8.1.1. Cơ sở hình thành nền văn minh Hy Lạp cổ đại
Nằm ở phía nam Châu Âu, trên bán đảo Balkan, giống như cái đinh ba của thần biển Poseidon từ đất liền vươn ra Địa Trung Hải. Thế kỷ IX TCN, người Hy Lạp gọi tên nước mình là Hellad hay Ellad theo tên tộc người của họ, Qua phiên âm từ tiếng Trung Quốc ta thường gọi là Hy Lạp.
Vị trí địa lý của Hy Lạp: đông giáp biển Egée, tây bắc giáp Albanie, đông nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ, bắc giáp Nam Tư và Bulgarie. Diện tích 133.000 km2, thủ đô là Athens (Nhã Ðiển).
Hy Lạp cổ xưa rộng hơn, gồm 3 xứ: - Hy Âu: Ở miền nam bán đảo Balkan, có hơn 80% là núi, có vịnh Corinthe chia ra bốn phía: Bắc là dãy Pinde, tây là Eùpia, đông là bình nguyên Thessalie, nam là bán đảo Péloponèse có hình bàn tay với bốn ngón xòe gồm các vùng đất phì nhiêu. - Hy Á: Gồm những tỉnh dựng lên ở những bình nguyên hẹp ven bán đảo Tiểu Á. - Quần đảo và đảo: Biển Egée có nhiều đảo lớn hợp thành dãy đảo. Quan trọng nhất là đảo Crèce ở phía nam là trung tâm của nền văn minh tối cổ Crèce-Mycène. Bờ biển đông và tây bán đảo Balkan và Tiểu Á có hình răng cưa gồ ghề lởm chởm, có nhiều vịnh và hải cảng an toàn, thuận lợi cho sự phát triển hàng hải.
Ðịa hình phức tạp đó, cộng với đất đai không phì nhiêu của Hy Lạp đã ảnh hưởng lớn đến xu hướng phát triển của lịch sử, xã hội Hy Lạp thời cổ đại. Trước hết là xu hướng phát triển ngành mậu dịch hàng hải của họ. Người Hy Lạp cổ đã biết lợi dụng mặt biển Egée phẳng lặng để đi rất xa ra khơi, đổ bộ lên các đảo và miền ven biển Tiểu Á hay vượt qua các eo biển Dardanien và Bospho lên tận miền Hắc Hải, hoặc vượt biển đi khắp các miền thuộc khu vực Ðịa Trung Hải như Tiểu Á, Ai Cập, Ý, Tây Ban Nha và Bắc Phi.
Khí hậu ấm áp và trong lành, thiên nhiên đẹp đẽ muôn màu, cảnh bình nguyên nước xanh với màu da trời đã tạo tâm hồn thi sĩ cho người Hy Lạp.
Ở vị trí phía Ðông Ðịa trung Hải gần gũi với các quốc gia cổ đại phương Ðông có nền văn minh lâu đời: Ai Cập, Lưỡng Hà, Tây Á chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của nền văn minh Hy Lạp, khiến nó trở thành ngọn đuốc soi sáng vùng Ðịa Trung Hải.
Về dân cư, cuối thiên niên kỷ III TCN, các bộ tộc phía bắc thiên di tới định cư ơ Hy Lạp.
Dân Hy Lạp cổ đại gồm nhiều tộc người như người Eolien, Acheen, Dorien... Lúc đầu các tộc người này đều gọi theo tên riêng từ thời bộ lạc của mình, tới thế kỉ VIII-VII TCN các tộc người đó đều tự gọi một tên chung là Helen (Hellenes) và gọi đất nước mình là Hella (Hella) tức Hy Lạp.
8.1.2. Sơ lược quá trình phát triển của lịch sử Hy Lạp
Lịch sử Hy Lạp cổ đại có thể chia làm các thời kì chính sau đây:
Thời kì văn minh Crete-Mycenae (thiên niên kỷ III - thế kỉ XII TCN): Đảo Crete là nơi hình thành nền văn minh tối cổ của người Hy Lạp, nơi có nhiều thành thị cổ nổi tiếng, đặc biệt là thành thị Cnossos, thành thị này có tới 10 vạn dân và một hệ thống cung điện nguy nga,
78
tráng lệ. Văn minh Crete lan rộng ra các vùng xung quanh, đặc biệt là Tiểu Á với dấu tích thành Troy còn sót lại.
Văn minh Mycenae nằm ở đồng bằng Peloponneusus, chủ nhân của nó là người Acheen.
Cuối thế kỉ XII TCN, người Dorien với vũ khí bằng sắt từ phương Bắc tràn xuống tấn công, người Acheen chống đỡ không được và các quốc gia của người Acheen đã bị tiêu diệt.
Thời kì Crete-Mycenae kết thúc. Văn minh Crete-Mycenae còn gọi là văn minh tiền Hy Lạp.
Thời kì Home (thế kỉ XI - IX TCN): Đời sau biết về giai đoạn này chủ yếu qua hai tập sử thi của nhà thơ mù Homer nên người ta lấy tên ông để đặt cho thời kì này. Qua hai bản anh hùng ca Iliad và Odyssey của Homer, người ta nhận thấy xã hội Hy Lạp được mô tả trong giai đoạn này là một xã hội nguyên thuỷ đang trên đường tan rã, xã hội có nhà nước đang hình thành. Thời kỳ này ngành kinh tế chủ chốt vẫn là trồng trọt và chăn nuôi, đồ sắt đã được sử dụng, nhưng chủ yếu vẫn là đồ đồng.
Thời kì thị quốc (thế kỉ VIII - IV TCN): Đây là thời kì hình thành hàng trăm nhà nước nhỏ mà người ta gọi là các thị quốc ở Hy Lạp. Các thị quốc này có phạm vi hẹp và dân cư không đông, gần một đô thị trung tâm và vùng nông thôn phụ cận. Sparte và Athens là 2 thị quốc có vai trò quan trọng đối với Hy Lạp cổ đại. Rất nhiều thị quốc ở Hy Lạp thời đó sồng bằng nghề công thương nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của văn minh Hy Lạp.
Sau chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư (thế kỉ V TCN), thành bang Hy Lạp bước vào thời kỳ cực thịnh, trong đó thị quốc Athens trở thành một mẫu mực hoàn hảo nhất của nền dân chủ.
Nhưng cuối thế kỉ V TCN, thế giới Hy Lạp đã nổ ra một cuộc nội chiến-chiến tranh Peloponneusus. Cuộc nội chiến này đã làm tất cả các thành bang suy yếu. Nhân cơ hội đó, một quốc gia ở phía bắc bán đảo Balkan là Macedonia đã buộc tất cả các thành bang khác phải thuần phục mình. Sau đó, liên minh Hy Lạp - Macedonia đã tấn công đế quốc Ba Tư.
Thời kì Hy Lạp hoá (từ năm 337 - 30 TCN): Sau khi đánh bại đế quốc Ba Tư, các đội quân của Hy Lạp - Macedonia đã mang văn hoá Hy Lạp truyền bá khắp vùng Tây Á và Bắc Phi. Vì vậy, người ta gọi thời kì này là thời kì Hy Lạp hoá. Đến thế kỉ I TCN, đế quốc La Mã đang trên đà phát triển hùng mạnh đã thôn tính các vùng đất quanh Địa Trung Hải, Hy Lạp cũng trở thành một phần của đế quốc La Mã.
8.1.3. Những thành tựu của nền văn minh Hi Lạp cổ đại
Tuy xuất hiện muộn hơn nền văn minh các nền văn minh phương Đông, nhưng nhờ tiếp thu được nhiều giá trị từ nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà cổ đại và dựa vào tài trí, sức lao động của mình, họ đã để lại cho nhân loại một kho tàng văn minh rất có giá trị.
8.1.3.1. Chữ viết
Chữ viết của Hy Lạp xuất hiện từ thời Crete-Mycenae với hàng nghìn tấm đất sét có ghi chữ đã được tìm thấy ở cuối thế kỷ XIX - XX. Có thể chia chữ Hy Lạp cổ ra làm 3 loại:
- Chữ tượng hình thuần túy, ghi lại sinh vật, vật thể: đây là loại chữ cổ nhất, xuất hiện vào khoảng đầu thiên niên kỷ II TCN.
79
- Loại chữ thứ 2 là loại có dạng thức đơn giản, được cấu tạo bởi những nét ngắn gọn, đều đặn, thống nhất về kiểu thức, loại này lại được chia làm 2 loại: loại A (1700 - 1400 TCN ), loại B (1400 - 1200 TCN).
- Loại thứ 3 được người Hy Lạp sáng tạo dựa vào việc khôi phục lại 2 loại chữ trên và dựa trên cơ sở văn tự của người Phoenicia. Dưới thời Athens thứ chữ này được hoàn thiện với 27 chữ cái (sau này rút xuống còn 24 chữ) theo thể viết từ trái sang phải. Đây là một thứ chữ khá giản đơn, đẹp bởi sự cân đối, hài hòa, thanh nhã của nó.
8.1.3.2. Văn học
Văn học Hy Lạp cổ đại có thể chia ra làm ba bộ phận chủ yếu có liên quan với nhau, đó là thần thoại, kịch, thơ.
- Thần thoại là tập hợp, tổng thể những truyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung hoang đường, huyễn hoặc về sự sáng tạo thế giới, các anh hùng hay các đấng thần linh.
Các câu chuyện thần thoại thường phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, giải thích các hiện tượng tự nhiên, phản ánh chính cuộc sống của người Hy Lạp, nhất là thường gắn liền với tôn giáo. Về sau, khi có chữ viết, kho tàng thần thoại này được Hediot (nhà thơ Hy Lạp sống vào thế kỉ VIII TCN) hệ thống lại trong tác phẩm Gia phả các thần. Đây là một di sản, niềm tự hào của người dân Hy Lạp trong kho tàng văn học nhân loại.
- Thơ là một thể loại văn học thành công của người Hy Lạp. Người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn học Hy Lạp là Homer với 2 bản anh hùng ca Iliad (15.693 câu thơ) và Odyssey (12.110 câu thơ). Iliad phản ánh cuộc chiến tranh gay go giữa người Hy Lạp và người Troy ở vùng Tiểu Á, ca ngợi lòng dũng cảm, sức mạnh, ý chí, và khát vọng lập chiến công của các anh hùng. phản ánh sự chiến thắng trở về của người Hy Lạp. Odyssey kể về cuộc hành trình phiêu bạt trở về của người anh hùng Odyssey và quân đội Hy Lạp; nó ca ngợi sức mạnh con người, biểu dương tình yêu... Đây là những tác phẩm đầu tiên của văn học thành văn, có giá trị lớn về sử học và được coi là “Bộ bách khoa toàn thư” về đời sống Hy Lạp thời đó.
Sau thời kỳ Homer, hình thức bi khúc miêu tả phản ứng đau buồn của cá nhân trước những mất mát của cuộc sống xuất hiện. Từ thế kỷ VI-nửa đầu thế kỷ V TCN, thơ trữ tình dần dần thay thế bi khúc, tập trung miêu tả những tình cảm nồng nhiệt, những mối tình sâu nặng hay sự quyến rũ, duyên dáng của cảnh vật. Nổi bật cho thể loại này là các tác giả: Pindar, Sappho. Sappho được người Hy Lạp xem là “Nữ thần bảo trợ thi ca”.
- Kịch nghệ là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho kho tàng văn học thế giới. Nghệ thuật kịch Hy Lạpbắt nguồn từ hình thức ca múa hóa trang các lễ hội. Nghệ thuật kịch có hai loại: Bi kịch và hài kịch.
Bi kịch: gồm các tác giả nổi tiếng như Aeschylus, Sophodes, Euripides.
Hài kịch có nhiều tác giả như Cratinas, Crates,… trong đó Aristophances (450-388 TCN) được coi là “thủy tổ của hài kịch Hy Lạp cổ đại”. Ông sáng tác 44 vở kịch, để lại ngày nay còn 11 vở. Những vở kịch nổi tiếng: Những kị sĩ; Đàn ong bò vẽ, Đàn chim. Tác phẩm của ông có ý tưởng chế nhạo những ý tưởng chính trị của giới dân chủ tiến bộ đương thời đồng thời cũng đả kích mạnh mẽ những thói xấu xa, đê tiện trong xã hội.
80 8.1.3.3. Sử học
Trước thế kỉ thứ V TCN, người ta biết đến sử học xa xưa của Hy Lạp là thông qua truyền thuyết và sử thi. Từ thế kỉ thứ V TCN, Hy Lạp mới chính thức có sử học thành văn. Đến lúc này, Sử học mới trở thành một môn khoa học thật sự với nhiều tác giả, tác phẩm có đóng góp quan trọng cho sử học nhân loại.
Herodot (484 - 425 TCN), nhà sử học lớn đầu tiên của Hy Lạp, là “người cha của sử học phương Tây”. Các tác phẩm sử học của ông không chỉ viết lịch sử của một nước (Hy Lạp), mà cả lịch sử của một số nước phương Đông như: Assyria, Babylonia, AiCập … Tác phẩm sử học quan trọng nhất là Lịch sử của cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư và bộ Lịch sử đồ sộ gồm 9 tập.
Mặc dù các tác phẩm sử học của ông còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn được trân trọng vì có nhiều sử liệu quí.
Thuycydides (460-395 TCN) là tác giả bộ Lịch sử chiến tranh Peloponneusus nổi tiếng.
Mục đích của ông khi viết sử là nhằm tái tạo bộ mặt chân thực của sự biến này để những chính khách và tướng lãnh của mọi thời đại có thể nghiên cứu và rút ra từ đó những bài học bổ ích.
Vì thế, ông được coi là người viết sử nghiêm túc, và các tác phẩm sử học của ông rất có giá trị.Tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến nền sử học phương Tây về sau.
Xenophon (430 - 359 TCN): Dù phương pháp và cách trình bày các sự kiện lịch sử của ông còn nhiều hạn chế, nhưng bộ Lịch sử Hy Lạp của ông chứa nhiều tư liệu quý về Hy Lạp cổ đại.
8.1.3.4. Tín ngưỡng - Tôn giáo
Tín ngưỡng của người Hy Lạp cổ đại là đa thần giáo và các vị thần đều cư ngụ trên đỉnh Olympia (một ngọn núi nằm ở phía Bắc Hy Lạp). Mỗi thành bang thường có một vị thần bảo trợ riêng: Athena ở Athens, Hera ở Argos, Artemis ở Ephese. Bên cạnh thần linh, người Hy Lạp cũng thờ các vị anh hùng đã lập nên những chiến công phi thường chẳng kém gì các thần linh. Những câu chuyện mang tính chất thần bí về các vị thần và các anh hùng dũng sĩ được phản ánh trong các chuyện thần thoại.
Một điều đặc biệt của tín ngưỡng Hy Lạp cổ đại là các vị thần ở Hy Lạp là hiện thân của con người hay các hoạt động của mọi mặt sản xuất, đảm nhận một chức năng nhất định, có vị thần tốt, vị thần xấu, họ sống lẫn lộn với con người và chỉ khác con người ở chỗ họ bất tử, mạnh hơn và cao hơn. Các thần Hy Lạp có bảng phả hệ rất rõ ràng, chặt chẽ, hình thành nên một hệ thống thần linh rất hoàn chỉnh.
Một số vị thần chính của người Hy Lạp là: Apollon (thần Ánh sáng và Nghệ thuật), Clio (thần Lịch sử), Aphrodite (thần Tình yêu và Sắc đẹp), thần Athena (Bảo hộ cho thành bang Athens), thần Dinodios (thần Bảo trợ nghề trồng nho và nấu rượu), thần Poseidon (thần Biển cả).
8.1.3.5. Nghệ thuật
Những công trình kiến trúc của Hy Lạp cổ đại không hùng vĩ như của Ai Cập cổ đại nhưng nó lại nổi bật ở sự thanh thoát, hài hoà. Đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật Hy Lạp là:
- Chú trọng đến con người, coi con người là chủ thể, là nguồn cảm hứng, ca tụng con người như là sáng tạo quan trọng nhất của con người
81
- Nghệ thuật Hy Lạp hướng tới sự hài hòa, cân đối về cả linh hồn và thế xác, bài xích sự hỗn loạn và cường điệu, không mang nhiều tính chất tôn giáo mà nghiêng về tính dân dụng hơn. Vậy nên nghệ thuật Hy Lạp có tính vừa đơn giản, vừa chừng mực, vừa tránh sự rườm rà và những quy tắc nghiêm ngặt.
Điều kiện thịnh vượng về kinh tế, chế độ dân chủ tự do, những chiến công hiển hách...
tạo nên môi trường lí tưởng để các nghệ sĩ phát huy hết tài năng sáng tạo, tạo nên những kiệt tác, những mẫu mực cho mọi thời đại: “Beau comme l'antique” (nghĩa là Đẹp như thời cổ đại) là thành ngữ thông dụng ở châu Âu.
Về kiến trúc: Hai quần thể kiến trúc phổ biến trong đô thị cổ đại lúc bấy giờ là agora (quảng trường công cộng, mang tính dân dụng) và acropol (là những quần thể kiến trúc với nhiều đền đài, được xây dựng trên những khu đồi cao. Vào thời kỳ cổ điển thịnh kỳ, các acropol được xây dựng thêm các nhà hát ngoài trời có thềm dốc bậc ở các khu vực chân núi.
Các acropol nổi tiếng nhất là acropol ở Athena (Acropolis), ở Bergama (hay Pergamos) và ở Paestum.
Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Hy Lạp cổ đại là đền Parthenon, do nhà kiến trúc sư thiên tài của thời cổ Hy Lạp là Phidias thiết kế và chỉ đạo xây dựng.
Những công trình kiến trúc nổi tiếng khác như Đền Artemis ở Ephesus , Lăng Halicarnasus (Hai kì quan thế giới cổ đại)...
Về điều khắc:
Miron, nhà điêu khắc nổi tiếng bởi những bức tượng mô tả người đang vận động. Tác phẩm của ông không chỉ thể hiện vẻ đẹp hình thể mà còn diễn tả nội tâm một cách sâu sắc, tinh tế. Lực sĩ ném đĩa là tác phẩm xuất sắc nhất của ông
Nhà điêu khắc Policles nổi tiếng với tác phẩm điêu khắc “Lực sĩ vác giáo”-tác phẩm được giới mĩ thuật phương Tây đánh giá rất cao bởi tỉ lệ cân đối và được gọi là “sự chuẩn xác Hy Lạp”. Ông còn đưa ra những tỉ lệ cân xứng giữa các bộ phận cơ thể.
Tượng thần Zeus khổng lồ ở Olimpia cũng là một kiệt tác điêu khắc của Phidias và được xếp là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại.
Ngoài ra còn có thế kể đến một số tác phẩm như tượng thần Nikea, tượng Chiến binh Gaule đang hấp hối, tượng thần Venus,… đều là những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới.
8.1.3.6. Khoa học tự nhiên
Thế giới Hy Lạp cổ đại còn cống hiến cho nhân loại nhiều nhà bác học mà đóng góp của họ tới nay vẫn còn giá trị như: Euclide, người đưa ra các tiên đề hình học đặt cơ sở cho môn hình học sơ cấp. Pythagoras, ông đã chứng minh định lí mang tên ông và ngay từ thế kỉ V TCN ông đã đưa ra giả thuyết trái đất hình cầu. Thales, người đã đưa ra Tỉ lệ thức (Định lí Thales).
Archimede, người đã đề ra nguyên lí đòn bẩy, chế ra gương cầu lõm, máy bắn đá và phát hiện ra lực đẩy tác động lên một vật nếu vật đó trong lòng chất lỏng (lực đẩy Archimede).
a. Toán học và thiên văn học
Hy Lạp đóng góp cho nhân loại nhiều nhà khoa học lỗi lạc mà tất cả họ đều chiếm vị trí quan trọng trong nền toán học và thiên văn học thế giới.