CHƯƠNG II LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
2.3. Tổng quan về sinh vật chỉ thị động vật đáy không xương sống
2.3.5 Một số công trình nghiên cứu sử dụng động vật đáy để đánh giá chất lượng nước trên thế giới và Việt Nam
a. Trên thế giới
Các chỉ số sinh học trong đánh giá chất lượng môi trường đã được xây dựng ở các nước phát triển ở Châu Âu. Để áp dụng nó vào các nước đang phát triển như vùng Châu Á hay Đông Nam Á cần phải hiệu chỉnh cho phù hợp vì thành phần sinh vật không giống nhau. De zwart and Trivedi (1994) đã chuyển đổi điểm số BMWP để sử dụng ở Ấn Độ bằng cách loại ra một số họ không có ở Ấn Độ và thêm vào một số họ khác có ở Ấn Độ. Các tác giả này đã phân phối điểm số như sau:
Syrphidae (2 điểm), Blepharoceridae, Psephenidae, Noteridae, Belostomatidae, Hebridae và Veliidae (5 điểm), Nereidae, Nephthyidae, Palaemonidae, Atyidae, Thiaridae (6 điểm). Một vài điểm số đã được phân phối trong hệ thống gốc cũng được thay thế để phản ứng các mức độ khác nhau về sự chống chịu của các họ nhất định đã được tìm thấy tại các sông của Ấn Độ. Hai họ được xem là chống chịu tốt hơn so với điểm số gốc đã được giảm xuống đó là Dugesidae từ 5 xuống 4 và Agriidae từ 8 xuống 6 điểm, trong khi đó hai họ được coi là ít chống chịu và điểm số của nó được tăng lên, đó là Hydrobiidae (Bithyniidae) từ 3 lên 6 điểm và Platycnemididae từ 6 lên 8 điểm.
Mustow (1997) đã nghiên cứu quần xã ĐVKXS cỡ lớn ở 23 điểm thuộc hệ thống sông Mae Ping, Thái Lan. Ngoài việc chấp nhận một số thay đổi như đề xuất của De zwart and Trivedi, (1994), tác giả còn đưa ra một số thay đổi cho phù hợp với điều kiện ở Thái Lan. Theo Mustow (1997), có những họ chỉ có ở Thái Lan mà không có ở bảng số gốc của Anh, có những họ có cả ở Thái Lan và Anh, nhưng cần phải thay đổi lại điểm số của chúng cho phù hợp với điều kiện ở Thái Lan. Tác giả đã đề nghị 10 họ cần được điều chỉnh bổ sung vào hệ thống điểm BMWP đã được sửa đổi và gọi là điểm số BMWPThái Lan. Mustow (1997) cũng cho rằng BMWP đã cho điểm số cao đối với một số họ Chuồn chuồn (Odonata) là không phản ánh chính xác mối liên quan giữa tính chống chịu đối với sự ô nhiễm ở Thái Lan và tác giả đã hạ cấp những họ Chuồn chuồn tìm thấy trong hệ thống sông Mae Ping từ 8 xuống 6 điểm. Tác giả cũng cho rằng họ Thiaridae chống chịu với ô nhiễm tốt hơn, do vậy ông đề nghị cho họ này chỉ 3 điểm, hợp lý hơn là cho 6 điểm như đề xuất của De zwart and Trivedi (1994).
15
Trong thời gian gần đây, một số nhà khoa học đã áp dụng phần mềm chuyên dụng PRIMER V 5.2.9 (Clarke and Warwick, 1994) để xử lý và phân tích số liệu dựa trên ma trận tương đồng (Similarity Matrix), phân tích thành phần chính (Principal Component Analysis) (PCA), vẽ biểu đồ nhóm (Hierarchical Cluster analysis) dựa trên nhóm ĐVĐ để phân vùng sinh thái và phân cấp mức độ ô nhiễm tại khu vực nghiên cứu.
Afri-Mehennaoui et al., (2004) đã xác định mối quan hệ giữa kim loại nặng trong trầm tích, chất lượng nước và sự phân bố của quần xã động vật đáy ở sông Rhumel và nhánh chính của nó sông Boumerzoug khu vực thành thị (Constantine, Algeria). Kết quả PCA cho thấy có mối quan hệ giữa kim loại nặng bề mặt nền đáy với dự đoán nguồn gốc xuất hiện của nó. Bên cạch đó, kết quả PCA cũng đưa ra các chỉ số: chỉ số sinh học, sự phân bố của quần xã động vật đáy và DO không có mối liên hệ với nồng độ kim loại nặng trong trầm tích.
Smith et al., (2007) đã thiết lập khả năng chống chịu của động vật đáy ở mức độ loài với các mức độ TP và NO3-
ở New York từ năm 1993 đến 2002, tại 129 vị trí thu mẫu trên 116 dòng chảy khác nhau. Tác giả đã dựa trên mức tương đồng của các thông số môi trường và động vật đáy tại các vị trí khảo sát và phân nhóm khả năng chống chịu của động vật đáy thành 3 nhóm chính là: nghèo dinh dưỡng (Oligotrophic), dinh dưỡng trung bình (Mesotrophic) và phú dưỡng (Eutrophic).
b. Ở Việt Nam
Nguyễn Xuân Quýnh (2008) đã cho rằng các dẫn liệu về sinh lượng, sự khác biệt về tính đa dạng, mức độ phong phú về thành phần loài thủy sinh vật ở các thủy vực nước thải ở Hà Nội thì động vật đáy chỉ thị tốt cho các mức độ ô nhiễm các thủy vực trong mối tương quan nghịch. Ví dụ như mức độ ô nhiễm của thủy vực tăng thì các giá trị về COD, BOD5 tăng, hàm lượng DO giảm xuống, đồng thời về thành phần loài và số lượng động vật đáy cũng giảm theo.
Lê Hoàng Việt và ctv (2004) nghiên cứu sử dụng động vật đáy làm chỉ thị trong quan trắc môi trường. Các tác giả cho rằng sử dụng động vật đáy làm chỉ thị môi trường là phù hợp với trình độ và điều kiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống cho điểm các động vật đáy để đánh giá môi trường thì mức độ ô nhiễm cao hơn 1 hoặc 2 bậc so với các chỉ tiêu lý hóa.
Bùi Thị Nga (1998) trong nghiên cứu ở Lâm Ngư Trường Thạnh Phú (Bến Tre) cho rằng Giun ít tơ (Oligochaeta) là thành phần loài chính trong các thành phần loài động vật đáy ở ao nuôi tôm, nhóm sinh vật nhuyễn thể (Mollusca) gia tăng từ mùa nắng đến mùa mưa và nhóm giáp xác (Crustacea) xuất hiện với mật số cao nhất trong tháng 8.
16
Dương Trí Dũng và ctv (2000) đã nghiên cứu thành phần loài động vật đáy ven biển thị xã Bạc Liêu cho thấy rằng nơi đây thành phần loài kém phong phú do cấu trúc nền đáy là cát bùn và tương đối đồng nhất, chỉ có 24 loài động vật đáy được phát hiện thuộc 3 nhóm là ngành Mollusca có 14 loài, ngành Arthrophoda có 7 loài và ngành Annelida có 3 loài.
Trần Sỹ Nam (2004) đã khảo sát thành phần loài động vật đáy ở khu vực nuôi cá lóc vèo huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Mối quan hệ giữa động vật đáy với các yếu tố môi trường nước và tính chất nền đáy của thủy vực đã được nghiên cứu.
Kết quả cũng cho thấy, tương quan giữa các thành phần này chưa chặt do số lượng mẫu không nhiều. Tác giả cũng cho rằng, khi đánh giá chất lượng nước dựa trên động vật đáy thì mức độ ô nhiễm cũng cao hơn khi đánh giá chất lượng nước dựa vào các yếu tố thủy lý hóa.
Nguyễn Công Thuận (2004) nghiên cứu về động vật đáy ở vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đã phát hiện được 18 loài trong đó nhóm động vật 2 mảnh vỏ (Bivalvia) và côn trùng (Insecta) có số lượng lớn nhất và luôn chiếm ưu thế. Tác giả cũng đã sử dụng động vật đáy để đánh giá chất lượng nước thì thấy mức độ ô nhiễm cao hơn khi sử dụng thông số lý hóa học để đánh giá.
Có 21 loài động vật đáy và 1 dạng ấu trùng tôm được phát hiện trên kinh Cái Mây – An Giang, trong đó nhóm 2 mảnh vỏ Bivalvia có thành phần loài phong phú nhất với các loài thuộc giống Corbicula (hến) chiếm ưu thế. Tác giả cũng đã phân được vùng thủy vực thích hợp cho việc lưu trữ, bảo vệ các loài thủy sản. (Dương Trí Dũng và ctv 2008)
Theo nghiên cứu của Dương Trí Dũng và ctv (2010) về “Phân bố động vật đáy ở rạch Tầm Bót, tỉnh An Giang” đã phát hiện được 12 loài động vật đáy. Trong đó, nhóm Bivalvia có số lượng và khối lượng chiếm tỉ lệ cao. Khi dựa vào động vật đáy để đánh giá thì mức độ ô nhiễm ở đây từ trung bình đến ô nhiễm rất nặng.
Dương Trí Dũng và ctv (2002 – 2003) cũng đã nghiên cứu về môi trường nước, động vật đáy ở Khu bảo tồn cá An Bình, thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chi tiết về mối quan hệ giữa các thành phần này, đặc biệt chưa có nghiên cứu về nền đáy của thủy vực.
Đào Minh Minh, (2012) về Sự phân bố của động vật đáy trên rạch Cái Khế, thành phố Cần Thơ đã phát hiện được 30 loài động vật đáy thuộc các lớp là Oligochaeta, Polygochaeta, Bivalvia, Gastropodae và Insecta. Trong đó, Limnodrilus hoffmeisteri là loài hiện diện trong suốt hai đợt khảo sát và trên toàn bộ các điểm khảo sát, đồng thời chỉ thị cho tính chất ô nhiễm hữu cơ của thủy vực.
17