ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả phẫu thuật treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân lấy bằng dụng cụ tước cân điều trị sụp mi bẩm sinh (Trang 55 - 62)

4.1.1. Đặc điểm về tuổi của bệnh nhân

Theo Arnab Biswas. và một số tác giả khác thì trẻ từ 3 - 4 tuổi là thời điểm có thể khám và đánh giá, tuy nhiên mức độ chính xác phụ thuộc vào khả năng hợp tác của trẻ. Độ tuổi này cân cơ đùi cũng đủ rộng và đủ dài để lấy cho phẫu thuật treo cơ trán . Với những trường hợp sụp mi nặng dưới 3 tuổi, phẫu thuật treo cơ trán dùng các chất liệu tổng hợp khác để tránh nhược thị và trì hoãn tới khi lấy được cân cơ đùi [6, 17, 32]. Trong nghiên cứu này bệnh nhân ít tuối nhất là 4 tuổi và bệnh nhân lớn tuổi nhất là 31 tuổi. Tuổi trung bình trong nghiên cứu là 12,3 ± 6,4 (bảng 3.1) tương đồng với tuổi trung bình các bệnh nhân trong nghiên cứu của tác giả Lê Tuấn Dương về sử dụng chỉ Polypropylene treo mi vào cơ trán trong phẫu thuật sụp mi bẩm sinh (năm 2003) là 12,49 ± 5,5 tuổi [19]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Lê Tuấn Dương đối tượng được lựa chọn là những bệnh nhân được phẫu thuật có tuổi từ 5 trở lên, còn trong nghiên cứu nghiên cứu này điều kiện về tuổi của bệnh nhân là trên 4 tuổi. Kết quả cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu này cao hơn đáng kể so với 7,5 ± 4,3 tuổi ở nghiên cứu của Trần Tuấn Bình (2009) và nghiên cứu của Jin Sook Yoon và Sang Yeul Lee (2009) với tuổi trung bình là 5,5±1,5 tuổi [20],[32]. Có thể thấy, bệnh nhân trong

nghiên cứu còn khá trẻ; nhóm 6 – 10 tuổi chiếm chủ yếu với 28,3%, tiếp đó là nhóm 11 – 15 tuổi chiếm 22,6%, số bệnh nhân nhóm dưới 5 tuổi và 16 – 20 tuổi đều là 10 bệnh nhân chiếm 18,9%. Chỉ 11,3% số bệnh nhân trên 21 tuổi.

Như vậy, có tới 47,2% số bệnh nhân dưới 10 tuổi và trên một nửa số người (69,8%) tham gia nghiên cứu dưới 15 tuổi.

Các tác giả Trần Tuấn Nghĩa và Tôn Thị Kim Thanh trong nghiên cứu điều trị sụp mi bẩm sinh bằng phương pháp rút ngắn cơ nâng mi trên (2002) [32] và Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Trọng Văn (2014) trong nghiên cứu của mình khi giải thích về độ tuổi của đối tượng đã từng đề cập tới. Do các đối tượng trong nghiên cứu đều bị sụp mi bẩm sinh ở mức độ trung bình hoặc nặng nên cần phẫu thuật sớm để giải phóng trục thị giác, đề phòng nhược thị, đồng thời ở lứa tuổi này vấn đều thẩm mỹ cũng được bệnh nhân và người thân quan tâm [22].

4.1.2. Đặc điểm về giới của bệnh nhân

Trong 53 bệnh nhân nghiên cứu, có 23 bệnh nhân nam chiếm tỉ lệ là 43,4% ít hơn số bệnh nhân nữ có 30 người chiếm tỉ lệ là 56,6% (bảng 3.2).

Điều này tương đồng với tỉ lệ nam - nữ trong nghiên cứu điều trị sụp mi bẩm sinh bằng kĩ thuật treo cơ trán của tác giả Trần An (2003) với số nam là 39 chiếm tỉ lệ là 43% và nữ là 52 chiếm tỉ lệ là 57% [18].

Trong những nghiên cứu Lê Tuấn Dương (2003) và Nguyễn Thị Thu Hà (2014) thì thấy có tỉ lệ bệnh nhân nam bị sụp mi nhiều hơn bệnh nhân nữ. Ở nghiên cứu của Lê Tuấn Dương tỉ lệ nam là 57,1%, nữ là 42,9%; còn ở nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà tỉ lệ nam là 71,4%, nữ là 28,6%. Tuy nhiên các tác giả đều cho biết không thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa hai giới về tỷ lệ sụp mi [22], [20], [18].

4.1.3. Số mắt bị sụp mi của bệnh nhân

Trong nghiên cứu có 43/53 bệnh nhân bị sụp mi bẩm sinh ở một mắt, chiếm chủ yếu (81,1%). Số đối tượng bị sụp mi cả hai mắt chỉ là 10 bệnh nhân chiếm 18,9% (bảng 3.3). Như vậy trên 53 bệnh nhân, nghiên cứu quan sát được 63 mắt sụp mi bẩm sinh thực hiện phẫu thuật. Tỉ lệ có sụp mi ở cả 2 mắt tương đồng so với trong các nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà và Phạm Trọng Văn năm 2014 và của Nguyễn Hữu Tùng, Trần An năm 2015, nhưng thấp hơn đáng kể so với trong nhiều nghiên cứu khác. [19] [20] [21, 22].

Bảng 4.1. Tỷ lệ sụp mi một mắt và hai mắt trong các nghiên cứu trước đó

Tác giả Sụp mi 1 mắt Sụp mi 2 mắt Tổng

n % n % số

Lê Tuấn Dương, Trần An

(2003) [19] 34 69,4 15 30,6 49

Trần Tuấn Bình, Lê Thị Kim

Xuân (2009) [20] 44 68,8 20 31,2 64

Jin Sook Yoon và Sang Yeul

Lee (2009) [32] 154 64,4 85 36,6 239

Nguyễn Thị Thanh Chi, Hồ Thị Ngọc, Trần Như Thảo

(2012) [21]

23 76,7 7 23,3 30

Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm

Trọng Văn (2014) [22] 21 80,8 5 19,2 26

Nguyễn Hữu Tùng, Trần An

(2015) 43 81,1 10 18,9 53

4.1.4. Mức độ sụp mi

Nghiên cứu chỉ gồm những bệnh nhân có mức độ sụp mi trung bình hoặc nặng, chức năng cơ nâng mi kém hoặc không còn chức năng, những bệnh nhân này được chỉ định cho phẫu thuật treo cơ trán, điều đó lý giải cho việc không có đối tượng nghiên cứu nào có độ sụp mi nhẹ. Trong 63 mắt nghiên cứu có tới 41 mắt có độ sụp mi nặng chiếm tới 2/3, và có 22 mắt có độ sụp mi trung bình chiếm 1/3.

Kết quả về độ sụp mi nặng cao hơn hẳn so với các nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà (2014) [22] hay Trần Tuấn Nghĩa (2002) [32].

Tỉ lệ bệnh nhân sụp mi nặng trong nghiên cứu này gần giống với một nghiên cứu của tác giả Trần Tuấn Bình năm 2009 trong nghiên cứu phẫu thuật treo cơ trán bằng chỉ Mersilene, tỉ lệ số mắt sụp mi mức độ nặng là 68,8% [32 ].

4.1.5. Chức năng cơ nâng mi

Trong các nghiên cứu của Biswas A vào năm 2010 tác giả khẳng định có mối tương quan giữa chức năng cơ nâng mi và độ sụp mi, độ sụp mi càng nhẹ thì chức năng cơ nâng mi càng tốt; cụ thể những mắt sụp mi nhẹ (1-2mm) thường có CNCNM tốt (>8 mm), sụp mi trung bình (3mm) có CNCNM trung bình (5-7 mm), và sụp mi nặng (>4mm) có CNCNM kém (<4 mm) [17].

Những nghiên cứu khác của tác giả Lê Tuấn Dương (2003) [19 ] hay Trần Tuấn Nghĩa (2002) đều đã thấy sự có liên quan có ý nghĩa thống kê giữa độ sụp mi và chức năng cơ nâng mi [32 ]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những bằng chứng phù hợp, tất cả các đối tượng nghiên cứu đều có độ sụp mi trung bình và nặng; về chức năng cơ nâng mi, không có mắt sụp mi bẩm sinh nào trong nghiên cứu có chức năng cơ nâng mi tốt, và trung bình, toàn bộ số mắt được phẫu thuật đều có chức năng mi kém hoặc không còn chức năng.

4.1.6. Đặc điểm mắc bệnh

Trong 63 mắt nghiên cứu, có 52 mắt chiếm 82,5% chỉ sụp mi bẩm sinh đơn thuần; còn lại 11 mắt chiếm 17,5% có sụp mi bẩm sinh phối hợp với bệnh khác, trong đó có 8 người có sụp mi phối hợp với hẹp khe mi chiếm 12,7%

và có 3 người có sụp mi bẩm sinh phối hợp với Epicanthus chiếm 4,8%

(bảng 3.6) . Tỉ lệ sụp mi bẩm sinh phối hợp thấp hơn rất nhiều so với nghiên cứu của tác giả Trần An năm 2003 về phẫu thuật treo cơ trán, nghiên cứu chỉ ra có 61 mắt sụp mi bẩm sinh đơn thuần với tỉ lệ 55% và 49 mắt có sụp mi phối hợp chiếm 45% [18]. Điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật của những bệnh nhân sụp mi bẩm sinh phối hợp thấp hơn các nghiên cứu khác.

4.1.7. Tiền sử phẫu thuật

Điều trị sụp mi bẩm sinh chủ yếu bằng phẫu thuật. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị sụp mi, trong đó phổ biến nhất là rút ngắn cơ nâng mi, treo mi trên vào cơ trán và cắt ngắn sụn mi-kết mạc-cơ Muller (Fasanella- Sevat)[3-6]. Treo mi trên vào cơ trán là một phương pháp được áp dụng để điều trị các trường hợp sụp mi nặng và chức năng cơ nâng mi kém. Trong phương pháp này các tác giả trên thế giới đã dùng nhiều loại vật liệu khác nhau: các loại chỉ không tiêu, cân cơ đùi bảo quản, cân cơ đùi tự thân, cân cơ thái dương, dây silicon...[6-13]. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu điều trị sụp mi bẩm sinh bằng phẫu thuật treo cơ trán [18-22]. Những vẫn còn ít nghiên cứu sử dụng cân cơ đùi tự thân để treo cơ trán. Do vậy, có một tỉ lệ những mắt sụp mi bẩm sinh được phẫu thuật bằng các vật liệu khác bị thất bại cần được mổ lại bằng treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân. Trong số 63 mắt sụp mi bẩm sinh của nghiên cứu này, có 53 mắt chưa từng được phẫu thuật chiếm 84,1%; và 10 mắt chiếm 15,9% đã từng được phẫu thuật bằng vật liệu khác (chỉ Mersilene, chỉ Goretex và dây Silicone) nhưng thất bại (bảng 3.19).

4.1.8. Đặc điểm cân cơ đùi lấy được

Có nhiều vật liệu có thể dùng trong phẫu thuật treo cơ trán điều trị sụp mi bẩm sinh. Hầu hết các vật liệu trên đều mang lại hiệu quả, sẵn có, rẻ tiền, dễ dàng đặt vào và lấy ra nhưng đều có những biến chứng kèm theo nhất định.

Những vật liệu này chỉ là những vật liệu tạm thời với trẻ nhỏ khi chưa lấy được cân cơ đùi. Nhược điểm của những vật liệu thay thế thường gặp sớm hoặc muộn sau phẫu thuật như : chỉ tiêu biến, co giãn, đứt đoạn hay gây viêm nhiễm, u hạt, đào thải, dẫn tới phải phẫu thuật lấy ra và gây sụp mi tái phát. Cho tới nay không vật liệu nào về hiệu quả và tính an toàn có thể so sánh được với cân cơ đùi [17]. Trong 53 trường hợp, số ca lấy được cân đùi có độ dài từ 10cm là 45 chiếm 84,9%, còn số trường hợp lấy được cân cơ đùi ngắn dưới 10cm là 8 chiếm 15,1% (bảng 3.8). Độ dài cân cơ lấy được ở bệnh nhân phụ thuộc vào độ

tuổi của bênh nhân. Theo đó trong nhóm cân cơ lấy được dài, tỉ lệ trẻ ≤ 5 tuổi là 0%, còn tỉ lệ cân lấy được cân dài ở nhóm từ 11-20 tuổi là 40,2% (22,2% ở nhóm 11-15 tuổi và 17,5% ở nhóm 16-20 tuổi) (bảng 3.9).

Theo một nghiên cứu của Igal Leibovitch,Leah Leibovitch, Jean Paul Dray năm 2003 trên đối tượng bệnh nhân không quá 3 tuổi [9 ] thì độ dài cân cơ đùi lấy được trên bệnh nhân chỉ nằm trong khoảng 7-9cm, nói cách khác là không có trẻ nào từ 3 tuổi trở xuống lấy được cân cơ đùi dài. Với những trường hợp sụp mi nặng dưới 3 tuổi, phẫu thuật treo cơ trán dùng các chất liệu tổng hợp khác để tránh nhược thị và trì hoãn tới khi lấy được cân cơ đùi [6 ] [32 ].

Arnab Biswas và một số tác giả khác cũng cho biết trẻ từ 3 - 4 tuổi đã có cân cơ đùi cũng đủ rộng và đủ dài để lấy cho phẫu thuật treo cơ trán [17]. Tuy nhiên các nghiên cứu đều chỉ ra rằng độ dài cân cơ đùi lấy được không phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của bệnh nhân. Vì vậy những bệnh nhân nhỏ tuổi

hơn, từ 3-4 tuổi, vẫn có thể lấy được cân cơ đùi đủ rộng và dài cho phẫu thuật treo cơ trán.

4.1.9. Biến chứng trong mổ

Những biến chứng có thể xảy ra trong mổ bao gồm: đứt rách cân, lệch thớ cân, chảy máu nhiều mi mắt, biến dạng bờ mi. Chảy máu nhiều lúc mổ chiếm tỉ lệ 3,2% với 2 trường hợp; và có 2 trường hợp gặp biến dạng bờ mi chiếm 3,2% (bảng 3.10). Những biến chứng này đều được xử lý ngay trên bàn mổ.

Tỉ lệ chảy máu nhiều trong mổ gần với kết quả thu được trong nghiên cứu của Lê Tuấn Dương (2003) là 11,8% [19], nhưng thấp hơn so với nghiên cứu của Trần Tuấn Nghĩa năm 2002 với tỉ lệ 17,7% [32].

Chảy máu nhiều trong mổ là biến chứng thường gặp trong phẫu thuật do mi mắt có hệ thống mạch máu phong phú nhưng dễ kiểm soát và không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của phẫu thuật. Điều này đã được khẳng định trong những nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà năm 2014 về phẫu thuật phối hợp rút ngắn cơ nâng mi tối đã và treo cơ trán bằng cân cơ đùi [22]

và trong nghiên cứu của Lê Tuấn Dương năm 2003 [19].

Tỉ lệ biến dạng bờ mi trong nghiên cứu chiếm một phấn rất nhỏ chỉ 3,2% thấp hơn so với nghiên cứu của Lê Tuấn Dương với 5 mắt chiếm 8,5%

số trường hợp sau khi thắt chỉ trên trán có xuất hiện biến dạng bờ mi, tuy nhiên biến dạng bờ mi đều được khắc phục ngay trong quá trình phẫu thuật và kết quả cuối cùng không bị ảnh hưởng bởi biến chứng này. [19].

Trong nghiên cứu này, không gặp trường hợp nào bị đứt rách hoặc lệch thớ cân khi lấy bằng dụng cụ tước cân. Điều này cho thấy tính an toàn và hiệu quả của dụng cụ tước cân Crawford trong việc lấy cân đùi của bệnh nhân.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả phẫu thuật treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân lấy bằng dụng cụ tước cân điều trị sụp mi bẩm sinh (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w