Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang
4.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Thực hiện đường lối đổi mới phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo một cách có hiệu quả phát triển kinh tế trong những năm vừa qua. Nền kinh tế của huyện có những bước tăng trưởng khá, từ giai đoạn 1996 - 2000 mức tăng trưởng bình quân chỉ đạt 4,85 %/ năm, đến giai đoạn 2001 - 2005 mức tăng trưởng kinh tế bình quân được cải thiện nhưng cũng chỉ đạt 7,80 %/năm. Năm 2015, mức tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện đã có sự bứt phá rõ rệt với tỷ lệ 15,8%/năm, vượt kế hoạch đề ra 0,3%. Trong đó, công nghiệp - Xây dựng đạt 22,0 % (Công nghiệp 21,0 %); Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 6,3 %; Dịch vụ đạt 22,0 %. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 40,4%, ngành Nông - lâm nghiệp chiếm 33,2% , ngành Dịch vụ chiếm 26,4% trong cơ cấu kinh tế (Trích Báo cáo “Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm 2016” của UBND huyện Hiệp Hoà).
4.1.2.2. Dân số và lao động
* Dân số: Năm 2015, tổng số dân của huyện là 225.267 người. Trong đó nam 111.172 người, nữ 114.095 người. Mật độ dân số trung bình 1.094người/km2 .
Theo số liệu điều tra dân số năm 2015, toàn huyện hiện có 225.267 người, tăng 3% so năm 2014. Để giải quyết công ăn việc làm cho lao động Huyện Ủy và UBND huyện đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc xuất khẩu lao động, tiếp tục
có chính sách hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp, các xí nghiệp liên doanh vào Hiệp Hoà, tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2015 là 3.500 người, trong đó đi xuất khẩu lao động là 161 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%.
4.1.2.3. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn huyện
* Về đường bộ: Toàn huyện có 750,80 km giao thông đường bộ từ liên huyện, liên xã, liên thôn chia ra:
- Quốc lộ 37 đi Thái Nguyên - Tuyên Quang chạy qua Hiệp Hòa theo hướng Phú Bình - Thái Nguyên có chiều dài 21km.
- Tỉnh lộ 288 chạy qua Hiệp Hòa theo hướng Phổ Yên - Thái Nguyên có chiều dài 23km.
- Tỉnh lộ 295 chạy qua Hiệp Hòa theo hướng Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh có chiều dài 19km.
- Tỉnh lộ 296 chạy qua Hiệp Hòa theo hướng Sóc Sơn - Hà Nội có chiều dài 13km.
- Đường huyện lộ có 9 tuyến chính dài 87,5 km với mặt rộng đường từ 3- 5m; đường liên xã 70 km và đường liên thôn dài 489,7 km.
* Về đường thuỷ: Có một sông lớn (Sông Cầu) chảy qua huyện với chiều dài 44km, đáp ứng nhu cầu vận tải thuỷ vừa và nhỏ cho nhân dân, nhất là các xã ven sông khai thác tài nguyên như cát, sỏi, tre, gỗ nguyên liệu... trong mùa mưa lũ.
Nhìn chung Hiệp Hòa có hệ thống giao thông thuỷ bộ khá phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu buôn bán, vận chuyển hàng hoá.
- Tổng chiều dài các tuyến kênh mương 248,149 km, bao gồm: Kênh Trôi, Kênh 3, Kênh 1B, Kênh 1C, Kênh 2/3, Kênh Hương Lâm – Mai Đình, Kênh 3/3, Kênh 1A, Kênh Hoàng Lương, Kênh T47, Kênh T45, Kênh Hương Lâm - Châu Minh, Kênh Hoàng Vân, Kênh 1D.
* Hệ thống lưới điện do Điện lực Hiệp Hoà quản lý 160 trạm biến áp với 167 máy biến áp, tổng công suất là 28.875 kVA. Có 2 trạm biến áp trung gian công suất 22.300 kVA. Đường dây 35 KV dài 14,673 km, đi từ ranh giới Tràng (địa phận giữa huyện Việt Yên và huyện Hiệp Hoà) đến 2 trạm biến áp trung gian là trung gian Hiệp Hoà 1 và trung gian Hiệp Hoà 2. Đường dây 10 KV dài 144,182 km gồm 7 lộ đường dây sau 2 trạm trung gian. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân 56 triệu kWh/năm.
* Giáo dục - Đào tạo và dạy nghề.
Chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn có chuyển biến rõ nét, củng cố vững chắc vị trí trong tốp đầu của tỉnh. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học đều đạt kế hoạch và ngày càng được củng cố, duy trì vững chắc; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 (trong đó có 25/26 xã đạt Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2). Công tác đào tạo nghề hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao và bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn như may công nghiệp, cơ khí và các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương như trồng trọt, chăn nuôi... chủ động phối hợp, liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng để thu hút đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THPT, THCS. Đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho trên 640 người, đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 1.720 người. Tạo việc làm mới cho trên 3.500 lao động, đạt 100% kế hoạch, xúc tiến phối hợp đưa 161 người đi lao động ở nước ngoài, vượt 7,3% kế hoạch.
* Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kế hoạch hoá gia đình hàng năm đều được quan tâm; đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, thường xuyên cải tạo, nâng cấp, xây dựng thêm các phòng khám từ bệnh viện huyện đến các trạm xá xã, thị trấn phục vụ kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Nhìn chung các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, công tác xoá đói giảm nghèo đều có những bước tiến đáng kể góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định đời sống nhân dân.
4.1.2.4. Thực trạng kinh tế nông thôn của huyện
* Về cơ cấu kinh tế: Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và Đại hội Đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hiệp Hòa khẳng định về cơ cấu kinh tế "Nông lâm thuỷ sản - Công nghiệp, xây dựng cơ bản - Dịch vụ thương mại” là 5:3:2 cho thấy: Cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản là chủ yếu, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2011 đạt 505,3 tỷ đồng bằng 103,5% so với kế hoạch.
Hệ thống chợ nông thôn được quan tâm cải tạo nâng cấp và xây dựng mới.
Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 55 chợ điều đó cho thấy nhu cầu trao
đổi sản phẩm sản xuất tăng, cơ sở giao lưu buôn bán mở rộng, sản xuất hàng hoá phát triển..
Sự phát triển của thương mại dịch vụ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện, nó còn là điểm sáng có tính chất thúc đẩy quá trình CNH - HĐH nông thôn.
Nhìn chung, nhịp độ phát triển kinh tế của huyện Hiệp Hòa ngày càng tăng rõ rệt, vượt chỉ tiêu đề ra cả về mặt khối lượng, giá trị, nhịp độ phát triển. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy nhanh hơn, kinh tế hàng hoá từ phần lớn là tự cung tự cấp đến nay nền sản xuất hàng hoá đã dần được hình thành và từng bước phát triển, tốc độ phát triển trong sản xuất tăng khá (bình quân tăng 6- 7%/năm), ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tốc độ tăng chậm, một số mặt hàng tiểu thủ công nghiệp giảm, chưa có mặt hàng mới, nghề mới, mô hình cụm công nghiệp nhỏ chậm hình thành.
- Về cơ sở dịch vụ nông nghiệp gồm nhiều cơ sở như: Trạm khuyến nông và các trại giống cây trồng, giống gia súc... ; các cửa hàng vật tư, bảo vệ thực vật, thuốc thú y... có khả năng cung cấp tương đối đủ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng trong vùng.
Tóm lại theo tôi, một số nhận định tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai đối với việc phát triển các mô hình vườn đồi của hộ nông dân huyện Hiệp Hòa như sau:
* Thuận lợi
Hiệp Hòa có vị trí tương đối thuận lợi, phía Bắc giáp huyện Phú Bình (Thái Nguyên), phía Đông giáp huyện Tân Yên và Việt Yên (Bắc Giang), phía Nam giáp huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), phía Tây giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) phía nam giáp với khu công nghiệp Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh, giao thông đường thuỷ sông Cầu bao quanh khu vực phía Tây và phía Nam, tạo cho huyện thông thương với các trung tâm kinh tế lớn ở đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tiềm năng đất nông lâm nghiệp còn lớn, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, huyện vẫn còn một phần quỹ đất chưa sử dụng có thể khai thác đưa vào trồng cây lâu năm, cây hoa mầu. Nếu được đầu tư khai thác sử dụng có hiệu quả thì đây sẽ là một lợi thế trong phát triển các mô hình sản xuất (tổng hợp, dịch vụ giống cây con, nông nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản, nông lâm kết hợp) trong phát triển kinh tế xã hội của huyện. Hơn nữa Hiệp Hòa có
một điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, cần kết hợp tốt với điều kiện đất đai của từng vùng để mở rộng sản xuất nền nông nghiệp sinh thái đa dạng với những sản phẩm có chất lượng cao và xuất khẩu. Đặc biệt với điều kiện tự nhiện, giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên nhiều rất tốt cho sự phát triển công nghiệp của huyện, nhất là thu hút đầu tư các doanh nghiệp và đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn huyện.
- Nền kinh tế huyện có xu hướng chuyển dịch tốt, tốc độ tăng trưởng khá với nguồn lao động dồi dào, trẻ, trình độ ngày một nâng lên, đây sẽ là nguồn lực để khai thác tiềm năng đất nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
* Khó khăn
- Hiệp Hòa là một huyện trung du miền núi có địa hình phức tạp, một số cơ sở kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xuống cấp như đường liên thôn, liên xóm, mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa có kinh phí hoàn thiện, tu bổ nên có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng và lưu thông hàng hoá.
- Trong những năm qua, mặc dù đã có những vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh đó Hiệp Hòa vẫn còn không ít những khó khăn như thu nhập bình quân đầu người thấp so với nhu cầu thực tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tập quán sản xuất còn lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm, đất đai kém mầu mỡ do khai thác sử dụng, khả năng tiếp cận thông tin thị trường còn hạn chế... Qua việc tìm hiểu sơ bộ tình hình nông hộ ở Hiệp Hòa tôi thấy có 3 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế của nông hộ là: Thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu cơ cấu giống thích hợp, chưa có công thức canh tác hợp lý để cho hiệu quả kinh tế cao.