Những người phụ nữ tái sinh sự sống, tâm hồn bằng tính thiện và tình thương yêu

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn của nguyễn xuân khánh (Trang 38 - 43)

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh

2.2.2. Những người phụ nữ tái sinh sự sống, tâm hồn bằng tính thiện và tình thương yêu

Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam hiện lên với tâm hồn bao dung, độ lượng. Trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn, những người phụ nữ hiện lên đẹp cả người lẫn nết. Họ là những tâm hồn và nhân cách cao đẹp. Vẻ đẹp bên trong tâm hồn họ lấp lánh, tỏa sáng càng tôn thêm cái vẻ đẹp bên ngoài hấp dẫn. Họ là những người mẹ, người vợ, người tình... giàu tình cảm, đôn hậu, trong sáng.

Tính Mẫu là những phẩm chất cao hơn tính nữ. Những nhân vật nữ trong Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh là những con người có phẩm chất vượt lên trên những phẩm chất của tính nữ, đã đạt đến tính Mẫu. Họ chính là hiện thân của Mẫu, của đạo Mẫu (đạo của các dân tộc Đông Nam Á).

Mẫu là mẹ. Mẫu là nữ. Tính Mẫu là thiên tính nữ của những người phụ nữ, đó là những người mẹ, người vợ,... “Thiên tính nữ này được nhà văn nhận thức và thể hiện rất sinh động trong Mẫu Thượng Ngàn, qua hình tượng người đàn bà và những phẩm chất riêng có của người đàn bà. Đó là khả năng sinh sản, sự mềm dẻo, uyển chuyển, sự nhẫn nhịn và năng lực hóa giải những mâu thuẫn, căng thẳng...” [42, tr.12]. Đó là những phẩm chất trong tâm hồn người phụ nữ, là sự vượt trội của những phẩm chất rất nữ: tình yêu thương, sự khoan hòa và sức mạnh tái sinh sự sống. Từ bà Tổ Cô, bà cả Cỏn, bà Ba Váy đến chị mõ Pháo, cái Nhụ, cái Hoa... tất cả đều là những bằng chứng sống, những phiên bản khác nhau của Mẹ, của đạo Mẫu, của nền văn hóa Việt rất bản địa, rất thiêng liêng bất tử.

Khái niệm hồi sinh sự sống ở đây được hiểu theo đúng nghĩa của nó, đó là người phụ nữ đã dùng bản tính thiện và tình yêu thương của mình để kéo những người đàn ông mà họ yêu thương từ cõi chết trở về như một phép màu.

Bà Tổ Cô là một con người có tấm lòng nhân hậu, đáng kính. Bà đối xử tốt với những người xung quanh và dành trọn tình yêu thương cho chồng con. Khi làm vợ của ông Phủ Khiêm, tình yêu của cô Ngát là tình yêu của những người nho nhã chỉ dừng lại ở sự chuẩn mực, quan tâm trong khuôn phép. Khi chồng qua đời, bà rất đau buồn. Cũng trong lúc ấy, bà bị truy lùng, săn đuổi vì bị bọn giặc Pháp muốn diệt tận gốc những người có liên quan tới kẻ bị coi là chống đối như ông Phủ Khiêm. Bà đã phải một thân một mình vượt qua gian khổ để bảo về giọt máu mà ông Phủ Khiêm để lại. Bà bị đẩy vào tình thế éo le phải bằng lòng lấy ông trưởng Cam khi trong lòng rất đau khổ. Nhưng vì con, bà có thể làm tất cả. Ở với người chồng thứ hai, bà Ngát đã cho người đọc thấy được sức sống ngút ngàn, tình yêu mãnh liệt của một người phụ nữ đam mê. Ông trưởng Cam trước kia từng bị tra tấn dã man, hai quả cà bị teo hết mà đối với đàn ông như vậy là chết mất một nửa cuộc đời rồi. Thế nhưng bằng tình thương, tấm lòng của mình, bà Ngát đã có một biện pháp tuyệt diệu và có lẽ cũng chỉ có bà mới chữa cho ông Cam như thế được. “Hàng đêm, bà bế đầu ông lên, cho ông bú như mẹ cho con bú. Rồi một tay bà xoa vào lưng ông, tay kia bà kéo cái chim ra. Đau đấy, nhưng có cái vú bú, và có cái tay xoa lưng ông cũng đỡ đau phần nào. Tôi còn nghe nói có bận bà kéo mạnh quá, ông đau điếng, cắn chảy máu cả vú bà. Cứ như thế, mỗi ngày một ít, cuối cùng con chim chui hẳn ra. Và thế là ông Cam khỏi bệnh” [15, tr.307]. Ông Cam mừng đến phát khóc, ôm vợ và nói “Bà đã sinh lại ra tôi lần thứ hai”. Đằng sau câu chuyện có vẻ hoang đường ấy cũng có một phần sự thật, đó là tình yêu của người đàn bà, chỉ có người đàn bà yêu thương mới có thể làm cho ông Cam sống lại.

Cũng từ đôi vú, bà Ba Váy đã dùng dòng sữa của mình để cứu sống chồng. Đang say mê trong tình yêu khi gặp lại người yêu đầu của mối tình thời xuân sắc, bà Váy vẫn không quên nghĩa vụ, bổn phận của một người vợ khi làng Cổ Đình trở thành nạn nhân của trận dịch tả. Nạn dịch đã cướp đi bao nhiêu mạng người, vậy mà không thể là gì những người phụ nữ, không thể làm gì được bà Ba Váy mà ngược lại, người đàn bà ấy còn đủ sức cứu Lý Cỏn, đưa Lý Cỏn từ cõi chết trở về. “Người ta bảo sữa còn tốt hơn cháo. Mà sữa thì lúc nào tôi chẳng có (…). Ừ! Lão ấy thồm thèm thì đây cho. Tôi liền leo lên giường, tốc yếm lên để lộ đôi bầu vú. Tôi ngồi xếp bằng, nâng đầu lão nghếch lên lòng mình, sau đó áp bầu vú vào mặt lão. Cái vú mềm mại và bóng mượt của tôi như có cách gọi riêng của nó. Cái của tôi nó mềm mại, nó ấm áp, nó ngọt ngào. Nó mềm lắm mà, nó hiền lắm mà” [15, tr.576 - 577].

Chỉ có phụ nữ, chỉ có bà Ba Váy mới có cách cứu chồng đặc biệt như vậy.

Dòng sữa ấm, ngọt ngào đã mang lại nguồn sống, nguồn sức mạnh mới cho Lý Cỏn, lôi lão ra được khỏi cái chết. Bà cho chồng bú sữa là như truyền cho chồng nguồn sức sống kỳ diệu của mình, của người phụ nữ.

Một lần nữa, cái tính thiện, tình yêu thương, tâm hồn bao dung ấy của người phụ nữ lại được khẳng định. Mặc dù còn rất trẻ nhưng Nhụ luôn ý thức được vai trò là một người vợ của mình. Bệnh dịch tả tưởng như đã cướp đi người chồng của Nhụ, ngay cả ông Hộ Hiếu cao tay cũng không làm gì để cứu Điều, thế mà người con gái ấy lại làm được một điều phi thường.

Không ai bảo, chẳng ai dạy vậy mà Nhụ khóc Điều thật thảm thương. Nhụ dùng tiếng hát trong trẻo của mình để “ru” hồn người chồng tội nghiệp. Rồi cô mơ, trong giấc mơ, cô đã đấu tranh với con chó vàng yêu tinh ở âm phủ, Nhụ chạy thật nhanh, nhanh hơn cả Điều. Cô nắm lấy bàn tay lạnh như băng của Điều mà chạy phăng phăng. Cô quyết không chịu bị bắt, quyết không rời tay Điều, quyết giành lấy Điều từ tay thần chết. Và cuối cùng điều kỳ diệu

đã xảy ra. Điều sống lại, không biết là do một phép màu nhiệm nào hay do tình yêu, do sức mạnh của Nhụ mà Điều có thể quay trở về từ cõi chết. Nhụ đã kéo tay anh vào ngực. Cô muốn dùng cả đôi vú xinh xinh ấm áp của mình, thứ báu vật mà Điều rất thích để giữ lại mạng sống cho Điều. Khi bàn tay anh chạm vào chiếc vú căng mẩy ấm áp đó, Nhụ thấy đôi mắt anh sáng rực lên.

Có lẽ điểm chung của những người phụ nữ kia chính là họ cứu sống những người chồng của mình bằng những liều thuốc đặc biệt, đó chính là tình yêu, là tấm lòng bao dung ẩn chứa một nguồn sức mạnh trong những con người nhỏ bé ấy.

Với chồng yêu thương hết lòng, với con, họ cũng dành hết tình thương cho chúng. Mụ mõ Pháo dồn hết tình yêu thương vào đứa con muộn mằn, báu vật của đời bà là Hoa. Người mẹ ấy vất vả làm lụng, quyết dành dụm cho con chút vốn liếng để tương lai con bà được “mở mày mở mặt với thiên hạ”, được thoát khỏi kiếp mõ. Ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi nhắm mắt, bà vẫn thều thào dặn ông Hộ Hiếu phải “lo cho cái Hoa”, “phải bỏ làng mà đi... lấy chồng... thiên hạ”.

Bà đồng Mùi tuy không có được niềm hạnh phúc làm mẹ như những người phụ nữ khác nhưng những nét Mẫu tính trong con người bà cũng hiện lên sáng rõ. Bà là mẹ của những “con nhang đệ tử”. Từng trải qua và thấm thía nỗi truân chuyên của đời mình, bà đem thân lên hầu cửa Thánh - bà lên đền Mẫu Sơn, với mong ước được xoa dịu nỗi đau cho người khác, cho những đứa con của Mẫu. Ngày ngày, bà hầu hạ cửa Mẫu, bà xem bệnh, bốc thuốc, an ủi cho bao khách thập phương. Bà ngồi đồng để Thánh nhập vào ban tài phát lộc cho các “con nhang đệ tử”, để nghe và thấu hiểu những tâm nguyện của chúng sinh, để cầu nguyện mọi sự tốt lành cho họ. Bà Mùi không phải là một người mẹ bình thường - người mẹ của những đứa con

trong gia đình, mà là một người mẹ lớn, người mẹ của toàn cõi nhân gian.

Bà chính là hiện thân của Mẫu đang che chở, cứu giúp những sinh linh khốn khổ, đưa họ đến bến bờ hạnh phúc trong cuộc đời. Ở bà Mùi, tính Mẫu đã phát triển trọn vẹn trở thành đạo Mẫu, một thứ đạo thiêng liêng cao quý.

Tâm hồn là toàn bộ đời sống bên trong của mỗi con người. Đây là thế giới đầy bí ẩn và vô cùng phong phú gồm những tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ hay những phản ứng tâm lý của nhân vật trước “trạng huống” mà nhân vật chứng kiến hoặc thể nghiệm trong cuộc đời mình. Thế giới tâm hồn làm cho nhân vật trở nên “người” hơn, gần gũi, chân thực như những con người thật ngoài đời mà ta được tiếp xúc, tâm sự.

Cô bé Nhụ được miêu tả như một người thắp lửa, gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc cho gia đình. Đặc biệt dù còn rất nhỏ tuổi nhưng vẻ đẹp thánh thiện nơi tâm hồn và cả sự chu đáo của người phụ nữ ở trong cô đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của cụ Đồ Tiết. Đặc biệt nhất, ông tìm lại được tình yêu và niềm hạnh phúc gia đình mà bản thân ông cũng sẽ không bao giờ còn được chứng kiến.

Bà Ba Váy, năm mười ba tuổi đã phải lòng anh Phác. Bà yêu anh Phác bằng tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ. Lớn lên, hai người

“trải ổ” cho nhau. Cô trao cho anh Phác tất cả sự trọn vẹn của tâm hồn và thể xác. Sau này, khi bị ép gả cho Lý Cỏn, cô đã chôn chặt kỷ niệm đó trong lòng, sống trọn nghĩa vợ chồng với Lý Cỏn. Nhưng khi gặp lại anh Phác, sau hai mươi năm xa cách thì những tình cảm giấu kín trong lòng bà lại trỗi dậy. Bà không thể quên được những phút giây đằm thắm của thời con gái. Những khao khát mà năm tháng đã dồn nén, tích tụ nay bùng lên mãnh liệt: Bà như kẻ điên rồ lao vào mối tình xưa. Tình yêu đã biến bà trở thành một con người mạnh mẽ, không còn toan tính lo sợ. Người đàn bà ấy tìm lại được niềm hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Bà Ba Váy đã sống rất thật với lòng mình. Tình cảm

của bà sâu sắc, đó là những tình cảm hết sức cao đẹp, trần thế của con người.

Những tình cảm chân thật, mạnh mẽ, âm thầm nhưng dữ dội và khao khát ấy chính là nội lực, sức sống tiềm tàng trong tâm hồn của người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn của nguyễn xuân khánh (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)