Các khái niệm chính của đề tài

Một phần của tài liệu Quản Lý Cơ Sở Vật Chất Và Thiết Bị Dạy Học Đáp Ứng Yêu Cầu Đào Tạo Theo Hệ Thống Tín Chỉ Ở Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Cà Mau.pdf (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ THIẾT BỊ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG

1.2. Các khái niệm chính của đề tài

1.2.1. Quản lý, Quản lý giáo dục, Quản lý nhà trường a) Khái niệm quản lý

Khái niệm quản lý (QL) là một khái niệm rộng, có nhiều cách tiếp cận với công tác QL khác nhau, do vậy có nhiều cách đưa ra khái niệm này, sau đây là một số khái niệm về QL. Theo từ điển Tiếng Việt: “Quản lý là tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, một cơ quan” (Viện ngôn ngữ, 2004).

Theo F.W.Taylor một Nhà QL người Mỹ cho rằng: “Quản lý là biết được chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó hiểu được rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất” (Taylor, 1911, tr. 89).

Theo Đặng Quốc Bảo và Bùi Việt Phú (2014): “Quản lý bao gồm hai công việc quản và lý. Quản là sự nắm giữ, duy trì; Lý là sự sửa sang, đổi mới. Quản là cái tối thiểu của lý, lý là cái tối đa của quản (Đặng Quốc Bảo & Bùi Việt Phú, 2014, tr. 56).

Theo Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Nguyễn Quốc Chí (1996): “ Hoạt động quản lý là tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý ( người quản lý) đến khách thể quản lý ( người bị quản lý) trong tổ chức, nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức (Nguyễn Thị Mỹ Lộc & Nguyễn Quốc Chí, 1996, tr. 58).

Như vậy, ta có thể hiểu quản lý bao gồm hai yếu tố là chủ thể QL và khách thể QL có sự tác động tương hỗ nhau. Tuy có nhiều định nghĩa, song ta có thể hiểu khái quát về QL: Quản lý là một quá trình tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức đó đạt được mục đích đề ra.

Tóm lại, có thể xem QL là quá trình tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể QL tới khách thể QL thông qua việc thực hiện các chức năng QL, bằng những công cụ và phương pháp mang tính đặc thù nhằm đạt được mục tiêu của hệ thống. Có thể diễn đạt quá trình này qua (Hình 1.1) dưới đây:

Hình 1.1. Sơ đồ quản lý

* Các chức năng quản lý: Chức năng quản lý gắn liền với sự phân công và hợp tác lao động trong quá trình lao động. Hoạt động quản lý thường diễn ra theo một chu kì, gọi là chu kì quản lý. Quản lý có bốn chức năng chủ yếu, cơ bản có liên quan mật thiết với nhau, gồm: kế hoạch hóa, tổ chức, lãnh đạo - chỉ đạo và kiểm tra. Cụ thể như sau:

- Chức năng kế hoạch hóa:

Là xác định mục tiêu, mục đích đối với những thành tựu trong tương lai của tổ chức; xác định con đường, biện pháp, cách thức để đạt được mục tiêu, mục đích đó.

Có ba nội dung của chức năng kế hoạch hóa:

+ Một là, xác định hình thành mục tiêu đối với tổ chức;

+ Hai là, xác định và đảm bảo về các nguồn lực tổ chức để đạt được các mục tiêu này;

+ Ba là, quyết định xem những hoạt động nào là cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

- Chức năng tổ chức:

Khi nhà quản lý đã lập xong kế hoạch, họ cần phải chuyển hóa những ý tưởng đó thành hiện thực. Một tổ chức lành mạnh sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển hóa như thế. Xét về chức năng quản lý, tổ chức là quá trình hình thành nên những cấu trúc các quan hệ giữa các thành viên, giữa các bộ phận trong cùng một tổ chức để họ thực hiện thành công các kế hoạch để đạt được mục tiêu tổng thể của tổ chức. Nhờ công tác tổ chức tốt, người quản lý có thể phối hợp, điều phối tốt hơn các nguồn vật lực và nhân lực. Thành tựu của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người quản lý sử dụng các nguồn lực có trong tổ chức.

- Chức năng lãnh đạo (chỉ đạo):

Sau khi kế hoạch đã được lập, cơ cấu bộ máy đã được hình thành, nhân sự đã được tuyển dụng thì phải có người lãnh đạo, đứng ra dẫn dắt tổ chức. Một số nhà nghiên cứu cho đó là quá trình chỉ huy hay tác động. Cho dù có gọi tên như thế nào, thì lãnh đạo luôn bao hàm việc liên kết, liên hệ với người khác và động viên họ hoàn thành những nhiệm vụ nhất định để đạt được mục tiêu của tổ chức. Song việc lãnh đạo không chỉ bắt đầu sau khi đã hình thành kế hoạch và thiết kế bộ máy mà nó thấm vào, ảnh hưởng quyết định tới hai chức năng kia.

- Chức năng kiểm tra:

Kiểm tra là một chức năng quản lý, thông qua đó, một nhóm, một cá nhân hoặc một tổ chức theo dõi, giám sát các thành quả hoạt động và tiến hành những hoạt động khắc phục, điều chỉnh nếu cần thiết. Kết quả của một quá trình hoạt động phải phù hợp với những chi phí bỏ ra, nếu không tương xứng thì phải tiến hành những hoạt động

điều chỉnh, uốn nắn. Đó là quá trình tự điều chỉnh, diễn ra có tính chất chu kì như sau:

+ Nhà quản lý đặt ra những chuẩn mực thành đạt của tổ chức.

+ Nhà quản lý đối chiếu, đo lường kết quả, sự thành đạt so với những chuẩn mực đã đặt ra.

+ Nhà quản lý tiến hành điều chỉnh những sai lệch.

+ Nhà quản lý hiệu chỉnh, sửa lại những chuẩn mực nếu thấy cần thiết.

b) Quản lý giáo dục

Theo Bùi Việt Phú (chủ biên), Trần Xuân Bách và Lê Quang Sơn (2019):

“Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý giáo dục đến toàn bộ các phần tử và các lực lượng trong hệ thống giáo dục nhằm làm cho hệ thống vận hành theo đúng tính chất, nguyên lý và đường lối phát triển giáo dục, đưa hệ thống giáo dục đến mục tiêu đề ra” [37, tr 11].

Theo tác giả, Quản lý giáo dục là sự tác động có mục đích, có kế hoạch, có ý thức và tuân thủ các quy luật khách quan của chủ thể quản lý giáo dục lên toàn bộ các mắt xích của hệ thống giáo dục nhằm đưa hoạt động giáo dục đạt tới kết quả mong muốn (xây dựng và hoàn thiện nhân cách người lao động phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội) [37, tr 12].

Theo Trần Kiểm (2004): “Quản lý giáo dục là hoạt động tự giác của chủ thể quản lý nhằm huy động, tổ chức, điều phối, điều chỉnh, giám sát,... một cách có hiệu quả các nguồn lực giáo dục (nhân lực, vật lực, tài lực) phục vụ cho mục tiêu phát triển giáo dục, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ” [21, tr 10].

Cũng theo tác giả, đối với cấp vĩ mô: “Quản lý giáo dục là sự tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên hệ thống giáo dục nhằm tạo ra tính trồi của hệ thống, sử dụng một cách tối ưu các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống nhằm đưa hệ thống đến mục tiêu một cách tốt nhất trong điều kiện đảm bảo sự cân bằng với môi trường bên ngoài luôn biến động” [21, tr 37].

Theo Thái Văn Thành (2007): “Quản lý hệ thống giáo dục có thể xác định là tác động của hệ thống có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến Trường) nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật chung của xã hội cũng như các quy luật của quá trình giáo dục, sự phát triển thể lực và tâm lý trẻ em” [25, tr 7].

Theo Đặng Quốc Bảo (1997): “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành, phối hợp các lực lượng xã hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển của xã hội” [8, tr 52].

Tác giả Trần Kiểm cho rằng: “Quản lý giáo dục vi mô được hiểu là những tác

động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp qui luật) của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục của nhà trường” [21, tr 12].

Tóm lại, quản lý giáo dục chính là quá trình tác động có định hướng của ngành giáo dục, nhà quản lý giáo dục trong việc vận dụng nguyên lý, phương pháp chung nhất của khoa học nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Những tác động đó thực chất là những tác động khoa học đến nhà trường, làm cho nhà trường tổ chức một cách khoa học, có kế hoạch đảm bảo quá trình giáo dục đạt được mục tiêu giáo dục.

c) Quản lý nhà trường

Bàn về quản lý Nhà trường, có nhiều quan niệm:

Theo Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đặng Quốc Bảo và Nguyễn Sỹ Thư quan niệm (2013): “ Quản lý Nhà trường là hệ thống những hoạt động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho nhà trường vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được tính chất của Nhà trường xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” (Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Sỹ Thư, 2013, tr. 119).

Theo Đặng Quốc Bảo và Bùi Việt Phú (2014): Quản lý Nhà trường là sự gắn kết mười nhân tố để thực hiện sự phát triển đồng bộ, toàn vẹn của tổng thể Nhà trường sau đây:

(1) Mục tiêu dạy học M (2) Nội dung dạy học N (3) Phương pháp dạy học P (4) Lực lượng dạy học (người thầy) Th (5) Đối tượng dạy học (trò) Tr

(6) Hình thức dạy học H

(7) Điều kiện dạy học Đ

(8) Môi trường dạy học Mô

(9) Quy chế dạy học Qi

(10) Bộ máy quản lý việc dạy học Bô

Ba nhân tố đầu: M, N, P là nhóm nhân tố cơ bản, chúng tạo nên chương trình dạy học.

Hai nhân tố Th, Tr là nhóm nhân tố động lực.

Các nhân tố H, Đ, Mô, Qi, Bô gắn kết M, N, P, Th, Tr làm cho công việc của thầy – trò đạt hiệu quả và M, N, P được thực hiện hiệu quả vào đời sống thực tiễn.

Có thể minh họa mối liên hệ mười nhân tố đó trên một hình sao như hình 1.2.

Hình 1.2. Mối liên hệ của mười thành tố

Vậy “Quản lý trường học là hệ thống những tác động có chủ đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể QL đến tập thể người dạy, nhân viên, người học, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu của giáo dục” [tr 27, tr 32].

1.2.2. Khái niệm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là tất cả các phương tiện vật chất được huy động vào việc giảng dạy, học tập và các hoạt động mang tính giáo dục khác để đạt được mục đích giáo dục.

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học bao gồm cả các đồ vật, những của cải vật chất, môi trường tự nhiên xung quanh nhà trường: nhà cửa (phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các phòng chức năng…), sân chơi, các máy móc và thiết bị dạy học, thư viện. Các bộ phận này nhà trường trực tiếp quản lý và sử dụng.

Khái niệm chung nêu trên chứa đựng nhiều khái niệm cụ thể như: trường học, thư viện, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, phòng thực hành, phòng bộ môn… là những thành phần trong hệ thống [7, tr 2].

Các bộ phận vừa kể trên hình thành nên hệ thống cơ sở vật chất đa dạng về chủng loại và có một số trang thiết bị tương đối phức tạp về mặt kỹ thuật, đặc thù của từng chuyên ngành khác nhau ví dụ như: phòng Lab, máy tính, máy projector, hệ thống mạng Internet, phòng thí nghiệm, phòng thực hành,... Tính năng đa dạng và phong phú của hệ thống cơ sở vật chất - thiết bị dạy học tạo ra không ít trở ngại trong

quá trình quản lý và sử dụng.

1.2.3. Khái niệm về quản lý cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

Quản lý CSVC và TBDH là tác động có mục đích của người quản lý nhằm xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả hệ thống CSVC và TBDH phục vụ đắc lực cho công tác giáo dục và đào tạo.

Kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra rằng: CSVC và TBDH chỉ phát huy được tác dụng tốt trong việc giáo dục - đào tạo khi được quản lý tốt. Do đó, đi đôi với việc đầu tư trang bị, điều quan trọng hơn là phải chú trọng đến việc quản lý CSVC và TBDH trong nhà trường. Do CSVC và TBDH là một lĩnh vực vừa mang đặc tính kinh tế vừa mang đặc tính khoa học - giáo dục nên việc quản lý một mặt phải tuân thủ các yêu cầu chung về quản lý kinh tế, khoa học. Mặt khác, cần tuân thủ các yêu cầu quản lý chuyên ngành giáo dục [25, tr 90, 91].

Quản lý CSVC và TBDH là việc thực hiện 4 chức năng cơ bản, đó là:

Lập kế hoạch quản lý CSVC và TBDH Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý.

Chỉ đạo thực hiện kế hoạch quản lý.

Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý.

Quản lý CSVC và TBDH là việc thực hiện các nội dung quản lý công tác thiết bị từ khâu cung ứng, bảo quản và sử dụng để đảm bảo CSVC và TBDH phát huy được vai trò, tác dụng của nó trong giáo dục và đào tạo.

Tóm lại, quản lý CSVC và TBDH vừa là nhiệm vụ, vừa là một trong những nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà trường. Cơ sở vật chất và TBDH dù được trang bị từ nguồn nào cũng đều là tài sản của nhà trường, mọi thành viên trong nhà trường đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và sử dụng CSVC và TBDH đúng mục đích và có hiệu quả; các cấp quản lý giáo dục phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý CSVC và TBDH của các nhà trường.

Một phần của tài liệu Quản Lý Cơ Sở Vật Chất Và Thiết Bị Dạy Học Đáp Ứng Yêu Cầu Đào Tạo Theo Hệ Thống Tín Chỉ Ở Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Cà Mau.pdf (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)