Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn của nguyễn xuân khánh (Trang 20 - 26)

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

Quan niệm về con người được xem là toàn bộ cái nhìn và sự miêu tả về con người bằng các biện pháp nghệ thuật. Trong quan niệm nghệ thuật có cái chung của thời đại, của dân tộc và của cả nền văn hóa song lại có vai trò năng động sáng tạo của mỗi cá nhân người nghệ sĩ. Ở các nhà văn, sự hình thành quan niệm nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng trong cá tính sáng tạo, thế giới quan và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

2.1.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã cho ta cái nhìn đủ đầy về văn hóa, lịch sử. Do vậy, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn được xuất phát từ quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của ông.

Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử vấp phải vấn đề muôn thuở, đó là cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa sự thực và hư cấu, lịch sử yêu cầu tính chân thực trong khi văn học cho phép hư cấu. Giải pháp tốt nhất có thể thực hiện để nhà văn giải quyết mối mâu thuẫn giữa sự thật và hư cấu là sự thật của con người, độc giả có quyền không tin nhà văn nhưng sự thật về con người theo logic khách quan thì không thể phủ nhận. Khám phá con người trong

lịch sử vốn không phải là chuyện mới, bởi “văn học là nhân học”, tuy nhiên, khi nhà văn tiếp cận lịch sử có thể bị hút vào các sự kiện biến cố mà làm mờ nhạt đi khả năng khám phá con người. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh lấy con người làm tâm điểm chứ không lấy việc tái hiện lịch sử hoặc minh họa lịch sử làm mục đích phản ánh. Nhà văn muốn khám phá sự phản chiếu của thời đại lịch sử vào tâm lí, tình cảm, số phận cụ thể của con người, đồng thời qua đó ông đặt lại một số vấn đề cần nhận thức với tinh thần hoài nghi cái lịch sử “tại ngoại” mà số đông chúng ta vẫn coi là tất yếu.

Mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử chính là một phương diện giúp chúng ta tìm ra dấu ấn lịch sử trong con người. Con người làm ra lịch sử nhưng cũng là nạn nhân của lịch sử. Bằng những hành động của mình, con người tạo ra biến cố nhưng trong guồng quay của bánh xe lịch sử nó cũng bị lịch sử quy định. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh bao gồm một hệ thống nhân vật đông đảo từ những nhân vật có thật trong lịch sử tới những nhân vật hư cấu, từ tầng lớp dân thường vô danh tới nhân vật can dự trực tiếp vào lịch sử, họ đều bị mắc kẹt trong lịch sử và thực sự mang trên mình những ý nghĩa lịch sử. Nhân vật Hồ Quý Ly là kiểu cá nhân “bị” lịch sử chọn. Trong Hồ Quý Ly hội tụ đầy đủ phẩm chất của người có thể thực hiện nhiệm vụ lịch sử, là người tạo ra lịch sử với cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, khả năng nắm bắt tình thế, biết nhìn người, dùng người tài năng, sắp đặt điều khiển mưu đồ chính trị… Là người đương đầu với giông bão của thời cuộc, ban đầu Hồ Quý Ly chỉ định làm biến pháp nhưng vấp phải sự chống đối, ông càng quyết tâm nắm lấy quyền lực tối thượng, gạt bỏ mọi lực cản bằng bạo lực.

Điều đó đã đẩy ông vào vị trí của kẻ thoán nghịch đầy bi kịch cá nhân.

Chính ông là người chủ động tạo ra hoàn cảnh, tạo ra cuộc xoay vần và cơn bão tố của lịch sử. Tham vọng cải cách của ông lớn dần là do tình thế lịch sử nhưng cũng chính tham vọng đó chi phối. Ý chí con người dù lớn lao nhưng

trong guồng quay lịch sử, “bị lịch sử lựa chọn” cũng trở thành một số phận đáng thương. Chẳng hạn, hai anh em nhà Messmer và những consquitador (nhà chinh phục) trong Mẫu Thượng Ngàn. Theo dấu chân Garnier Riviere, họ hăm hở rời Pháp quốc trong tư thế của người đi khai hóa cho vùng đất thuộc địa hoang dã tối tăm với khát khao vinh quang, niềm tin vào sức mạnh. Nhưng lịch sử có những chuyển dịch ngược chiều, người da trắng đi xâm chiếm châu Phi và bị đồng hóa trở lại. Tư tưởng thống trị và chiếm đoạt biểu lộ bằng vệt hắc ám trên ấn đường Philippe đã có lúc mờ nhạt khi ông tìm thấy sự giao hòa với người đàn bà bản xứ, nhưng đi ngược chiều lại, cuối cùng Philippe phải lãnh nhận cái chết. Mang trên mình sứ mệnh của nhà chinh phục nhưng nếu từ chối gánh nặng lich sử đó, nhân vật sẽ có một số phận khác.

Lịch sử hiện hữu trong con người và số phận mỗi cá nhân. Bên cạnh việc khai thác sử liệu, nhà văn quan tâm đến khám phá cái lịch sử hiện hữu đó bằng sự thấu hiểu từng số phận. Nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh là những con người cá nhân với đầy đủ những tính cách phức tạp và đa dạng. Nó lí giải cho động cơ sâu xa của những hành động có tính lịch sử của nhân vật. Cuộc cải cách quyết liệt của Hồ Quý Ly bắt nguồn từ tính cách thích “chơi với lửa” của Quý Ly lúc còn bé cho tới sự quyết đoán trong khát vọng thay đổi của con người có tư tưởng… sau đó là mưu toan chính trị và tham vọng quyền lực của một bạo chúa.

Dấu ấn lịch sử in đậm trên cuộc đời và số phận con người. Ở Hồ Quý Ly, giai đoạn lịch sử giao thời đầy mâu thuẫn hiện lên qua cuộc đời ông vua già Lê Hiển Tông với những dùng dằng của lịch sử: đổi mới để tiến bộ và chấp nhận rủi ro hay thủ cựu với lề lối của tổ tông dù tình trạng đất nước đã trở nên mục ruỗng. Hay như trong Mẫu Thượng Ngàn, quá trình xâm lược và công cuộc khai hóa thuộc địa của thực dân Pháp có thể được hình dung qua chuyện đời, chuyện tình của anh em nhà Messmer. Những thăng trầm

trong quá trình làm giàu ở thuộc địa, các cấp độ của sự chiếm đoạt tình yêu, và kết thúc nhiều nghiệt ngã (cái chết của Philippe, chứng hoang tưởng của Julien, đứa bé ra đời từ đêm hội) cho thấy tương lai phá sản của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.

Từ tư duy lịch sử trên, ta có thể thấy quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Xuân Khánh. Con người trong tiểu thuyết của ông không chỉ khoác bộ áo chính trị mà còn là con người của cuộc đời thực, con người của cuộc sống đời thường. Nguyễn Xuân Khánh quan niệm con người là sinh thể phức tạp, đa diện. Từ việc chọn thời điểm lịch sử không phải là quá khứ hào hùng hay thái bình thịnh trị mà là một giai đoạn rất phức tạp dẫn đến hệ quả là các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh hầu như đều ở thế lưỡng cực, đa trị. Với vai trò của nhà thực dân, Philippe là kẻ đi chinh phục chỉ tin vào sức mạnh nhưng không hoàn toàn như vậy, cuộc hôn nhân với người đàn bà bản xứ chứng tỏ anh ta nhận ra giới hạn của sức mạnh, những lúc đắm say với “đóa hồng phương Đông” biến anh ta trở thành con người hòa ái. Trần Khát Chân không chỉ là vị tướng tài ba, mưu lược, có tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng nhân hậu và nhân vật này cũng có thể tàn bạo và thủ đoạn, không ngần ngại đề nghị Sử Văn Hoa viết sách bôi nhọ Hồ Quý Ly với nguyên tắc “để tiêu diệt kẻ thù thì ta có quyền làm tất cả, ngay cả dựng nên sự việc”. Với Nguyễn Xuân Khánh, con người luôn tự nhận thức về chính mình cũng như về thế giới xung quanh. Nhà văn đặt con người vào những biến động lịch sử và bắt nó phải gánh trên vai gánh nặng tư tưởng. Ở Hồ Nguyên Trừng có nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người trước thời cuộc, ông hiểu rất rõ về bản chất của đời sống cung đình nhưng cũng ý thức về trách nhiệm của cá nhân trước dòng tộc, trách nhiệm của kẻ sĩ trong thời loạn. Bên cạnh đó, nhân vật Thuận Tôn lại chìm đắm trong suy tư về cái ác, quyền lực và cái chết… Và mỗi nhân vật là một sự phân thân

nghiệt ngã. Trong Hồ Quý Ly, nhà văn để cho nhân vật Thuận Tôn độc thoại trong sáu trang sách đối diện với những sự thật đau đớn của cuộc đời mình, hoang mang giữa một bên là trạng thái hư vô, một bên là những khắc khoải về thực tại. Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng khá đắc địa thủ pháp độc thoại nội tâm, nhờ đó có thể nhận thức sâu sắc hơn về con người, bản ngã và sự tồn tại đồng thời cả những bước đi thầm lặng của tiến trình lịch sử.

2.1.2.2. Quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh

Tác giả của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa thực sự đã khiến nhiều độc giả ngạc nhiên về vốn kiến thức văn hóa, lịch sử và sức viết khỏe khi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ông còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nữa khi trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào ông cũng miêu tả rất sinh động, đầy cảm hứng hình ảnh những người đàn bà của làng quê Việt Nam. Điều đặc biệt là tất cả những người đàn bà ấy đều rất đẹp, đầy quyến rũ.

Với ông, người đàn bà Việt ai cũng đẹp. Dù sống trong một không gian nhỏ bé nhưng điều khiến người ta thấy cuộc sống của ông trở nên giàu có, chính là cái nhìn của ông ra thế giới bên ngoài, cái nhìn ấy khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhõm dù cho cuộc sống gia đình có những lúc khó khăn và điều ấy cũng khiến cho tác phẩm của ông mang một hơi thở riêng, mà trong đó, cái làm nên sức bền cũng như sự hấp dẫn, lôi cuốn (ngoài những vấn đề thuộc về tính kinh điển của tiểu thuyết, những vấn đề của Phật giáo gắn với cuộc sống đời thường trong diễn trình lịch sử ở cả ba tiểu thuyết…) chính là những con người mà ở đây lại là những người đàn bà rất đẹp, quyến rũ, đầy ma mị dù cho họ sống trong nghèo khổ, rách rưới có khi là kẻ ăn mày. Theo Nguyễn Xuân Khánh, những người đàn bà Việt Nam vốn đã đẹp sẵn rồi, đẹp từ trong gian khổ, đói nghèo. Tất nhiên, cảm nhận này xuất phát từ thực tế

cuộc sống của nhà văn. Từ nhỏ, ông sống chủ yếu bên cạnh những người đàn bà, họ là mẹ, là bác, là dì, là chị em họ của ông. Những con người cần cù, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, những con người có cuộc sống không mấy suôn sẻ đã cho ông có cái nhìn sinh động, đầy đủ và rõ nét về tính nữ, chất âm tính mà ông miêu tả trong các tiểu thuyết của mình. Vì thế, trong tác phẩm, ông luôn dành cho những người đàn bà, các cô gái cái nhìn đầy thiện cảm. Những người phụ nữ ấy luôn toát lên vẻ đẹp mộc mạc, tròn đầy và tinh khiết. Họ hôm nay có thể đói lả, bị chồng bỏ, không nhà cửa nhưng hôm sau đã có thể là người đàn bà đầy nhục cảm, với thân thể ấm nóng và ánh nhìn ướt át, bàn tay mềm ấm (Khoai trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa). Họ hôm nay có thể là đứa con gái đang trong cơn hoảng loạn vì cha mẹ bị giặc giết, nhưng hôm sau là nàng thiếu nữ xinh đẹp, nết na, dịu dàng, cổ trắng như ngó cần ai thấy cũng muốn đặt một nụ hôn lên đấy, mái tóc đen dài mượt; mà để che mắt thiên hạ trong thời loạn lạc bằng cách ăn mặc rách rưới, áo bạc thếch, mặt mũi phải bôi cho thành nhọ nhem (Nguyệt trong Đội gạo lên chùa). Rêu trong Đội gạo chùa mang một vẻ đẹp tinh khôi. Đó là một đứa con gái gầy gò, bé nhỏ nhưng da trắng, môi hồng, tóc đen như mun, mắt đen láy long lanh ấm áp, đôi mắt ấy nhìn vào ai, dù đang lúc tức giận, cũng bỗng nhiên như được xoa dịu.

Mẹ Rêu, bà Thêu cũng là một người đàn bà rất đẹp: tóc đen nhánh, da trắng, mắt bồ câu long lanh, người cân đối thon thả, bà mặc áo cánh nâu vừa khít.

Hay như Mùi (Mẫu Thượng Ngàn), người đàn bà có tới ba đời chồng cũng là người đàn bà khiến cho đàn ông khó có thể cầm lòng bởi đôi vú nở nang, eo thon nhỏ, đôi mông nẩy đều chắc nịch, gương mặt tròn vạnh, mày ngài đen nhánh như mực nho, đôi mắt đen trắng phân minh nhưng chính thế trở nên bất hạnh khi mới 18 tuổi xuân sắc và người chồng đầu tiên chết bởi “chân khí suy kiệt”…

Nguyễn Xuân Khánh nói, những nhân vật đầy nữ tính, xinh đẹp ấy thật ra đều là những người thân của ông, hoặc những người sống xung quanh ông, họ được ráp nối lại từ những mảnh vụn ký ức của nhiều người. Nhưng cũng có những nhân vật có nguyên mẫu, như nhân vật bà Tổ Cô trong Mẫu Thượng Ngàn chính là cụ cô của ông (em ruột cụ nội). Cuộc đời của bà chính là cuộc đời của nhân vật trong truyện. Trong truyện, bà Tổ Cô được miêu tả rất đẹp. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, lại biết chữ nghĩa. “Thuở con gái bà đẹp lắm, thắt đáy lưng ong, khuôn mặt trái xoan, mi thanh mục tú. Chẳng cần trang điểm cũng đẹp nõn nà… Cả chân tay cũng đẹp, những ngón tay dài búp măng, lấp ló dưới chiếc váy sồi đen nhánh là hai bàn chân xinh xinh gót lúc nào cũng đỏ như son.

Tất cả con người như một đóa hoa tươi. Bà đứng chỗ nào là chỗ ấy như sáng sủa lên, như rực rỡ lên”. Cũng theo lời kể của nhà văn, “bà Ba váy (vợ ba của Lý Cỏn trong Mẫu Thượng Ngàn) cũng là bà chị họ tôi”, tuy xuất hiện không nhiều nhưng khá rõ nét. Một người nợ Lý Cỏn hai chục thúng thóc liền đem con gán nợ. Cô bé 17 tuổi, có cái tên rất buồn cười “cái đĩ Váy”, cô gái “trắng một cách lạ lùng, trắng như cục bột”, chỉ thích mặc váy dù Lý Cỏn bắt mặc quần. Ở cô, Lý Cỏn có thể “tìm thấy sự săn chắc, sự hừng hực ngút ngát của tuổi trẻ mà ông không tài nào tìm thấy được ở bà Cả và bà Hai”… Và chính những người đàn bà ấy đã làm cái riêng trong tác phẩm của ông. Đặc biệt, họ là những người đàn bà duyên dáng, xinh đẹp của làng quê, từ làng quê mà ra.

2.2. Đặc điểm nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn của nguyễn xuân khánh (Trang 20 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)