em Glang Mam , người anh hùng Glang Mam đã thẳng tay trừng trị
thần Sấm Glaih khi vị thần này phá hoại bữa tiệc của chàng. Hãy xem Bok Glaih – thần Sấm hằng ngày vẫn “đao to búa lớn” , hùng hổ mà khi đứng trước con người bỗng trở nên thảm hại, thiểu não đến thế này: “Thôi, Glang mam ơi! Mày hãy tha tội cho ta! Ta biết mày quả thật là anh hùng. Ta chịu thua mày rồi. Ta sẽ đền lại cho mày đồ ăn khác và làm lại ghè rượu lành như cũ. Xin mày hãy tha cho ta! ” [83; tr.311] ….Và trong một lần khác: “Glang Mam liền phóng lên, bay tới chụp lấy hai chân Bok Glaih, giơ lên cao, đầu ngược xuống đất. Bok Glaih hoảng sợ, la lên ơi ới, năn nỉ Glang Mam ” [83; tr.345-346] . Chưa hết, ta cũng bắt gặp điều này trong sử thi Mơ-nông Bing con Măch xin làm vợ Yang. Tiăng sau khi phát hiện bon Tông, Siăng con Briăng; Bữ, Bưi con Klang bắt cóc thành viên của bon mình là Bing c on Lông, Jông con Măng, Kuah con Măch và Kuơ con Măch thì lập tức tổ chức hàng ngũ giành lại người. Trước khi lên đường, họ khấn vái các thần xin được phù hộ, chỉ đường nhưng không được các thần phản hồi (thần Mai, Lết phù hộ cho bon Tiăng). Nghĩ đến những lúc bon làng mỗi lần có lễ hội đều giành những phần rượu ngon nhất, thịt thơm nhất cúng cho hai thần Lết, Mai nhưng đến lúc cần lại không thấy hai vị thần này giúp đỡ, quá tức giận, buồn bã nên Tiăng đã hết lời trách móc rồi chặt phăng cây đa – nơi trú ngụ của các thần. Có thể thấy, người Tây Nguyên rất sùng bái, biết ơn các vị thần phù hộ cho bon làng mình và họ cũng cần sự đáp lại. Tiăng chặt cây trú ngụ của các thần chính là sự trừng phạt thần linh vì đã bỏ rơi, vô ơn với những gì mà bon làng này đã dâng tặng họ. Bởi vậy, trong sử thi Lấy hoa bạc, hoa đồng, khi đoàn người Lêng, Kong, Mbong chuẩn bị lên đường lấy hoa bạc, hoa đồng, các vị thần bảo trợ của bon này ra sức can ngăn. Biết rằng khó thắng nổi anh em Kong, Yang con Phing nhưng không vì thế mà họ bỏ bọn Lêng như “chụp rách”, “cơm thiu”, “cơm sống”. Các nam thần Ting, Mbong con Jri khuyên các nữ thần Lêt, Mai, Deh, Dai lên đường, theo sau bảo vệ, hỗ trợ đoàn Lêng. Tất cả đó là vì một lẽ:
Lễ kết hôn Tiăng mời cơm nếp Có ống tép thần ta ăn trước Có rượu ngon thần ta uống đầu
Có thịt gà thần ta ăn trước.” [78; tr.550]
C oi trọng tình nghĩa, thủy chung - đó là thứ mà cả thần linh và con người đều phải trân trọng. Nếu một trong hai (con người hoặc thần linh) quên điều này đều có thể bị trừng phạt như nhau.
Con người không chỉ tác động đến nhân vật thần linh mà còn tác động đến các bán thần, phần lớn theo xu hướng tích cực. Đó là tình cảm trân trọng, biết ơn, cảm phục mà con người dành cho nhân vật bán thần. Nửa còn lại của các bán thần là con người. Bởi thế, nhân vật bán thần trong mối quan hệ với con người thường là mối quan hệ huyết thống cha – con, mẹ - con. Không chỉ thế, quan hệ này còn là mối quan hệ hôn nhân. Công chúng thường xuyên bắt gặp nhân vật bán thần và nhân vật nữ tài sắc trong tác phẩm trao vòng, đám cưới. Ví dụ: Giông - Rang Hu, Tang Năr, Bra’Tang (sử thi Ba-na); Khing Dũ – Hbia Yâo; Đăm Tiông - Hbia Điết, Kluốc, … Đó cũng là những quan hệ tất yếu, cần thiết, xét trong tương quan của thế giới nhân vật thần linh.
Như vậy, ta thấy mục đích của việc con người trừng trị thần linh là để bảo vệ cuộc sống yên bình cho buôn làng, được sự hỗ trợ của sức mạnh cộng đồng và ước mơ vươn lên làm chủ cuộc sống, ngự trị thiên nhiên. Qua những tác động nhất định trở lại của con người đối với thế giới thần linh, ta thấy hình ảnh con người dù trong hoàn cảnh nào vẫn hiên ngang, oai hùng và đầy bản lĩnh trước cuộc sống, trước thiên nhiên và nhất là trước thế lực siêu nhiên bí ẩn. Với những gì mà sử thi thể hiện, có thể thấy con người nơi cao nguyên hùng vĩ này thật tuyệt vời. Họ có thể chan hòa, thân ái sống hòa hợp với nhau, có thể nhường nhịn, nhận thiệt thòi về mình để cùng tồn tại nhưng đồng thời cũng có thể dám đứng lên, oai phong, hùng dũng chiến đấu, trừng trị những thế lực – dù là thần thánh, làm hại đến cuộc sống của họ. Đó chính là sức mạnh tiềm tàng, mãnh liệt ẩn sâu bên trong mỗi con người Tây Nguyên, là vẻ đẹp “ngọc ngà” trong tâm hồn những con người “hiền như đất”,
“thật như đếm”, “chân chất như sỏi đá” này.