CHƯƠNG 2. ĐÁNH GIÁ VÀ CAN THIỆP CHO MỘT TRƯỜNG HỢP CÓ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN STRESS
2.3.2. Kết quả đánh giá
HV sử dụng trắc nghiệm đánh giá trầm cảm Beck, thang đánh giá Trầm cảm - lo âu - stress (Dass 42), thang đánh giá nhân cách MMPI bản rút gọn, thang đánh giá chất lượng giấc ngủ PSQI trong buổi đầu can thiệp.
- Kết quả đánh giá và phân tích kết quả
+Kết quả Beck:32. Thang đánh giá trầm cảm Beck, điểm số 32 ở mức độ nặng.
Do đó, HV kết hợp với hỏi chuyện TC ở những item khoanh mức cao nhất để đánh giá sâu hơn.
Cụ thể, điểm cao nhất (3 điểm) ở những mệnh đề: "Tôi cảm thấy tương lai tuyệt vọng và tình hình chỉ có thể tiếp tục xấu đi", "Tôi chẳng còn có thể quyết định được việc gì cả", "Tôi thức dây 1-2 giờ sớm hơn trước và không thể ngủ lại được", "Tôi không thấy ngon miệng một chút nào cả". Nội dung của những mệnh đề này phần lớn liên quan đến công việc trong thời điểm HV tiếp nhận ca, không xảy ra ở tình huống khác trong cuộc sống. Vì TC được giao nhiệm vụ phải tìm được loại thiết bị theo yêu cầu, mà nhiệm vụ này lại rất khó để đáp ứng nhiều tiêu chí được đặt ra nên mỗi khi đối diện với khó khăn, TC cảm thấy chán nản, tuyệt vọng về việc không tìm được, cảm giác không quyết định được chuyện công việc dẫn đến ăn không ngon miệng, đêm đi ngủ suy nghĩ trằn trọc. Tuy nhiên, trước khi HV tiếp nhận ca, TC cũng chia sẻ trước đây cũng gặp tình trạng chán nản, trầm buồn, tủi thân khi mẹ chồng hay mắng, xét nét TC. Hơn nữa, có những thời điểm TC stress công việc cũng gắn với cảm xúc buồn bã vì mẹ chồng. Tuy nhiên, trong thời điểm HV tiếp nhận ca, vấn đề khởi phát và nổi trội
Các mệnh đề được chọn ở mức 2 điểm bao gồm cảm nhận bản thân thất bại, ít thích thú với những điều trước đây thường thích, phê phán về lỗi lầm của mình, bồn chồn và cảm thẳng đến mức khó ngồi yên, dễ cáu kỉnh và bực bội, khó tập trung chú ý lâu vào bất kỳ điều gì. Đây đều là nhận thức về bản thân và biểu hiện hành vi, cơ thể của TC khi không tìm được thiết bị được giao, không xảy ra với các tình huống khác ngoài công việc.
+Kết quả Dass: Trầm cảm: 33 - Lo âu: 26 - Stress: 32
TC đánh giá những mệnh đề suy nghĩ nhiều, nhạy cảm về cảm xúc (dễ phật ý, dễ cáu, dễ kích động), cảm giác không thoải mái, căng thẳng mà thân chủ khoanh cao nhất. Chủ yếu những mệnh đề cao điểm về mã D (trầm cảm) và A (lo âu) thường liên quan đến công việc và một vài cảm xúc chán nản, không hài lòng khi bị mẹ chồng phàn nàn điều gì đó dẫn đến tâm trạng kéo xuống. Các mệnh đề về khí sắc cũng như triệu chứng cơ thể không phản ánh toàn bộ cuộc sống hằng ngày mà chỉ diễn ra ở một vài thời điểm liên quan đến câu chuyện công việc chưa giải quyết được kèm thêm suy nghĩ tiêu cực về nó.
Trong mức điểm mã trầm cảm, những câu TC khoanh cao "Tôi chẳng có chút cảm xúc tích cực nào", "Tôi cảm thấy buồn chán, trì trệ", "Tôi mất hứng thú với mọi việc", "Tôi thấy chán nản, thất vọng", "Tôi thấy mình vô tích sự", "Tôi chẳng thấy có hy vọng gì ở tương lai cả", "Tôi thấy khó bắt tay vào công việc". Kết hợp với quá trình hỏi chuyện, những mục này đều liên quan đến chưa hoàn thành tiến độ công việc nên cảm thấy chán nản, không vui vẻ khi nghĩ về công việc, từ đó nghĩ rằng bản thân vô tích sự, không biết tương lai như thế nào, dẫn đến giảm hoạt động sở thích. Điều này là những suy nghĩ và cảm xúc phù hợp phần nào với tình huống này. Trong quá trình hỏi chuyện, HV nhận thấy TC mô tả thái quá về mức độ triệu chứng lo âu, trầm cảm.
+Kết quả MMPI: HV áp dụng thang 71 câu, kết quả TC có diễn đồ nhân cách thang D (80), Hy (77), Pt (73) cao mức bệnh lý, L=55 (kết quả đáng tin cậy).
Thang D - Depression: Ở thang điểm này, TC có một số triệu chứng của trầm cảm như mất tinh thần, cảm thấy bất lực, chán nản, bi quan, thấy mình vô dụng khi không hoàn thành được nhiệm vụ, thu mình hơn trong các mối quan hệ xã hội. Những triệu chứng này không phổ biến trong toàn bộ cuộc sống, chỉ diễn ra ở một vài thời điểm trong ngày, đa phần gắn với công việc, cũng có lúc gắn với tâm trạng không hài lòng với gia đình nhà chồng. Thông qua quá trình hỏi chuyện, HV nhận thấy xét về lời nói, TC chia sẻ về triệu chứng khí sắc trầm, giảm hứng thú, giảm năng lượng. Xét về thần thái và phản ứng, TC nhanh nhẹn, tập trung tốt, trả lời rõ ràng. Điều này khiến
HV cân nhắc về mức độ nặng mà TC chọn ở các thang trắc nghiệm, đặt ra giả thuyết liệu đây có phải nét nhân cách làm quá vấn đề hoặc tập trung vào cảm giác bản thân quá, nhu cầu muốn được công nhận hay không.
Thang Hy – Hysteria (Phân ly): Mặc dù kết quả thang Hy cao nhưng TC chỉ có một số vấn đề thực thể kèm theo do yếu tố tâm lý làm kéo dài như đau đầu, bồn chồn.
Thông qua quá trình hỏi chuyện và quan sát lâm sàng, xu hướng này TC không đáp ứng cao.
Thang Pt - Psychasthenia (Lo âu – suy nhược tâm thần): TC có xu hướng lo lắng thái quá, không có khả năng tập trung suy nghĩ, hay bị phân tán cho mọi chuyện xảy ra, xu hướng cầu toàn, muốn mọi việc phải như ý mình nên dẫn đến sự căng thẳng, mệt mỏi, cảm giác mất năng lượng.
+Kết quả PSQI, điểm P=18, có rối loạn giấc ngủ.
TC thường mất khoảng 45 phút - 60 phút để đi vào giấc ngủ, sau khi lên giường đi ngủ khoảng 23h. Trong thời gian ngủ, TC hay gặp ác mộng về công việc, điều này thỉnh thoảng khiến TC tỉnh giấc giữa đêm, mất 1 lúc lâu để ngủ lại được vì trằn trọc nghĩ ngợi công việc. TC lo lắng về thiết bị cần tìm đến nỗi trong giấc mơ có sếp và lãnh đạo và những hậu quả xấu sẽ có. Khi tỉnh dậy, TC cảm thấy sợ hãi, sau đó khó ngủ tiếp, thường nằm trằn trọc suy nghĩ đến sáng hoặc ngủ chập chờn.
2.3.2. Nhận định chính thức về vấn đề của TC
TC có khó khăn về sức khỏe tâm thần liên quan đến stress về công việc.
+ TC có một số triệu chứng liên quan đến stress: thường xuyên lo lắng, giảm khả năng tập trung, bi quan và chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực (suy nghĩ); cảm thấy choáng ngợp, cảm giác khó kiểm soát, gặp khó khăn trong việc thư giãn, cảm giác tồi tệ về bản thân (lòng tự trọng thấp), cô đơn, vô dụng và chán nản, (cảm xúc); bồn chồn, hay đi lại nhiều, thu mình, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội (hành vi).
+ Mặt khác, sau quá trình quan sát, hỏi chuyện, kết hợp với phân tích kết quả các thang đo trắc nghiệm, HV nhận thấy về cơ bản, những biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ, hành vi hầu như liên quan đến công việc từ khi được giao nhiệm vụ khó gần đây. Nhìn chung, những suy nghĩ lo lắng phù hợp với tình huống vì bị sức ép từ sếp tổng cũng như áp lực thời hạn nộp, dọa bị đuổi việc và đền tiền của sếp chuyên môn. Tuy nhiên, những vấn đề về stress trở nên nặng hơn khi TC xuất hiện nhiều những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, hành vi kém thích nghi và triệu chứng cơ thể. TC chưa biết cách quản lý cảm xúc và suy nghĩ của mình, kỹ năng xã hội còn hạn chế. Tuy nhiên, yếu tố đặc trưng tâm lý về sự nhận định hình ảnh bản thân đang sai lệch, lòng tự trọng thấp, không ổn định về giá trị bản thân nên dẫn đến stress nặng hơn là điều cần nhận biết, cụ thể qua những dẫn chứng như sau.
+ TC có hành vi không thích nghi để khẳng định giá trị bản thân.
●TC nhận nhiều công việc được giao và không từ chối khi đang bị quá tải công việc. TC vẫn tự nhận xét bản thân là người có trách nhiệm, chăm chỉ, năng lực làm việc tốt. Khi có nhiều việc để làm và không ở trong trạng thái nhàn rỗi khiến TC củng
●TC có xu hướng ưa thành tích vượt trội hơn người khác trong các hoạt động ngoại khóa tại cơ quan. Với các cuộc thi về thể thao cho cán bộ nhân viên như chạy bộ, TC muốn bản thân đạt giải nhất và phải hơn người khác, nếu không thì ít nhiều cũng có cảm giác khó chịu. Điều này đã được HV kết hợp hỏi chuyện với chồng TC, anh cũng chia sẻ vợ mình "cứ muốn thắng thua với người ta những chuyện không quá quan trọng". Dù là sự việc nhỏ nhưng điều này ít nhiều cũng khiến TC căng thẳng và có cảm xúc tiêu cực dù mình làm được hay không làm được.
●Khi sếp chuyên môn yêu cầu giảm tiêu chuẩn chọn thiết bị và gợi ý một vài loại thiết bị có thể dùng nhưng TC từ chối, quyết tâm sử dụng phương án tìm ra thiết bị tốt nhất. Xu hướng ngầm ẩn của hành vi này là vì TC cho rằng những người có năng lực mới được giao nhiệm vụ này, nếu như giảm tiêu chuẩn lựa chọn thiết bị để hoàn thành thì không cần đến những người như TC, mà ngay cả các nhân viên tốt nghiệp trình độ trung cấp cũng làm được. Đến khi không hoàn thành hoặc gặp khó khăn, TC phán xét bản thân "mình vô dụng, không làm được cái gì". HV nhận ra xu hướng ngầm ẩn này qua cuộc hỏi chuyện như sau:
HV: Theo chị, có lý do gì mà sếp lại giao đầu việc này cho chị mà không phải người khác nhỉ?
TC: Trong tổ làm việc có nhiều người, mà mỗi người được giao những việc khác nhau rồi. Với cả dự án này cũng cần người có kinh nghiệm lâu năm làm nữa.
HV: Chị thấy kinh nghiệm của mình ở công ty như thế nào?
TC: Em thì cũng bình thường thôi cũng không phải quá xuất sắc gì, mình cũng có chuyên môn kỹ sư tốt, làm lâu rồi, hiểu được cách vận hành thiết bị máy móc.
HV: Với một người có kinh nghiệm như vậy thì chị thấy mình kỳ vọng nhiệm vụ đó có kết quả như thế nào?
TC: Mình cũng muốn cố gắng hết sức cho công việc nó trôi chảy, dù gì mình cũng tốt nghiệp Đại học ra, chả nhẽ lại làm qua loa, làm không bằng mấy ông tại chức thì còn mặt mũi đâu nữa (TC mỉm cười).
HV: Vậy những người còn lại nếu được giao thì họ sẽ thực hiện ra sao?
TC: Cũng không biết được, việc được giao thì chắc cũng phải làm thôi. Nhưng cũng chẳng hi vọng gì, có phải ông làm cũng làm tử tế đâu, có khi chọn bừa cho xong.
+ TC có xu hướng sợ bị dán nhãn về tính cách không tốt.
●Không từ chối khi đồng nghiệp nhờ
Khi đồng nghiệp nhờ TC trực hộ hoặc làm hộ phần công việc nào đó của họ, dù không muốn nhưng TC vẫn đồng ý vì sợ họ nghĩ mình không tốt bụng, ích kỷ, không có tính giúp đỡ người khác. TC được giao nhiều công việc khác nhau cùng một lúc nhưng không dám từ chối mặc dù đang quá tải vì sợ người khác "nói này nói nọ", sợ bị đánh giá. Kết quả, TC phải làm nhiều việc hơn, không tập trung vào việc chính của mình dẫn đến căng thẳng và lo lắng tiến độ deadline. Đây cũng là lý do TC dùng những cụm từ "hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi" để mô tả cho trạng thái stress của mình. TC có xu hướng không muốn bị đánh giá tồi tệ, thiếu kỹ năng sắp xếp công việc, được thể hiện trong phần hỏi chuyện sau đây:
TC: Nhiều khi đang tập trung làm việc xong tự nhiên nhận được cuộc gọi bất ngờ, đùng một cái ông sếp giao cho làm cái này cái kia, thế là em quay cuồng, việc này chưa xong việc khác đã đến, tâm trạng nó hoảng loạn, lo lắng liên tục ấy.
HV: Vậy lúc nhận được cuộc gọi giao việc bất chợt đó xong, chị làm gì? (HV hỏi cách ứng phó của TC khi rơi vào trạng thái stress là gì)
TC: Thì người ta gọi cho mình thì mình lại phải làm thôi. (TC đang trong trạng thái nhiều việc nhưng khi được giao việc mới bất ngờ vẫn nhận làm)
HV: Chị thấy việc mới được giao sếp có nói bao giờ phải hoàn thành không?
TC: Không! Gọi xong bảo cố hoàn thành nhanh cho anh thôi.
HV: Thế thì chứng tỏ sếp cũng không giao thời hạn cụ thể mà dựa trên sự sắp xếp của mình rồi ạ. Lúc đấy nhiều việc thế, sao chị không từ chối khéo với sếp?
TC: Ôi người ta gọi thẳng điện thoại cho mình, giao việc cho mình thì làm sao từ chối được ạ, chẳng nhẽ lại bảo em không làm đâu, như thế lại bảo nhân viên gì mà cãi sếp. (TC nó niềm tin rằng nhân viên không bao giờ được từ chối yêu cầu của sếp)
HV: Nếu như chị cảm thấy sếp giao việc gì mình đều phải làm, không làm thì bị nói và chị không chấp nhận được việc bị nói là người hay cãi thì mình cần phải biết sắp xếp công việc, việc nào ưu tiên hơn hoặc dễ hoàn thành hơn thì mình làm trước, hay thậm chí là chị nhờ sự giúp đỡ của người khác. Chị có hay nhờ đồng nghiệp làm giúp mình cái gì không?
TC: Không, em từ trước giờ tự lập, không nhờ cậy ai cái gì bao giờ, toàn người khác nhờ em. (giọng điệu có tính hơi trách móc)
HV: Đó, đấy cũng là một kỹ năng mình cần bổ sung luyện tập. Tự lập mà đức tính tốt của con người nhưng mà không phải nhờ người khác một hai việc nào đấy chứng tỏ ta không tự lập, nhờ người khác giúp đỡ mình trong lúc khó khăn cũng là cách mình tự công nhận hạn chế của mình, vừa giúp giải quyết vấn đề vừa không khiến chị bị quá tải. Nhờ người khác giúp mình là chuyện hết sức bình thường, có lẽ chị thử trải nghiệm và luyện kỹ năng đó nhiều hơn.
TC: Vâng, nhưng mà nhờ em không quen (TC cười ngại)
+ TC đánh giá thấp năng lực của người khác để tự tin vào bản thân.
●Không chấp nhận gợi ý từ sếp chuyên môn
Khi TC không tìm được loại thiết bị, sếp chuyên môn yêu cầu giảm những tiêu chí khó làm được để dễ dàng hoàn thành công việc nhưng TC không đồng ý. Sau đó, TC vẫn không tìm được thiết bị như yêu cầu ban đầu. Khi thời hạn cho nhiệm vụ này sắp kết thúc mà vẫn không có tiến triển gì, sếp chuyên môn chọn thiết bị mà ông tìm được nhưng TC phản bác lựa chọn này vì không đạt tiêu chuẩn. Điều khiến TC rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức là đánh giá trình độ chuyên môn của mình cao hơn sếp, tin vào những gì mình làm hơn là người khác mà không linh hoạt dựa theo tình thế từng thời điểm. Xu hướng nhận thức này thể hiện trong phần hỏi chuyện sau đây.
TC: Nói chung là để làm được nó khó lắm, các ông ý vừa muốn chọn loại bền, có thương hiệu, sản xuất có tem mác nước ngoài, có bằng chứng nghiên cứu kiểm định lại vừa muốn giá thành không cao thì lấy đâu ra. Mấy cái tem mác nước ngoài bây giờ chắc gì là thật, toàn đồ không rõ nguồn gốc rồi dán bừa mấy cái tem Mỹ, Pháp các kiểu cho oai ấy.
HV: Nếu như nhiều tiêu chuẩn như thế thì cũng khó làm được thật, nhưng chị có trao đổi những điều vừa rồi với sếp không?
TC: Em có chứ, ông sếp chuyên môn thì cũng bị áp lực bởi sếp tổng giao xuống, em trình bày thì ông ý không nghe. Xong rồi thấy em loay hoay tìm mãi không được thì lại bảo em cắt bớt các tiêu chuẩn đi cho dễ tìm, nói thế thì nói làm gì nữa.
HV: Tức là như thế nào chị nhỉ, ý chị nói thế thì nói làm gì nữa nghĩa là sao ạ?
TC: Là đi ngược lại với yêu cầu ấy. Bên trên người ta giao cho từng ấy tiêu chí, giờ mình lại đòi giảm thế thì đến lúc không lắp được lại đổ tại em à, lại bảo em không hoàn thành đúng yêu cầu giao cho. À sau đấy ông ấy ném cho em loại ông ý tìm cho bảo là nghiên cứu đi, có gì chọn cái đấy không sắp hết hạn rồi. Em tìm mãi mà không thấy bằng chứng thẩm định đâu, không rõ nguồn gốc với chức năng kém, đến lúc mua về em đảm bảo không đặt được vào hệ thống, nói mà ông ý không nghe.
HV: Thế nếu hết thời hạn mà chị vẫn không tìm được thì sao? Khi nào thì dự án này kết thúc ạ?
TC: Em vào viện thế này nên dự án đang giao cho người khác tạm thời phụ trách, cũng đang trình bày lên trên tổng để giãn thời gian ra rồi.
HV: Chị nghĩ sao về việc chọn theo thiết bị sếp tìm sau khi quay lại cơ quan?
TC: Ối giời, bắt em chọn thì em phải chọn thôi chứ kiểu gì cũng không lắp được, tính ông này chả nghe ai bao giờ, trình độ kiến thức thì hạn hẹp. Ở đây mấy người mang tiếng quản lý với lãnh đạo thực ra cũng chỉ tốt nghiệp tại chức ra, có ông thì nhậu giỏi, nịnh giỏi thì lên được thôi.
=> Những xu hướng này nói lên tiến trình tâm lý của TC là khi làm được thì mới có giá trị, còn nếu không làm được thì giá trị/hình ảnh bản thân sẽ xấu đi. TCcó xu hướng hạ thấp khả năng của đồng nghiệp và sếp chuyên môn bằng cách luôn tập trung vào nhược điểm của họ (bằng cấp, tính cách). Do đó, cần tái cấu trúc nhận thức cho TC rằng khi mình làm sai, không làm được việc gì đó hoặc từ chối thực hiện việc nằm ngoài khả năng, điều ấy không phản ánh TC là người tồi tệ. Và ngược lại, người khác nhậu giỏi hay nịnh giỏi, tốt nghiệp tại chức không phản ánh đó là người không có năng lực. Do để bảo vệ giá trị và hình ảnh bản thân trong mắt người khác, TC gồng mình xử lý một cách cầu toàn, từ đó gây ra căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và sinh hoạt hằng ngày.