CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐỘI TÀU BIỂN TRONG BỐI CẢNH
1.2. NỘI DUNG VỀ CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)
1.2.3. Các hiệp định chính trong AEC quy định về chính sách vận tải
Ngày 15/12/1995 các nước ASEAN ký Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN (AFAS). Hiệp định AFAS với các nội dung tương tự Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO làm tiền đề cho các vòng đàm phán từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Từ năm 1996 - 2015 các nước ASEAN đã tiến hành đàm phán và đưa ra 9 gói cam kết về dịch vụ, 6 gói cam kết về dịch vụ tài chính và 8 gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không. Cho đến nay, các quốc gia ASEAN đã ký 9 gói cam kết về thương mại dịch vụ trong đó chỉ trừ Philippines do vẫn chưa đạt yêu cầu, được quy định thông qua các nghị định thư, bản phụ lục đính kèm. Nó bao gồm 4 phương thức: phương thức thứ nhất, cung cấp dịch vụ qua biên giới, phương thức thứ 2, tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài, phương thức thứ 3, hiện diện thương mại và phương thức thứ 4, hiện diện thể nhân. Tuy nhiên, các gói cam kết trong khuân khổ Hiệp định AFAS chỉ đề cập đến phương thức 1,2,3.
Nhìn chung, các cam kết AFAS có phạm vi rộng hơn và có mức độ tự do sâu hơn so với các cam kết trong khuân khổ WTO với mục tiêu lên tới 124 phân ngành. Trong khuôn khổ của bài khóa luận chúng ta chỉ xem xét những quy định về chính sách vận tải trong AEC.
Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) và Nghị định thư sửa đổi AFAS được ký ngày 02/09/2003 với 3 mục tiêu chính:
Thứ nhất, giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ giữa các quốc gia thành viên nhằm nâng cao tính hiệu quả và cạnh tranh, đa dạng hóa năng lực sản xuất, cung cấp và phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài ASEAN.
Thứ hai, nhằm xóa bỏ đáng kể các hạn chế đối với thương mại dịch vụ giữa các quốc gia thành viên.
Thứ ba, góp phần tự do hóa thương mại dịch vụ bằng cách mở rộng chiều sâu và phạm vi tự do hóa.
Trong 9 Gói cam kết, các gói cam kết từ 1 – 7 của Việt Nam, mức độ cam kết mở cửa dịch vụ của Việt Nam chỉ thấp hơn hoặc bằng so với mức độ mở cửa dịch vụ trong WTO. Nhưng bắt đầu từ Gói thứ 8 trở đi, một số cam kết của Việt Nam trong một số phân ngành đã bắt đầu cao hơn so với mức độ mở cửa trong WTO và bổ sung thêm cam kết cho một số phân ngành mới.
Trong gói AFAS 9, Việt Nam đã có những cam kết mở cửa nổi bật cao hơn so với WTO. Trong đó:
Về dịch vụ vận tải đường sắt: Trong WTO đối với dịch vụ này Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong Gói 9 của AFAS Việt Nam mở cửa hoàn toàn cả 3 phương thức đối với vận tải hàng hóa, đối với vận tải hành khách thì duy trì hạn chế là doanh nghiệp nước ngoài muốn thành lập cơ sở ở Việt Nam phải theo hình thức liên doanh với mức góp vốn tối đa là 51% (so với 49% trong WTO).
Về dịch vụ vận tải đường biển: thì mở cửa cả 3 phương thức với cả vận tải hàng hóa và khách hàng. Chỉ duy trì hạn chế đối với doanh nghiệp nước ngoài muốn thành lập công ty vận hành đội tàu treo cờ ở Việt Nam thì phải theo hình thức liên doanh với mức góp vốn tối đa là 70% (so với 49% trong WTO) với các yêu cầu hoạt động về số lượng thuyền viên nước ngoài và về quốc tịch của thuyền trưởng và thuyền phó thứ nhất.
Về dịch vụ vận tải đường bộ: Nới lỏng hạn chế góp vốn nước ngoài lên tới 70%
trong liên doanh. Tăng hơn 19% so với mức góp vốn Quy định trong WTO để có quyền hiện diện và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Các dịch vụ hỗ trợ, bảo trì, sửa chữa thiết bị vận tải: Gói cam kết 9 của AFAS có cam kết mở cửa bổ sung thêm một số dịch vụ này (trong WTO không có cam kết).
Về dịch vụ xếp dỡ hàng hóa: Mở rộng phạm vi cam kết thêm dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường biển thay vì chỉ cam kết dịch vụ xếp dỡ container so với WTO.
Về các dịch vụ lưu kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa,...: Việt Nam cam kết mở cửa cả 3 phương thức.
Về dịch vụ đóng gói: Xuất hiện thêm cam kết về dịch vụ đóng gói theo đó doanh nghiệp nước ngoài có thể hoạt động theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam với mức góp vốn là 70%.
Riêng với ngành vận tải hàng không, có những Quy định chi tiết và đặc thù, đồng thời cũng là lĩnh vực đầu tiên trong hội nhập giao thông Vận tải ASEAN, nhằm mục đích xây dựng thị trường hàng không ASEAN thống nhất. Tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không được thể hiện dưới khuân khổ AFAS và khuôn khổ các Hiệp định.
Dưới khuân khổ AFAS: Đối tượng bao gồm dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ đặt giữ chỗ bằng máy tính. Theo đó, trong Gói cam kết thứ 8: Thứ nhất, về dịch vụ bán và tiếp thị vận tải hàng không, sẽ mở cửa với cả 3 phương thức mà không bắt buộc phải có đại lý hoặc văn phòng bán vé tại Việt Nam. Thứ hai, về dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính sẽ mở cửa đối với cả 3 phương thức mà không yêu cầu phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của nhà chức trách viễn thông Việt Nam. Thứ ba, cam kết không hạn chế đối với cả 3 phương thức cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay kèm hay không kèm đội bay, dịch vụ giao nhận hàng hóa trong vận tải hàng không. Cuối cùng là cam kết thêm dịch vụ cung cấp bữa ăn trên máy bay dưới hình thức liên doanh với mức vốn góp nước ngoài Quy định không vượt quá 49%.
Dưới khuân khổ các Hiệp định: Bao gồm 3 Hiệp định, đầu tiên là Hiệp định đa biên ASEAN về vận tải hàng không (2009), tiếp đến là Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn vận tải hành khách hàng không (2010). Về cơ bản, các Quy định này tạo ra khuân khổ cho các vòng đàm phán về tự do hóa thương quyền cung ứng dịch vụ vận tải hàng không, hướng tới bầu trời mở ASEAN.
Có thể thấy, Việt Nam đã có những cam kết sâu rộng về chính sách vận tải trong khuân khổ AEC về tất cả các loại hình vận tải. Trong đó, vận tải đường biển đã mở cửa cả 3 phương thức đối với cả hàng hóa và khách hàng, điều này đồng nghĩa với việc đội tàu biển của chúng ta phải đứng trước nguy cơ cạnh tranh cao trong một sân chơi mới với các đội tàu biển ở nước ngoài, phát triển và dày dặn kinh nghiệm.