Phần 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác GPMB của thành phố và đề xuất phương pháp giải quyết
4.4.1. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác GPMB 4.4.1.1. Thuận lợi
Từ thực tiễn của công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố Thái Nguyên nói chung và của dự án nâng cấp đường Việt Bắc địa phận Phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên nói riêng cho thấy khi dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công khai thì hầu hết đều được đại bộ phận nhân dân trong vùng qui hoạch ủng hộ.
Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường GPMB chính quyền và nhà đầu tư luôn luôn có sự phối hợp, giải quyết những khó khăn gặp phải.
4.4.1.2. Khó khăn, tồn tại
- Về chế độ chính sách còn nhiều điểm chưa phù hợp (giao đất kinh doanh dịch vụ), giá bồi thường đất ở chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường từ 2 đến 3 triệu đồng một mét vuông. Giá bồi thường tài sản vật kiến trúc cũng chưa phù hợp với giá nguyên vật liệu và nhân công tại thời điểm. Các khoản hỗ trợ đối với người dân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở ví dụ như tiền thuê nhà ở tạm 150.000đ/ khẩu/ tháng cũng thấp hơn giá thuê nhà thực tế.
- Việc xây dựng các khu tái định cư chậm, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ nên không đáp ứng kịp thời việc giao đất cho các hộ.
- Công tác quản lý đất đai chưa được chặt chẽ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của những năm trước thiếu đồng bộ và không công bằng nên đối với những giấy chứng nhận cấp đất ghi là "thổ cư" hoặc chữ "T"
nay lại được qui định hạn mức đất ở chỉ có một phần, phần còn lại là đất vườn nên đã gây rất nhiều ý kiến thắc mắc khiếu kiện trong nhân dân, làm chậm tiến độ GPMB.
- Về công tác phối kết hợp giữa các phòng ban cơ quan chuyên môn và UBND các phường (xã) cũng chưa được tốt. Trong qui định đã phân công nhiệm vụ rõ ràng: Cơ quan Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định về giá và chế độ chính sách; cơ quan tài nguyên và Môi trường thẩm định về đất đai; cơ quan xây dựng thẩm định về tài sản vật kiến trúc; cơ quan thuế xác định mức thu nhập sau thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh; UBND các phường (xã) chịu trách nhiệm xác định về nguồn gốc đất đai, tính pháp lý của đất và tài sản; cơ quan bồi thường chịu trách nhiệm thống kê lập phương án bồi thường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng khi thực hiện có những lúc còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan với nhau, bên cạnh đó một số hộ dân đã lợi dụng một số kẽ hở của pháp luật để khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, trong khi đó công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhiều lúc còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch và tiến độ thực hiện dự án.
4.4.2. Đề xuất phương án giải quyết và rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác bồi thường GPMB
4.4.2.1. Về quản lý đất đai
Để thuận lợi cho việc thực hiện công tác bồi thường và GPMB thì bước đầu tiên cần đưa ra hệ thống những qui định về công tác này hoàn thiện và
phù hợp hơn nữa. Tối thiểu những sơ hở để các thành phần xấu có thể lợi dụng nhằm trục lợi gây thiệt hại về uy tín cũng như lợi ích của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhất là những người dân bị thu hồi đất.
Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo tính pháp lý cho các thửa đất.
Xây dựng hệ thống thông tin đất nhằm quản lý đất đai chặt chẽ hơn.
Giúp các nhà quản lý có thể quản lý chặt chẽ quỹ đất, người dân được nắm bắt đầy đủ công khai thông tin về đất đai và quyền loại hợp pháp của mình với đất đai.
Quản lý, điều chỉnh thị trường bất động sản ngăn, nhất là giá đất tạo điều kiện cho các dự án có thể định giá đất dễ dàng hơn.
Định giá đất, tài sản...đưa ra khung giá đất hàng năm hợp lý cũng là một cách để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.
4.4.2.2. Về chính sách bồi thường
Theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hiện nay thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cùng mục đích sử dụng. Trong thực tế do quỹ đất nông nghiệp tại phần lớn các địa phương rất hạn hẹp, nên không thực hiện được việc bồi thường bằng đất mà chỉ thực hiện bồi thường bằng tiền theo giá đất có cùng mục đích sử dụng. Với mức giá trị được bồi thường đất nông nghiệp là rất thấp, không đủ làm vốn để hộ gia đình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề khác; mặt khác, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và thực hiện chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp, đất ở,… thì giá trị quyền sử dụng đất tính theo mục đích sử dụng mới đã tăng lên nhiều lần, nhưng các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi cũng
không được hưởng gì thêm. Nên số lớn các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất không đủ khả năng và điều kiện chuyển đổi nghề để ổn định đời sống, sản xuất kiến nghị trong chính sách bồi thường khi thu hồi đất có cơ chế hỗ trợ thêm đối với đất nông nghiệp bị thu hồi. Để bảo đảm cho người dân đủ điều kiện nhận chuyển nhượng lại đất tiếp tục sản xuất hoặc có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh duy trì cuộc sống ổn định.
4.4.2.3. Về tái định cư
Hiện chính sách quy định đối tượng được bố trí tái định cư là những hộ gia đình khi bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở; tuy nhiên còn chưa quy định rõ cụ thể hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở xác định căn cứ theo cơ sở nào, tiêu chí nào thì được bố trí tái định cư; nên trong thực tế áp dụng chính sách còn chung chung. Quy định việc đầu tư xây dựng các khu, điểm để phục vụ tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất do Uỷ ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện; nhưng chưa quy định rõ nguồn vốn, kinh phí được bố trí hoặc sử dụng để đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ sản xuất tại các khu tái định cư. Nên trong thực tế triển khai áp dụng chính sách thiếu căn cứ cơ sở để thực hiện, gặp vướng mắc trong việc quyết định sử dụng nguồn vốn để đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư phục vụ các dự án bị thu hồi đất trên địa bàn, dẫn đến các địa phương thực hiện còn khác nhau và ngay giữa các dự án trong cùng một địa phương cũng có sự thực hiện khác nhau, gây ra sự thiếu và chậm trễ trong việc tạo lập nhà, đất tái định cư, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng đất nhà đối với đất thu hồi để thực hiện các dự án.
Ngoài ra nên chú trọng tới công tác giao đất cho các hộ tái định cư.
Tránh những trường hợp do thủ tục hành chính còn rườm rà dẫn đến công tác giao đất cho các hộ tái định cư còn gặp nhiều khó khăn.
Phần 5