Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.2. Thời gian nghệ thuật
1.2.4. Các bình diện của thời gian nghệ thuật
Đây là điều cần được ý thức để phân tích thời gian. Quan hệ giữa quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là tương đối, phụ thuộc vào điểm quy chiếu "bây giờ". Có người cho rằng "hiện tại" có độ dài của hiện trạng sự vật. Trên phương diện tâm lý, nhiều người cho rằng cái "bây giờ" bao chứa cả quá khứ và tương lai. Có thể phân biệt rằng thời hiện tại đồng thời với cuộc sống đang diễn ra, thời quá khứ là quá khứ của hiện tại đó. Thời tương lai là điểm sau cuộc sống, và thời sau tương lai là thời gian trần thuật.
1.2.4.1. Thời gian hiện tại
Thời hiện tại đóng vai trò chủ đạo trong tác phẩm văn học, bởi thời gian là cảm nhận. Hiện tượng học xác nhận trước khi con người suy nghĩ, cảm xúc thì nó phải có một cơ thể ở trong không gian và có quan hệ với thời gian. Vì vậy, thân thể luôn luôn là hiện tại, cảm giác, xúc giác, tri giác cũng luôn ở hiện tại. Hồi tưởng là quay về "quá khứ", nhưng đồng thời cũng là cái "hiện tại" của quá khứ trong hiện tại, ước mơ tương lai, cũng là sống với cái "hiện tại" của tương lai hiện tại. Do đó, sự phân biệt của ba bình diện này chỉ là tương đối, trong khi đó có một dòng hiện tại cảm nhận xuyên suốt mọi bình diện. Sự phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ xuất hiện trong phạm vi thời gian nhân vật và sự kiện. Còn ở hiện tại thì cảm nhận gắn với hiện tại của phát ngôn và hiện tại của người đọc. Như Likhachép đã nhận định: thực chất thời gian nghệ thuật là hiện tại ước lệ và sự phát triển của thời gian nghệ thuật chủ yếu là sự phát triển của sự sống, nghệ thuật đem thời hiện tại ước lệ mà làm sống vĩnh viễn các giá trị, tức là khắc phục cái thời gian thực tại một đi không trở lạị.
1.2.4.2. Thời gian quá khứ
Thời gian quá khứ trong văn học xuất hiện rất muộn. Trong phần nhiều thơ trữ tình, truyện trung đại, truyện dân gian thời quá khứ không phát
27
triển, do nhân vật không biết hồi tưởng và chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội tâm nhân vật thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng. Lúc này thời quá khứ mới xuất hiện. Chú trọng thời gian quá khứ là một đặc điểm phổ biến của văn học hiện đại.
Quá khứ thường thể hiện qua hình tượng các ông bà già hoặc huyền thoại, truyền thuyết. Quá khứ hiện ra trong các dấu tích, phế tích, trong hồi ức, trong giấc mơ. Chẳng hạn như trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên (trích trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài), Dế Mèn sống trong sự dằn vặt và ân hận vô cùng vì đã gây ra cái chết cho người hàng xóm xấu số là Dế Choắt. Câu chuyện được kể lại, thời gian quay về thời quá khứ và diễn biến như một vết tích đã qua trong cuộc phiêu lưu của Dế Mèn.
1.2.4.3. Thời gian tương lai
Thời gian tương lai thể hiện ra trong giấc mơ, qua dự kiến, ước mơ. Hồ Chí Minh đã có Giấc ngủ mười năm, Con người biết mùi hun khói với niềm tin về tương lai mãnh liệt.
Tương lai thể hiện trong hình ảnh trẻ con, như Số phận con người, trong đoạn kết Sông Đông êm đềm, Chiến tranh hòa bình, trong đoạn kết Anh em nhà Karamadop, ...
Ngoài các bình diện trên, trong văn học còn có bình diện vĩnh viễn trường tồn, "ngoài thời gian" như thiên nhiên tuần hoàn (mùa xuân đi rồi mùa xuân lại về, hoa tàn hoa lại nở, dòng sông trôi chảy mãi mãi). Trong tiểu thuyết Lâu Đài của Kafka có thời gian ngoài thời gian, thể hiện ở tính không ai biết. Thời gian thiên nhiên là bất biến, thể hiện qua hình tượng biển cả trong Ông già và biển cả. Trong tiểu thuyết, thời gian vĩnh viễn thể hiện trong sự lặp lại các môtip huyền thoại cổ xưa, là thời gian không có quá khứ và tương lai, chỉ có một sự kéo dài bất biến. Trong thơ và truyện xưa có thể tìm thấy bình diện trong tiên cảnh, vừa bất biến, vừa không ai biết.
28 Tiểu kết chương 1:
Trong chương 1, chúng tôi đã đi trình bày những vấn đề lí luận chung nhất về tác giả Vũ Bằng, tác phẩm Thương nhớ Mười Hai và khái niệm về thời gian nghệ thuật.
Chúng ta thấy rằng Vũ Bằng với tài năng thực sự, qua thử thách của thời gian đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Và tác phẩm Thương nhớ Mười Hai là tác phẩm khá thành công của ông về mọi mặt. Trong đó, phương diện thời gian nghệ thuật đã góp phần không nhỏ vào việc làm nên đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Theo dòng chảy của thời gian là mười hai tháng trong năm với bao thương nhớ, bao cung bậc cảm xúc, tác phẩm sẽ đưa người đọc đi từ bất ngờ nọ đến bất ngờ kia. Chúng ta sẽ thấy một miền Bắc trong hoài niệm với những nét đẹp thơ mộng, chân thực và hết sức thú vị qua ngòi bút tài hoa của tác giả.
29