Chương 3: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THI PHÁP SỬ THI TÂY NGUYÊN
3.2. Thế giới nhân vật thần linh - phương thức nghệ thuật tham gia vào cấu trúc tác phẩm Sử thi Tây nguyên
3.2.3. Thúc đẩy cốt truyện, giải quyết tình huống sử thi
Các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong công trình Từ điển thuật ngữ văn học đã định nghĩa về cốt truyện như sau: Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch ” [41 ; tr. 88]. Đây là một định nghĩa chi tiết, cụ thể. Bên cạnh định nghĩa, các tác giả còn dựa vào phương diện kết cấu để phân loại cốt truyện bao gồm: cốt truyện đơn tuyến (cốt truyện có hệ thống sự kiện gắn liền với số phận một vài tuyến nhân vật chính) và cốt truyện đa tuyến (cốt truyện có hệ thống sự kiện chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính). Ngắn gọn hơn, Phương Lựu trong công trình Lí luận văn học định nghĩa:
“ cốt truyện là hình thức tổ chức sơ đẳng nhất của truyện ” (tr.303) . Tác giả dựa theo tiêu chí về trật tự trần thuật, thứ tự thời gian trình bày để chia cốt truyện ra làm hai loại chính: cốt truyện theo trật tự nhân quả (hay còn gọi là cốt truyện tuyến tính, trình bày theo trình tự lôgic về thời gian) và cốt truyện phân tích, tìm biết (cốt truyện trình bày không tuân theo trật tự thời gian). Như vậy, cách phân loại cốt truyện của Phương Lựu và các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học dựa trên những căn cứ, tiêu chí khác nhau. Xét từng phương diện, hai cách phân loại đều có cơ sở, hợp lí.
Từ những định nghĩa trên về cốt truyện, nhất là tiêu chí phân chia của Phương Lựu, chúng tôi tiến hành tìm hiểu một số sử thi Tây Nguyên và nhận thấy:
thế giới nhân vật thần linh khi tham gia vào tác phẩm đã góp phần thúc đẩy cốt truyện của sử thi tiến triển lôgic, hợp lí theo trình tự nhân quả. Sử thi Tây Nguyên không thấy có trường hợp hệ thống các sự kiện của cốt truyện bị đảo lộn trình tự tuyến tính. Cốt truyện của sử thi bao giờ cũng đi theo một trình tự nhất định về thời gian, tiến đến một kết thúc có hậu cho nhân vật chính, nhân vật anh hùng chính nghĩa. Chúng tôi gọi kiểu cốt truyện này là cốt truyện tuyến tính. Như vậy, cốt truyện tuyến tính là cốt truyện có hệ thống sự kiện được kể theo trình tự thời gian
nhất định: cái nào xảy ra trước, kể trước; cái nào xảy ra sau, kể sau. Khảo sát một số sử thi Tây Nguyên, chúng tôi tạm chia kiểu cốt truyện tuyến tính này ra 2 loại nhỏ hơn: cốt truyện tuyến tính một tình huống (một lần thần linh xuất hiện) và cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống (hai hay nhiều lần thần linh xuất hiện).
Tiêu chí để chúng tôi căn cứ phân chia hai loại cốt truyện tuyến tính trên là dựa vào số lượng tình huống mà các nhân vật thần linh xuất hiện trong tác phẩm sử thi.
Tình huống là cảnh huống, là tình thế hay là những tình tiết đóng vai trò bao trùm, chi phối, quán xuyến toàn bộ câu chuyện. Tình huống là yếu tố vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong việc cấu tạo nên cốt truyện. Tình huống trong tác phẩm văn học nói chung có nhiều loại: xét ở phương diện tính chất bao gồm tình huống hành động, tình huống tâm trạng, tình huống nhận thức, … (Chu Văn Sơn).
Tình huống được sử thi Tây Nguyên sử dụng, phần lớn là tình huống hành động.
Như vậy, tình huống của sử thi chính là “cái tình thế nảy ra truyện”, là “lát cắt” của cuộc sống (Nguyễn Minh Châu) mà ở đó mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với nhân vật thần linh bị đẩy đến một tương quan éo le.
Nó buộc phải có nhân vật đứng ra giải quyết những xung đột, éo le. Từ đó, tài năng, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nhân vật được bộc lộ. Và hơn ai hết, nhân vật có khả năng tháo gỡ những tình huống nguy kịch, đó là các nhân vật thần linh.
Ở đây, khi nói về tình huống sử thi trong cốt truyện tuyến tính đang bàn, chúng tôi muốn nói về những cảnh huống có sự xuất hiện của nhân vật thần linh và sự xuất hiện này góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển theo trình tự nhất định. Nếu không có sự xuất hiện, can thiệp của nhân vật thần linh trước những nguy kịch của nhân vật chính thì sử thi không thể có kết thúc có hậu. Như vậy, cốt truyện truyền thống của sử thi sẽ bị phá vỡ. Trên thực tế, nhờ có các tình huống thần linh xuất hiện mà cốt truyện tuyến tính của các tác phẩm sử thi luôn luôn được duy trì. Kiểu cốt truyện này gần như trở thành công thức cố định, khuôn mẫu có sẵn để người nghệ nhân diễn xướng sử thi.
Có thể thấy, giúp cho cốt truyện tuyến tính được tuân thủ, duy trì là hệ thống các tình huống sử thi. Mỗi loại cốt truyện tuyến tính lại có một hệ thống các tình huống tương ứng, góp phần thúc đẩy cốt truyện diễn ra theo đúng trình tự thời
gian. Hệ thống tình huống ở từng loại cốt truyện tuyến tính lại đóng vai trò, chức năng riêng. Chẳng hạn, cốt truyện tuyến tính một tình huống thì tình huống duy nhất trong cốt truyện loại này thường là tình huống mở nút, giải quyết xung đột cao trào, tiến đến kết thúc câu chuyện. Bên cạnh đó, cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống thì các tình huống xuất hiện trong cốt truyện loại này ngoài tình huống mở nút, giải quyết xung đột, kết thúc câu chuyện ra thì còn bao gồm: tình huống mở đầu, thắt nút, tình huống xung đột cao trào, ….
3.2.3.1. Cốt truyện tuyến tính một tình huống: kiểu cốt truyện có xung đột cục bộ gắn với một biến động, một tình huống nào đó, khi giải quyết xong biến động, tình huống thì xung đột cũng hết. Nói cách khác, cốt truyện đồng nhất với xung đột, truyện mở nút thì xung đột cũng triệt tiêu. Chẳng hạn, sử thi Đăm Noi (Ba-na) kể về cuộc đời nhân vật Đăm Set: cả làng của chàng đều bị quái vật Pơdrang Hơ – Pơdrang Hơm ăn thịt, chết hết, còn mình Đăm Set vì hình dáng nhỏ nhắn mà sống sót. Thương cảnh khó khăn, cô đơn của Đăm Set, thần Bok Kei Dei đã cho con gái của mình là nàng Bia Rak xuống kết duyên với chàng trai đơn độc, tội nghiệp. Vị thần quyền cao đức trọng này còn giúp Đăm Set khỏe mạnh, giỏi giang hơn nhờ vào thuốc tiên. Sau những giúp đỡ của ông Trời, Đăm Set trở nên hùng mạnh, giàu có. Con trai chàng là Đăm Noi lớn lên đã dùng sức mạnh phi thường, dòng dõi thần thánh của mình giết chết được kẻ thù xưa của buôn làng.
Câu chuyện kết thúc có hậu, theo đúng trật tự nhân quả: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Có thể nói, cốt truyện tuyến tính một tình huống làm cho cốt truyện mang tính khép kín. Câu chuyện dừng ở chỗ những xung đột giữa ác quỷ Pơdrang Hơ – Pơdrang Hơm và buôn làng Đăm Set được giải quyết, tức là Đăm Noi giết chết con quái vật, kết thúc câu chuyện. Có thể lược hóa thành sơ đồ kiểu cốt truyện tuyến tính một tình huống như sau:
Sơ đồ 1: Nhân vật chính gặp khó khăn => thần linh giúp đỡ, cứu nguy =>
nhân vật chính thắng lợi, trở nên giàu có => tổ chức tiệc cưới /tiệc mừng => kết thúc có hậu.
Tì nh huống xuất hiện chủ yếu của các nhân vật thần linh trong loại cốt t ruyện tuyến tính một tình huống thường là tình huống mở nút, góp phần giải quyết
tình huống, xung đột, kết thúc câu chuyện. Tình huống mở nút về cơ bản là nhân vật thần linh giúp đỡ, hỗ trợ nhân vật chính. Tình huống cơ bản này bao gồm một số tình tiết tương ứng như: cho / tặng thuốc tiên, vật quý; cứu sống người bằng bùa ngải; kết thúc chiến tranh bằng cách dùng bùa ngải hay trực tiếp đánh nhau; thần linh gả con gái; báo mộng, chỉ đường, ….
Cốt truyện tuyến tính một tình huống là cốt truyện tương đối đơn giản, hệ thống sự kiện thường được kể lại gọn gàng, nhân vật thần linh xuất hiện duy nhất một lần trong tác phẩm sử thi. Tuy nhiên, dù ít ỏi, mờ nhạt nhưng khi xuất hiện, các nhân vật thần linh đều góp phần quan trọng quyết định đến sự sống, chiến thắng của con người trước cái ác, cái xấu. Có thể kể vài sử thi thuộc cốt truyện tuyến tính một tình huống như: Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ; Giông bọc trứng gà;
Giông đánh hạ nguồn cứu dân làng; Giông cứu nàng Rang Hu; Bia Brâu; Đăm Noi (sử thi Ba-na); … Như vậy, loại cốt truyện tuyến tính một tình huống này thường thấy nhiều trong các sử thi Ba-na. Có lẽ vì thế mà trong sử thi của ba dân tộc Tây Nguyên khảo sát (Ba-na – Ê-đê – Mơ-nông) thì sử thi Ba-na có tần số xuất hiện các nhân vật thần linh ít nhất, đứng cuối cùng trong thứ tự thang bậc sắp xếp.
3.2.3.2. Cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống: kiểu cốt truyện có nhiều tình huống thần linh xuất hiện. Một xung đột, tình huống nảy sinh, thần linh xuất hiện giúp đỡ, can thiệp. Xung đột, tình huống thứ nhất được giải quyết nhưng câu chuyện chưa thể kết thúc, một xung đột, tình huống mới lại nảy sinh.
Thần linh lại xuất hiện giúp đỡ, cứu sống, hoàn tất các xung đột, khi ấy, cốt truyện mới chấm dứt. Cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống tương đối phức tạp, nhiều sự kiện được tái xuất hiện hơn. Cốt truyện loại này không mang tính khép kín nữa mà được mở rộng thêm hệ thống sự kiện cũng như tần số xuất hiện của nhân vật thần linh. Ví dụ như trong sử thi Ê-đê Xing Nhã, nhân vật Xing Nhã trong những hoàn cảnh, tình huống khó khăn tưởng chừng như bế tắc, không thể giải quyết thì lại được thần Y Gơhônh tháo gỡ, giúp đỡ. Người anh hùng này lớn lên có tài năng phi thường, nhất là trong trò chơi quay. Song không có con quay nào chịu nổi sức mạnh của chàng lâu cả. Cha chàng suốt ngày làm quay cho chàng mà đuối sức. Quá mệt mỏi, ông không làm nữa. Xing Nhã buồn bã, không thiết ăn
uống, vui vẻ. Thấy thế Y Gơhônh bèn thả trên trời xuống cho chàng con quay thần.
Khi biết sự thật đau xót về nguyên nhân cái chết của cha mẹ đẻ mình, chàng muốn đi trả thù cho họ nhưng lại không có vũ khí phù hợp. Trong tình huống nan giải ấy, may thay Y Gơhônh lại biến hóa, giúp chàng có được chiếc khiên vừa sức. Khi đã có vũ khí rồi nhưng chàng cũng không thể lên đường trả thù cho cha mẹ mình vì bị cha mẹ nuôi trói lại, ngăn cấm. Họ sợ chàng ra đi rồi bỏ mạng, không trở về. Biết không còn cách nào thuyết phục cha mẹ Xing Nhã, Y Gơhônh bèn bắt hồn Xing Nhã tạm thời một thời gian, chàng chết. Đến khi nhân thấy tình trạng thuận lợi, có thể thay đổi ý định của cha mẹ nuôi Xing Nhã, một lần nữa Y Gơhônh lại thổi hồn để chàng sống lại. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, chàng bị kiệt sức. Trong cơn nguy kịch, Y Gơhônh lại xuất hiện, tác động vào nàng Hbia Pơ Lao để tạo điều kiện cho Xing Nhã giành phần thắng, .… Kết thúc cốt truyện, nhân vật Xing Nhã sau bao khó khăn, thử thách dưới sự giúp đỡ của thần linh đã trả thù cho cha mẹ ruột, xây dựng làng buôn ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây là cách kết thúc có hậu của sử thi Tây Nguyên nói riêng và của văn học dân gian nói chung. Nhưng không giống loại cốt truyện tuyến tính một tình huống, cốt truyện loại này đã phải trải qua rất nhiều lần giải quyết xung đột, tình huống lớn bé. Các sử thi Mơ-nông phần lớn được kể dưới dạng cốt truyện này. Đơn cử là sử thi Kă, Năng cướp Bing, Jông con Lông , cốt truyện sử thi bắt đầu bằng hành động của thần Lêt, Mai mượn tay Kră, Năng hãm hại bon Tăng vì bon này uống rượu không mời thần. Chiến tranh nổ ra, bon Tiăng chiến đấu anh dũng nhưng vẫn không thể chiến thắng kẻ thù. Hai người anh hùng của bon Tiăng là Lêng, Mbong đều bị giết chết trong trận chiến. Quan tài đá nhốt xác họ trôi đến bon thần Bing con Văch, vị thần này đã cứu sống hai người anh hùng và cùng với thần Ting, Mbong con Jri giúp bon Tăng chiến đấu với kẻ thù. Các thần đánh nhau mù mịt, dai dẳng. Xong việc, các thần Ting, Mbmong con Jri đi tìm và trừng trị thần Lêt, Mai. Cuối cùng thần Lêt, Mai phải nhận lấy hình phạt đau đớn cho hành động tai ác mà mình gây ra. Câu chuyện kết thúc có hậu khi ác thần bị trừng trị đích đáng, bon Tiăng ăn mừng chiến thắng. Như vậy, phải đến bốn lần xuất hiện và giải quyết triệt để bốn tình huống hết sức căng thẳng, sử thi
mới chấm dứt theo đúng trình tự nhân quả. Có thể lược hóa thành sơ đồ kiểu cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống như sau:
Sơ đồ 2: Nhân vật chính gặp khó khăn => thần linh hiện lên giúp đỡ, chỉ đường /báo mộng => nhân vật chính tiếp tục chiến đấu, sản xuất nhưng sau đó bị giết chết => thần linh xuất hiện cứu sống => nhân vật chính sống lại, tiếp tục chiến đấu => chiến thắng, giàu có => tổ chức tiệc mừng /tiệc cưới => kết thúc có hậu.
Sơ đồ 3: Ác thần hãm hại nhân vật chính =>chiến tranh nổ ra => nhân vật chính chiến đấu nhưng sau đó bị giết chết => thần linh xuất hiện cứu sống
=> nhân vật chính sống lại, tiếp tục chiến đấu => các thần linh đánh nhau =>
thần linh hiện lên giúp đỡ, trừng trị ác thần => nhân vật chính chiến thắng, giàu có => tổ chức tiệc mừng / cưới => kết thúc có hậu.
Sơ đồ 4: Nhân vật chính nhớ ra vật quý bị thất lạc => tổ chức đòi lại =>
thần linh đi theo hỗ trợ, giúp đỡ => đánh cướp => chiến tranh nổ ra=> thần linh cũng xông vào giúp đỡ, đánh nhau => nhân vật chính giành chiến thắng, lấy lại được vật qúy => tổ chức lễ mừng/ lễ cưới => kết thúc có hậu.
Tính huống xuất hiện của các nhân vật thần linh trong loại cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống không chỉ góp phần tạo tình huống mở đầu (thắt nút) mà còn nâng tình huống, xung đột lên cao trào và giải quyết xung đột (mở nút), kết thúc tác phẩm. Tình huống thắt nút thường là thần linh xuất hiện ở đầu tác phẩm sử thi, hoặc có chức năng giới thiệu nhân vật hoặc hãm hại con người. Tình huống này bao gồm nột số tình tiết chính: đặt tên cho nhân vật chính; tác động đầu thai cho nhân vật bán thần; phá hoại sản xuất, các công trình; châm ngòi nổ chiến tranh;
biến hóa chỉ đường…Tình huống mở nút thường là góp phần giải quyết tình huống, xung đột, kết thúc câu chuyện. Tình huống mở nút về cơ bản là nhân vật thần linh giúp đỡ, hỗ trợ nhân vật chính. Tình huống này ngoài các tình tiết tương ứng giống với cốt truyện tuyến tính một tình huống đã nêu ở trên thì còn bao gồm các tình tiết khác như: sắp xếp hôn nhân, giải hòa các bên bằng bùa ngải hay dùng lời lẽ khuyên nhủ; trừng trị thần linh xấu hại người; trừng trị con người phạm tội lỗi…Tuy nhiên, không phải lúc nào cốt truyện hai hay nhiều tình huống cũng bao
hàm cả tình huống thắt nút và mở nút, có trường hợp cốt truyện hai hay nhiều tính huống chỉ gồm hai hay nhiều tình huống tham gia mở nút mà thôi. Đơn cử như sử thi Giông nhờ ơn thần núi làm cho giàu có (Ba- na) hay sử thi Xing Nhã, Ama H’Wứ; Đăm Kteh Mlan (Ê- đê); Lấy hoa bạc, hoa đồng; Cướp chăn Lêng của Jrêng, Lêng con Ốt; (Mơ-nông); …
Như vậy, loại cốt truyện này cũng là kiểu cốt truyện tuyến tính, hệ thống sự kiện được trình bày theo một thứ tự thời gian nhất định và cũng theo trình tự nhân quả. Nhân vật chính cuối cùng cũng giành được thắng lợi, giàu có. Tuy nhiên, để đến được kết thúc có hậu như thế, sử thi phải trải qua nhiều lần giải quyết xung đột. Và vì thế, tần số xuất hiện và vai trò quan trọng của nhân vật thần linh được nâng cao thêm. Một số sử thi thuộc loại cốt truyện này như: Giông nhờ ơn thần núi làm cho giàu có (Ba-na); Anh em Đăm Trao, Đăm Rao; Khing Dũ; Mdrong Đăm;(sử thi Ê-đê); Bing con Măch xin làm vợ Yang; Cướp chăn lêng của Jrêng, Lêng con Ôt; (sử thi Mơ-nông); … Loại cốt truyện này thường thấy nhiều trong các sử thi Ê-đê, Mơ-nông, nhiều nhất là sử thi Mơ-nông. Điều này cũng lí giải vì sao trong thứ tự sắp xếp về tần số xuất hiện của nhân vật thần linh thì sử thi Mơ-nông lại cao nhất và tiếp đến là sử thi Ê-đê. Trong sử thi Ê-đê, nhân vật thần linh xuất hiện nhiều trong tác phẩm, can thiệp và quyết định phần thắng cho nhân vật anh hùng. Còn sử thi Mơ-nông, tần số xuất hiện các nhân vật thần linh rất cao. Thế giới các nhân vật này xuất hiện và tham gia vào hầu hết các hoạt động trong đời sống sản xuất và tinh thần người Mơ-nông (xin xem thêm bảng thống kê hệ thống các tình huống xuất hiện của nhân vật thần linh trong cốt truyện tuyến tính một tình huống và cốt truyện tuyến tính hai hay nhiều tình huống trong phụ lục).
Nhìn chung , thế giới nhân vật thần linh giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy cốt truyện diễn tiến theo một trình tự vốn có nhất định. Nhờ có những tình huống xuất hiện của nhân vật thần linh mà những xung đột được giải quyết. Cũng nhờ vậy, cốt truyện truyến tính đặc trưng, truyền thống của văn học dân gian nói chung và sử thi nói riêng được duy trì.
Như vậy, thế giới nhân vật thần linh là phương thức nghệ thuật độc đáo, tham gia cấu trúc tác phẩm sử thi Tây Nguyên: mở rộng hệ thống nhân vật, mở