Chương 3: VAI TRÒ CỦA CHÙA TRONG PHONG TRÀO ĐẤU
3.2. Tham gia phong trào đấu tranh cách mạng
3.2.2. Chùa Trô Pras Bat
64
Trên địa bàn xã Tân Hiệp, còn có chùa Trô Pras Bat. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các vị trụ trì chùa đều là những người có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, vì vậy nhà chùa cùng các sư sãi và phật tử đã hết lòng ủng hộ, tham gia, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giành độc lập.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/02/1930), những năm 1930 - 1931, tuy Trà Cú chưa có đảng viên cộng sản, nhưng chịu ảnh hưởng, tác động chung trong vùng, nên trên địa bàn huyện đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh. Đặc biệt, xuất hiện những hình thức vận động tuyên truyền, đấu tranh mới mà trước đó chưa có như mít tinh hội họp, rải truyền đơn vào các dịp lễ.
Ban đầu là những cuộc biểu tình đòi hoãn thuế 3 tháng, đòi giảm thuế, chống phụ thu lạm bổ… đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân và thu hút đông đảo sư sãi cùng bà con phật tử tham gia trong đó có các vị sư sãi, phật tử chùa Trô Pras Bat.
Trong phong trào dân chủ 1936 - 1939, ở Trà Cú đã có đảng viên, vì vậy phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển khá mạnh, nhân dân tích cực hưởng ứng. Chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), tại Chông Bát cũng hừng hực khí thế đấu tranh, chỉ chờ hiệu lệnh là sư sãi, phật tử Chông Bát cùng tham gia nổi dậy. Tuy nhiên, ở Trà Vinh, khởi nghĩa Nam Kỳ đã không diễn ra như kế hoạch đã định của Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy Trà Vinh. Lệnh khởi nghĩa đến chậm 3 ngày, đến giờ chót phải ngưng khởi nghĩa, cho nên sư sãi, phật tử phải kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Tuy vậy, những hoạt động chuẩn bị, phối hợp và sẵn sàng khởi nghĩa thực sự là một cuộc diễn tập thiết thực của các lực lượng cách mạng, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa về sau.
Giai đoạn từ năm 1939 đến trước năm 1945, đời sống nhân dân Trà Vinh cũng như bà con ấp Chông Bát bị hai kẻ thù Pháp - Nhật cùng bọn tay sai, địa chủ vơ vét đẩy tới cùng cực. Tinh thần quật khởi trong lòng mỗi người càng được nung đúc cao hơn.
65
Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Trà Vinh ra đời và hoạt động sôi nổi. Gắn với phong trào Thanh niên Tiền phong của các xã trong huyện, lực lượng Thanh niên Tiền phong xã Long Hiệp được thành lập và nhanh chóng phát triển do ông Ngô Sàng Kim (thầy Phú Viếng) là người tổ chức và lãnh đạo. Lợi dụng tính hợp pháp, công khai, Thanh niên Tiền phong tổ chức móc nối, xâm nhập vào hàng ngũ binh lính để làm công tác binh vận, tập võ nghệ và chiến thuật quân sự. Thời gian này ở Trà Cú phong trào hoạt động khá rầm rộ đã thu hút được nhiều người tham gia. Chùa Trô Pras Bat cũng là địa điểm để tập hợp lực lượng, tổ chức dạy võ cho các Thanh niên Tiền phong do sư cả Sơn Chanh phụ trách cùng 10 vị sư sãi tu tại chùa là Thạch Preng, Thạch Khưa, Thạch Sắc, Thạch Im, Thạch Hai, Thạch Hớs, Thạch Keo, Thạch Biện, Thạch On, Thạch Luôn… và một số phật tử như ông Thạch Sim, Thạch Nuôn, Thạch Hanh, Thạch Điêu, Thạch Giàu, Thạch Sây, Hà Văn Yến do đồng chí Thạch Ngọc Biên lãnh đạo. Mọi người sử dụng tầm vông vạt nhọn, gươm, mã tấu... luyện tập hăng say, sẵn sàng chờ đợi thời cơ.
Lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được ban bố trong cả nước, Tỉnh ủy Trà Vinh gấp rút mở hội nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa, nhanh chóng xây dựng kế hoạch và phát động quần chúng nhân dân đội ngũ chỉnh tề khi có lệnh bao vây cướp chính quyền địch.
Đối với chùa Trô Pras Bat, theo sự chỉ đạo của đồng chí Thạch Ngọc Biên đã giao nhiệm vụ cho 7 Thanh niên Tiền phong do ông trực tiếp chỉ huy đã luyện tập tại chùa, mỗi người đi kèm cùng 3 người dân khác tổng cộng có 28 lực lượng chia ra làm hai cánh, một cánh phối hợp với lực lượng địa phương đánh đồn Nô Men, một cánh bố trí ở Sóc Ruộng để chặn lực lượng yểm trợ của địch từ Trà Vinh xuống nếu có.
Ở Long Hiệp dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, lực lượng khởi nghĩa trong đó có sư sãi, bà con phật tử và những Thanh niên Tiền phong từng luyện tập tại chùa Trô Pras Bat, bằng vũ khí thô sơ đã nổi dậy hòa vào đoàn người với khí thế hừng hực, biểu tình, thị uy rầm rộ hô vang khẩu hiệu:
66
“Nước Việt Nam độc lập có chủ quyền muôn năm”… và tiến vào nhà việc.
Trước làn sóng mạnh như vũ bão, dưới áp lực của quần chúng, bọn tề xã cầm đầu hốt hoảng giao chính quyền lại cho cách mạng. Cách mạng tháng Tám ở Long Hiệp thành công trong đó có sự góp sức của sư sãi, phật tử chùa Trô Pras Bat.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Đầu năm 1946, chúng chiếm được thị xã Trà Vinh rồi sau đó đánh mở rộng ra các vùng khác. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Long Hiệp trong đó có bà con phật tử chùa Trô Pras Bat với tinh thần “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã gầy dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang, diệt ác trừ gian, đánh chiếm đồn bót giặc, mở rộng vùng giải phóng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thạch Ngọc Biên, ngày 15 tháng 7 năm 1946, có hơn 80 bà con phật tử đã tập trung về chùa tổ chức làm mít tinh và công bố bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc vào ngày 02 tháng 9 năm 1945, đồng thời kêu gọi đồng bào đứng lên chống Pháp. Ông giải thích cho phật tử hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù là muốn thôn tín nước ta lâu dài cùng chung tay góp sức để đánh đuổi bọn xâm lược.
Đến ngày 02 tháng 9 năm 1946, đồng chí Thạch Ngọc Biên lại tổ chức một cuộc mít tinh nữa, mục đích lần này cũng nhằm phát động mọi người đứng lên kháng chiến. Ông nói: “Tất cả chúng ta phải đoàn kết quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, duy trì cho bằng được huyện Trà Cú là một huyện giải phóng mãi mãi”.
Giai đoạn 1945 - 1954, Pháp lần lượt đóng các đồn bót như Trà Sất, Nô Men, Sóc Ruộng, Ba Cụm, Long Trường… và tăng cường càn quét vây ráp, bắt bớ, theo dõi mọi hoạt động của ta. Trụ trì chùa thời gian này là sư cả Sơn Chane một vị sư có mối kết giao với sư Sơn Vọng ở Cầu Ngang cùng tham gia hoạt động chống Pháp. Để bảo vệ cán bộ cách mạng được an toàn trong
67
điều kiện giặc theo dõi, bố ráp gắt gao, sư cả luôn theo dõi các hoạt động của chúng để báo lại cho các cán bộ thường xuyên lui tới chùa hoạt động, trong đó có đồng chí Thạch Ngọc Biên người con của Long Hiệp lúc này đang giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã.
Biết được đồng chí Thạch Ngọc Biên là cán bộ cách mạng, thực dân Pháp ra sức lùng bắt nhưng không thành. Tên Sane trưởng đồn Ba Cụm đã bắt vợ ông là bà Lâm Thị Lợi khi đang mang thai 4 tháng rồi tra tấn, hãm hiếp nhưng bà vẫn không khai báo. Không khai thác được gì, chúng đã giết bà bằng cách mổ bụng trước sự chứng kiến của nhiều người. Vì trọng trách đang mang Thạch Ngọc Biên phải cắn răng chịu đựng và càng dốc sức cho nhiệm vụ.
Năm 1952 - 1953, Pháp dốc toàn lực đàn áp phong trào cách mạng đang phát triển mạnh ở xã Long Hiệp. Trước tình hình đó đồng chí Đàm Lường - Quyền Bí thư Huyện ủy Trà Cú phân công đồng chí Thạch Ngọc Biên bám trụ địa bàn và vạch kế hoạch đánh Pháp nhất là vận động bà con chống bắt lính, chống tàn sát người vô tội. Thời gian này đồng chí Thạch Ngọc Biên thường xuyên bám trụ tại chùa Phnô Om Pung (Long Trường) và chùa Trô Pras Bat để chỉ đạo phong trào. Qua theo dõi của bọn gián điệp, vào dịp Chôl Chnam Thmây (lễ vào năm mới) năm 1953, kẻ thù bố ráp bắt được đồng chí tại chùa Phnô Om Pung trong lúc đang làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng cho bà con phật tử và sư sãi. Tên cảnh sát Nghiệm ra lệnh tra tấn đồng chí chết đi sống lại nhiều lần, mặc dù vấp phải sự phản đối của sư sãi và phật tử. Không muốn ở nơi cửa Phật từ bi mà bà con phải chứng kiến cảnh đổ máu, đồng chí dằn cơn đau để nghĩ cách rời khỏi chùa. Đồng chí nói với bọn chúng sẽ dẫn chúng sang chùa Trô Pras Bat để chỉ nơi cất giấu súng ống, tài liệu, nhưng khi đến đầu giồng Chông Bát, lợi dụng sự hoang vắng Thạch Ngọc Biên yêu cầu chúng dừng lại rồi dõng dạc quát lớn vào mặt kẻ thù: “Tài liệu trong đầu tao. Tao không có gì để khai hết, tao đi làm cách mạng là để giải phóng cho dân tộc, cho đất nước tao, tụi mày cứ
68
bắn tao đi”. Nhận thấy không thể khuất phục được người cộng sản kiên trung, bọn địch đã giết hại đồng chí Thạch Ngọc Biên hết sức man rợ. Chúng dùng búa đóng đinh vào đầu rồi mổ bụng, moi gan. Đồng chí Thạch Ngọc Biên đã anh dũng hy sinh vào sáng ngày 26/4/1953 trong niềm tiếc thương, cảm phục của mọi người. Đồng chí Thạch Ngọc Biên hy sinh đã tiếp thêm ngọn lửa căm thù cho sư sãi, phật tử chùa Trô Pras Bat, chùa Phnô Om Pung và nhân dân nói chung; mọi người càng quyết tâm hơn cho công cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai.
Sau cái chết của Thạch Ngọc Biên, Pháp xem chùa Trô Pras Bat là cái gai trong mắt chúng. Mọi hoạt động của sư sãi, phật tử chùa luôn bị theo dõi.
Tên Pệch trưởng đồn Nô Men, tay sai đắc lực của Pháp thường xuyên dẫn lính đến chùa hăm dọa sư cả và bà con phật tử. Hắn nói sẽ trừng trị bất cứ ai có liên hệ, nuôi chứa cán bộ Việt Minh. Tuy nhiên, các vị sư không nao núng tiếp tục ủng hộ cách mạng. Các vị sư đã âm thầm truyền lửa cách mạng cho phật tử để chống lại chính sách ngu dân, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc thông qua những buổi thuyết pháp. Nhiều tài liệu, truyền đơn được nhà chùa cất giấu, phân phát. Đồng thời thông qua các ngày lễ các vị sư đã vận động bà con gom góp vật chất, của cải cùng tiền bạc cúng dường rồi bí mật đem ủng hộ cho cách mạng.
Từ năm 1953, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, ta làm tốt công tác binh vận, vận động gia đình binh sĩ kêu gọi chồng con rời bỏ hàng ngũ kẻ thù về với nhân dân. Song song đó các cán bộ trú ẩn tại chùa cùng sư sãi bà con phật tử còn tham gia công tác hậu cần, tích cực vận động người nhà binh lính kêu gọi họ buông súng ra hàng. Ta đã bao vây lấy được đồn Sà Vần, Trà Sất, Ba Cụm, bọn lính ở các đồn này phải bỏ chạy về tề xã.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Gèneva và rút khỏi Việt Nam. Nhân dân chưa kịp hưởng trọn niềm vui chiến thắng, Mỹ đã can thiệp và nhảy vào xâm chiếm nước ta. Ở miền Nam sau khi lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, Mỹ bắt đầu đánh phá cơ sở cách mạng,
69
trả thù những người kháng chiến cũ. Kế hoạch thâm độc của Mỹ Diệm là lừa mị dân, chúng áp dụng chiến thuật “vừa đánh vừa xoa”, thâm độc hơn, chúng khuyến khích lối sống dục vọng, buông thả, thực dụng để đầu độc dân ta. Thế nhưng, các sư sãi chùa Trô Pras Bat đã sáng suốt phân tích rõ cho bà con phật tử thấy được âm mưu của kẻ thù để bà con tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng.
Hưởng ứng phong trào Đồng Khởi ngày 14/9/1960, nhân dịp lễ Senl Đôn-ta cổ truyền của đồng bào Khmer, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy có đồng chí Trần Lái (Ba Oai) - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận; Thạch Tua (Ba Tưa) - Phó Ban Khmer vận; Thạch Minh Mẫn (Ba Thành) - Cán bộ Tuyên huấn huyện; Đại đức Sơn Vọng - Hội Mêkone, Hội Sư sãi yêu nước tỉnh;
đồng chí Trần Văn Trà (Hai Lũy) - Bí thư Chi bộ Long Hiệp đã triển khai kế hoạch phối hợp cùng các xã trong huyện và huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang đấu tranh trực diện với địch. Lực lượng khoảng 60.000 người gồm sư sãi và nhân dân, trong đó có cả các gia đình binh sĩ ngụy xuống đường biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lui Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm, chống Luật 10/59, đòi được tự do đi lại, tự do học hành, tự do hội họp và lập hội. Sư cả Sơn Chane, sư cả nhì Thạch Xưng và một số vị sư khác cùng nhiều bà con phật tử mang theo nước uống, bánh tét, lương thực… kết hợp với lực lượng địa phương quân và dân chúng trong xã tham gia. Đoàn biểu tình chia làm nhiều cánh, riêng cánh của huyện Trà Cú khi đến Giồng Lức huyện Châu Thành, tên tỉnh trưởng Lê Hoàng Thao huy động lực lượng ra ngăn chặn, đàn áp. Hai bên xô xát làm cho lực lượng ta hy sinh 2 người và khoảng 20 người bị thương, bị bắt trong đó có sư Thạch Phinh và Thạch Chương tu tại chùa Phnô Om Pung. Cuộc biểu tình đã làm cho giặc hoang mang lo sợ, buộc tên tỉnh trưởng Vĩnh Bình phải nhượng bộ hứa giải quyết yêu sách rồi chúng phải thả Maha Phơ, Acha Lui SaRáth. Cuộc biểu tình đã tạo tiếng vang lớn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh sau này.
70
Sau khi được thả về, Acha Lui SaRáth vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Vào năm Đồng Khởi 1960, ông là người đầu tiên được cử làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Trà Vinh.
Cao trào Đồng Khởi đã gây nhiều tổn thất cho Mỹ ngụy, để đàn áp phong trào chúng điên cuồng càn quét để tách dân ra khỏi cách mạng. Chúng lần mò đến tận các gia đình mà chúng cho là có người theo cách mạng để mua chuộc, dụ dỗ, bắt bớ, phong trào cách mạng trong vùng gặp những khó khăn nhất định.
Đến năm 1962, sư cả Sơn Chane hoàn tục, sư cả Thạch Nịch lên trụ trì.
Sư cả Thạch Nịch là người được tổ chức mà trực tiếp là đồng chí Võ Văn Tiếu (Hai Tiếu) đưa vào chùa tu từ năm 1960. Sư cả đã quan hệ được một số cán bộ như: đồng chí Thạch Tua (Ba Tưa), Hồ Minh Tâm (Tám Dài), Ba Lố, Bảy Chane, Hai Nhưng cùng nhiều cán bộ khác về chùa hỗ trợ chỉ đạo. Bên cạnh đó sư cả còn móc nối, liên lạc với nhiều sư sãi, Acha của địa phương khác như Acha Kim (Hai Phát), Acha Hơne, Acha Ơi, Acha Dương, để nắm bắt thông tin cung cấp cho tổ chức. Sư cả còn phát động các gia đình phật tử làm mõ tre, để rồi vào ngày 15/3/1962, tất cả các gia đình cùng đồng loạt đánh mõ và rải truyền đơn uy hiếp tinh thần địch.
Ngày 20/6/1962, đồng chí Võ Văn Tiếu chỉ đạo cho chùa làm hầm bí mật. Sư Thạch Nịch cùng các vị sư làm bốn hầm bí mật gồm một hầm chôn cất vũ khí, ba hầm trú ẩn, trong đó có một hầm trú ẩn dưới bàn thờ Phật ngay trong chính điện. Thời gian này đồng chí Võ Văn Tiếu chỉ huy đánh đồn Nô Đùng tiêu diệt 4 tên, bắt sống 2 tên và thu 6 súng. Từ hai tên tù binh này, ta đã khai thác được một số tin tức hữu ích. Tiếp nối thắng lợi, đồng chí Thạch Chhâte chỉ huy đánh đồn Trà Sất C thu được 13 súng.
Tháng 9/1963, được sự chỉ đạo của tổ chức nhà chùa đã phát động phong trào “hũ gạo chống Mỹ” cho tất cả các gia đình phật tử để đầu năm 1964 bắt đầu thực hiện. Mỗi lần nấu cơm các gia đình đều giành lại một nắm gạo bỏ vào thùng riêng, để khi nào có bộ đội đi qua thì đem số gạo gom được