CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÉP TU TỪ SO SÁNH TRONG CÁC PHÂN MÔN
2.1. Các phương pháp dạy học và khả năng áp dụng vào việc dạy phép tu từ so sánh cho học
2.1.1. Phương pháp dạy thực hành giao tiếp
Sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong dạy học phép so sánh là GV đưa ra những tình huống giao tiếp để HS đặt mình vào hoàn cảnh của câu chuyện, vận dụng những câu có sử dụng hình ảnh so sánh phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Những hình ảnh so sánh HS đưa ra là những hình ảnh so sánh thoả mãn nhu cầu giao tiếp cụ thể chứ không chỉ là những hình ảnh so sánh chỉ sử dụng vào các tiết Tập làm văn.
Hằng ngày, chúng ta vẫn thường xuyên so sánh cái này với cái kia, người này với người kia. Bất kì sự biểu đạt nào cũng có thể chuyển thành hình thức so sánh. Vì vậy, đây là phương pháp rất gần gũi đối với HS, tích cực hoá được hoạt động học tập của HS. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một ví dụ về việc ứng dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong một tiết Tập làm văn.
Ví dụ: Sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong việc củng cố tri thức và hình thành kĩ năng giao tiếp cho HS
Tiết Tập làm văn, tuần 6: Kể lại buổi đầu em đi học (TV 3) Cách tiến hành:
Bước 1: GV chuẩn bị các tình huống
Tình huống 1: Trong buổi đầu tiên đến trường, em tình cờ gặp một người bạn học cùng lớp mẫu giáo với em. Bạn ấy cũng học cùng em lớp 1A. Em hãy kể lại cuộc gặp gỡ của em với bạn.
Tình huống 2: Ngày đầu tiên đến trường, do sơ suất em đã quên mất giờ tập trung và đến muộn. Khi bước vào lớp, ánh mắt của tất cả các bạn đều hướng về phía em khiến em rất bối rối. Em hãy kể lại diễn biến đó.
Bước 2: GV nêu lần lượt các tình huống. Mỗi tổ phụ trách một tình huống, tự tổ chức giải quyết, phân vai và diễn thử. Kết thúc thời gian quy định, GV gọi đại diện 2 tổ lên trình bày cách xử lí của tổ mình kèm theo hình ảnh so sánh được yêu cầu. Các tổ khác sẽ bổ sung, chỉnh sửa hoặc nêu ra hình ảnh so sánh khác.
Ví dụ:
Tình huống 1:
Con: Mẹ ơi, hôm nay đến trường, con đã gặp bạn My cùng lớp mẫu giáo với con đấy mẹ ạ!
Mẹ: Vậy hả con gái? Sau một mùa hè không gặp, bạn My giờ trông thế nào rồi?
Con: Mùa hè vừa rồi, bạn ấy đi bơi nhiều nên trông da bạn ấy đen như khẩu súng ạ!
GV định hướng cho các HS khác nhận xét:
Em có nhận xét gì về hình ảnh so sánh của bạn Na? Nếu là em, em sẽ nói thế nào?
Tình huống 2:
Cháu: Ông ơi xui xẻo quá, hôm nay buổi đầu tiên đến trường mà cháu lại đi học muộn.
Ông: Sáng nay cháu ông ngủ quên phải không? Thế đến lớp, cô giáo có cho vào lớp học không?
Cháu: Có chứ ạ! Nhưng mà cháu xấu hổ quá ông ạ.
Ông: Chắc là cháu bị các bạn trêu hả?
Cháu: Không ông ạ, cháu vừa bước chân vào đến cửa lớp, cả cô giáo và các bạn đã chăm chú nhìn cháu như ngôi sao ấy…
Đối với tình huống này, GV cần lưu ý các em nhận xét về cách so sánh của bạn Trung.
HS cần phải hiểu so sánh không chỉ là miêu tả, mà quan trọng là trong hình ảnh so sánh phải thể hiện được tình cảm của riêng mình. Trong 2 trường hợp trên, cách sử dụng phép tu từ so sánh của hai em HS chưa hay. Các em chưa được quan sát cũng như tích lũy nhiều ngôn ngữ và hình ảnh phong phú nên chỉ biết áp dụng những so sánh hết sức quen thuộc vào câu nói của mình. Chính vì vậy, muốn biết hình ảnh so sánh có phù hợp với mục đích giao tiếp hay không thì giáo viên phải là người hướng dẫn, gợi ý cho học sinh suy nghĩ, liên tưởng nhiều sáng tạo hay và giàu hình ảnh. Điều này cho phép chúng ta thấy trong hoàn cảnh nào thì người nói có thể nói như thế này mà không nói như thế khác.
2.1.2. Phương pháp rèn luyện theo mẫu
Đây là một phương pháp quan trọng trong việc dạy phép tu từ so sánh. Phương pháp rèn luyện theo mẫu (PPRLTM) thường được sử dụng trong việc tạo ra các hình ảnh so sánh. Để áp dụng PPRLTM, GV có thể tiến hành theo các bước sau đây:
- Cung cấp mẫu lời nói hoặc hành động lời nói.
- Hướng dẫn HS phân tích mẫu theo một số yêu cầu.
- HS mô phỏng mẫu để tạo ra lời nói của mình.
- Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Sau đây, chúng tôi giới thiệu cách sử dụng phương pháp này vào việc dạy phép tu từ so sánh cho HS.
Ví dụ: Em hãy đặt 3 câu trong đó có sử dụng biện pháp tu từ so sánh với các từ sau:
a. Dòng sông
- ... ...
- ...
- ... ...
M: Dòng sông óng ánh như dát bạc.
Cách tiến hành:
Bước 1: GV treo bảng phụ có ghi bài tập và hình ảnh so sánh mẫu lên bảng Bước 2: GV hướng dẫn HS phân tích mẫu
- Ở câu trên, sự vật nào được so sánh với sự vật nào?
- Dòng sông và ánh bạc có đặc điểm gì giống nhau?
- Ở câu trên, từ nào là từ dùng để so sánh?
- Dòng sông còn có thể so sánh với những sự vật nào?
- Dựa vào câu trên, với từ con đường em hãy đặt một câu trong đó có sử dụng phép tu từ so sánh
Bước 3: HS tập đặt câu Ví dụ:
- Dòng sông uốn khúc quanh co như mái tóc dài của người con gái.
- Dòng sông gắn bó với tuổi thơ em như những câu chuyện cổ tích bà kể.
Bước 4: Nhận xét, bổ sung.
2.1.3. Phương pháp sử dụng tình huống có vấn đề trong tổ chức hoạt động Dạy học sử dụng hình huống có vấn đề là phương pháp dạy học mà giáo viên đặt học sinh vào những tình huống có vấn đề và học sinh là người phải tự phát hiện, giải quyết những vấn đề đó; thông qua đó nắm được kiến thức mới lẫn phương pháp đi tới
kiến thức đó, đồng thời phát triển năng lực tư duy sáng tạo và hình thành thế giới quan khoa học.
Do học sinh được đặt vào các tình huống có vấn đề nên phương pháp này có tác dụng gây hứng thú học tập cho các em. Ngoài ra còn kích thích phát triển tư duy vì ở đây các em phải trải qua một quá trình động não suy nghĩ tích cực trước một tình huống để tìm ra cách giải quyết cho nó. Thông qua việc động não để giải quyết vấn đề, học sinh được làm quen với việc nghiên cứu khoa học, nếp suy nghĩ độc lập, sáng tạo, biết liên hệ và sử dụng những kiến thức đã có trong việc lĩnh hội kiến thức mới.
Ví dụ: Sử dụng tình huống có vấn đề để dạy về phép tu từ so sánh trong bài:
Luyện từ và câu Tuần 3 (TV3, t.1, tr.24) Cụ thể các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Nghiên cứu kĩ mục tiêu
Mục tiêu của bài học là tìm được những hình ảnh so sánh trong các câu thơ , câu văn. Nhận biết các từ chỉ sự vật so sánh trong các câu đó .
Bước 2: Xác định mâu thuẫn
Tình huống có vấn đề có thể xảy ra ở bài 1 và bài 2 Bài 1: Tìm hình so sánh trong câu thơ, câu văn sau:
a, Mắt hiền sáng tựa vì sao
Bác nhìn đến tận Cà Mau cuối trời.
b, Em yêu nhà em Hàng xoan trước ngõ Hoa xao xuyến nở Như mây từng chùm.
c, Mùa đông
Trời là cái tủ ướp lạnh . Mùa hè
Trời là cái bếp lò nung
d, Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng.
Bài 2: Hãy ghi lại các từ chỉ sự so sánh trong các câu thơ trên
Với hai bài tập này học sinh có thể gặp vấn đề là có một vài từ so sánh mà các em chưa được gặp ở bài trước. Các em mới chỉ biết từ so sánh là từ “như”. Đối với những học sinh “học vẹt”, các em học ở bài trước thấy từ “như” thì sẽ cho đó là câu so sánh mà không hiểu ý nghĩa của câu. Khi đến với bài tập 1 có đến ba câu văn, câu thơ không có từ “như”; đó lại là một vấn đề đặt ra cần học sinh giải quyết. Sau đó ở bài tập 2, làm thế nào để học sinh có thể xác định được ngoài từ “như” là từ so sánh còn có một số từ ngữ khác như: tựa, là,…
Bước 3: Dự kiến hướng giải quyết
Nếu bài học trước, học sinh cho rằng xuất hiện từ “như” là câu sử dụng biện pháp so sánh thì đến bài tập này học sinh sẽ phải có những suy nghĩ khác. Vậy học sinh có thể có hướng giải quyết như sau: Đọc câu để hiểu ngữ cảnh, rồi sau đó tìm hình ảnh so sánh và hình ảnh được so sánh. Nếu tìm được giữa hai hình ảnh có nét tương đồng về nghĩa thì học sinh sẽ biết đâu là hình ảnh so sánh cần tìm, rồi từ đó tìm từ so sánh cho bài tập 2.
Bước 4: Yêu cầu học sinh thử giải quyết vấn đề
Bước 5: Giáo viên nhận xét và đưa ra cách giải quyết vấn đề 2.1.4. Phương pháp thảo luận nhóm
Mục đích của việc thảo luận nhóm là đặt HS vào trong giao tiếp, đưa các em vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, từ đó các em có khả năng làm việc nhóm, học hỏi thêm ở bạn bè trong nhóm các kiến thức bổ ích, qua đó các em nâng cao khả năng nắm bắt và vận dụng phép tu từ so sánh vào văn cảnh hợp lí.
Phương pháp thảo luận nhóm rất phù hợp với việc dạy phép so sánh tu từ cho HS.
Có thể sử dụng phương pháp này để dạy cả 2 loại bài tập cơ bản của phép tu từ so sánh: Bài tập nhận diện và bài tập vận dụng. Tuy nhiên, phương pháp thảo luận nhóm được tiến hành trên 2 loại bài tập này gần giống nhau nên chúng tôi chỉ trình bày một cách thức tổ chức thảo luận nhóm.
Ví dụ: Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để dạy loại bài tập nhận diện.
Bài: Luyện từ và câu, Tuần 5 (TV3, t.1, tr.43)
Cụ thể các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Phân nhóm (nhóm cùng bàn)
Bước 2: Phát phiếu giao việc, HS thảo luận và cùng nhau giải quyết các câu hỏi trong phiếu.
Phiếu giao việc
1. Tìm các hình ảnh so sánh trong những câu thơ, câu văn dưới đây:
a. Bế cháu ông thủ thỉ:
- Cháu khỏe hơn ông nhiều!
Ông là buổi trời chiều Cháu là ngày rạng sáng.
b. Ông trăng tròn sáng tỏ Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn Ơi ông trăng sáng tỏ.
c. Những ngôi sao thức ngoài kia Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(TV3,t.1, tr.43)
2. Hãy ghi các từ chỉ sự so sánh trong những câu thơ trên
Bước 3: Thông qua thảo luận nhóm giải quyết các bài tập trong phiếu giao việc, dưới sự dẫn dắt của GV, HS sẽ rút ra những kiến thức sau:
1. Các hình ảnh so sánh trong câu thơ, câu văn là:
a. Cháu - ông
Ông - buổi trời chiều Cháu - ngày rạng sáng b. Trăng khuya - đèn c. Ngôi sao thức – mẹ thức Mẹ - ngọn gió
2. Các từ chỉ sự so sánh trong câu trên là: hơn, là, là, hơn, chẳng bằng, là.
Tóm lại, phương pháp thảo luận nhóm có một vai trò rất quan trọng trong việc
dạy kĩ năng nhận diện và vận dụng phép tu từ của HS. Phương pháp này góp phần phát triển kĩ năng giao tiếp và giáo dục cho HS tính tập thể trong học tập.
2.1.5. Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Đây là phương pháp rất quan trọng trong quá trình dạy học Tiếng Việt nói chung và dạy học phép tu từ so sánh nói riêng. GV có thể vận dụng phương pháp này vào việc dạy các loại bài tập về phép tu từ so sánh trong phân môn Luyện từ và câu. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày cách sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ vào dạy 2 loại bài tập cơ bản của phép tu từ so sánh: Bài tập nhận diện và bài tập vận dụng.
2.1.5.1. Đối với loại bài tập nhận diện Cách tiến hành
Ví dụ: Tiết luyện từ và câu tuần 1(TV 3)
Bài tập 1: Tìm các hình ảnh so sánh trong những câu thơ, câu văn dưới đây:
a. Mắt hiền sáng tựa vì sao Bác nhìn đến tận Cà Mau cuối trời.
b. Em yêu nhà em Hàng xoan trước ngõ Hoa xao xuyến nở Như mây từng chùm.
c. Mùa đông
Trời là cái tủ ướp lạnh Mùa hè
Trời là cái bếp lò nung.
d. Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng.
(TV3, t.1, tr.24)
Bước 1: GV giao nhiệm vụ và phổ biến hình thức tổ chức hoạt động
Thao tác 1: HS đọc to ngữ liệu trong sách giáo khoa, cả lớp đọc thầm bằng mắt.
Thao tác 2: GV gọi HS đọc to nhiệm vụ: Các em hãy đọc kĩ các câu thơ, câu văn rồi tìm ra những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ, câu văn đó.
Thao tác 3: Phổ biến hình thức tổ chức hoạt động (làm việc theo nhóm hoặc cá nhân) Thao tác 4: Phát phiếu giao việc cho HS
Bước 2: HS tiến hành phân tích ngữ liệu và ghi kết quả vào phiếu Bước 3: Tổ chức cho HS báo cáo kết quả
Thao tác 1: GV treo bảng phụ có ghi những câu thơ, câu văn làm ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Thao tác: HS báo cáo kết quả trong đó có dùng phấn gạch chân dưới những sự vật được so sánh với nhau.
Thao tác: HS cả lớp theo dõi phân tích kết quả của bạn, nêu nhận xét bổ sung Bước 4: GV tổ chức cho HS rút ra bài học, thông qua các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý.
Đây là loại bài tập thực hành, nhưng mục đích là hình thành kiến thức mới về phép tu từ so sánh nên tiến hành phân tích - phát hiện là chủ yếu. Hướng phân tích tập trung vào cấu trúc cơ bản của phép so sánh và nhận diện ra 2 yếu tố quan trọng của phép tu từ so sánh là cái so sánh và cái được so sánh.
2.1.5.2. Đối với loại bài tập vận dụng
Với loại bài này, khi sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ chủ yếu là thao tác phân tích chứng minh và phân tích phán đoán. Vì vậy, GV cần hướng dẫn HS các điều kiện cần thiết khi tiến hành các mức độ phân tích đó.
Cách tiến hành
Ví dụ: Tiết Luyện từ và câu tuần 15 (Tiếng Việt 3)
Bài 3: Quan sát từng cặp sự vật được vẽ dưới đây rồi viết những câu có hình ảnh so sánh các sự vật trong tranh.
Bước 1: Xác định rõ yêu cầu bài tập
Nhiệm vụ 1: quan sát từng cặp sự vật trong tranh
Nhiệm vụ 2: Viết những câu có hình ảnh so sánh các sự vật trong tranh
Bước 2: Quan sát kĩ các cặp trong tranh, viết tên từng cặp sự vật được so sánh trong tranh.
Bước 3: Nhớ lại những kiến thức về phép tu từ so sánh (cách so sánh) Bước 4: HS tiến hành làm việc và ghi kết quả vào phiếu
Bước 5: HS trình bày kết quả
Dưới sự dẫn dắt của GV, HS rút ra kiến thức cần củng cố: Muốn viết được những hình ảnh so sánh, trước hết ta cần quan sát kĩ các sự vật được so sánh với nhau, sau đó tìm ra sự giống nhau giữa chúng và từ đó viết hình ảnh so sánh.
2.1.6. Phương pháp trò chơi học tập
Qua nghiên cứu các bài dạy về phép so sánh, chúng tôi nhận thấy, phương pháp trò chơi học tập Tiếng Việt có thể sử dụng trong các tiết học phép so sánh với mục đích ôn luyện kiến thức và kĩ năng sử dụng phép so sánh. Ngoài ra, sử dụng phương pháp này còn nhằm phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu giao tiếp hàng ngày và phục vụ cho việc học tập đạt kết quả tốt.
Yêu cầu khi xây dựng trò chơi học tập
- Về mục đích: Trò chơi phải hướng vào việc củng cố kiến thức về phép tu từ so sánh, rèn luyện kĩ năng vận dụng phép so sánh trong giao tiếp.
- Về nội dung: Trò chơi phải chứa nội dung về phép so sánh. Thực chất, đây là những bài tập vui và nhẹ nhàng về phép so sánh.
- Hình thức chơi: Các trò chơi thường được tiến hành thi theo nhóm hay cả lớp tuỳ vào nội dung trò chơi. Trò chơi có thể do GV hướng dẫn hoặc do HS tự tổ chức, góp phần rèn luyện tinh thần tập thể và sự hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
- Về cách chơi: Cách chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, GV có thể tổ chức cho HS thực hiện trò chơi đơn giản (không cần chuẩn bị công phu) hay trò chơi có phần phức tạp (phải chuẩn bị trước) song phải đạt được cái đích cuối cùng là củng cố kiến thức và tăng hứng thú học tập.
Ví dụ: Trò chơi Thử tài so sánh
Trò chơi này được tiến hành sau khi học xong bài Luyện từ và câu tuần 15 (TV3, t.1, tr.124)
I. Mục đích
- Rèn kĩ năng sử dụng từ ngữ bằng cách tạo nhanh các cụm từ có hình ảnh so sánh đúng
- Luyện phản ứng nhanh, trau dồi trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng.
II. Chuẩn bị
- Các mẩu giấy trắng đủ cho mỗi HS 1 tờ.
III. Cách tiến hành
- GV chia lớp thành 4 tổ:
Tổ 1 viết vào giấy một từ chỉ màu sắc (VD: Trắng, xanh, đỏ, vàng,…)