Chương 3: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THI PHÁP SỬ THI TÂY NGUYÊN
3.1. Thế giới nhân vật thần linh - phương thức nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống tinh thần các tộc người Tây nguyên
3.1.1. Quan niệm về con người
Cơ sở hình thành quan niệm về con người (thông qua miêu tả thế giới nhân vật thần linh) của các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên xuất phát từ hiện thực xã hội – lịch sử và triết học - tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” Đông Nam Á.
3.1.1.1. Con người hiện thực
Bắt nguồn từ thực tế còn nhiều thiếu thốn, nhân dân đã thả hồn, thoát ly trần gian để đến với thần linh, thể hiện mơ ước về một xã hội giàu có, sung sướng hơn.
Xét cho cùng thì đằng sau bóng dáng thần linh mà sử thi Tây Nguyên phản ánh là
con người nhân gian đích thực. Sử thi ra đời trong thời kỳ đất nước chưa hình thành nhà nước, chưa phân chia giai cấp và cũng chưa có mâu thuẫn xã hội gay gắt. Tây Nguyên lại đặc biệt hơn sử thi các dân tộc thiểu số Việt Nam khác: xã hội Tây Nguyên vẫn tồn tại chế độ công xã nguyên thủy. Cảm quan xã hội này cũng đi vào sử thi và thế giới nhân vật thần linh được miêu tả tương đối hòa hảo, yên vui.
Các mâu thuẫn, xung đột luôn được nhanh chóng giải quyết, giảng hòa và không quá gay gắt. Thế giới thần linh không phân chia đẳng cấp và cũng không có nhân vật thần linh tối cao. Chẳng hạn, trong sử thi Ê-đê, nhân vật thần linh đứng đầu, cai quản tầng trời là Aê Du - Aê Diê, tầng mặt đất là Y Gơhônh, còn tầng dưới mặt đất là Bang Bơ Đung – Bang Bơ Đai. Thế nhưng cả ba vị thần đứng đầu ba tầng thế giới này lại không bị cai quản bởi một vị thần tối cao nào. Thực tế, trong tổ chức xã hội người Ê-đê cũng chỉ có các Mtao – tù trưởng chứ không thấy có ai quản lí các Mtao này. Điều này phản ánh quan niệm của người Tây Nguyên về con người trong xã hội hiện thực: bình đẳng, công bằng, đối xử với nhau thân ái, hòa hợp là chính.
Mỗi nhân vật thần linh có nguồn gốc hình thành, ra đời, với những nhiệm vụ, vai trò khác nhau, con người cũng vậy. Theo trình tự diễn tiến về tư duy nghệ thuật của con người, thần linh được hình thành sớm nhất từ tín ngưỡng dân gian
“vạn vật hữu linh”, từ hệ thống quan niệm về thế giới ba tầng vũ trụ của người xưa, nhân vật thần mang những đặc điểm còn rơi rớt lại của thần thoại. Sử thi Tây Nguyên cho rằng nguồn gốc hình thành con người có liên quan đến nước. Quan niệm này có sự gặp gỡ với quan niệm của người Ai Cập cổ trong thần thoại Ri-vê- đa, của người Mường trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, …. Sự gặp gỡ của những “tư tưởng lớn” này được Ăng ghen ca ngợi là những “trực kiến thiên tài” trong việc nắm bắt, phản ánh quy luật vạn vật chuyển động và hình thành vật chất. Theo sử thi Mơ-nông, nhân vật Tiăng ra đời có nguồn gốc từ nguồn nước đại hồng thủy:
“ Nước biển sinh ra trứng và nở ra Tiăng”. Thông qua miêu tả nguồn gốc của nhân vật bán thần Tiăng, sử thi Tây Nguyên cho rằng nguồn gốc con người có liên quan mật thiết với nước.
Sử thi Tây Nguyên rất chú ý miêu tả các mối quan hệ xoay quanh nhân vật thần linh như: mối quan hệ giữa thần linh với thần linh, giữa thần linh với bán thần, giữa thần linh với con người và giữa bán thần với con người. Có thể nói, sự hòa lẫn giữa thiên nhiên – con người được soi chiếu dưới sự hòa lẫn giữa hiện thực và tưởng tượng sẽ tạo ra sự hòa lẫn, mối quan hệ phức tạp của thế giới thần linh với nhau và với con người. Trong sử thi Mơ-nông, các thần Lêt, Mai không chỉ duy trì, điều hòa mối quan hệ với các thần linh khác là bạn bè (các thần linh phù hộ bon con Phing, bon con Ôt, bon con Briăng, bon con Vach, bon con Lông….), là chị em ruột thịt (Ting, Mbong, Deh, Dai con Jri), mà còn với con người (Lêt, Mai được giao nhiệm vụ bảo vệ bon Tiăng và một số bon khác ở tầng mặt đất). Nhân vật bán thần Giông trong các sử thi Ba-na hay Khing Dũ, Mdrong Đăm, … trong các khan của tộc người Ê-đê luôn luôn phải chiến đấu với thần linh, ác quỷ để bảo vệ, duy trì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Thế giới thần linh là mô hình thế giới con người trong hiện thực. Vì vậy, mối quan hệ giữa các thần linh với nhau và với con người cũng chính là mối quan hệ giữa con người với con người và với thế giới siêu nhiên. Thực vậy, con người hiện thực xã hội không chỉ sống với thế giới xung quanh mà còn sống trong mối quan hệ với chiều sâu tâm linh của chính họ. Đó là mối quan hệ xã hội mà hằng ngày con người vẫn duy trì, điều hòa để tồn tại và phát triển.
3.1.1.2. Con người lí tưởng hóa
Đa số các nhân vật thần linh được miêu tả trong sử thi Tây Nguyên là những phúc thần, có sức mạnh vô biên, có khả năng thay đổi, biến hóa cuộc sống muôn loài. Thần Bok Kei Dei của người Ba-na, ông Trời Aê Du – Aê Diê của người Ê-đê hay mẹ Trôk của người Mơ-nông đều mang trên mình sức mạnh thần thánh, có thể quyết định tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống con người. Với người Tây Nguyên, các vị thần đứng đầu tầng trời chính là người đem đến cho họ cuộc sống đủ đầy, no ấm, từ những thứ nhỏ bé nhất cho đến những thứ lớn lao, vĩ đại.
Ngay cả khi miêu tả nhân vật bán thần, con người nơi đây cũng dành cho họ những tình cảm ưu ái đặc biệt: vóc dáng lực lưỡng, tài cao đức trọng, chí khí bất khuất,…
Chỉ có nhân vật thần linh và nhân vật bán thần là có thể hoạt động ở cả ba tầng thế
giới, họ có thể nhanh chóng di chuyển từ tầng thế giới này đến tầng thế giới kia để cứu giúp con người. Có thể khẳng định, nhân vật thần linh và bán thần là hình ảnh mẫu mực, lí tưởng của cả một cộng đồng. Thế giới nhân vật thần linh chính là hình ảnh con người được thần thánh hóa, lí tưởng hóa qua nhân sinh quan của người dân bản địa.
Như đã nói, nhân vật thần linh, bán thần được sử thi quan tâm đến đến việc miêu tả ngoại hình, hành động là chính. Nhìn chung, hầu hết các thần linh đều được miêu tả đẹp đẽ, nhất là nữ thần linh. Ít thấy có trường hợp sử thi “chê” nhân vật (cả thần và người). Nếu có đi nữa thì cách “chê” của nhân dân thường khá nhẹ nhàng, pha chút hài hước, dí dỏm, kiểu như “Ôi! Cái ông thần sấm này, thật là rắc rối ” [83 ; tr.345]; hay khi miêu tả vị thần quỷ quái tên là Bok Pơdrang Hỡ - Bok Pơdrang Hơm trong sử thi Ba-na – Đăm Noi: “ Da thịt toàn là đồng là sắt, đôi mắt to bằng trái cà bát, răng nanh lớn như những quả chuối lùn… ” [90; tr.107]. Qua đây, ta thấy được sự trân trọng con người, dù đó là nam hay nữ, là lòng yêu đời, yêu cuộc sống của các dân tộc bản địa nơi đây.
3.1.1.3. Con người của sự nhân ái, bao dung:
Sử thi Tây Nguyên không chỉ miêu tả những nhân vật thần linh tốt đẹp, hay làm phúc cho con người mà còn miêu tả những thần xấu, thường xuyên làm hại con người. Ví dụ như: các thần Ting, Mbong, Deh, Dai (ot ndrong); Aê Du, Aê Diê, Y Gơhônh (khan) hay Bok Kei Dei, thần núi (hơmon) luôn là những phúc thần, chăm lo cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, đôi khi những vị thần Lêt, Mai (sử thi Mơ-nông); thần sấm Bok Glaih (sử thi Ba-na) vì những đố kị mà mà làm hại đến cuộc sống con người. Đây có lẽ cũng là hình ảnh về con người trong xã hội thực tế: có người tốt, người xấu; có người biết nhân ái, sẻ chia, cũng có người ganh ghét, hãm hại người khác. Kết cục của những người ghanh ghét, hãm hại người khác bao giờ cũng bị trừng trị. Nhưng nói chung, với cái nhìn nhân ái, bao dung, sự trừng trị bao giờ cũng nhẹ nhàng, mang hàm ý nhắc nhở để sửa đổi là chính . Thần Lêt, Mai (ot ndrong Kră, Năng cướp Jông, Bing con Lông) vì tội thổi ngải gây họa cho bon Tiăng mà bị thần Ting, Mbong, Deh, Dai chém đầu. Cũng may, thần Bing con Văch đứng ra can ngăn mới thoát chết. Hai nữ thần biết lỗi, hổ
thẹn tìm cách cứu bon Tăng, sửa lỗi. Hay thần sấm Bok Glaih (hơmon Anh em Glang Mam) với việc phá đám buôn Glang Mam (hất đổ thức ăn trong bữa tiệc của làng Glang Mam, mấy lần phá sập chiếc cầu bon làng này dựng lên), đã bị người anh hùng túm cổ treo ngược, cuối cùng phải van xin thảm thiết mới được tha mạng. Xong việc, mối quan hệ của họ vẫn diễn ra tốt đẹp, không hiềm khích, để bụng. Hướng giải quyết mở này thể hiện quan niệm nhân bản, độ lượng của nhân dân Tây Nguyên vì xét đến cùng, con người không ai là hoàn thiện, hoàn hảo. Ai cũng có thể mắc sai lầm, điều quan trọng là phải biết thay đổi cho tốt hơn, hướng tới sự hoàn thiện, tích cực.
Như vậy, thông qua việc miêu tả thế giới nhân vật thần linh, nhân dân Tây Nguyên bộc lộ quan niệm về con người. Đó không chỉ là con người của hiện thực xã hội - lịch sử; con người được thần thánh hóa, lí tưởng hóa mà còn là con người trong lối ứng xử nhân ái, bao dung của các tộc người. Nếu như quan niệm con người hiện thực phản ánh hoàn cảnh thực tế của lịch sử, quan niệm con người của lí tưởng thể hiện ước mơ, khát khao hướng tới một xã hội tốt đẹp, công bằng, nhân đạo thì quan niệm về con người của sự nhân ái, bao dung biểu lộ tâm hồn đẹp đẽ, đáng trân trọng của những con người hồn nhiên, đáng yêu này. Nói chung, dù là miêu tả về tự nhiên, con người, thế giới thần linh hay ma quỷ thì bao giờ con người vẫn luôn là trung tâm. Con người là yếu tố then chốt, là tiêu điểm thẩm mỹ cho mọi sáng tạo nghệ thuật sử thi. Tóm lại, quan niệm về con người của các dân tộc Tây Nguyên là kết tinh của cái đẹp, sự hoàn mỹ, nhân từ, độ lượng.