CHƯƠNG 4 55 BÀN LUẬN 55 4.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
4.1.4. Đặc điểm các triệu chứng lâm sàng theo YHHĐ
Trong nghiên cứu của chúng tôi, triệu chứng sốt gặp ở 60/60 bệnh nhân chiếm 100%, tỷ lệ này tương tự với nghiên cứu của Trần Thúy với 30/30 bệnh nhân có triệu chứng sốt chiếm 100%. Theo nghiên cứu của Tạ Thanh Hà tỷ lệ sốt chiếm 46,7%, của Phạm Tự Do tỷ lệ sốt chiếm 32,1%, của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 16,67% trường hợp sốt, các kết quả này thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi, có thể do cách chọn bệnh nhân khác nhau.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ gặp hai triệu chứng đau đầu và đau mỏi mình mẩy chiếm tỷ lệ cao với 81,7% trường hợp đau đầu và 85%
trường hợp đau mỏi mình mẩy. Theo nghiên cứu của Phạm Tự Do có 47,2%
trường hợp đau đầu, nghiên cứu của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 25% trường hợp đau đầu thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi, có thể do cách chọn bệnh nhân khác nhau: chúng tôi chọn những bệnh nhân sốt cao ≥ 39°C, khi sốt cao thường kèm theo đau đầu, đau mỏi mình mẩy, trong khi các tác giả trên chọn cả những bệnh nhân sốt ở nhiệt độ thấp hơn. Trong viêm mũi họng cấp thông thường do virus, sốt thường đi kèm với các triệu chứng đau đầu, đau mỏi mình mẩy, đây là những biểu hiện đặc trưng của hội chứng nhiễm virus, phụ thuộc nhiều vào tình trạng sốt và cảm giác chủ quan của từng người bệnh.
4.1.4.2. Các triệu chứng cơ năng
Bảng 3.1 cho thấy bệnh nhân có triệu chứng đau rát họng là 60/60 trường hợp, chiếm 100%. Kết quả này tương đương với kết quả nghiên cứu của Tạ Thanh Hà có 58/60 bệnh nhân đau họng chiếm 96,7%. Theo nghiên cứu của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 90% đau họng, của Trần Thúy có 90% đau họng và của Phạm Tự Do là 86,8% đau họng các kết quả này không quá khác biệt với nghiên cứu của chúng tôi. Đau rát họng là một triệu chứng rất thường gặp, thường đi kèm với khô họng, ngứa họng. Đây thường là triệu chứng cơ năng khó chịu nhất khiến người bệnh phải đến khám.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân có triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi chiếm 71,7% trường hợp. Theo nghiên cứu của Phạm Tự Do có 38,5% ngạt mũi, chảy nước mũi, của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 35% ngạt mũi, chảy nước mũi, của Tạ Thanh Hà có 15% ngạt mũi thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi, có thể do phương pháp nghiên cứu khác nhau: Các tác giả trên chú trọng chọn những bệnh nhân viêm họng đỏ cấp thông thường, có thể có hoặc không có viêm mũi kèm theo, còn chúng
tôi chọn bệnh nhân viêm mũi họng cấp nên tỷ lệ gặp các triệu chứng này cao hơn. Ngạt tắc mũi là một trong những chứng thường gặp nhất trong các bệnh về mũi. Trong nghiên cứu của chúng tôi người bệnh có thể ngạt liên tục hoặc từng lúc, ngạt một bên hoặc hai bên với các mức độ khác nhau. Chúng tôi gặp chủ yếu bệnh nhân chảy nước mũi trong và loãng như nước lã. Ở giai đoạn sau của bệnh, bệnh nhân có thể chảy mũi nhày, nước mũi chảy ra trong và sánh như lòng trắng trứng gà. Về sau chảy nước mũi đục dính vàng nếu có bội nhiễm. Chảy mũi thường kết hợp với ngạt mũi không chỉ gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động của người bệnh.
Trong nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng ho chiếm 63,3%. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Tạ Thanh Hà có 59/60 bệnh nhân ho, chiếm 98,3%, sự khác biệt này có thể do cách chọn bệnh nhân khác nhau: Tạ Thanh Hà chủ động chọn những bệnh nhân viêm họng đỏ cấp mà có triệu chứng ho, trong khi chúng tôi chấp nhận cả những bệnh nhân không có triệu chứng ho đi kèm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Trần Thúy có triệu chứng ho chiếm 80%, của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 85% ho, của Phạm Tự Do là 96,2% ho. Theo chúng tôi sự khác biệt này có thể do phương pháp nghiên cứu khác nhau: chúng tôi chọn những bệnh nhân mới bị bệnh, có thời gian kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi khám bệnh không quá 24 giờ, lúc này tỷ lệ triệu chứng ho có thể còn thấp. Trong khi các tác giả trên chấp nhận cả những bệnh nhân đã bị bệnh một vài ngày.
4.1.4.3. Các triệu chứng thực thể
Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân niêm mạc họng đỏ, phù nề, tăng tiết dịch chiếm 100%. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Bùi Tiến
Hưng, Nguyễn Nhược Kim với 100% niêm mạc họng đỏ, xung huyết và của Trần Thúy có 100% niêm mạc họng đỏ, của Tạ Thanh Hà 100% niêm mạc họng phù nề. Tỷ lệ này cũng tương đương với nghiên cứu của Phạm Tự Do có 52/53 bệnh nhân niêm mạc họng đỏ chiếm 98,1%. Triệu chứng niêm mạc họng đỏ, phù nề, tăng tiết dịch là một triệu chứng rất quan trọng trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm mũi họng cấp thông thường do virus, để chẩn đoán phân biệt với các thể viêm họng khác như viêm họng đỏ có bựa trắng, viêm họng bạch hầu, viêm họng Vincent, viêm họng trong các bệnh máu.
Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng niêm mạc mũi xung huyết, sàn mũi có dịch nhày trong trong nghiên cứu của chúng tôi là 59/60 bệnh nhân, chiếm 98,3%. Kết quả của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim có 23,3% viêm mũi. Sự khác biệt này có thể do cách chọn bệnh nhân khác nhau: chúng tôi chọn những bệnh nhân có biểu hiện viêm mũi và họng đi kèm, trong khi Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim chọn bệnh nhân viêm họng đỏ có thể có hoặc không có viêm mũi kèm theo.
Niêm mạc mũi xung huyết, sàn mũi có dịch nhày trong cũng là một triệu chứng thực thể quan trọng để chẩn đoán bệnh viêm mũi họng cấp thông thường do virus.
Trong nghiên cứu tỷ lệ hai amiđan khẩu cái sưng to có 39/60 bệnh nhân, chiếm 65%. Theo nghiên cứu của Phạm Tự Do có 18/53 bệnh nhân viêm amiđan chiếm 34% . Tỷ lệ viêm amiđan kèm theo trong nghiên cứu của Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nhược Kim là 13,3%.
Theo bảng 3.1 cho thấy không có sự khác biệt về phân bố các triệu chứng lâm sàng của bệnh ở hai nhóm (p>0,05), điều này cho thấy mức độ bị bệnh của hai nhóm là tương đương.