GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp phá triển đội tàu biển Việt Nam trong bối cảnh gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) (Trang 76 - 79)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)

3.2. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU BIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN

Chính phủ chủ trương hiện đại hóa, trẻ hóa đội tàu chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng có trọng tải lớn khi tham gia AEC. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường tàu biển Việt Nam vẫn diễn ra vô cùng ảm đạm. Các doanh nghiệp với nguồn tài chính eo hẹp, e ngại đầu tư và phát triển đội tàu biển của mình. Trong khi đó, có rất nhiều tàu có trang thiết bị lỗi thời, không thể khai thác các tuyến vận tải xa và đặc biệt sẽ nguy hiểm đến tính mạng thủy thủ, sỹ quan trên tàu cũng như tổn hại đến hàng hóa chuyên chở. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có biện pháp cải thiện đội tàu phù hợp bằng việc mua sắm hiệu quả. Đầu tư hiệu quả cho các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với yêu cầu về tình trạng kỹ thuật, khả năng đi biển, tuổi và trọng tải của tàu,... theo cơ quan có thẩm quyền quy định và thanh lý hoặc sửa chữa các tàu cũ không thể sử dụng.

Việc chấp hành nghiêm túc các chế độ, chính sách nhà nước là một bước tiến lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường các nước rộng lớn AEC nhằm tăng tiếng nói của đội tàu biển nói riêng và ngành vận tải biển của nước ta nói riêng trên trường quốc tế.

Với ưu thế về chi phí vận chuyển thấp, khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn, hơn 80% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Hơn nữa, giai đoạn 2020 trở đi, dự báo nhu cầu vận tải biển sẽ tăng mạnh khi chúng

ta đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải biển trong đó có đội tàu biển Việt Nam lớn mạnh và phát triển. Từ thực trạng hiện nay, trong bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển đội tàu biển và chủ yếu tập trung về phía doanh nghiệp.

3.2.1. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vận tải biển

Phát triển nguồn nhân lực là một vấn đề không mới nhưng luôn nóng trong ngành vận tải biển nói chung và đội tàu biển Việt Nam nói riêng vì đó là nội lực chính thúc đẩy phát triển bền vững và lâu dài. Như đã phân tích ở phần thực trạng, nguồn nhân lực của đội tàu biển Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng và chất lượng dẫn tới việc rất khó sắp xếp, xây dựng một nguồn lực hợp lý cho sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, không thể cạnh tranh với đội tàu biển nước ngoài. Để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, các hãng tàu nước ta cần tập trung vào một số nội dung chính như:

Thứ nhất, Cần có sự phối hợp giữa hãng tàu và cơ sở đào tạo huấn luyện thuyền viên để các sỹ quan, thuyền viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được công việc. Cần tăng cường tổ chức chương trình liên kết với các trường Đại học, Trung học Hàng hải để nâng cao chất lượng sinh viên. Bên cạnh đó, nên đưa ra các chính sách khen thưởng tài trợ cho các sinh viên có triển vọng trong quá trình học tập và cam kết nhận các sinh viên này vào làm sau khi tốt nghiệp để họ gắn bó lâu dài với nghề đi biển.

Thứ hai, Nghiên cứu và áp dụng các quy chế, biện pháp hợp lý nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của sỹ quan, thuyền viên. Đồng thời có những hình thức kỷ luật đối với những thuyền viên vi phạm, những hạn chế tồn tại và kịp thời khen thưởng, đề bạt những thuyền viên làm việc nghiêm túc và hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng thuyền viên nhằm kịp thời bổ sung, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ để nâng cao chất lượng của đội tàu biển Việt Nam. Hoặc các doanh nghiệp vận tải biển nên tự mình đầu tư xây dựng các Trường kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm đào tạo nhân lực hàng hải để tự cung cấp nguồn nhân lực cho chính mình.

Thứ ba, Tiếp tục và chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ để tổ chức các lớp đào tạo tại các trung tâm chuyên ngành ở các nước phát triển, đồng thời có chính sách hợp lý để giữ

chân nguồn nhân lực có chất lượng cao này. Thúc đẩy hợp tác, xây dựng mối quan hệ lâu dài với các hãng vận tải trong khu vực, đồng thời tổ chức các chương trình trao đổi thuyền viên để nguồn nhân lực nước ta có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, học hỏi thái độ làm việc nghiêm túc và trau dồi trình độ ngoại ngữ.

3.2.2. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực giao nhận, vận tải

Các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về vốn. Vì vậy, họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh với nước ngoài nếu chỉ tự mình phát triển, từ đó dẫn đến năng lực cạnh tranh vô cùng yếu kém. Gia nhập AEC là một bước tiến lớn vào thị trường thế giới nhưng cũng tạo ra nhiều sức ép với đội tàu Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp trong nước phải có sự liên kết theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Chiều dọc có nghĩa là các doanh nghiệp vận tải biển sẽ liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi, môi giới hải quan, bảo hiểm,... tạo thành một chuỗi sản phẩm để có khả năng đem đến trọn gọi dịch vụ cho khách hàng. Theo chiều ngang, các công ty cung cấp một loại hình có thể sát nhập với nhau để tăng quy mô về vốn và trang thiết bị cho doanh nghiệp. Từ đó giảm chi phí và giá thành sản phẩm, nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

3.2.3. Thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng quản lý của hãng tàu khu vực và trên thế giới

Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần tăng cường hoạt động hợp tác, tham gia các hiệp hội vận tải biển quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, quản lý đồng thời cập nhật và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngành hàng hải nói chung và đội tàu biển nước ta nói riêng cần tổ chức các chương trình trao đổi thuyền viên, các chính sách thu hút đội ngũ chuyên viên tay nghề cao từ đội tàu nước ngoài nhằm đào tạo ra đội ngũ sỹ quan, thuyền viên chất lượng. Tăng cường hợp tác về kỹ thuật, mua các phát minh sáng chế trong lĩnh vực vận tải để hiện đại hóa đội tàu tham gia chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Sự giúp đỡ của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, công nghệ sẽ tạo ra một mặt bằng chung cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng chính bản thân doanh nghiệp trong nước mới có thể nét riêng cho mình để cạnh tranh trong và ngoài nước.

3.2.4. Nâng cao năng lực tài chính

Doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế thị trường được quyền tự chủ về tài chính, tự do huy động vốn sản xuất kinh doanh bằng nguồn vốn. Do vậy, bên cạnh những biện pháp hỗ trợ về vốn của Chính phủ, bản thân các chủ tàu cũng cần phải tự thân vận động tìm nguồn vốn mới đáp ứng nhu cầu đầu tư đổi mới đội tàu. Đồng thời, việc tìm kiếm nguồn vốn phải đi đôi với việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh nhiều chủ tàu trong nước đang làm ăn thua lỗ như hiện nay thì việc huy động vốn là hết sức khó khăn. Tùy theo điều kiện từng doanh nghiệp mà các phương thức huy động vốn khác nhau từ mọi nguồn trong nền kinh tế. Đầu tiên, các doanh nghiệp nên chủ động thực hiện nhiều hình thức như vay vốn thương mại, tăng nguồn vốn chủ sở hữu, huy động vốn từ nguồn tín dụng xuất khẩu, thuê mua hay liên doanh trong và ngoài nước để có thêm nguồn vốn đầu tư mới, đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu biển.

Bên cạnh đó, khi quyết định vay vốn để đóng tàu hay nâng cấp đội tàu, các chủ tàu cần lập kế hoạch chi tiết sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ. Với kế hoạch sử dụng vốn, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch khai thác cho từng con tàu cụ thể, trong đó phải dự tính kỹ lưỡng giá cước, sản lượng chuyên chở bình quân, số chuyến thực hiện tối đa, tối thiểu trong một năm, các chi phí liên quan,… từ đó ước tính số lãi thu được để đảm bảo khả năng thanh toán.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp phá triển đội tàu biển Việt Nam trong bối cảnh gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)