Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đề xuất một số giải pháp giảm nghèo đối với huyện Hòa An
3.4.2. Đề xuất một số giải pháp giảm nghèo đối với huyện Hòa An
Từ thực tiễn điều tra nghiên cứu thực trạng nghèo tại ba xã Dân Chủ, Trưng Vương và Bình Dương, đề tài xin đưa ra một số giải pháp gắn phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo có hiệu quả như sau:
3.4.2.1. Giải pháp về công tác quy hoạch định hướng phát triển
Bổ sung hoàn thiện quy hoạch tổng thể về kinh tế xã hội của huyện và của xã cho phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Trên cơ sở đó tìm ra những
phương án phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xóm để bố trí cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngành nghề phù hợp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi tạo việc làm cho người lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn.
3.4.2.2. Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng đang là vấn đề bức xúc hiện nay của các xã miền núi, là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hỗ trợ đầu tư co sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
- Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh.
- Hoàn thiện hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.
- Cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi, nâng cao hiệu quả tưới tiêu nông nghiệp:
Có đến 85% hộ nghèo và 73,3% hộ cận nghèo cho rằng nguyên nhân nghèo là do thiếu nước sản xuất, vì vậy đầu tư, cải tạo và xây mới hệ thống thủy lợi là rất cần thiết
- Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa như: trạm phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng...khắc phục tình trạng thiếu thông tin, tạo lập mạng lưới cộng đồng cung cấp thông tin.
- Các công trình phục vụ chuẩn hóa về trạm y tế, chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn xã.
- Duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng hiện có.
3.4.2.3. Giải pháp về kinh tế
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế trọng tâm theo vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phát huy thế mạnh từng vùng; chú trọng phát triển đồng bộ nông nghiệp - công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm.
- Thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo.
- Tiếp tục phát triển mạnh các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng huyện Hòa An như: thuốc lá, lạc, đỗ tương, táo, ổi…
- Phát triển chăn nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng và đảm bảo phòng ngừa an toàn dịch bệnh. Mở rộng chăn nuôi theo hướng tập trung; chú trọng cải tạo chất lượng đàn gia súc, gia cầm.
- Tiếp tục quản lý chặt chẽ và phát triển nguồn tài nguyên rừng gắn với thực hiện tốt chính sách đất đai, giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Phấn đấu tăng độ che phủ rừng đạt 50% vào năm 2020.
3.4.2.4. Giải pháp về vốn
Thực tế điều tra cho thấy có đến 80% hộ nghèo và 66,7% hộ cận nghèo cho rằng họ nghèo do thiếu vốn; đồng thời nhìn vào chi phí đầu tư cho sản xuất của hai nhóm hộ này cũng rất thấp, không có tiền tích lũy nên việc tái đầu tư mở rộng sản xuất, tăng quy mô, tăng vụ, đẩy mạnh thâm canh là rất khó khăn. Số hộ nghèo được vay vốn còn thấp và không đồng đều giữa các xã: xã Dân Chủ có 409/503 hộ nghèo được vay vốn, tương đương 81,3%; xã Trưng Vương có 189/299 hộ nghèo được vay vốn, tương đương 63,2%; xã Bình có 124/220 hộ nghèo được vay vốn, tương đương 56,4%. Tỷ lệ này ở nhóm hộ cận nghèo lại càng thấp hơn nữa: xã Dân Chủ có 69/175hộ (tương đương 39,4%), xã Trưng Vương có 25/105hộ (tương đương 23,8%), xã Bình Dương có 42/54hộ (tương đương 77,8%) số hộ cận nghèo được vay vốn.
Từ những con số trên có thể thấy vốn vay là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế hộ nghèo, cận nghèo. Do vậy để nâng cao dư nợ tín dụng trong lĩnh vực cho vay phát tiển sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới huyện cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực hơn nữa trong việc cho hộ nông dân vay vốn xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là hướng dẫn người dân sử dụng vốn sao cho đúng mục đích và đạt hiệu quả cao.
- Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục vay vốn phát triển sản xuất.
Với các loại vốn vay cần có ban quản lý vốn vay được thành lập từ thôn, xã để theo dõi việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
- Ngân hàng cần phổ biến kiến thức và quy trình vay vốn đến các hộ để họ mạnh dạn vay vốn nếu có đủ điều kiện và nhu cầu. Đặc biệt là những hộ nghèo và những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Những hộ này do nhiều lý do khác nhau như
thường hay được nhà nước hỗ trợ cho không nhiều khoản hoặc do thiếu hiểu biết hay mặc cảm nên thường ngại đến ngân hàng vay vốn. Khi cho các hộ nông dân vay, Ngân hàng cần chủ động phối hợp với các phòng ban liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình của các hộ nghèo một cách chính xác.
Chủ động được việc này, ngân hàng có thể giảm thời gian khảo sát và vì thế có thể cho vay nhanh hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi .
- Khai thác nhiều nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo như: Vốn từ Trung ương, vốn của tỉnh, huyện, vốn quỹ xóa đói giảm nghèo, vốn huy động từ cộng đồng và các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cho vay để làm dịch vụ tín dụng cho vay đến hộ nghèo như: Hội phụ nữ, Hội nông dân...
- Phương thức và cách thức cho vay: chương trình xã hội về vay vốn để giải quyết việc làm, để xóa đói giảm nghèo là một quá trình khép kín gồm 3 khâu: Vay vốn, sử dụng vốn, và sử dụng sản phẩm. Ba khâu này có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, cả ba khâu giải quyết tốt tức là chương trình thực hiện tốt. Ngoài cho vay vốn tiền mặt còn hỗ trợ sản xuất bằng sản phẩm.
- Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay vốn và sử dụng vốn để việc cho vay vốn đúng mục đích, đúng đối tượng nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
- Cần cải tiến hơn nữa thủ tục cho vay sao cho hiệu quả và để mọi người nghèo có thể tiếp cận được vốn vay, được vay vốn với lãi suất thấp
- Quản lý sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân, vốn hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế của người nghèo, hộ nghèo.
3.4.2.5. Giải pháp thực hiện chính sách a) Hỗ trợ sản xuất:
Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo bằng các hình thức như:
+ Hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
+ Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia sức, gia cầm
+ Hỗ trợ di dời chuồng trại, làm mới chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ, cải tạo ao hồ.
+ Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất.
+ Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
+ Xây dựng và nhân rộng mô hình khuyến nông, lâm, ngư; các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông hộ với doanh nghiệp.
+ Thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa về thu nhập cho người nghèo.
b) Chính sách dạy nghề, tạo việc làm
- Thực hiện đầy đủ chính sách dạy nghề cho người nghèo. Gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo, dân tộc thiểu số thông qua việc:
+ Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phát huy thế mạnh của vùng.
+ Mở các lớp tập huấn kỹ thuật, bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp người nghèo tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường
- Hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hoá, đào tạo định hướng (bao gồm cả ăn, ở, đi lại, trang cấp ban đầu, chi phí làm thủ tục và cho vay vốn ưu đãi)... để lao động của huyện tham gia xuất khẩu lao động, phấn đấu mỗi năm đưa đi khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 5 năm toàn huyện đưa đi khoảng 500 lao động.
- Tích cực giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động nước ngoài tại những thị trường ổn định có thu nhập cao.
c) Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo:
- Hàng năm trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thống kê số hộ nghèo có nhà dột nát, nhà tạm cần hỗ trợ để bổ sung đối tượng này vào hỗ trợ cải thiện nhà ở đảm bảo không còn hộ nghèo phải ở nhà dột nát, tạm bợ.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo quyết định 167/2008 của Thủ tướng chính phủ và đại đoàn kết cho người nghèo.
- Tiếp tục xây dựng quỹ “Vì người nghèo” của huyện để thực hiện chương trình nhà ở cho người nghèo.
d) Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cơ bản về công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh xã, thôn bản để nâng cao nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Mỗi năm đào tạo tập huấn cho khoảng 334 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
- Phối hợp tổ chức lồng ghép với các chương trình khác có liên quan để tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại cơ sở nhằm thực hiện đối thoại chính sách, xác định nhu cầu và năng lực tham gia của người dân.
- Tổ chức thăm quan, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, tổ chức hội nghị về công tác giảm nghèo.
đ) Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Hàng năm phòng tư pháp, phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý trên địa bàn tổ chức tư vấn miễn phí, kiến thức trợ giúp pháp lý cho hàng nghìn lượt người nghèo, người dân tộc vùng khó khăn.
3.4.2.6. Giải pháp áp dụng chính sách đối các nhóm hộ nghèo theo chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, ngoài tiêu chí về thu nhập còn sử dụng tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin) để tiếp cận đo lường nghèo.
Lồng ghép đồng thời cùng giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, thông tin để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người nghèo là rất quan trọng.
Phân loại các nhóm đối tượng nghèo đa chiều theo các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để từ đó xây dựng và áp dụng các chính sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng như sau:
- Đối với nhóm hộ thiếu hụt các chỉ số về mức sống như: nhà ở, nhà vệ sinh, sử dụng nguồn nước không bảo đảm… Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở
cho hộ nghèo để cải thiện nhà ở, hỗ trợ làm nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh, xây dựng các bể nước hoặc đầu tư ống dẫn nguồn nước tự chảy cho các hộ thiếu nước.
- Đối với nhóm hộ thiếu hụt các chỉ số về y tế : thực hiện chính sách cấp phát bảo hiểm y tế miễn phí cho hộ nghèo, người dân tộc thiếu số; hỗ trợ khám sức khỏe cho người nghèo.
- Đối với nhóm hộ thiếu hụt các chỉ số về giáo dục:
+ Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền học bán trú đối với học sinh nghèo ở các cấp học, nhất là bậc mầm non; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo.
+ Nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn nhằm tăng khả năng tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm, ưu tiên các đối tượng chính sách như hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu hồi đất được học nghề.
+ Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất mới để áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
+ Tăng mức độ sẵn có của giáo dục thông qua chương trình xây dựng trường học để làm giảm khoảng cách từ nhà đến trường, giải pháp này gắn liền với giải pháp về cơ sở hạ tầng.
- Đối với nhóm hộ thiếu hụt các chỉ số về thông tin thực hiện các giải pháp như:
+ Truyền thông về giảm nghèo: tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về định hướng giảm nghèo bền vững; tuyên truyền giáo dục ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo. Đồng thời phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo tới từng cơ sở.
+ Thực hiện chính sách cấp không một số ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2472/QĐ - TTg, ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ
+ Phát hành, phát sóng các ấn phẩm truyền thông phục vụ nhân dân; thiết lập các điểm truyền thông tin đến tận thôn, xóm; hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo tại vùng sâu vùng xa.
+ Hỗ trợ phương tiện truyền thông, loa phát thanh, báo, tờ rơi cho bà con cập nhật thông tin; cử cán bộ xuống tận thôn xóm để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo, công tác khuyến nông - lâm.
+ Đồng thời kết hợp với các tổ chức khác như dân số kế hoạch hóa gia đình, tổ chức giáo dục...nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho bà con, xóa mù chữ phổ cập giáo dục, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình.
- Đối với nhóm hộ có mức thu nhập thấp dưới mức tối thiểu sẽ thực hiện những chính sách giúp tăng thu nhập cho hộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn với lãi xuất ưu đãi thấp để hỗ trợ sản xuất. Đồng thời gắn với việc dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm, nâng cao tay nghề hướng dẫn làm ăn, thực hiện có hiệu quả nguồn vốn giúp tăng thu nhập. Điều kiện kinh tế phát triển các hộ có khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
3.4.2.7. Tăng cường nguồn lực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Tăng trưởng kinh tế nhanh, có hiệu quả và phát triển bền vững là giải pháp bao trùm có tính chất lâu dài cho toàn bộ nền kinh tế xã hội.
Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, trước hết là nguồn vốn cho phát triển kinh tế, trong đó có các nguồn vốn vay phục vụ trực tiếp cho các chương trình giảm nghèo. Việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn lại phụ thuộc nhiều vào công tác quản lý hành chính của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Bởi vậy mà phải thúc đẩy quá trình cải cách hành chính làm cho bộ máy tinh gọn và hiệu quả, tăng cường năng lực cho bộ máy chính quyền ở địa phương.
3.4.2.8. Giải pháp tổ chức thực hiện
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình, dự án giảm nghèo. Đồng thời thực hiện giải pháp về lãnh đạo, phân công nhiệm vụ rõ ràng như:
- Thực hiện kiện toàn bộ máy chỉ đạo giảm nghèo các cấp, tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách về giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo