CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
1.4. Trần Thùy Mai và tác phẩm Từ Dụ thái hậu
Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, tại Hội An, Quảng Nam; quê quán tại làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Cô được các bạn trẻ yêu thích văn chương biết đến khi đang học tại trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Trần Thùy Mai được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Sau đó vào năm 1987, cô quyết định chuyển sang làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thuận Hóa. Từ đây, Trần Thùy Mai đã chọn bước đi trên con đường sáng tác.
Tính tới thời điểm hiện tại, Trần Thùy Mai đã sánh duyên cùng nghiệp viết trong suốt hơn ba mươi năm, là cây bút văn xuôi đương đại Việt Nam được yêu thích với rất nhiều tác phẩm truyện ngắn đặc sắc, dần xác định được chỗ đứng riêng của mình trong lòng công chúng yêu văn học, có thể kể đến một số truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thương nhớ Hoàng Lan, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng,…
Nhìn lại những dấu ấn trên chặng đường sáng tác của Trần Thùy Mai, nhận thấy rằng: tác giả luôn làm mới và đa dạng các tác phẩm truyện ngắn, mang âm hưởng của đất trời xứ Huế, cô quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống, nhất là thế hệ trẻ và nhìn họ bằng sự yêu thương và hy vọng. Trước đây, Trần Thùy Mai dành sự quan tâm đặc biệt cho truyện ngắn, nhưng thời gian gần đây, cô dần để tâm nhiều hơn với những đề tài lịch sử, con người lịch sử, đặc biệt là những nhân vật nữ trong giai đoạn lịch sử của triều Nguyễn và Kinh thành Huế. Sau bảy năm im ắng, vắng bóng trên thi đàn, Trần Thùy Mai trở lại, trong 3 năm cho ra mắt 2 bộ tiểu thuyết về triều Nguyễn, đó là: Từ Dụ thái hậu và Công chúa Đồng Xuân.
Biến cố Thất thủ Kinh đô xảy ra vào năm 1885, tục cúng vào Hai mươi ba tháng Năm hàng năm, là một phần lý do, động lực để nhà văn dành nhiều tâm huyết viết nhiều về lịch sử nhà Nguyễn. Hai bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu và Công chúa Đồng Xuân có thể xem là bộ truyện sử hoàn chỉnh về nhà Nguyễn. Tác giả Trần Thùy Mai viết về lịch sử triều Nguyễn vì muốn hiểu hơn về một chặng đường đau khổ của người Việt, hiểu vì sao người Huế đã không thể quên biến cố năm ấy.
Về lí lẽ sống, và sự hình dung về cuộc đời qua đôi mắt thi sĩ, tác giả từng chia sẻ: “Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn. Thế là lại đi và đi mãi như thế trong gió ngược... Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay...” [24]. Trải qua hành trình sáng tác, thử sức mình với đa dạng thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, và để lại nhiều dấu ấn trên con đường sáng tác, nhưng cô vẫn luôn giữ cho mình cái nhìn về cuộc đời, về hành trình sáng tác như trước đây. “…Còn những con dốc, vẫn luôn có trong đường đời, và đường sáng tác. Ví dụ như, tôi nghĩ mình đã tạm trèo qua được dốc truyện ngắn và dốc tiểu thuyết. Có một con dốc tôi đã định vượt qua nhưng rồi thất bại và thối lui, đó là dốc Thơ…” [24]
Về quan điểm trong sáng tác, Trần Thùy Mai cho rằng “đã sáng tạo thì càng ít nói về giới hạn càng tốt” [35]. Trong sáng tác tiểu thuyết, tác giả cho rằng việc viết về những khía cạnh rất con người của một nhân vật lịch sử chính là đưa nhân vật về lại với chính họ, mà không phải là phá vỡ hình tượng như nhiều người nghĩ, bởi những chuyện rất người, rất đời là những chuyện hiển nhiên trong đời sống con người.
Đối với cô, điều quan trọng nhất của một người viết là phải luôn luôn duy trì cảm hứng trong cuộc sống của mình. Thiên chức của người nghệ sĩ là làm thật tốt công việc của mình với tất cả lương tâm. Hiện nay, trong thời đại mà con người luôn phải đấu tranh tích cực cho việc đọc sách, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà văn là phải viết ra sách mới và cố gắng làm sao cho người ta thích đọc.[8]
1.4.2. Tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu”
Sau một khoảng thời gian say mê với truyện ngắn, nhà văn Trần Thùy Mai làm mới văn chương của mình bằng bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu. Đánh dấu một chặng đường mới trên con đường sự nghiệp văn chương, thử thách thể loại mới của nhà văn.
Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu dày hơn 800 trang, với hai tập: quyển Thượng và quyển Hạ, gồm 69 chương, người đọc như được sống lại trong không gian văn hóa triều Nguyễn.
Sau khi xuất bản, tác phẩm đã liên tục đoạt các giải cao trong các cuộc thi lớn:
giải nhất cuộc thi Tiểu thuyết lần V của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Sách hay năm 2020 (hạng mục Sách Văn học).
Bộ sách lấy bối cảnh hậu cung để làm nền cho câu chuyện về cuộc đời bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ.
Thời gian tác phẩm trải dài 30 năm, qua ba triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ lúc Phạm Thị Hằng 13 tuổi theo cha ở phương Nam về kinh đô, trải qua bao thăng trầm rồi trở thành người đứng đầu hậu cung.
Theo Phương Anh, tại bài viết “Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ thái hậu”
của nhà văn Trần Thùy Mai”, ngoài trục trung tâm xoay quanh nhân vật Phạm Thị Hằng, tiểu thuyết mở rộng biên độ với các nhân vật tương ứng mối quan hệ quân thần, huynh đệ, với những âm mưu thủ đoạn mang tính chính trị đương thời. Qua những sóng gió nơi cung đình vẽ lên cuộc xung đột mất còn giữa tham vọng quyền lực và những giá trị nhân văn. Những yêu ghét, hận thù, toan tính, thủ đoạn cùng tồn tại trong bối cảnh hậu cung được hóa giải bằng tình yêu, lòng từ bi. Đó cũng là câu chuyện về khúc khải hoàn dành cho tình yêu, sự chính trực, lòng can đảm, bản lĩnh sống và những phẩm giá của con người.
Ngay ở lời tựa đầu tác phẩm, tác giả đã tỏ bày cách sáng tác của mình trong bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tay: “Có lẽ có bao nhiêu người viết tiểu thuyết lịch sử thì có bấy nhiêu quan niệm và cách viết. Phần tôi, tôi chọn dung hòa cả hai cách trên: một phần dựa vào sử sách, một phần lấy cảm hứng từ những giai thoại truyền tụng ở kinh thành Huế” [21, tr.6]
Điểm đặc sắc của bộ tiểu thuyết trường thiên này không chỉ thể hiện ở việc khéo léo khai thác lịch sử, mà đây còn là một tác phẩm được viết bởi văn phong tinh tế và thuần Việt. Tác giả đã vô cùng thận trọng khi dùng phương ngữ, ngôn ngữ đối thoại phù hợp với quê hương của từng nhân vật, đồng thời cũng phản ánh quá trình dời chuyển sinh sống, phản ánh tính cách và xu hướng của mỗi nhân vật
Có thể thấy, tuy lần đầu thử sức với thể loại tiểu thuyết, nhưng nhà văn Trần Thùy Mai đã thành công ghi dấu tên mình với thể loại, nhận về nhiều giải thưởng, lời khen ngợi và sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc, và giới văn nghệ sĩ.
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM NGỮ PHÁP VÀ NGỮ NGHĨA CỦA LỚP TỪ
PHƯƠNG NGỮ TRUNG BỘ TRONG TIỂU THUYẾT TỪ DỤ THÁI HẬU Những đặc trưng về bản sắc văn hóa hay đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp của ngôn ngữ được thể hiện rõ nét qua vốn từ. Thông qua kho từ vựng chúng ta có thể khu biệt tiếng nói của khu vực này với khu vực khác. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là nơi thể hiện tâm tư, tình cảm, tư duy nhận thức của con người. “Trong các vùng phương ngữ Việt, vùng phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên có một vị trí đặc biệt: đây là vùng hiện còn giữ rất nhiều nét cổ.” [25]. Tuy tồn tại nhiều nét khu biệt so với ngôn ngữ toàn dân, nhưng bản chất vẫn là tiếng Việt, là một nhánh nhỏ của ngôn ngữ toàn dân, nên phương ngữ Trung vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ toàn dân.
Từ vựng phương ngữ Trung tương đối đa dạng. Cũng giống như các hệ thống từ vựng khác, từ vựng tại các tỉnh Trung Bộ có thể chia làm 2 loại: từ địa phương không có sự đối lập với từ vựng toàn dân, và từ địa phương có sự đối lập với từ vựng toàn dân.
Việc tìm hiểu các trường ngữ nghĩa từ vựng là cần thiết để hiểu thêm về từ trong mối quan hệ với định danh. Và cũng nhờ vậy ta hiểu thêm về lối sống của những con người sống ở địa phương đó. Thêm lần nữa khẳng định những giá trị về bản sắc văn hoá địa phương.