Tình trạng biến chứng sau phẫu thuật

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả phẫu thuật treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân lấy bằng dụng cụ tước cân điều trị sụp mi bẩm sinh (Trang 64 - 67)

4.2. KẾT QUẢ PHẪU THUẬT

4.2.3. Tình trạng biến chứng sau phẫu thuật

Các biến chứng sau phẫu thuât như: Sưng tấy, tụ máu vùng đùi; đau chân đi cà nhắc khi đi lại, loét giác mạc, chỉnh non, phản ứng tại chỗ (u hạt, viêm nhiễm)… Cụ thể trong nghiên cứu này, biến chứng loét giác mạc và sưng tấy tụ máu vùng đùi chỉ xuất hiện trong 1 tuần đầu sau mổ ở 1 bệnh nhân chiếm 1,6%. Một bệnh nhân loét giác mạc do hở mi sau mổ có liên quan tới việc bệnh nhân không tuân thủ việc tra thuốc sau mổ, sau 1 tuần bệnh nhân khám lại xuất hiện loét giác mạc. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực sau đó, vết loét đã liền nhưng có để lại sẹo giác mạc. Có 29/53 bệnh nhân bị đau chân khi đi lại chiếm 54,7% trong tuần đầu tiên, nhưng tất cả đều hết sau 1 tháng.

Không có trường hợp nào có biến chứng chỉnh viêm nhiễm, u hạt sau mổ.

Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà về phương pháp phẫu thuật phối hợp rút ngắn cơ nâng mi tối đa và treo cơ trán bằng cân cơ đùi thì không có bệnh nhân nào gặp phải các biến chứng tại vùng đùi như sưng tấy, tụ máu hay đau chân khi đi lại [22].

Ngoài ra, biến chứng chỉnh non là một biến chứng thường gặp nhất trong phẫu thuật sụp mi. Theo Crawford J.S. thì chỉnh non thường hay xuất hiện sau phẫu thuật treo cơ trán nếu dùng cân cơ đùi ngâm. Nếu cân cơ đùi ngâm tiêu đi và sụp mi tái phát, thì cần thiết phải phẫu thuật lại bằng cách dùng cân cơ đùi tự thân. Phẫu thuật lại phải được thực hiện trong vòng 48- 72h, trước khi sẹo liền lại [17], [40]. Trong phương pháp phẫu thuật treo cơ trán bằng cân cơ đùi tự thân được tiến hành trong nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân bị chỉnh non sau phẫu thuật là 7,9%. Tỉ lệ có biến chứng chỉnh non trong nghiên cứu này cao hơn so với một nghiên cứu của tác giả C. Philandrianos và cộng sự trong phẫu thuật treo cơ trán bằng cân cơ đùi tự thân, tỉ lệ bệnh nhân chỉnh non là 0% [35]. Tuy nhiên ở nghiên cứu của tác giả Lê Tuấn Dương năm 2003 về phương pháp sử dụng chỉ Polypropylene treo mi vào cơ trán trong phẫu thuật điều trị sụp mi bẩm sinh thì tỉ lệ chỉnh non là 15,2% sau mổ 1 tuần [19]. Hay trong nghiên cứu về phương pháp phẫu thuật điều trị sụp

mi bẩm sinh bằng phương pháp rút ngắn cơ nâng mi trên của tác giả Trần Tuấn Nghĩa tỉ lệ chỉnh non là 17,7% [32]. Tác giả Trần Thiết Sơn (2000) trong một nghiên cứu về các phương pháp phẫu thuật khác đưa ra tỉ lệ chỉnh non là 18% cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi về phương pháp phẫu thuật treo cơ trán bằng cân cơ đùi tự thân [31].

Nghiên cứu cũng không gặp phải bệnh nhân nào có u hạt sau phẫu thuật. Nhưng với phương pháp phẫu sử dụng chỉ Polypropylene treo mi vào cơ trán trong nghiên cứu của tác giả Lê Tuấn Dương năm 2003 thì gặp 1 trường hợp bị u hạt phát hiện sau phẫu thuật 3 tháng chiếm 1,7% [19]. Trong nghiên cứu phẫu thuật điều trị sụp mi treo cơ trán bằng cân cơ đùi tự thân này, biến chứng u hạt hay nhiễm trùng tại chỗ không có như trong các phẫu thuật treo cơ trán bằng các vật liệu khác như chỉ Polypropylene, Sillcon hay cân đùi ngâm… Tuy nhiên trên thực tế, có thể có tỷ lệ bệnh nhân u hạt cao hơn nhiều nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá kĩ vấn đề này.

Trong phẫu thuật treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân điều trị sụp mi bẩm sinh, phẫu thuật viên cố gắng lấy được cân cơ đùi có độ dài tối ưu từ 12- 15 cm [6] [15], với đường rạch dao động khoảng 2 – 7cm; vì vậy biến chứng thoát vị cơ đùi là yếu tố cần được quan tâm đánh giá. Trong nghiên cứu này, không một bệnh nhân nào găp phải biến chứng thoát vị đùi. Kết quả này cũng được thấy trong nghiên cứu sử dụng phương pháp điều trị sụp mi bằng phẫu thuật phối hợp rút ngắn cơ nâng mi tối đa và treo cơ trán bằng cân cơ đùi khi các vết rạch đùi nhỏ (chỉ 3cm) của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà và Phạm Trọng Văn. Trong khi đó, trong nghiên cứu vào năm 2011 theo dõi 27 tháng những bệnh nhân từ 1-15 tuổi được phẫu thuật điều trị sụp mi bẩm sinh, tác giả Fry đưa ra tỉ lệ thoát vị là 56,7%; hơn thế nữa, Fry còn cho thấy có 90% trẻ em có thoát vị nhưng không thấy khó chịu khi di chuyển, chỉ có 3,3% trẻ thấy có khó chịu khi đi lại hay vận động mạnh. Điều này hỗ trợ cho kết luận thoát vị cơ đùi bị ảnh hưởng bởi kích thước đường rạch, như vậy việc sử dụng dụng

cụ tước cân là một biện pháp cải thiện kết quả sau phẫu thuật, mặc dù đường rạch cân chỉ được khâu lại một phần nhưng cũng không làm tăng nguy cơ thoát vị.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả phẫu thuật treo cơ trán sử dụng cân cơ đùi tự thân lấy bằng dụng cụ tước cân điều trị sụp mi bẩm sinh (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w