CHƯƠNG I TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ LŨ LỚN
1.3. Nghiên cứu quản lý lũ lớn ở Việt Nam
1. Lũ lớn và ngập lụt ở Việt Nam: Trong mấy chục năm gần đây, Việt Nam đã hứng chịu nhiều thiên tai lũ, đặc biệt suốt dải ven biển miền Trung đã xảy ra những trận lũ lớn với tần suất 1 ÷ 2% như: trận lũ năm 1978 trên hệ thống sông Lam; lũ năm 1986 trên sông Trà Khúc; lũ năm 1987 trên sông Vệ, sông An Lão; lũ năm 1992 trên sông Kiến Giang, sông Bến Hải; lũ năm 1993 trên sông Ba, sông Srepok, sông Gianh; lũ năm 1996 trên sông Luỹ, lũ năm 1999 trên sông Hương ; lũ năm 1998 trên sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Eakrong; lũ năm 2002 trên sông La, lũ năm 2009 trên sông Sêsan. Đặc biệt các trận lũ lớn xảy ra trên diện rộng như năm 1999 từ các sông của Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, hay lũ lớn năm 2010 xảy ra từ các sông Nghệ An đến Quảng Tri và gần đây nhất là lũ tháng VI/2011- lũ lịch sử trên sông Nậm Mộ (sông Lam).
Lũ, lụt gây ra úng ngập trầm trọng nhiều ngày ở miền Trung như đồng bằng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, gây xói lở nghiêm trọng lòng sông như ở sông Thạnh Hãn, sông Hương, sông Thu Bồn, phá vỡ cửa sông, bờ biển như Thuận An, Tư Hiền, Đà Rằng,…
Ở đồng bằng sông Cửu Long đã xảy những trận lũ lớn vào các năm: 1961, 1966, 1978, 1984, 1991, 1994, 1996, 1999, 2000, 2001, trận lũ lớn xảy ra tháng 9,10/2011 được coi là lớn nhất trong nhiều năm qua và lớn hơn lũ lịch sử năm 2000.
Đặc điểm lũ thường kéo dài nhiều tháng, những năm lũ lớn kéo dài từ 3-4 tháng; lũ lên xuống với cường suất nhỏ, trung bình từ 3-4 cm/ngày, những trận lũ lớn cũng chỉ từ 10-12 cm/ngày, cao nhất đạt 30 cm/ngày; tốc độ truyền lũ chậm, thường là lũ một đỉnh và dạng lũ khá ổn định [16].
Trong gần 50 năm qua trên cả nước có 35 trận lũ gây thiệt hại rất lớn đã xảy ra. Một số trận lũ lớn điển hình ở miền Trung và lân cận lưu vực sông Lam trong những năm gần đây:
- Trận lũ lớn từ 14-16/08/1996 xảy ra trên toàn lưu vực sông Mã. Mực nước các sông đều vượt báo động II, tại Kim Tân trên sông Bưởi, mực nước vượt báo động III tới 189 cm, vượt lũ lịch sử năm 1980 gây vỡ đê sông Bưởi.
- Từ 1/11 đến 6/12/1999 lũ lớn xảy ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Lũ lớn trên diện rộng dài ngày gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và môi trường.
- Cơn bão số 2 đổ bộ vào Hà Tĩnh ngày 8/8/2007 gây ra mưa lớn, làm ngập lụt nặng nề từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Cùng năm 2007, trận lũ tháng X là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 45 năm qua ở các tỉnh Bắc miền Trung. Lũ lớn gây vỡ đê sông Bưởi ở Thanh Hóa, lũ quét ở Nậm Giải huyện Quế Phong Nghệ An …
2. Thiệt hại do lũ gây ra ở Việt Nam: Thiệt hại do lũ gây ra ngày một có xu thế tăng và nghiêm trọng do tần số và cường độ lũ tăng như trận lũ năm 1996: có 243 người chết, thiệt hại 60 triệu USD; lũ năm 1998: có 407 người chết, thiệt hại 164 triệu USD; và trận lũ năm 1999: có 792 người chết, thiệt hại 364 triệu USD. Chỉ tính riêng 5 năm (1996-2000) thiên tai bão, lũ trên toàn quốc đã làm chết 6.083 người, thiệt hại tài sản của cải là 2,3 tỷ USD; trung bình mỗi năm chết do bão lũ 1.217 người, thiệt hại 459 triệu USD [93]. Riêng trận lũ lớn từ 1/11 đến 6/12/1999 ở các tỉnh duyên hải miền Trung có 715 người chết, mất tích 34 người, 478 người bị thương; hàng vạn hộ gia đình bị mất nhà cửa, 5.914 phòng học bị đổ, trôi và hư hỏng; cầu cống bị sập, hỏng 958 chiếc; diện tích lúa bị mất trắng 32 nghìn ha; tàu thuyền chìm và bị mất 620 chiếc, tổng thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng. Trận lũ tháng 10/2007 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ làm chết 88 người, 8 người mất tích, tổng thiệt hại khoảng 3.215 tỷ đồng.
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trong 10 năm từ 1998 đến 2008, thiệt hại do thiên tai xảy ra ở Việt Nam xấp xỉ 80.000 tỷ đồng [65]. Đáng quan tâm là xu thế thiệt hại do thiên tai lũ gây ra ngày
càng tăng (xem hình 1-1) và xảy ra trên khắp các địa phương trong cả nước. Trong tổng số 4.863 người thiệt mạng do thiên tai trong 10 năm gần đây có tới 90% là do bão và lũ lụt (xem bảng 1-1).
0 5000 10000 15000 20000 25000 30000
1998 1999 2000 2001 2002 2003 2005 2006 2007 2008 Năm
Tỷ đồng
Hình 1-1: Diễn biến về thiệt hại do thiên tai gây ra ở Việt Nam (1998-2008).Nguồn: [65]
Bảng 1-1: Số người chết do thiên tai gây ra ở Việt Nam từ 1998 - 2008 Năm Tổng số người chết Người chết do bão, lũ lụt Số người chết do
thiên tai khác (%) Số người Tỷ lệ (%)
1998 485 407 84 78 (16%)
1999 825 792 96 33(4%)
2000 762 733 96 29(4%)
2001 604 579 96 25(4%)
2002 355 332 94 23(6%)
2003 180 173 96 7(4%)
2005 377 331 88 46(12%)
2006 339 295 87 44(13%)
2007 462 360 78 102(22%)
2008 474 391 82 83(18%)
Tổng 4.863 4.393 90 470 (10%)
Nguồn: [65]
1.3.2. Tình hình nghiên cứu lũ lớn
1. Nghiên cứu về dự báo lũ: Nghiên cứu lũ phục vụ phòng chống và quản lý lũ trước hết phải nghiên cứu về cảnh báo, dự báo lũ, trong đó các nghiên cứu cơ sở khoa học như nguyên nhân hình thành, diễn biến lũ trên lưu vực là rất quan trọng.
Hiện nay công tác tổ chức dự báo lũ ở Việt Nam được chia thành 3 cấp:
1)- Cấp Trung ương, dự báo lũ thuộc về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương với các nhiệm vụ [49] theo dõi mọi diễn biến của tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) trên cả nước; thực hiện dự báo KTTV và phát các loại bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin thời tiết, thủy văn; tổ chức và xây dựng mạng thông tin chuyên ngành KTTV và phát báo quốc tế; tổ chức triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN mới nhằm phát triển công tác dự báo KTTV.
2)- Cấp khu vực, dự báo lũ thuộc về các đài Khí tượng Thủy văn khu vực với nhiệm vụ thu thập và truyền thông tin số liệu từ khu vực về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Cụ thể hoá thông tin dự báo của Trung ương để dự báo cho khu vực. Chỉ đạo và đôn đốc các trạm phục vụ và đo đạc.
3)- Cấp tỉnh, có Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh với nhiệm vụ thu thập thông tin và truyền tin về đài khu vực trong tỉnh của mình, cụ thể hoá bản tin dự báo của Trung ương và đài khu vực để dự báo bổ sung trong phạm vi tỉnh phụ trách.
Đến nay các phương pháp, phương án dự báo lũ ở địa phương vẫn chủ yếu là các phương pháp truyền thống, chưa được hiện đại hóa, tuy nhiên với kinh nghiệm tốt nên các kết quả dự báo vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý lũ của địa phương. Các đơn vị ở Trung ương, các bộ ngành đã ứng dụng có hiệu quả các phương pháp hiện đại và mô hình toán phức tạp. Tuy vậy độ tin cậy chưa cao do thiếu thông tin tin cậy về địa hình, thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn đại biểu cho các lưu vực, đặc biệt thiếu các trạm KTTV tự ghi tự báo. Công nghệ dự báo định lượng lượng mưa chưa cho phép, dự báo, cảnh báo ngập lụt đô thị và vùng đồng bằng ven biển còn yếu.