Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Tình hình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía nam, Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc.
Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn du khách.
Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến biển Sầm Sơn nằm cách TP Thanh Hóa 16km về phía đông nam. Bên cạnh tài nguyên biển, Thanh Hóa còn có tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm. Điển hình trong số đó là vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh, cách thành phố Thanh Hóa 36km về phía tây nam. Thanh Hóa cũng được biết đến như là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được Thanh Hóa bảo tồn, phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách. Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Thanh Hóa có điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử…, từng bước khẳng định vị thế của du lịch xứ Thanh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lợi thế quan trọng đối với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng, tạo thuận lợi cho việc tập trung nguồn lực phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả, tăng trưởng du lịch tỉnh duy trì ở mức độ khá, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh du lịch đều vượt chỉ tiêu. Năm 2016 toàn tỉnh ước đón được 6.277.000 lượt khách, tăng 13,5% so với năm 2015 (trong đó khách quốc tế: 154.500 lượt khách, tăng 21,7% so với năm 2015); tổng thu nhập từ du lịch ước đạt: 6.298 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2015 (trong đó tổng thu từ khách quốc tế 39.600.000 USD).
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực thực hiện nghiêm túc định hướng phát triển du lịch của các Sở, ban, ngành và sự triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, chắc chắn trong thời gian không xa, Du lịch Thanh Hóa sẽ là điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước.[32]
Tiểu kết chương 1
Trong Chương 1 của luận văn, tác giả tập trung làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến du lịch và phát triển du lịch ; các điều kiện phát triển du lich ; các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch. Đồng thời xây dựng các tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch Sầm Sơn theo Buler trong thuyết chu kỳ sống của điểm đến du lịch từ đó làm cơ sở cho việc phân tích thực trạng ở chương 2.
Ngoài ra, tác giả cũng đã nghiên cứu thực tiễn phát triển du lịch biển ở một số địa phương có đặc điểm tương tự nhằm tìm ra bài học để Sầm Sơn có thể áp dụng trong thời gian tới.
Chương 2
HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ SẦM SƠN GIAI ĐOẠN 2010 - 2017
2.1. Khái quát về TP Sầm Sơn 2.1.1. Vị trí địa lý
Hình 2.1. Bản đồ Vị trí TP Sầm Sơn
(Nguồn: Tác giả biên tập) TP Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách TP Thanh Hoá khoảng 16 km theo đường Quốc lộ 47. Phía Bắc giáp huyện Hoằng Hoá (ranh giới là sông Mã);
Phía Nam giáp huyện Quảng Xương, phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ, phía Tây giáp TP Thanh Hóa. Vị trí giáp biển với bãi biển đẹp Sầm Sơn thuận lợi phát triển du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng.