Chương 2. BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI CỦA VŨ BẰNG
2.2. Thủ pháp xáo trộn các bình diện thời gian
2.2.2. Thời gian vật lí và thời gian tâm lí
Thời gian vật chất và thời gian tâm lí trong Thương nhớ Mười Hai là một khía cạnh thời gian nghệ thuật đặc sắc. Thời gian vật lí chính là thời gian hiện thực. Nó gắn với thời gian hiện tại. Còn thời gian tâm lí gắn với nỗi hoài niệm, sự hồi tưởng quá khứ và trong dòng tâm trạng của nhà văn.
Thời gian vật lí chính là thời gian của thiên nhiên trời đất, của sự sống qua mười hai tháng ứng với những sự kiện, những đặc trưng riêng của mỗi tháng theo qui luật tự nhiên bất biến như: Tháng Giêng vạn vật sinh sôi,cây cối đâm chồi; Tháng Hai, hoa đào khoe sắc rực rỡ; Tháng Ba, rét nàng Bân;
Tháng Tư nắng mới nhẹ nhàng; Tháng Năm, giữa hạ nắng chói chang, oi ả;
Tháng Sáu phượng bung nở rực rỡ, ve sầu râm ran khắp nẻo đường; Tháng
50
Bảy, mưa dầm rả rích; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, chớm lạnh hanh heo, mùi hoa sữa sực nức; Tháng Một, rét cắt da cắt thịt; Tháng Chạp, cuối đông, mưa phùn gió bấc,...
Trong Thương nhớ Mười Hai, Vũ Bằng tái hiện rất tỉ mỉ những sự kiện đã xảy ra: tháng Giêng có mưa xuân, cảnh vật trỗi dậy trong một màu xanh bất diệt, lễ hội làng Nội Ninh,…Tháng Hai với hoa đào rực rỡ, thi đánh tam cúc, rút bấc lên ngôi,… Dường như tác giả không phải đang hoài niệm lại mà là đang sống với mười hai tháng của đất Bắc. Bởi từng sự việc, vấn đề hiện lên trên trang văn sinh động quá, chân thực quá. Mọi thứ cứ như đang diễn ra trước mắt người đọc vậy.
Vũ Bằng luôn tâm niệm rằng mảnh đất màu mỡ của văn chương phải là ở hiện thực. Khai phá được mảnh đất hiện thực là sự thành công của nhà văn. Vũ Bằng đã nhìn nhận, bao quát sự vật, hiện tượng xung quanh mình bằng con mắt tinh tế, sắc sảo. Tất cả những điều Vũ Bằng được thấy, được nghe và được tận hưởng đều hiện lên một cách tỉ mỉ qua từng sự kiện, vấn đề.
Xuyên suốt tác phẩm Thương nhớ Mười Hai là tâm trạng đau đáu hoài niệm và dạt dào nỗi nhớ thương. Đây chính là mạch thời gian tâm lí của tác phẩm, là một nét riêng tây của Vũ Bằng. Nỗi nhớ thương cố hương như một thứ hơi men bốc lên trong tâm can nhà văn. Nó buột nhà văn phải giải tỏa.
Cuối cùng Vũ Bằng đã viết. Viết để hòng vơi đi phần nào mối sầu xứ, tiếc nhớ miên man: “Người lữ khách ngày nay, xa cách quê hương, thấy tháng hai trở về, cũng động lòng nhớ tiếc không biết bao nhiêu khuôn mặt, không biết bao nhiêu món ăn ngon, không biết bao nhiêu tình thương yêu đã mất. Nhớ từng con đường mưa bay riêu riêu” [1, 45]. Hầu như bất kì trang văn nào trong Thương nhớ Mười Hai chúng ta cũng cảm nhận được hơi hướng hoài xứ, thấm đẫm tâm trạng vọng về của nhà văn qua hàng loạt các cụm từ, câu,
51
đoạn văn. Nó lan tỏa thành một mạch cảm xúc chung, bao trùm lên tất cả. Đó có thể là một nỗi nhớ bâng khuâng về những món ăn Bắc Việt do chính bàn tay người vợ đảm đang làm cho mình: “Chao ôi, có ai sầu xứ vào một ngày nào đó, thấy trong người háo quá, thèm cái phong vị chè của nơi nghìn năm văn vật có nhớ đến chè cốm không? Vào tháng tư, củ mài nhiều, vợ thương chồng nấu chén chè củ mài để vợ chồng cùng ăn trước khi đi ngủ…, đố ai quên được chè lam và chè bà cốt?” [1, 91]. Nỗi nhớ đau đáu cứ lan tỏa cả một không - thời gian rộng lớn: “Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn…” [1, 11 - 12]
Vũ Bằng nhớ đất, nhớ người, nhớ cả bầu trời đất Bắc ngập tràn yêu thương vốn đã hằn sâu trong tim mình. Mọi thứ có lẽ vẫn còn hiện hữu, tưởng chừng như rất gần nhưng nhà văn cứ chới với mà không sao chạm được. Hoài niệm cứ hiện về ngay trước mắt nhưng lại rất xa xôi. Chính vì thế mà nỗi nhớ cứ thôi thúc, giằng xé khiến nhà văn đau đáu hướng về xứ sở thương yêu:
“Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!...”. Nỗi nhớ day dứt tim gan khiến nhà văn phải khỏa lấp để mong vơi bớt phần nào. Nhưng, thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu?...Lịch sử không đứng yên một chỗ bao giờ.
Trong nỗi hoài niệm là sự tiếc nhớ những kỉ niệm ngọt ngào về Bắc Việt.
Nhà văn tiếc thương điên cuồng: “Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi” [1, 13].
Là sự tiếc nhớ những ngày xưa cũ: “Tôi nhớ lại những buổi chiều vô liêu tháng Chín, trời lạnh, gió tê tê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam…hồi hộp lạ” và “Tiếc không biết bao nhiêu những đêm lạnh nằm chung một chăn đơn với vợ ăn hạt dẻ, nói đôi ba câu chuyện buồn vui thế sự; tiếc những buổi chiều mưa rươi hai đứa dắt nhau đi trên những con đường vàng ẩm ướt có hoa sấu rụng…” [1, 201].
52
Nỗi nhớ khắc khoải khiến người lữ thứ như bất lực. Biết bao giờ về?
Và cảm thấy vô vọng: “Nằm ở đây bây giờ, người chồng bỗng nhiên thấy tủi thân vì cảm thấy chìa khóa để mở cái tháp vàng đã mất rồi, ngày vui không hi vọng trở lại nữa,…” [1, 201]. Xen vào bức tranh ngôn ngữ tâm trạng đó là rất nhiều những câu tự vấn xen lẫn hoài cảm. Tất cả hòa vào giọng văn hoài vọng để bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa: Bao giờ về?, Phải, bao giờ về?, ngày ấy bao giờ đâu, Biết đến bao giờ, Thương biết bao nhiêu, Nhớ sao nhớ quá thế này!,…
Để thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mình, Vũ Bằng đã sử dụng rất nhiều động từ, từ xưng hô giàu sức biểu cảm như: Hà Nội ạ, Bắc Việt mến thương ơi, mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi, đặc biệt là Quỳ - người vợ tấm mảnh có đôi má hây hây màu cốm giót. Những cuộc “trò chuyện giả vờ” có khi cảm xúc dâng trào đến mức thiên nhiên tạo vật cũng là đối tượng hướng đến: Trăng thu, mây thu, gió thu ơi,... Ới ơi trái vải của miền Bắc xa xưa…
đều rõ ràng kéo theo những hoài niệm trải dài theo từng ngày tháng yêu thương. Các từ "nhớ", "thương", "yêu",.... cứ lặp đi lặp lại như sự khắc khoải để lâu trong lòng đến giờ phải để nó tràn ra mạnh mẽ, để vơi bớt nỗi sâu vô tận trong lòng tác giả. Quả là nhà văn đã nhập hồn mình vào trời đất, cỏ cây, sông núi, người thương, kỷ niệm, sống với ý nghĩ thực, cảm xúc thực để thủ thỉ tâm tình với những gì thân yêu nhất của đời mình.
Qua dòng hồi ức nhớ thương, nhà văn đã ghi lại những kỉ niệm, những ấn tượng về đất Bắc theo một logic hết sức chặt chẽ, tài hoa. Mỗi khoảng thời gian đều tương ứng với từng sự kiện, từng vấn đề không lẫn lộn, chồng chéo nhau, mỗi sự kiện, mỗi vấn đề trong tác phẩm.
Tiểu kết chương 2:
Ở chương 1, chúng tôi đã đi làm rõ các cơ sở lí luận về tác giả, tác phẩm và thời gian nghệ thuật là gì? Ở chương này, chúng tôi đã đi vào thực tế sáng
53
tác của Vũ Bằng với tác phẩm Thương nhớ Mười Hai để khám phá sự đặc sắc về thời gian nghệ thuật trong bút kí với các hình thức và thủ pháp biểu hiện thời gian như tổ chức thời gian tuyến tính, thủ pháp xáo trộn thời gian giữa hiện tại và quá khứ, giữa thời gian vật chất và thời gian tâm lí.
Qua thời gian nghệ thuật ấy, người đọc thấy được một miền Bắc yêu dấu trong lòng Vũ Bằng hiện lên thật sinh động qua mười hai tháng trong năm. Với thời tiết, thiên nhiên đặc trưng của mỗi mùa, với những kỉ niệm một thời xa vắng, những hôm đi lễ hội, được thưởng thức bao món ăn ngon do vợ nấu và sống trong tình yêu thương của gia đình. Tất cả đã như ùa về trong dòng tâm trạng, dòng hồi ức của Vũ Bằng.
54 KẾT LUẬN
Mỗi một nghệ sĩ chân chính là một cá tính sáng tạo độc đáo, không giẫm lên trên lối mòn cả trong cảm nhận và biểu đạt. Nam Cao cũng từng tuyên ngôn trong "Đời thừa" rằng: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay chỉ biết làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng gì chưa có".
Và Vũ Bằng cũng được đánh giá là một nghệ sĩ chân chính như vậy. Bằng tài năng và trái tim của mình, nhà văn đã cho người đọc cảm nhận được sự tinh tế trong nỗi nhớ thương với sắc vẻ riêng, nên thơ và hấp dẫn lạ kì trong Thương nhớ Mười Hai. Cuộc đời cộng hưởng trong cái nhìn, cảm quan người nghệ sĩ tạo nên vốn chất liệu làm thành tác phẩm. Ai đã từng đọc Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng mà chẳng từng ám ảnh bởi sức hấp dẫn diệu kỳ của con người văn hoá và thiên nhiên đất Việt. Một thứ cảm giác man mác, bâng khuâng, dịu ngọt cứ lan toả mãi trong tâm hồn ta. Dường như con người ấy nhúng bút vào bình nước mắt nhớ thương để viết nên kiệt tác Thương nhớ Mười Hai, đó là tình cảm của người con Hà Nội xa xứ như bị lưu đày luôn nhớ về quê mẹ.
Giá trị của Thương nhớ Mười Hai không chỉ ở phương diện nội dung mà còn về nghệ thuật. Chính thời gian nghệ thuật đã đem đến những điều thú vị và hấp dẫn mới cho tác phẩm. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm như một sợi chỉ xuyên suốt kết nối các sự kiện và nỗi nhớ, tâm trạng tưởng chừng như vô hình hiện lên rõ nét. Thời gian nghệ thuật ở đây đa chiều với không gian mở luôn đặt trong sự đối chiếu, so sánh giữa miền Nam và miền Bắc, có sự đảo lộn giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng mạch cảm xúc không vì thế mà lộn xộn, rối ren. Nó cho phép nhà văn đi sâu khám phá những mảnh ghép tâm hồn vừa theo thứ tự, dòng chảy thời gian khách quan, vừa theo sự dòng chảy
55
trong tâm lí của người nghệ sĩ. Sự đan cài thời gian ấy là một điểm độc đáo không thể phủ nhận.
Như chúng ta đã biết, có những tác phẩm văn học đọc xong gấp sách lại người đọc chẳng còn lưu luyến gì, cho đến lúc cầm lại ta mới chợt giật mình nhận là mình đã từng đọc qua đâu đó rồi. Nhưng, có những tác phẩm tựa như những dòng sông chảy qua tâm hồn ta mang theo dòng nước mát lạnh tưới vào tiềm thức độc giả để lại những ấn tượng ghi tạc trong tâm khảm không thể nào nhạt phai. Và Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng là một điển hình như thế!
Với việc tìm hiểu và khám phá thời gian nghệ thuật trong Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng, chúng tôi đã nỗ lực để phát hiện ra toàn bộ vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm này. Con đường khám phá Thương nhớ Mười Hai vẫn còn dài. Chúng tôi hi vọng sẽ được bước tiếp trên con đường ấy ở nhiều tác phẩm khác nữa của Vũ Bằng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Bằng (2006), Thương nhớ Mười Hai, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), (2000), Chân dung các nhà văn hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Văn Giá (2000), Vũ Bằng, bên trời thương nhớ, Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội.
4. Nhóm tác giả (2005), Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại - tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Nguyễn Hải Hà (1992), Thi pháp tiểu thuyết Léptôn-xtôi, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Tạ Hiếu (2006), “Nghệ thuật so sánh trong tùy bút Thương nhớ Mười Hai”, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 3 (117) năm 2006.
8. Tô Hoài (1997), Những gương mặt chân dung văn học, Nxb Hội nhà văn.
9. Phương Lựu (chủ biên), (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
10. Nguyễn Ánh Ngân (2003), “Lời giới thiệu”, Tạp văn Vũ Bằng, Nxb Hội nhà văn.
11. Vũ Ngọc Phan (2005), Nhà văn hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội.
12. Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
13. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
14. Trần Mạnh Thường (2003), Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Hội nhà văn.
15. Nguyễn Ngọc Thiện (2006), Phong cách và Đời văn, Nxb Khoa học xã hội