Chương 2 KHOA CỬ DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG (1820 - 1840)
2.3. ÂN ĐIỂN CHO NGƯỜI ĐỖ ĐẠT
Việc thi cử ngày xưa hết sức khó, người dự thi rất nhiều nhưng người đỗ lại rất ít. Vì vậy, đối với những người thi đỗ, triều đình phong kiến ban thưởng cho họ rất nhiều ân huệ nhằm tăng thêm sự vinh quang cho họ và cũng tỏ rõ nhà nước rất coi trọng nhân tài, đồng thời khuyến khích việc học tập, thi cử trong cả nước. Thời Minh Mạng, các thí sinh thi đỗ sẽ được hưởng những ân điển như:
2.3.1. Lễ truyền lô
Truyền là dẫn đi, lô là trình bày. Truyền lô là nói tới việc tuyên chỉ của nhà vua và đọc tên những người đỗ Tiến sĩ sau kỳ Điện thí. Lệ truyền lô có từ những khoa thi tại Trung Hoa. Ở nước ta lệ Truyền lô Tiến sĩ có từ đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn tổ chức vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) và lễ Truyền lô cũng khởi đầu từ đó. Các khoa thi về sau, khoa nào cũng có lễ Truyền lô tổ chức trang trọng, nhưng tùy hoàn cảnh mà nghi lễ đổi thay. Những năm có quốc tang thì cử hành rất đơn giản.
Lễ truyền lô trong triều đình nhà Nguyễn hoặc cử hành tại điện Thái Hòa, hoặc cử hành tại Ngọ Môn. Lễ truyền lô đầu tiên được tổ chức ở điện Thái Hòa rất long trọng. Vào ngày truyền lô, lúc canh năm sau khi súng lệnh nổ, một tấm cờ vàng treo trên Kỳ Đài, ở điện Thái Hòa thiết lễ Đại triều. Ở gian thứ nhất bên phải của điện đặt hai hoàng án ở phần đình, rồi ngoài cửa Hữu Đoan (lúc này chưa có cổng Ngọ Môn chỉ có Nam Khuyết Đài, cửa Hữu Đoan này ở phía phải). Các thân công và quan lại mặc lễ phục Đại triều đứng chờ. Quan Thượng bảo mang danh sách Tiến sĩ tân khoa đặt trên hoàng án thứ nhất, còn các viên Thư tả mang Hoàng bảng đặt trên hoàng án thứ hai.
Đến giờ làm lễ, vua ngự ra điện Thái Hòa, các quan xếp hàng làm lễ năm lạy xong rồi trở lại hàng ngũ. Tiếp theo là quan Khâm mệnh làm lễ phục mệnh; các quan Giám thí, Độc quyển cùng các viên chức liên hệ đến khoa thi
cùng làm lễ năm lạy và trở về chỗ. Thị vệ đại thần đến quỳ ở gian thứ nhất bên trái của điện tâu xin làm lễ Truyền lô. Lãnh được chỉ của vua xong, rập đầu đứng lên rồi đi đến dưới thềm gian thứ hai bên trái điện và xướng lên:
“Truyền lô”. Bấy giờ quan Truyền lô đến tại hoàng án mang danh sách thí sinh trúng tuyển xuống. Trước đó quan Giám thí, Độc quyển đã dẫn các tân Tiến sĩ vào Văn Công thự lãnh mỗi người một bộ mũ áo. Họ quỳ đón lấy đưa lên trán, xong mặc áo và đội mũ đứng chờ. Quan Kinh dẫn thuộc bộ Lễ dẫn họ đến sân điện quỳ quay mặt về hướng bắc.
Quan bộ Lễ xướng: Truyền lô!
Quan Truyền lô cầm danh sách, theo thứ tự tuyên đọc. Đọc xong giao cho viên quan bộ Lễ tiếp nhận.
Quan bộ Lễ xướng: Phủ phục (cúi xuống). Các tân Tiến sĩ làm lễ năm lạy. Lễ xong đứng nguyên vị trí.
Tiếp theo Thị vệ Đại thần đến trên thềm ở gian thứ nhất bên trái quỳ tâu xin niêm yết bảng. Lĩnh chỉ xong, rập đầu đứng lên. Các viên Thư tả mang Hoàng bảng xuống trao cho quan Hộ bảng. Bảng vàng được đặt lên Vân bàn (mâm vẽ mây), quan Hộ bảng dẫn Thị vệ cùng quân lính đầy đủ nghi trượng tán lọng, nhã nhạc, mang Vân bàn ra cửa Hữu Đoan. Ra khỏi cửa, mâm được đặt lên Long đình. Chờ vua hồi cung xong, quan Hộ bảng cho gánh Long đình đến Phu Văn Lâu niêm yết. Bảng yết ở đây ba ngày, sau đó giao cho Quốc Tử Giám lưu trữ. Các tân Tiến sĩ thứ tự theo sau đám rước để xem bảng.
2.3.2. Ban yến
Việc thiết yến đãi các tân Tiến sĩ cũng phỏng theo lề lối thi cử ở Trung Hoa đã có từ lâu. Đời Tống, thiết yến tại Quỳnh Lâm; qua đời nhà Minh, Thanh, tổ chức tại công đường bộ Lễ. Triều đình nhà Nguyễn cũng có lệ thiết yến sau khi yết bảng thi Đình, vào dịp này cũng là lúc ban thưởng cho những người lo liệu việc thi cử.
Khoa thi Tiến sĩ đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3, yến được mở tại cộng đường bộ Lễ. Đến năm Minh Mạng thứ 18 Đinh Dậu (1837), lại tổ chức tại vườn Thư Quang, gọi là yến Thư Quang.
Trong những dịp tổ chức tại công đường bộ Lễ thì trước công đường cho dựng lên một rạp bằng tranh tre gồm nhiều gian. Ngay gian chính giữa thiết hương án để vọng bái. Còn những gian khác thiết ván, kỷ để ngồi, bàn để dọn yến. Các gian bên tả và hữu của gian giữa thiết Hồng án (bàn sơn đỏ) để đặt các phẩm vật ban thưởng.
Trong trường hợp tổ chức tại các hoa viên như Thư Quang, Thường Mậu thì dựng ngay rạp trước cổng ra vào vườn, cho giăng đèn kết hoa, ngay gian chính giữa cũng thiết lập hương án để người dự yến vọng bái.
Tuy cùng ăn yến tại một nơi nhưng cũng phân thành hạng, thường chia hai hạng: Thượng hạng và Trung hạng. Những quan đứng đầu việc coi thi như Giám thí, Độc quyển, Truyền lô, Tuần la… xếp vào Thượng hạng, mỗi bàn hai người ngồi. Còn hạng Trung thì giá trị của bàn tiệc có kém hơn dành cho các quan cấp dưới như Thu quyển, Tuần sát… và các Tiến sĩ tân khoa. Đặc biệt những người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ tất được dự yến ngồi riêng một bàn, việc đó cốt đề cao tên tuổi của họ. Việc tiếp đón quan khách trong buổi yến do các quan bộ Lễ trông coi.
Về phẩm vật tưởng thưởng thường ban là trâm hoa (hoa để cài), nhưng chia làm loại mạ bằng bạc và mạ bằng vàng, hoặc bằng vàng, bằng lụa… Chỉ đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ mới được thưởng trâm hoa mạ vàng, còn các hạng kém hơn chỉ được thưởng trâm hoa bằng bạc. Ngoài ra còn ban thưởng thêm lụa, đoạn hoặc nhiều tiền bạc, những đồng tiền có khắc chữ Sử Dân Phú Thọ, Phúc Thọ Đa Nam… Những phẩm vật này đa số thưởng cho các quan tham dự việc thi hơn là các tân Tiến sĩ, vì các tân Tiến sĩ cốt đề cao ở danh hơn là vật chất ban cấp.
2.3.3. Ân tứ vinh qui
Từ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3 Nhâm Ngọ (1822) đã có lệ định cho các Tiến sĩ vinh qui. Việc vinh qui nêu lên quan điểm trọng nhân tài và học vấn của triều đình.
Việc nêu danh đầu tiên cho các Tiến sĩ là cho thưởng hoa ở Ngự uyển và cưỡi ngựa dạo quanh Kinh thành.
Vào năm Minh Mạng thứ 19 Mậu Tuất (1838), xong buổi yến tại vườn Thư Quang, các tân Tiến sĩ được quan Kinh dẫn đem ra xem hoa ngay tại vườn này. Xong việc thưởng hoa, các tân Tiến sĩ mỗi một người được cấp một lọng đen, một hồ lô đen, một con ngựa kèm 4 tên lính quân phục đầy đủ.
Sau đó quan Kinh dẫn dẫn các Tiến sĩ cỡi ngựa ra cửa Chính Đông rời Kinh thành đi ngắm các ngõ phố chung quanh Kinh thành. Xong việc trở về chỉ phải trả lại con ngựa.
Qua hôm khác, được ấn định trước tùy khoa thi, quan Kinh dẫn lại dẫn các tân Tiến sĩ vào Văn Minh Điện để dâng biểu tạ ân. Gặp dịp này, vua hỏi han các tân Tiến sĩ. Họ đem thực học của mình để tâu trình. Xong xuôi, quan bộ Lễ sẽ chọn ngày tốt để các tân Tiến sĩ làm lễ ở Văn Miếu. Trong buổi lễ tại Miếu còn có các quan ở Quốc Tử Giám như Tế tửu, Tư nghiệp… tham gia.
Việc ân tứ vinh qui trong khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, triều đình cấp cho tất cả 5 phu, 2 người cầm biển, 2 người gánh võng, 1 người mang đồ đạc. Về sau, các Tiến sĩ phải tự thuê lấy. Về cờ ban cấp thì đỗ Nhất giáp Tiến sĩ được ban cờ lụa Lục nam màu đỏ, có đính các chữ bằng tơ vàng: “Sắc Tứ Đệ nhất giáp Đệ… danh Tiến sĩ cập đệ”. Còn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ và Đệ tam giáp thì cờ bằng tơ đính chữ bằng vải, cũng mang hàng chữ “Sắc Tứ Đệ nhị (hoặc tam) giáp Tiến sĩ xuất thân (hoặc Đồng Tiến sĩ xuất thân)”. Biển thì hoàn toàn giống nhau có màu đỏ khắc hàng chữ vàng “Ân Tứ Vinh Qui”.
2.3.4. Bổ dụng
Thông thường đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ được nhập ngạch Hàn Lâm Viện hàm Trước tác thuộc Chánh lục phẩm. Đệ nhị giáp hoặc Đệ tam giáp Tiến sĩ nhập ngạch Hàn Lâm Viện hàm Biên tu thuộc Chánh thất phẩm.
Phó bảng thì nhập ngạch Hàn Lâm Viện hàm Kiểm thảo thuộc Tòng thất phẩm. Từ phẩm hàm đó sẽ được bổ dụng những chức vụ tương ứng như Tri phủ, Thự Tri phủ, Đồng Tri phủ, Thự Đồng Tri phủ… Nhưng quan trọng hơn, là những người không đỗ kỳ Hội thí vẫn được bổ dụng.
Sau khoa thi Hội đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3 Nhâm Ngọ (1822), những thí sinh hỏng thi nếu xin về nguyên quán đều được chấp thuận, số còn lại nếu có nguyện vọng đều được ban ân cho vào học ở Quốc Tử Giám, những Cống sinh cũng được lệ này. Đến năm Minh Mạng thứ 16 Ất Mùi (1835), vì số đỗ Cử nhân hồi ấy còn ít, nên chuẩn cho 20 Cử nhân trượt ở Hội thí ở lại Kinh học chính sự rồi lại được bộ Lại cử làm Hành tẩu ở các Bộ.
2.3.5. Bia Tiến sĩ
Việc dựng bia Tiến sĩ đã có từ đời Lê Thánh Tông nhưng thời Nguyễn từ đời Minh Mạng trở đi, triều đình mới mở các khoa thi Đình nên bia đề tên Tiến sĩ mới bắt đầu dựng từ năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ ba (1822). Ngoài 32 tấm bia đề tên Tiến sĩ, ở đây còn có hai tấm bia dựng trong bia đình ở hai bên Văn thánh. Bia bên trái khắc đạo Dụ của vua Minh Mạng về việc dùng hoạn quan. Dưới thời Minh Mạng đã có 6 bia đề tên Tiến sĩ với 55 vị Tiến sĩ văn. Ngoài ra còn có bia đề tên Tiến sĩ võ.
Bia đề tên Tiến sĩ ở Văn Thánh Huế nhỏ hơn và không đẹp bằng những bia đề tên Tiến sĩ đặt ở Quốc Tử Giám Hà Nội. Văn bia cũng giản đơn hơn rất nhiều. Tuy vậy, các tấm bia này vẫn có ý nghĩa biểu dương, khích lệ rất cao tinh thần học tập của các sĩ tử, đồng thời cũng mang đầy đủ giá trị của một cuốn sử vang ghi chép tên tuổi, quê quán các vị Tiến sĩ đã thi đậu