Chương 3: VAI TRÒ CỦA CHÙA TRONG PHONG TRÀO ĐẤU
3.1. Che chở, bảo vệ cho cách mạng
Những ngôi chùa Phật giáo Nam tông được xây dựng đồ sộ, sừng sững giữa trời đất thành một không gian thiêng liêng không chỉ trong tâm thức mà còn hiện hữu, gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại của cả cộng đồng. Ngôi chùa đồng hành, gắn liền với những biến cố lịch sử, từ thời khẩn hoang cho đến những thăng trầm lịch sử chống giặc ngoại xâm. Chùa không chỉ chở che để những người con Khmer vượt qua những hoạn nạn mà còn là nơi chở che, nuôi giấu cán bộ bảo vệ cho cách mạng, góp phần vào công cuộc đấu tranh làm nên thắng lợi của cách mạng.
Đa số các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn Trà Cú đều có những đóng góp cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều cơ sở thờ tự là nơi nuôi chứa, đùm bọc, che dấu cán bộ cách mạng, là nơi cung cấp nguồn cán bộ dân tộc cho tỉnh và Trung ương.
3.1.1. Chùa Phnô Om Pung
Cũng như những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer khác trong tỉnh, trong những năm kháng chiến, chùa Phnô Om Pung không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sróc, mà còn là cơ sở hoạt động bí mật, nơi cất giấu vũ khí mỗi khi thu được của địch và là địa điểm mít tinh, nơi tổ chức các cuộc hội họp đề ra kế hoạch tấn công địch, các phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những
53
chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng quê hương, đất nước.
Trong công cuộc đấu tranh đầy gian khổ ác liệt ấy, sư sãi nhà chùa cùng bà con phật tử nơi đây đã đoàn kết một lòng một dạ theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa, bảo vệ những cán bộ hoạt động cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm, kiên cường. Mặc dù kẻ thù luôn có âm mưu đàn áp phong trào và tìm mọi cách bắt giữ những chiến sĩ cách mạng, nhưng sư sãi và bà con phật tử vẫn kiên trì đấu tranh, biểu tình chống bắt lính, tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cách mạng nhằm bảo vệ phum sróc, bảo vệ ngôi chùa. Nhiều cán bộ cách mạng của xã, huyện, tỉnh và khu Tây Nam Bộ được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn. Nhà chùa và bà con phật tử đã đóng góp nhiều của cải vật chất phục vụ cho cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của nhà chùa với các nhân tố như: sư cả Kim Nên, sư cả Trương Dừa, sư cả Thạch Nhưng, sư cả Bân Suôl, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng công cuộc toàn dân kháng chiến, Long Hiệp nỗ lực gây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang, diệt ác trừ gian, đánh chiếm đồn bót địch, mở rộng vùng giải phóng. Đến tháng 9/1946, chi bộ xã Long Hiệp đầu tiên được thành lập tại ấp Giồng Cao gồm có 4 đảng viên do đồng chí Từ Ký Nhậm (Biện Wong ở Trà Sất A) giữ chức Bí thư.
Ngay khi được thành lập, phong trào cách mạng của nhân dân Long Hiệp đã hòa vào phong trào cách mạng của nhân dân cả nước, Chi bộ đã tích cực vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn thực dân, địa chủ và tay sai; xây dựng lực lượng đoàn thể nòng cốt trong quần chúng, chọn các chùa Khmer trên địa bàn làm cơ sở nuôi chứa, bảo vệ lực lượng cách mạng, trong đó có chùa Phnô Om Pung.
54
Những năm 1946 đến 1950, đồng chí Từ Ký Nhậm, Bí thư chi bộ đã tìm đến chùa Phnô Om Pung bàn bạc với sư cả Kim Nên chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế và được sư cả Kim Nên đồng ý.
Sau khi hiệp định Gèneva được ký kết lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, địch bắt đầu đánh phá cơ sở của ta. Mặc dù từ năm 1954 - 1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng trong đó có sư sãi chùa Phnô Om Pung. Nhà chùa làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đặc biệt, trong chính điện là nơi tôn nghiêm nhất, nhưng các vị sư đã không ngại nuôi chứa cán bộ trong hầm dưới tượng Phật Thích ca. Lúc này nhà chùa tiếp tục nuôi chứa các đồng chí như: Nguyễn Văn Trí (Bảy Núi), Dương Văn Viễn (Năm Viễn), Trịnh Lâm Dương (Ba Mai), Thạch Tua (Ba Tưa), Thạch Minh Mẫn (Ba Thành)…
Giai đoạn 1969 - 1971, Mỹ Ngụy tiếp tục đóng đồn giành đất, giành dân. Đoàn cán bộ của xã, huyện và tỉnh gồm các đồng chí: Hồ Minh Tâm (Tám Dài), Bí thư chi bộ; Thạch Hai (Lục Hai), Phó Bí thư; Lê Văn Liễu (Chín Liễu), Thạch Sa Vane (Sáu Sa Vane), Thạch Khéte (Ba Khéte); Trần Văn Ơn (Tư Ơn), Xã đội trưởng; Kim Kem (Tám Thành), Thường vụ Huyện ủy; Huỳnh Văn Nở (Ba Nở); Kim sanh (Năm Sanh), Cán bộ huyện; Thạch Tua (Ba Tưa), Tỉnh ủy viên; Võ Văn Tiếu (Hai Tiếu); Hai Sát trực tiếp xuống bám địa bàn để phát động quần chúng và sư sãi đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang ở xã Long Hiệp và một số điểm khác trong huyện Trà Cú. Đoàn cán bộ được sư sãi và ban quản trị chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn ở hầm trong chính điện chùa. Lúc này sư cả Trương Dừa (Tư Dừa) là cơ sở mật cách mạng đóng tại chùa theo sự chỉ đạo của Hồ Minh Tâm (Tám Dài), Bí thư chi bộ xã Long Hiệp đã phân công sư đi mua thuốc men, vải để may quần áo
55 phục vụ cho lực lượng cách mạng.
3.1.2. Chùa Trô Pras Bat
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ năm 1954 đến 1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến, cưỡng bức người dân ly khai kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở Chông Bát không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Đặc biệt, các vị sư sãi luôn thận trọng quan sát, tìm hiểu kẻ thù, đồng thời nhà chùa tiếp tục nuôi chứa các cán bộ cách mạng. Các đồng chí Thạch Tua (Ba Tưa), Sơn Tho (Chín Thành), Thạch Kim (Thầy Kim), Thạch Hên (Hai Hên), Hai Sơn, Mười Thọt, Út Son, Sáu Sây,... thường xuyên trú ẩn ở chùa để hoạt động.
Năm 1959 - 1960, trụ trì chùa là sư cả Sơn Chane, các đồng chí Ba Lố, Năm Trí (Bảy Núi), Hai Bện,… thường bám trụ tại chùa để hoạt động. Sư cả phân công lục Thạch Khạnh lo cơm nước cho các cán bộ này. Mặc dù giai đoạn này địch lùng sục khắp các ngõ ngách và tung tiền bạc dụ dỗ bà con tố giác cách mạng, nhưng với sự đồng lòng của các vị sư và phật tử, hoạt động của các đồng chí cán bộ ở đây vẫn không bị phát hiện.
3.1.3. Chùa Tà Sất
Đối với chùa Tà Sất ở Ấp Chợ xã Long Hiệp thì được Bác Thạch June là người từng tu tại chùa Tà Sất chợ 12 năm và sau từng tham gia trong công tác giáo dục cung cấp thông tin như sau: Chùa Tà Sất ngày xưa, đời ngụy nằm trong khu vực an ninh nhưng chùa vẫn che giấu và luôn tìm cách bảo vệ cho cách mạng. Trong thời gian này cũng có một số vị hoạt động bí mật cho cách mạng như ông Ba Đen, ông Ba Dê, ông Tư Có, ông Tám Thợ Mộc, khi hoạt động bị lộ các ông đã tìm đến sư cả Kiên Sa Rết và được ông bày cách cho vào làm Ban Quản trị chùa, đối với ông Ba Đen được sư giao nhiệm vụ chở sư đi công việc, đi làm lễ để tránh sự nghi ngờ của địch. Tết Mậu Thân năm 1968, chợ Long Hiệp bị cháy lớn, các chiến sĩ cách mạng ở quanh năm suốt
56
tháng trong chùa. Gần ngày giải phóng, các sư đi lên tỉnh (ngày xưa là tỉnh Vĩnh Bình, tỉnh trưởng là Nguyễn Văn Sơn) biểu tình đòi thả các sư bị địch bắt trước đó, giặc đưa cơ giới thiết giáp chặn đoàn biểu tình, nhiều vị sư hi sinh và bị thương. Thế nhưng, không thể ngăn chặn được đoàn biểu tình.
Đoàn biểu tình của sư sãi từ khắp nơi vẫn đến được Trà Vinh, trên đường đi đoàn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của nhân dân và kết quả các nhà sư đã biểu tình thành công, bọn giặc trả tự do các vị sư sãi đã bị bắt trước đó. Tóm lại, mặc dù khu vực chùa gần đồn bốt của giặc, rất nguy hiểm nhưng chùa luôn quyết tâm, cố gắng để che chở, bảo vệ cho cách mạng.