CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN
2.3. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CỦA ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM KHI GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN
2.3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
Như đã phân tích ở mục 2.1.1 Quy mô của đội tàu biển Việt Nam trang 44, có thể thấy tuy đội tàu biển của chúng ta có sự cải thiện tăng nhanh về số lượng nhưng mức cải thiện về chất lượng chưa nhiều, phát triển còn manh mún, chưa có tầm nhìn về chiều sâu.
Chất lượng tăng trưởng chưa cao, chủ yếu chỉ tập trung phát triển về số lượng, phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu. Thực trạng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài (theo phân tích ở mục 2.2.4: Cờ tàu trang 55) ngày càng tăng cũng xuất phát từ tình trạng kỹ thuật của đội tàu biển Việt Nam còn kém. Điều này không những gây ảnh hưởng trực tiếp lên doanh thu, lợi nhuận của đội tàu biển Việt Nam mà nó còn gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng như làm ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia, ảnh hưởng tới việc phát triển thương hiệu tàu biển Việt Nam, đội tàu biển Việt Nam với tiền lệ nằm rất lâu trong danh sách đen của Tokyo. Thêm vào đó, các hãng tàu ở Việt Nam chủ yếu là các công ty nhỏ lẻ, do đó, quy mô, vốn hóa của các hãng còn hạn chế, nên việc đầu tư, đóng tàu mới, trang bị trang thiết bị hiện đại để trẻ hóa đội tàu còn hạn chế. Đội tàu nước ta chủ yếu là những tàu già, đã qua sử dụng được mua lại từ nước ngoài, có những tàu lên đến 20 – 30 tuổi và phải treo cờ nước ngoài. Do đó, trọng tải tàu thấp, tốc độ vận chuyển khá chậm. Những tàu được đóng mới chưa được trang bị những trang thiết bị khoa học hiện đại. Tàu đóng tại cơ sở đóng mới, hoán cải trong chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là khi đóng tại các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Các chủ tàu sử dụng trang thiết bị vật tư đóng tàu có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, tận dụng các trang thiết bị được tháo ra từ các tàu biển cũ nên tàu đưa vào khai thác một thời gian đã xuất hiện nhiều sự cố kỹ thuật. Hệ thống trang thiết bị máy móc của tàu cũ không được duy trì bảo dưỡng theo quy định nên thường xuyên xảy ra các sự cố, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển,…
Trên thị trường xuất hiện không ít các hãng tàu mới tham gia và thị trường vận tải biển. Những chủ tàu này chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng và hiểu biết về các quy định của luật pháp quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải, chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo tình trạng kỹ thuật của tàu khi cập cảng nước ngoài nên rất dễ bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ tàu.
Thêm vào đó, cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, điều này được thể hiện rõ qua phân tích biểu đồ 2.2: Cơ cấu đội tàu chở hàng Việt Nam năm 2017 theo chủng loại trang 42. Hiện nay đội tàu Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa trọng tải tàu đối với các tàu có trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng bách hóa trong khi lại thiếu các tàu chuyên dụng và có trọng tải lớn. Trong tổng số hơn 1.800 tàu hiện nay có hơn 1.000 tàu với tổng trọng tải gần 3 triệu DWT chuyên chạy tuyến nội địa, phần lớn là tàu chở hàng khô, hàng bách hóa có trọng tải dưới 5.000 DWT. Có hơn 60 tàu container nhưng chưa có tàu mẹ mà toàn bộ là các tàu feeder dưới 2.000 TEU, trong đó chỉ có 6 tàu trên 1.000 TEU thuộc về hai hãng lớn (Biền Đông – 2 tàu, Vinalines Container – 4 tàu). Trước đây, khi Việt Nam chưa có các cảng nước sâu (cảng có cầu tàu với độ sâu lớn có thể phục vụ các tàu container ra vào cảng), các tàu container của ta làm nhiệm vụ gom hàng từ cảng Việt Nam đến cảng chuyển tải (Hồng Kông, Singapore). Từ khi Việt Nam có cảng nước sâu, các tàu container của ta hoặc chỉ có thể vận tải nội địa hoặc cho nước ngoài thuê định hạn với giá thấp vì nhu cầu thuê tàu cỡ này không nhiều. Sự dư thừa khiến tàu nằm chờ này dẫn đến việc các chủ tàu phải tìm cách bán tàu mặc dù giá cả thấp hơn khi mua.
Chất lượng dịch vụ của đội tàu cũng chưa cao. Năng lực của chủ tàu yếu, lại thêm khó khăn về đào tạo nhân lực (vì đào tạo thuyền trưởng phải mất 10 năm, thuyền viên mất 5 – 7 năm) như đã phân tích ở mục 2.1.6.2. Thực trạng đội ngũ sỹ quan thuyền viên hiện nay (trang 54), lại thêm vấn nạn rút ruột container (đã kẹp chì), mất rơ – mooc, rút trộm dầu,… khiến nhiều doanh nghiệp trong nước kinh doanh thua lỗ, không giữ được chữ tín với khách hàng, giảm năng lực cạnh tranh.
Năng lực quản lý đội tàu còn nhiều bất cập. Trong xu thế hội nhập, yêu cầu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã khiến cho việc chuyển từ cơ chế hoạt động cũ sang cơ chế hoạt động mới gặp nhiều khó khăn như: cơ chế quản lý vẫn còn chồng chéo, chưa hợp lý, việc cơ cấu quản lý còn nhiều vấn đề nảy sinh. Do đó, khối lượng công việc của các đội tàu ngày một nhiều nhưng hiệu quả công việc lại không cao. Bên cạnh đó, cách thức quản lý đội ngũ thuyền viên của chúng ta trong thời gian vừa qua bộc lộ nhiều điểm yếu, ý thức chấp hành kỷ luật của thuyền viên còn kém, việc am hiểu pháp luật quốc tế chưa cao dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Tình trạng thuyền viên chuyển đổi công việc từ tàu
này sang tàu khác là rất phổ biến do sự thu hút, tuyển dụng tràn lan của các chủ tàu, thậm chí có thuyền viên bị đuổi khỏi tàu này nhưng vẫn chưa xin được việc làm trên tàu khác.
Tình trạng thiếu thuyền viên, đặc biệt là những thuyền viên giỏi là kết quả của sự phát triển quá nóng của đội tàu biển trong thời gian vừa qua. Thêm vào đó, các cơ sở đào tạo của ta chưa được đầu tư kịp thời, phù hợp về trang thiết bị, nặng về lý thuyết mà chưa chú trọng đến thực hành, đội ngũ giảng viên để đáp ứng các yêu cầu đào tạo, do đó, chất lượng của đội ngũ sỹ quan thuyền viên bị ảnh hưởng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Việc hội nhập các nền kinh tế của ASEAN hướng đến AEC nói chung và việc hội nhập dịch vụ vận tải trong ASEAN nói riêng đem đến nhiều cơ hội cho đội tàu biển Việt Nam. Tuy nhiên, xét trên quan điểm của một quốc gia thành viên ASEAN, nếu Việt Nam không có các biện pháp kịp thời nắm bắt và phát huy cơ hội đó, việc hội nhập này có thể biến thành thách thức cho đội tàu biển trong nước do sự lớn mạnh và cạnh tranh của đội tàu các nước trong khu vực. Việt Nam, với những yếu kém về cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý và năng lực của đội tàu đang phải đối mặt với những nguy cơ đó.