Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới
4.1.3. Thực trạng phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới tại các xã điều tra
4.1.3.1. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
Để làm tốt công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu, đồng thuận tham gia và giám sát thực hiện việc cần thiết là phải thành lập các Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa bàn dân cư (huyện, xã, thôn). Ở 4 xã được điều tra, đối với Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các thôn do đồng chí trưởng thôn làm trưởng ban và thành viên là các chi hội đoàn thể và do cộng đồng người dân tại thôn đó tổ chức họp, bàn bạc và bầu ra, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người dân ở mỗi
thôn. Đại diện được bầu ra là những người có uy tín, kinh nghiệm, trách nhiệm, am hiểu và có năng lực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới mỗi thôn có lợi thế là do dân bầu lên, có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở, triển khai phổ biến chương trình, đề án sâu rộng đến người dân trong thôn; hạch toán cụ thể kinh phí các công trình của thôn, có kế hoạch huy động vốn để đảm bảo thực hiện các hạng mục theo đúng tiến độ quy định đồng thời chịu trách nhiệm là chủ đầu tư các hạng mục công trình tại thôn: Chỉnh trang nhà văn hóa - sân thể thao, cứng hóa đường nội thôn, mương nội đồng, cải tạo kênh mương, cống rãnh thoát nước của thôn,... thực hiện đúng theo hướng dẫn, chính sách hiện hành và dưới sự hướng dẫn của Ban quản lý xã về thủ tục đầu tư, xét thầu, nghiệm thu, quản lý sử dụng.
Bảng 4.1. Kết quả tham gia BQLXDNTM của các tổ chức chính trị-xã hội ở 4 xã huyện Gia Lâm
Tên tổ chức
Số cán bộ hội viên tham gia
BQL XDNTM xã
(người)
Tỷ lệ so với tổng số (%)
Số cán bộ hội viên tham gia BQL XDNTM
cấp thôn (người)
Tỷ lệ so với tổng số
(%)
- Hội Cựu chiến binh 4 18,18 13 13,98
- Hội Nông dân 8 36,36 16 17,20
- Hội Phụ nữ 6 27,27 12 12,90
- Đoàn Thanh niên 4 18,18 52 55,91
Tổng số 22 100,00 93 100,00
Nguồn: Số liệu điều tra (2016) Tùy vào từng chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các xã, thôn có số lượng thành viên tham gia khác nhau. Họ là đại diện các tổ chức chính trị và nhân dân trên địa bàn. Sau khi thành lập, Ban quản lý ở xã, thôn đã triển khai nội dung xây dựng nông thôn mới và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên, từng ban ngành đoàn thể:
- Mặt trận Tổ quốc: Phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hộ nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện giám sát cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ: Có trách nhiệm phối hợp thực hiện chương trình cải tạo bếp nấu ăn, nhà tắm, bể nước, nhà vệ sinh của các hộ dân.
- Hội Nông dân: Có trách nhiệm phối hợp thực hiện chương trình mở điểm dịch vụ hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hầm biogas, phát triển trang trại, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
- Hội Cựu chiến binh: Có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác thu gom rác thải, cải tạo các rãnh thoát nước trong khu dân cư, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển ngành nghề nông thôn.
- Đoàn Thanh niên: Có trách nhiệm phối hợp thực hiện chương trình đào tạo nghề cho người dân góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn.
- Hội Người cao tuổi: Có ảnh hưởng và tầm quan trọng rất lớn đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Vận động người dân xây dựng đời sống mới và động viên con cháu tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Sự tham gia của các tổ chức chính trị nói chung và Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân nói riêng vào Ban quản lý xây dựng nông thôn mới chính là cầu nối giữa cộng đồng người dân với các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên địa bàn. Tổ chức xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến sự tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển xây dựng thôn, xã đồng thời hỗ trợ người dân về nhiều mặt.
4.1.3.2. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu chính của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là gì? Trước hết đó là vì lợi ích của người dân, vì không ai khác chính người dân mới là người làm chủ, được hưởng những thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Do đó, điều quan trọng trước tiên là cần giúp người dân nhận thức đầy đủ được sự cần thiết phải xây dựng nông thôn mới. Chỉ khi thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thì chương trình mới thực sự thành công, đạt được kết quả như mong muốn. Để triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và hướng dẫn của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương về Chương trình xây dựng nông thôn mới
đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một cách đồng bộ và có hiệu quả thì công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn, có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư. Được thực hiện gắn với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của mỗi địa phương; Có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật do các bộ chuyên ngành ban hành). Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Cấp ủy Đảng, Chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện. Hình thành cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” do Mặt trận Tổ quốc chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới.
Việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Chúng ta không thể có nông thôn mới nếu không đặt cao vai trò chủ thể của người dân và người dân không nhiệt tình, tâm huyết cùng với Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động để người dân tham gia hiểu về nông thôn mới trong từng nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với các tiêu chí còn đạt ở mức thấp là yêu cầu cấp thiết khi triển khai thực hiện chương trình.
Nhằm nâng cao nhận thức và phát động rộng rãi phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong nhân dân; Phát huy sức mạnh tổng hợp, nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua các tổ chức chính trị - xã hội của huyện Gia Lâm đã tích cực triển khai và thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, đoàn viên, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào những yêu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới; tiêu chí nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa giai đoạn 2010-2020; những nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; những đặc trưng nông thôn mới thời kỳ CNH - HĐH, nguyên tắc xây dựng nông thôn mới; phương pháp, các cơ chế chính sách trong xây dựng nông thôn mới; các mô hình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới đồng thời giới thiệu, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp ở địa phương có tác động tích cực xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” để chỉ đạo các chi nhánh, ngân hàng thương mại các tỉnh, thành phố bảo đảm tăng nguồn vốn tín dụng xây dựng nông thôn mới tại các xã; Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến nông; Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn; Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2010 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030; Chỉ thị số 12/C -UBND ngày
26 tháng 9 năm 2011 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch số 14/KH - UBND ngày 10 tháng 11 năm 2010 của UBND huyện Gia Lâm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm giai đoạn 2011 – 2020; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2011 của UBND huyện Gia Lâm về việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2012 của UBND huyện Gia Lâm tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm giai đoạn 2011 - 2020, định hướng 2030”; Kế hoạch số 06/KH-MT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của UBMTTQ Việt nam huyện Gia Lâm phát động phong trào thi đua xây dựng “Khu dân cư 3 không” huyện Gia Lâm, giai đoạn 2012 - 2015, góp phần xây dựng nông thôn mới…
Hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú như: phổ biến tại các họp, buổi sinh hoạt, hội nghị, các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, sinh hoạt Câu lạc bộ, mở lớp tập huấn; tuyên truyền bằng Pa nô, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu trên trục đường chính của thôn, xã, tại nhà văn hóa các thôn, trụ sở UBND xã, nơi làm việc; trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở, đưa tin phản ánh kịp thời về các hoạt động xây dựng nông thôn mới, viết gương người tốt việc tốt, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện chương trình xây đựng nông thôn mới nhằm biểu dương kịp thời, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Bảng 4.2. Sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới
Nội dung
Số hội viên tham gia
Trong đó Tuyên truyền
qua hội nghị
Gặp trực tiếp
người dân Qua đài, báo Các hình thức khác Số
lượng
tỷ lệ (%)
Số lượng
tỷ lệ (%)
Số lượng
tỷ lệ (%)
Số lượng
tỷ lệ (%)
1. Cấp huyện 8 4 50,00 1 12,50 3 37,50 0 0
1.1. Mặt trận Tổ
quốc 1 0 0,00 0 0,00 1 100,00 0 0
1.2. Liên đoàn Lao
động 1 1 100,00 0 0,00 0 0,00 0 0
1.3. Hội Nông dân 2 1 50,00 0 0,00 1 50,00 0 0
1.4. Hội Phụ nữ 2 1 50,00 1 50,00 0,00 0 0
1.5. Đoàn Thanh
niên 1 0 0,00 0 0,00 1 100,00 0 0
1.6. Hội Cựu chiến
binh 1 1 100,00 0 0,00 0 0,00 0 0
2. Cấp xã, thôn 22 4 18,18 9 40,91 8 36,36 0 0
2.1. Mặt trận tổ
quốc 2 1 50,00 0 0,00 1 50,00 0 0
2.2. Liên đoàn lao
động 2 1 50,00 0 0,00 1 50,00 0 0
2.3. Hội Nông dân 7 0,00 5 71,43 2 28,57 0 0
2.4. Hội Phụ nữ 5 2 40,00 1 20,00 1 20,00 0 0
2.5. Đoàn Thanh
niên 5 0 0,00 3 60,00 2 40,00 0 0
2.6. Hội Cựu chiến
binh 1 0 0,00 0 0,00 1 100,00 0 0
Nguồn: số liệu điều tra (2016)
Qua thực tế, công tác tuyên truyền của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở phối hợp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhưng nếu chỉ có tuyên truyền thì chưa đủ. Để làm tốt vai trò của mình, các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn cùng tiến hành nghiên cứu, biên soạn lại tài liệu tuyên truyền 19 tiêu chí, in ấn và cấp phát 1.150 tờ rơi, 930 phiếu khảo sát, 100 bộ tài liệu hỏi - đáp, 750 tờ tin, 100 bộ tài liệu gồm các văn bản về xây dựng NTM cho đoàn viên, hội viên và người nông dân.
Hộp 4.1. Ý kiến của hội viên phụ nữ về tham gia xây dựng nông thôn mới
“Để mỗi người dân nắm rõ, hiểu được sâu sắc và tích cực, tự nguyện tham gia đóng góp công, sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới thì thật là khó. Nhiều khi Hội chúng tôi còn phải trực tiếp đến tận nhà gặp gỡ, tuyên truyền, động viên, thuyết phục, phân tích các mặt có lợi, cả về trước mắt và lâu dài mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại cho họ và gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Đặng Xá Qua điều tra thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy: Trong 5 tổ chức đoàn thể thì Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đã làm khá tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông thôn mới. Tuy nhiên, tỷ lệ nhận xét của người dân về nguồn thông tin họ nhận được không có sự chênh lệch nhiều. Nó đã ít nhiều nói lên rằng, do nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động cho người dân để họ tự nguyện, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên chính quê hương mình, ba tổ chức đoàn thể ở địa phương đã nỗ lực, cố gắng đổi mới phương thức hoạt động để truyền tải thông tin đến mọi người dân được kịp thời và hiệu quả.
4.1.3.3. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia thảo luận chiến lược phát triển nông thôn mới
Để thành công trong xây dựng nông thôn mới thì các cuộc họp rất có ý nghĩa, đặc biệt ở đây là các cuộc họp bàn bạc và thống nhất giữa Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, trưởng các thôn, đại diện các tổ chức chính trị với người dân về việc triển khai, thực hiện một số nội dung, công việc có liên quan trong thời gian tới. Các cuộc họp dân đều mang tính dân chủ, người dân ai cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung các cuộc họp đều được đưa bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ. Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình, cung cấp những thông tin liên quan đến từng cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống
sinh hoạt của họ. Điều này giúp cho người dân phát huy được năng lực của mình và tính tích cực khi tham gia vào các hoạt động của làng xóm, của thôn, của xã và huyện. Đây là một nhân tố rất quan trọng đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Gia Lâm.
Nội dung các cuộc họp thường là:
- Họp triển khai các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới.
- Họp bàn lập kế hoạch, ưu tiên các hạng mục công trình thực hiện.
- Họp bàn đóng góp tiền của và công lao động cho các hoạt động xây dựng của thôn, của xã.
- Họp triển khai từng nội dung trong các hạng mục của công trình.
- Họp bàn nội dung và phân công giám sát các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
- Họp nghiệm thu các công trình xây dựng nông thôn mới.
- Họp thống nhất việc quản lý và sử dụng các công trình xây dựng nông thôn mới.
Người dân và các tổ chức trên địa bàn đều tích cực tham gia đầy đủ các cuộc họp có lồng ghép chương trình xây dựng NTM. Tại các cuộc họp, họ đóng góp nhiều ý kiến bổ ích đồng thời tham gia bàn bạc, thống nhất những biện pháp để xây dựng nông thôn mới một cách tốt nhất.