Dựa trên các giả thuyết đưa ra từ các công trình nghiên cứu đã nghiên cứu trước đây mà tác giả đã tham khảo và các kết quả mà họ nhận được về mối tương quan giữa tỷ lệ nợ xấu và các yếu tố kinh tế vĩ mô và các yếu tố xuất phát từ phía hoạt động ngân hàng, trong giới hạn về nguồn dữ liệu thu thập được, tác giả lựa chọn các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng mà tác giả có khả năng xác định và tính toán để xây dựng và đo lường biến độc lập và biến phụ thuộc, để từ đó hình thành mô hình nghiên cứu với các giả thuyết như sau:
Giả thuyết H1 : Có mối quan hệ ngược chiều giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ nợ xấu. Giả thuyết trên được dựa trên việc tham khảo kết quả của nghiên cứu Clair (1992); Lis et al (2001); Abhiman Das và Saibal Ghosh (2007).
Giả thuyết H2 : Có mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô ngân hàng và tỷ lệ nợ xấu. Giả thuyết trên được dựa trên việc tham khảo kết quả của nghiên cứu Hu et al. (2004).
Giả thuyết H3 : Có mối quan hệ ngược chiều giữa tăng trưởng GDP và tỷ lệ nợ xấu. Giả thuyết trên được dựa trên việc tham khảo kết quả của nghiên cứu Lis et al (2001); Bofondi & Ropele (2011); Louzis et al (2012)
Giả thuyết H4 : Có mối quan hệ cùng chiều giữa lạm phát và tỷ lệ nợ xấu. Giả thuyết trên được dựa trên việc tham khảo kết quả của nghiên cứu Bofondi và Ropele (2011); Louzis et al (2012); Ahlem Selma, Messai & Fathi Jouini (2013).
Giả thuyết H5 : Có mối quan hệ cùng chiều giữa thất nghiệp và tỷ lệ nợ xấu. Giả thuyết trên được dựa trên việc tham khảo kết quả của nghiên cứu Bofondi & Ropele (2011); Louzis et al (2012); Ahlem Selma, Messai & Fathi Jouini (2013).