Tiềm năng phát triển du lịch đêm tại thành phố Phan Thiết

Một phần của tài liệu Du lịch đêm tại thành phố phan thiết thực trạng và một số giải pháp (Trang 34 - 43)

CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÊM TẠI THÀNH PHỐ PHAN THIẾT TỈNH BÌNH THUẬN

2.2. Thực trạng du lịch đêm tại thành phố Phan Thiết

2.2.1. Tiềm năng phát triển du lịch đêm tại thành phố Phan Thiết

Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

(i) Tài nguyên du lịch tự nhiên Hệ thống sông ngòi

Trên địa bàn thành phố Phan Thiết có nhiều kênh ngòi nhỏ nhưng sông lớn không nhiều, lớn nhất có thể kể đến sông Cà Ty và sông Phú Hài. Sông Cà Ty bắt nguồn từ dãy núi Ông có độ cao hơn 1.300m, với độ dài khoảng 65km chảy về theo hướng Bắc – Nam sau đó xuôi theo dòng chuyển hướng sang Tây Bắc – Đông Nam đổ ra tại cửa Thương Chánh (Vịnh Phan Thiết). Sông Phú Hài (hay gọi là sông Cái Phan Thiết, sông Quao) có độ dài khoảng 92km bắt nguồn từ vùng núi cao hướng Tây trên cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) sau đó chảy qua các huyện Hàm Thuận Bắc, thị trấn Ma Lâm và cuối cùng đổ ra vịnh Phan Thiết ở thành phố Phan Thiết tại cửa biển Phú Hài.

Hệ thống sông tại thành phố Phan Thiết có lợi ích rất lớn việc tưới tiêu, trữ nước cho mùa hạn hán, đồng thời là nơi cho tàu thuyền đánh bắt cá neo đậu hoặc tránh bão.

Ngoài ra, các con sông còn là nơi che chở cuộc sống cho nhiều con người. Ẩn sâu trong đó mang những nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương với các hoạt động như thả hoa đăng, lễ hội Nghinh Ông, đua thuyền….

Khí hậu – Thủy văn

Chịu sự tác động của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thành phố Phan Thiết nổi tiếng với khí hậu nhiều gió, nhiều nắng, ít mưa, không có mùa đông có nền nhiệt độ trung bình từ 26 độ đến 27 độ C. Trung bình các tháng đầu năm và cuối năm sẽ có nhiệt độ mát hơn so với các tháng còn lại, các tháng hè (4,5,6) thường được xem là tháng có khí hậu oi bức nhất trong năm với nhiệt độ ghi nhận có thể hơn 37 độ.

Phan Thiết có số giờ nắng mỗi năm từ 2500-3000 giờ, lưu lượng mưa hằng năm dao động từ 890mm đến trên 1355mm. Thực tế thời tiết phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 nhưng đa số mùa mưa những năm gần đây chỉ tập trung vào 3 tháng 8,9,10. Chính vì thế, mùa khô tại thành phố Phan Thiết đa số kéo dài hơn dự kiến.

Nhìn chung khí hậu tại thành phố Phan Thiết cực kỳ phù hợp cho hoạt động du lịch biển do khí hậu không có yếu tố bất thường, mưa thuận gió hòa. Những giai đoạn khí hậu “không thuận lợi” cũng không nằm trong mùa vụ cao điểm của du lịch do đó không cản trở quá nhiều. Tuy nhiên, nên có các phương án dự phòng dự trù thời tiết vào các tháng mưa nếu có tổ chức các hoạt động ngoài trời (như Gala Dinner, Teambuilding…).

Địa hình

Với địa hình bằng phẳng, có cồn cát, bãi cát ven biển, đồi cát thấp, đồng bằng hẹp ven sông. Có thể kể đến ba dạng chính:

+ Vùng đồng bằng ven sông Cà Ty

+ Vùng cồn cát, bãi cát ven biển. Có địa hình tương đối cao

+ Vùng đất mặn: ở Thanh Hải, Phủ Thủy, Phú Trinh và Phong Nẫm (ii) Tài nguyên du lịch nhân văn

Văn hóa

Tỉnh Bình Thuận nói chung và thành phố Phan Thiết nói riêng có nền văn hóa phong phú, lâu đời với sự tham gia của nhiều dân tộc. Với hơn 30 dân tộc cùng chung sống hòa thuận trên toàn tỉnh, trong đó có 6 dân tộc lớn nhất là Việt (Kinh), Chăm, Hoa, Ra Glai, Cơ Ho và Tày.

Địa phương này còn bảo tồn sự phong phú về kiến trúc của người Chăm như những tòa tháp Chăm cao vừa đẹp vừa bền vững mang một vẻ kiêu hãnh. Nghệ thuật Chăm như tượng các vị thần, các vị vua, các vũ nữ... đã thể hiện sự tinh thông về nghệ thuật chạm khắc và kỹ thuật chạm khắc, đường nét khỏe khoắn, lãng mạn và sáng tạo.

Trang phục, nhạc cụ, điệu múa và ca từ nền văn hóa Sa Huỳnh và Chăm cổ được người dân bản địa rất trân trọng, những truyền thống văn hóa này vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Những công trình kiến trúc cổ kính như các đền, tháp, đình, chùa, hoặc các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống. Tất cả đã góp phần tạo nên cho vùng đất Phan Thiết một nét văn hóa đặc sắc riêng. đặc trưng.

Lễ hội

Tính chung cả tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có hơn 170 lễ hội (trong đó có hơn 140 lễ hội dân gian truyền thống). Trong số đó, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép Sở VH,TT&DL chọn một số lễ hội tiêu biểu được tổ chức quy mô lớn thu hút khách trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và thành phố như:

- Lễ hội Nghinh Ông: Có nguồn gốc từ một số bộ phận người Hoa sinh sống ở tại thành phố Phan Thiết, được cho là một lễ hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Lễ hội này có từ lâu đời và vẫn giữ được nguyên bản truyền thống, nhưn không chỉ riêng của người Hoa tại Phan Thiết mà còn có sự hưởng ứng của nhiều bộ phận người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây được xem là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia khi xét về quy mô và giá trị lịch sử văn hóa của nó. Lễ hội sẽ được tổ chức vào rằm tháng 7 Âm lịch, định kỳ 2 năm/1 lần

- Lễ hội cầu ngư của ngư dân Phan Thiết: Đây được cho là một phản ánh rõ ràng nhất của tín ngưỡng ngư nghiệp, thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được bội thu. Ngoài ra, còn thể hiện lòng biết ơn đến “biển”, trong đó có cá Ông (cá voi) và các vị hải thần theo tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân. Là chỗ dựa cho họ có niềm tin và an tâm khi liều mình đánh bắt trên biển.

- Lễ hội Kỳ Yên: Một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức hằng năm tại các làng, xóm vùng dân tộc Chăm Bà Ni. Lễ hội diễn ra vào đầu tháng giêng Chăm lịch, kéo dài khoảng 3 ngày đêm để tống tiễn những điều xấu, không may của năm cũ. Qua quá trình sinh sống lâu đời tại đây, lễ hội cũng đã có sự tiếp biến văn hoá của Người Việt.

- Lễ hội trung thu Phan Thiết: Được mệnh danh là một trong những lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam, được tổ chức trong hai đêm 14 và 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Lễ hội được tổ chức lung linh, rực rỡ hoành tráng với đủ loại đèn lồng từ lớn đến nhỏ, đa dạng về chủ đề và hình dáng. Mỗi chiếc đèn lồng là kết tinh trí tuệ, thể hiện được bản sắc văn hóa của xứ biển Phan Thiết.

Làng nghề truyền thống

Các làng nghề truyền thống của thành phố tương đối đa dạng, nổi bật là các làng nghề nước mắm, làng nghề chạm gỗ, đan mây tre , gốm và thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra thành phố cũng đang phối hợp cùng UBND tỉnh để khôi phục dự án làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch: làng nghề bánh tráng Phú Long.

Ẩm thực

Ẩm thực luôn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi của điểm đến, do vậy các địa phương có thế mạnh về du lịch luôn tìm cách để tận dụng ẩm thực như một cách tạo sức hút đối với du khách. Riêng ẩm thực địa phương, đã từ lâu du khách biết đến Phan Thiết gắn liền với những sản vật từ vủng biển nơi đây, nhất là hải sản tươi sống. Ẩm thực tại Phan Thiết có hình thức đôi chút dân dã nhưng lại khiến nhiều người phải tranh thủ để thưởng thức cho “bõ công thèm” như: Bánh canh chả cá, bánh căn nước mắm cá, bánh xèo hải sản, lẩu thả, gỏi cá suốt (cá mai).

Vinh dự hơn nữa, theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, đã có 4 đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là các đặc sản nổi tiếng của cả nước. Đặc biệt có 2 trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất là nước mắm Phan Thiết và mực một nắng. Gần đây, Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận lẩu thả (được cho là xuất phát từ Phan Thiết, tình Bình Thuận) là một trong 10 món ăn đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á năm 2018.

Tiềm năng về an ninh chính trị, an toàn xã hội

Đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội có những ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với vai trò của du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Có những nước họ cho rằng công nghiệp là ưu tiên hàng đầu, có các nước lại cho rằng nông nghiệp đáng lưu tâm hơn, nhưng cũng có các nước họ ưu tiên du lịch hơn cả.

Trong các năm gần đây, trên cơ sở thuận lợi về cả kinh tế lẫn chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với vai trò của các cơ sở ban/ngành có liên quan phát triển cùng ngành du lịch được đề cao, ngành Du lịch của thành phố Phan

Thiết cùng tỉnh Bình Thuận đã có được sự chủ động, cùng tính sáng tạo trong việc đề xuất thực hiện các giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn của cả tỉnh. Qua đó, đã gặt hái được nhiều sự thành công nhất định.

Ổn định và an toàn xã hội là yếu tố có sự then chốt trong du lịch. Khi có bất kỳ sự đứt gãy nào trong bộ máy chính trị, hoặc sự bất ổn về an ninh xã hội tại một thành phố nào đó thì sẽ khó có thể thuyết phục du khách đến tham quan nơi ấy. Mặc dù tại thành phố Phan Thiết, vấn đề ổn định và an toàn xã hội luôn được đề cao hơn cả nhưng vẫn có các điều bất lợi gây nhiều cản trớ trong du lịch như (xung đột giữa dân bản địa và du khách, sự trật tự tại các điểm du lịch...)

Tiềm năng về cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch.

(i) Cơ sở hạ tầng

Được cho là “Trung tâm du lịch” của tỉnh Bình Thuận đang đà đi lên, Phan Thiết đang cố gắng sớm trở thành đô thị loại I, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa và du lịch. Thật đáng mừng rằng, trong những năm trở lại đây hệ thống giao thông kết nối giữa Phan Thiết và các tỉnh thành khác đang ngày càng được chú trọng phát triển nên đã thu hút được hơn 50% lượng khách so với các năm trước.

Sau khi chính thức thông xe vào tháng 4/2023, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đóng vai trò như một tuyến đường huyết mạch nối giữa TPHCM và thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, rút ngắn thời gian di chuyển từ 4 giờ đồng hồ xuống chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ, đưa địa phương này trở thành một “thành phố du lịch” liền kề TPHCM.

Theo cục Thống kê của tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã đón gần 6 triệu khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng gần 76% so với năm trước vói tổng doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng). Bên cạnh tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, thành phố Phan Thiết còn được tiếp lửa bởi sân bay Quốc tế Long Thành đang trong quá trình triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Cùng với đó, dự án sân bay Phan Thiết

cũng đang dần rục rịch khởi công trở lại (dự kiến hoàn thành năm 2025, với mục tiêu 2 triệu lượt khách/năm).

Tận dụng các thế mạnh về cơ sở hạ tầng và điều kiện về tự nhiên, Bình Thuận đang dần nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng tại các tuyến đường ven khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, kết hợp đầu tư xây dựng phát triển tuyến đường ven biển Phan Thiết – Kê Gà để phát huy hết tiềm năng.

(ii) Cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ du lịch Hệ thống cơ sở lưu trú

Bén duyên từ hiện tượng nhật thực toàn phần năm 1995, thành phố Phan Thiết đã được các nhà đầu tư phát hiện ra tiềm năng cực lớn về du lịch và hướng tới khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Liên tiếp sau đó, hàng loạt khu nghỉ dưỡng với các tiêu chuẩn, quy mô hoành tráng đã mọc lên tại khu vực phường Mũi Né (Tp.Phan Thiết) tạo nên cái tên “Thủ phủ resort” như ngày hôm nay.

Theo Cục thống kê tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 594 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 17.587 phòng. Trong đó có 57 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng với 4.581 phòng gồm: 3 cơ sở 5 sao với 357 phòng, 4 sao có 22 cơ sở với 2.678 phòng, 3 sao có 12 cơ sở với 913 phòng, 2 sao có 12 cơ sở với 450 phòng, 1 sao có 8 cơ sở với 183 phòng. Loại hình khách sạn 208 cơ sở với 8.317 phòng, nhà nghỉ 224 cơ sở với 3.226 phòng, nhà ở có phòng cho thuê 99 cơ sở với 1.272 phòng. Ngoài ra còn có 557 căn hộ và 315 biệt thự du lịch (Số liệu năm 2022).

Trong những năm gần đây, Phan Thiết cũng đang dần thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị quốc tế như: Absolute Hotel Services, Accor, Azerai, Minor Hotel, Radissson Hotel Group….. Sự hiện diện của các đơn vị này được kỳ vọng sẽ tăng thêm nhiều sự cạnh trạnh cho thị trường khách sạn thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng cũng như tăng tính nhận diện đối với du khách quốc tế.

Hệ thống các điểm mua sắm

Sự chi tiêu của du khách trong mua sắm được xem là một trong những nguồn đóng góp quan trọng vào doanh thu du lịch của các điểm đến. Đối với ngành du lịch, chi tiêu của du khách cực kỳ được xem trọng vì đây có thể là động lực chính cho chuyến đi của họ. Do đó, việc đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm nhằm thúc đẩy du khách chi tiêu sẽ mang nhiều lợi ích cho sự tăng trưởng trong doanh thu của điểm đến.

Tại thành phố Phan Thiết, theo số liệu thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận (2022) có 1 trung tâm thương mại (Lotte Mart Việt Nam), 1 siêu thị lớn (Co.op Mart Phan Thiết) và hơn 40 cửa hàng tiện lợi (Coop Food, Winmart+, Bách hóa xanh…).

Ngoài ra thành phố Phan Thiết cũng có các khu chợ phục vụ cho nhu cầu mua sắm đặc sản như

- Chợ Phan Thiết: Khu chợ tấp nập và lớn nhất tại thành phố Phan Thiết. Có tên gọi khác là chợ Lớn (vì nằm tại khu vực có nhiều người Hoa sinh sống nên họ gọi tên theo chợ Bình Tây Tp.HCM). Khu chợ này tập trung lượng lớn hải sản tại thành phố biển như tôm, cua, ốc, bạch tuộc. Đặc biệt hơn, còn có các loại khô và hàng đông lạnh cũng như nước mắm Phan Thiết nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng mua sắm.

- Làng chài Mũi Né: Dọc ven đường Nguyễn Đình Chiểu, làng chài Mũi Né được coi là chợ đầu mối cung cấp phần lớn hải sản cho các chợ địa phương.

Làng chài khoảng 1km nằm trải dài bên bờ biển, thường sẽ tấp nập vào buổi sáng do đây là lúc các tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập bến sau khi kéo lưới về.

Các loại hải sản tại đây được đánh giá rất tươi và mức giá rẻ hơn so với các khu chợ địa phượng khác.

- Chợ Hàm Tiến: Nằm tại trung tâm khu du lịch Mũi Né nên rất được du khách lựa chọn. Tuy nhiên, so với 2 khu chợ còn lại thì chợ Hàm Tiến có diện tích khá khiêm tốn và mặt hàng. Theo nhiều đánh giá của khách du lịch, chợ Hàm

Tiến có tính “truyền thống” hơn. Vì vậy, chợ Hàm Tiến chỉ có thể phù hợp với nhu cầu mua sắm đặc sản địa phương thay vì hàng hải sản tươi sống.

Hệ thống các điểm tham quan – vui chơi giải trí

Tại thành phố biển Phan Thiết, có thể thấy rõ sự khai thác triệt để trong loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển, đảo. Có thể thấy các khu du lịch ven biển như: Bikini Beach, công viên bãi biển Đồi Dương, bãi đá Ông Địa, khu du lịch Mũi Né, bãi biển Hòn Rơm.... được du khách rất ưa thích và lựa chọn để tham quan nghỉ dưỡng. Đồng thời hệ thống các đồi cát (Đồi cát Hồng, Bàu Trắng) rất được du khách quan tâm và thường cho rằng là “tâm điểm” của một chương trình du lịch tại Phan Thiết.

Bên cạnh đó, có rất nhiều công trình kiến trúc cổ mang tính lịch sử như: Trường Dục Thanh, Tháp Chàm Poshanư, Tháp nước Phan Thiết, Lầu ông Hoàng..., hệ thống các bảo tàng như (Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Bình Thuận, bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, Dinh Vạn Thủy Tú, Lâu đài Rượu Vang...).

Đi cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống người dân ngày càng được cải thiện, các hoạt động giải trí ngày càng được yêu cầu đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi của du khách tham quan. Có thể thấy các hoạt động vui chơi giải trí của thành phố không ngừng được cải tiến, cố gắng hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới như: Flyboard (Bay nhảy trên mặt nước), Dù bay canô, Jetski (Môtô nước) ....

Ngoài ra, hệ thống các quán karaoke, bar hay pub cũng đang dần cải tiến về mô hình phục vụ, cải cách về âm thanh ánh sáng, luôn tạo cho mình một phong cách và không khí riêng.

Song song đó, xu thế du lịch kết hợp thể thao cũng đang dần phát triển, với sự nổi lên trong giai đoạn gần đây như du lịch golf (tại khu vực Sealinks), quần vợt, bowling và các câu lạc bộ về sức khỏe.

Một phần của tài liệu Du lịch đêm tại thành phố phan thiết thực trạng và một số giải pháp (Trang 34 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)