Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Chăn nuôi lợn và quản lý môi trường trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang
4.2.1. Tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện
Theo báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện có 110 trang trại, và hàng nghìn hộ chăn nuôi có quy mô lớn nhỏ khác nhau với tổng số đầu lợn khoảng 263.648 con.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi tại huyện Hiệp Hòa đang phát triển mạnh. Theo báo cáo kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện có 110 trang trại ở 18 xã, tập trung nhiều ở các xã, Lương Phong, Ngọc Sơn, Châu Minh, Đoan Bái, Thái Sơn, Hùng Sơn,… trong đó có 65 trang trại chăn nuôi lợn và 440 gia trại và nhiều các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bảng 4.1. Số lượng lợn và trang trại chăn nuôi trong khu vực nghiên cứu
STT Tên xã Số lợn nuôi
(con) Số trang trại
1 Lương Phong 14.900 36
2 Ngọc Sơn 8.870 5
3 Bắc Lý 3.877
4 Đoan Bái 12.079 12
5 Đông Lỗ 4.832 8
6 Châu Minh 4.328
7 Xuân Cẩm 3.174
8 Đại Thành 2.100 8
9 Danh Thắng 2.684 9
10 Hoàng Lương 2.109
11 Đồng Tân 2.198
12 Đức Thắng 5.802 8
13 Hòa Sơn 2.221
14 Hương Lâm 3.832
15 Hợp Thịnh 3.885 7
16 Mai Trung 1.617 4
17 Hùng Sơn 6.277
18 Thái Sơn 1.945 5
19 Thanh Vân 2.822
20 Thường Thắng 1.532 5
21 Hoàng Thanh 3.904
22 Thị trấn Thắng 157
23 Hoàng Vân 2.996
24 Quang Minh 2.181
25 Mai Đình 2.090
26 Hoàng An 2.783
Tổng 263.648
Nguồn: Phòng TNMT huyện (2016) Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2014 đạt 27.000 tấn, bằng 108% so với kế hoạch, đạt trên 113% so với chỉ tiêu tỉnh giao và tăng 8 % so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng đàn lợn ước 145.000 con đạt 100% so với kế hoạch, đạt trên 107% so với chỉ tiêu tỉnh giao, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Số hộ chăn nuôi tuy
giảm nhiều song quy mô chăn nuôi của các hộ theo hướng gia trại và trang trại ngày càng nhiều. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Các hộ đều áp dụng công nghệ sinh học giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với tổng đàn gia cầm ước thực hiện 1.700.000 con, đạt 100% so kế hoạch, đạt trên 106% so với chỉ tiêu tỉnh giao, tăng gần 7% so với cùng kỳ; số hộ chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại có hướng phát triển. Toàn huyện có trên 200 hộ chăn nuôi với quy mô 1000 con gia cầm trở lên, có 60 hộ thường xuyên nuôi từ 3000- 5000 gà đẻ trứng, cung cấp cho 27 lò ấp tại địa phương, hàng năm cho ra lò trên 1,5 triệu gà giống đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương và các huyện lân cận.
Đàn trâu ước đạt 4.260 con, đạt gần 95% so với kế hoạch, đạt trên 99% chỉ tiêu tỉnh giao, bằng gần 94% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò, ngựa là 37.200 con, đạt 102% so với kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Quy mô chăn nuôi của các hộ tăng, toàn huyện có 120 hộ nuôi bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa, bình quân từ 4-6 con/hộ. Chất lượng đàn bò được cải thiện, toàn huyện có khoảng 170 con bò đực giống đạt tiêu chuẩn lai sin F2.
Năm 2015, huyện Hiệp Hòa phấn đấu tổng đàn lợn đạt 145.000 con, gia cầm 1.800.000 con, trâu 4.170 con, đàn bò, ngựa đạt 37.400 con. Thịt hơi các loại đạt 27.000 tấn.
Đa số các trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ, hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư. Trên địa bàn huyện có bốn hình thức chăn nuôi chủ yếu:
- Chăn nuôi hộ gia đình: Khoảng 80% số hộ nông nghiệp tham gia chăn nuôi. Chăn nuôi hộ gia đình trong những năm qua đã có những bước tiến đáng kể, cả về năng suất và quy mô, các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đã được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân như: Giống lợn siêu nạc, giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng, sử dụng thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi,… Tuy nhiên, còn có những hạn chế về vốn, trình độ kỹ thuật chăn nuôi tại một số hộ còn thấp, thiếu hiểu biết về công tác nhân giống, phòng chống dịch bệnh, thị trường và ô nhiễm môi trường. Đây là trở ngại cho các hộ chăn nuôi, nhất là đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
- Chăn nuôi trang trại: Là phương thức chăn nuôi đang được phát triển, chiếm khoảng 5% tổng đàn. Phương thức này có quy mô thường xuyên trên 20 lợn nái hoặc trên 100 lợn thịt/trang trại. Hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ từ con giống, chuồng trại, thức ăn, thú y;
trang thiết bị của các trang trại được quan tâm đầu tư, vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi cũng được quan tâm. Quy mô sản xuất và thu nhập của các trang trại lớn hơn chăn nuôi quy mô nhỏ và trung bình của nông hộ. Tuy nhiên, sự phát triển của một số trang trại chưa ổn định, cơ sở vật chất kỹ thuật của một số trang trại còn thiếu và không đồng bộ, một số trang trại nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
- Chăn nuôi tập trung: Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng năm 2030, tính đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 03 khu chăn nuôi tập trung ngoài dân cư với diện tích 39,3 ha thì huyện Hiệp Hòa có 02 khu vực, với diện tích 29,5 ha; trong đó khu vực thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh 17,5 ha và khu vực thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn 12 ha. Chăn nuôi tập trung phát huy được lợi thế tiềm năng tự nhiên từng vùng, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa có tính chuyên nghiệp bền vững.
- Chăn nuôi gia công: Các doanh nghiệp, hộ gia đình hợp tác chăn nuôi gia công cho các Công ty chăn nuôi theo hợp đồng. Theo hình thức này các công ty cung ứng con giống, thức ăn, kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, thu mua lại sản phẩm.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình và tổ chức chăn nuôi được trả công theo sản phẩm giao nộp. Chăn nuôi theo phương thức này có ưu điểm là số lượng sản phẩm lớn ổn định theo chu kỳ tuần hoàn khép kín, chất lượng sản phẩm khá đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng phát triển kéo theo một lượng chất thải lớn, không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất. Ô nhiễm môi trường còn làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Chăn nuôi phát triển nếu không đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải sẽ làm môi trường sống của con người xuống cấp nhanh chóng. Môi trường bị ô nhiễm lại tác động trực tiếp vào sức khoẻ vật nuôi, phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh, giảm năng suất không thể phát triển bền vững.