Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới
4.1.2. Thực trạng phát huy vai trò của tổ chức chính trị- xã hội trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm
4.1.2.1. Vai trò hoạt động trong Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
Căn cứ nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 20202, định hướng 2030; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2011 - 2013, định hướng 2030; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm gồm 21 thành viên; chỉ đạo các phòng, ngành chức năng chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của mình; Phân công cụ thể từng phòng, ngành phụ trách theo dõi, chỉ đạo các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đôn đốc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tập trung chỉ đạo, tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về chương trình xây dựng nông thôn mới.
UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo Thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng NTM, tổ chức các hội nghị phản ánh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng NTM với các huyện, thị xã, thành phố. Ban Chỉ đạo, Tổ chỉ đạo xã điểm các huyện, thị xã, thành phố đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các xã thực hiện kế hoạch xây dựng NTM và chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, thẩm định Quy hoạch, Đề án và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn xã điểm và các xã khác để trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt.
Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng giai đoạn (2011 - 2013, 2013 - 2015 và 2015 - 2020); thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; Hướng dẫn và chỉ đạo các xã thành lập cơ cấu, bộ máy quản lý, hoạt động như Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý xã, Ban phát triển và Ban giám sát thôn. Huyện thành lập Hội đồng thẩm định, hướng dẫn các xã lập đồ án và đề án xây dựng nông thôn mới.
4.1.2.2. Việc ban hành các văn bản điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới
UBND huyện Gia Lâm, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới về tổ chức bộ máy triển khai; Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tổ chức thực hiện các nội dung như: công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua, lập quy hoạch, đề án, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình từ cấp huyện đến cơ sở cho từng giai đoạn.
Nhìn chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện được triển khai kịp thời và đầy đủ. Các phòng, ngành chuyên môn đã triển khai thực hiện công việc tới cơ sở theo ngành chuyên môn quản lý. Tuy nhiên quá trình phối hợp triển khai thực hiện giữa các phòng, ban, ngành, các chương trình, dự án trên địa bàn có việc còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Nguyên nhân một phần do bộ phận cán bộ giúp việc thiếu, làm việc mang tính kiêm nhiệm, sự hiểu biết cũng như thời gian tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
4.1.2.3. Phát huy dân chủ, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới chung của đất nước, nông nghiệp, nông thôn huyện Gia Lâm cũng đã có nhiều đổi mới rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn đã có những tiến bộ rất phấn khởi. Quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng bởi họ chính là người trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi.
Chính vì vậy, việc áp dụng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, qua đó phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân, đồng thời góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng, lãng phí.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện đã tích cực, chủ động tham mưu với Huyện ủy tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; hướng dẫn các xã - thị trấn kiện toàn thnahf viên Ban chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế ở các loại hình cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt chính trị của nhân dân, huy động sức dân tham gia các phong trào hành động cách mạng, đặc biệt là tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tại 20 xã trên địa bàn huyện, những nội dung theo quy định đều được UBND xã tổ chức công khai cho nhân dân biết bằng nhiều hình thức như: thông qua các kỳ họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, niêm yết trên các bảng tin tại trụ sở UBND xã, phát tin trên hệ thống truyền thanh huyện và các xã. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội cũng chọn lọc những nội dung thiết thực như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Chính sách xã hội, các quỹ hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội... để thông tin cho đoàn viên - hội viên, tuyên truyền cho nhân dân ở các khu dân cư.
Trong số những nội dung được công khai, nhiều vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân được đưa ra cho nhân dân góp ý, đề xuất cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, đề án xây dựng xã nông thôn mới, các quy trình giải quyết thủ tục hành
chính...; Tổ chức cho dân bàn và quyết định trực tiếp việc xây dựng quy ước cộng đồng khu dân cư, về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, xóm do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hưởng ứng thực hành tiết kiệm điện, tiết kiệm tiêu dùng. Đảng ủy các xã lãnh đạo Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp, hỗ trợ ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát cộng đồng thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại địa phương.
Việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ tại các địa phương thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới đã mang lại luồng sinh khí mới cho đời sống xã hội ở cơ sở, tạo động lực làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các xã trên nhiều phương diện. Tác động lớn nhất là quy chế dân chủ đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp Ủy, quản lý điều hành của Chính quyền cơ sở theo hướng ngày một dân chủ hơn, cụ thể và bám sát thực tiễn hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền. Thông qua hoạt động triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng gắn bó hơn với đoàn viên, hội viên và nhân dân, năng lực hoạt động thực tiễn được nâng lên, tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo ra những tác động rộng lớn hơn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nếu như trước đây, việc vận động nhân dân tham gia đóng góp cùng Nhà nước nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn mang tính chất đơn lẻ, tùy theo nhu cầu cấp bách của từng khu dân cư, thì nay với việc thông tin đầy đủ các chủ trương, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, cùng với phong trào thi đua dân vận khéo, hầu hết các tuyến đường, con hẻm đều được nhân dân chủ động tổ chức bàn bạc, trực tiếp đóng góp để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn của từng xã. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả như hợp tác sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
4.1.2.4. Một số thuận lợi, khó khăn của các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
a) Thuận lợi: Các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức được ý nghĩa, tầm
quan trọng về xây dựng nông thôn mới nên đã tích cực tham gia lập và thực hiện đề án, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động và tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.
b. Khó khăn: Khối lượng công việc nhiều, nguồn kinh phí cho hoạt động của các thành viên tham gia lại thấp, điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhiệt tình tham gia đóng góp công sức của từng thành viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tóm lại: Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nông thôn mới không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, mà là vấn đề kinh tế - chính trị tổng hợp. Xây dựng nông thôn mới giúp cho nông dân có niềm tin, trở nên tích cực, chăm chỉ, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh. Do vậy, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững thì vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở cho sự thành công, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho mọi thành viên phát huy quyền chủ của nhân dân, gắn kết với sự đóng góp chung để xây dựng, sử dụng và quản lý mọi nguồn lực, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.