Thiết kế bài dạy học

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp trực quan trong dạy học (Trang 69 - 75)

CHƯƠNG 3 QUY TRÌNH VÀ CÁC GIẢI PHÁP VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRỰC QUAN TRONG DẠY HỌC PHẦN I MÔN GDCD LỚP 10 Ở

3.1. Quy trình vận dụng phương pháp trực quan trong dạy học phần I

3.1.1. Giai đoạn chuẩn bị

3.1.1.4. Thiết kế bài dạy học

Để thực hiện một tiết lên lớp, công việc quan trọng, đầu tiên của giáo viên là phải tiến hành thiết kế bài dạy học theo hướng vận dụng phương pháp trực quan.

Trước khi tiến hành thiết kế một bài dạy học môn GDCD, đòi hỏi giáo viên cần chuẩn bị một số hoạt động sau:

Thứ nhất: Nghiên cứu nắm vững chương trình, nội dung sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo liên quan đến bài học.

Thứ hai: Nắm vững nội dung bài dạy để xác định mục tiêu, lựa chọn kiến thức cơ bản, trọng tâm.

Thứ ba: Chú ý đến đối tượng (người học) về trình độ nhận thức, nhu cầu cần lĩnh hội kiến thức, hứng thú để dự kiến cách thức, phương pháp dạy học nhằm tác động, kích thích, khơi dậy tính tích cực hoạt động của cá nhân học sinh.

Thứ tư: Xác định hình thức dạy học cho phù hợp với tâm lý học sinh và điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có của nhà trường.

Thứ năm: Xác định hình thức củng cố kiến thức, vận dụng tri thức đã học vào thực tế cuộc sống.

Thứ sáu: Dự kiến các tình huống sư phạm có thể xãy ra trong quá trình dạy học và cách xử lý của giáo viên.

Các bước thiết kế bài dạy học môn GDCD THPT

Các bước thiết kế bài dạy học môn GDCD THPT thường bao gồm 5 bước tương ứng với 5 nhiệm vụ cụ thể và được thực hiện theo một quy trình như sau:

Bước thứ nhất: Xác định mục tiêu bài dạy học GDCD.

Mục tiêu bài dạy học môn GDCD chính là cái cần phải đạt tới do người dạy đề ra khi thực hiện quá trình dạy học một bài cụ thể. Có ba dạng mục tiêu cần xác định khi dạy môn GDCD: Mục tiêu về kiến thức, mục tiêu về kỹ năng, mục tiêu về thái độ.

Mục tiêu về kiến thức có các mức độ:

+ Biết: Thể hiện khả năng nhận biết, ghi nhớ, tái hiện, định nghĩa được khái niệm…Đây là mức độ thấp nhất của việc tiếp nhận kiến thức và nó mang tính chất về số lượng.

+ Hiểu: Thể hiện khả năng giải thích, thông báo, thuyết minh, tóm tắt…

Đây là mức độ cao của việc tiếp nhận kiến thức và nó mang tính chất về chất lượng.

Mục tiêu về kỹ năng thể hiện ở các mức độ:

+ Bắt chước.

+ Thao tác thành thạo, dễ dàng (hành động tự nhiên).

+ Học sinh biết vận dụng kiến thức đã học vào tình huống trong thực tiễn, biết phân tích, so sánh, tổng hợp.

Chẳng hạn như xác định mục tiêu của Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất.

Mục tiêu của bài học này được xác định Về kiến thức

+ Hiểu được khái niệm vận động, phát triển theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

+ Biết được vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Phát triển là khuynh chung của quá trình vận động của sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan.

Về kỹ năng

+ Phân loại được năm hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất.

+ So sánh được sự giống nhau và khác nhau giữa vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng

Về thái độ

Xem xét sự vật và hiện tượng trong sự vận động và phát triển không ngừng của chúng, khắc phục thái độ cứng nhắc, thành kiến, bảo thủ trong cuộc sống cá nhân, tập thể.

Bước thứ hai: Xác định kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài dạy và cấu trúc các đơn vị kiến thức theo bài dạy học.

Mặc dù khối lượng kiến thức của môn học được đưa vào chương trình và sách giáo khoa GDCD cấp THPT đã được chọn lọc trên cơ sở của những khối lượng kiến thức của Triết học; Đạo đức học; Luật học; đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam… và được sắp xếp theo một logic khoa học và sư phạm. Nhưng trong thực tế dạy học môn GDCD nói chung, môn GDCD lớp 10 nói riêng, đã gặp không ít những khó khăn nhất là về quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, chẳng hạn như các em khó hiểu bài, không tiếp thu được kiến thức mà giáo viên đã truyền đạt… Điều này, theo chúng tôi thì một trong số những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là giáo viên chưa xác định được kiến thức cơ bản nên đã dạy theo kiểu “tham lam, ôm đồm kiến thức” làm cho học sinh rơi vào thế “bị rối”, bị “ức chế” hoặc chỉ truyền đạt những kiến thức đơn giản, sơ sài làm cho việc truyền thụ kiến thức không đảm bảo tính đầy đủ, cần thiết và khoa học; từ đó dẫn đến tâm lý chán học bộ môn, không kích thích được hứng thú của học sinh.

Vì vậy, biết lựa chọn xác định kiến thức cơ bản là kỹ năng đầu tiên của các giáo viên trong quá trình thiết kế bài dạy học và dạy học.

Tuy nhiên, để xác định kiến thức cơ bản của môn học có hiệu quả, giáo viên cần lưu ý những vấn đề sau:

- Nắm vững tính đặc thù và nhiệm vụ của bộ môn GDCD ở THPT.

Tính đặc thù của bộ môn GDCD là bộ môn thuộc khoa học xã hội – nhân văn. Kiến thức của bộ môn được khái quát từ nhiều môn khoa học xã hội chuyên ngành (Triết học; Đạo đức học; Pháp luật; Kinh tế - Chính trị) nên đặc tính của các khối lượng kiến thức môn GDCD là trừu tượng hóa cao, khái quát hóa cao và nó có vai trò là một công cụ để nhận thức bàn chất của thế giới khách quan.

Nhiệm vụ của môn học: Hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, phương pháp tư duy khoa học và nhân sinh quan đúng đắn cho người học (học sinh).

- Nắm vững chương trình, nội dung sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng môn học.

Có nắm vững chương trình, nội dung sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng môn học sẽ giúp cho giáo viên chủ động hơn trong việc chọn lọc, bổ sung, đi sâu hay giảm bớt những đơn vị kiến thức trong bài học mà không làm ảnh hưởng đến chuẩn kiến thức hay tính hệ thống của các đơn vị kiến thức.

- Nắm vững đối tượng (học sinh).

Do trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều so với mặt bằng chung về chuẩn kiến thức, cho nên giáo viên cần phải nắm vững đặc điểm đối tượng giảng dạy để có sự cân nhắc, lựa chọn kiến thức cơ bản tức là giáo viên có thể bổ sung, đi sâu, phát triển, nâng cao, giảm tải…sao cho vừa sức học sinh.

Bước thứ ba: Xác định hình thức tổ chức dạy học.

Tùy vào mục tiêu, nội dung bài học, đối tượng học sinh, điều kiện thời gian, phương tiện dạy học mà giáo viên có thể lựa chọn hình thức dạy học cho thích hợp nhất. Hình thức tổ chức dạy học môn GDCD ở THPT thường bao gồm các hình thức sau:

Hình thức tổ chức cho học sinh học cá nhân (tự học sách giáo khoa để nắm kiến thức, làm bài tập, trả lời những câu hỏi mang tính chất đàm thoại… Hình thức này áp dụng đối với những nội dung vừa sức, không khó đối với nhận thức của học sinh.

Hình thức tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm nhỏ (thảo luận nhóm).

Hình thức này thường phù hợp với những nội dung kiến thức có nhiều vấn đề

khó mà một học sinh không thể tự giải quyết được, đòi hỏi phải có sự hợp tác của nhiều cá nhân.

Hình thức tổ chức tranh luận, thảo luận cả lớp để tìm một thống nhất chung đối với một vấn đề nào đó. Hình thức này được vận dụng trong trường hợp những vấn đề có thể đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, hình thức tổ chức dạy học này có hạn chế ít phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhiều học sinh và tạo ra sự ỷ lại của một bộ phận học sinh trong lớp học, vì vậy mà nó ít được sử dụng trong quá trình dạy học.

Do mức độ của kiến thức cũng như mức độ nhận thức của học sinh không đồng nhất với nhau, nên trong một tiết lên lớp, giáo viên cần vận dụng kết hợp, đa dạng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy được tính tích cực của các cá nhân trong lớp học.

Bước thứ tư: Xác định phương pháp dạy học.

Xác định phương pháp dạy học trong thiết kế bài dạy học có vai trò quyết định đối với hiệu quả của việc thực hiện bài dạy học. Để có thể xác định tốt phương pháp dạy học, giáo viên cần căn cứ vào các cơ sở sau:

Thứ nhất: Căn cứ vào mục tiêu bài dạy học.

Tùy theo mục tiêu của mỗi bài mà có PPDH thích hợp.

Chẳng hạn như Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất.

(Sách giáo khoa GDCD lớp 10) có hai đơn vị kiến thức cơ bản:

- Thế giới vật chất luôn luôn vận động.

- Thế giới vật chất luôn luôn phát triển.

Tương ứng với hai đơn vị kiến thức trên là hai mục tiêu cần đạt:

- Hiểu được khái niệm vận động và phát triển theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

- Biết được vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Phát triển là khuynh chung của quá trình vận động của sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan.

Đối với mỗi đơn vị kiến thức, mỗi mục tiêu, giáo viên có thể dùng phương pháp trực quan kết hợp với thảo luận nhóm, tranh luận.

Thứ hai: Căn cứ vào nội dung của bài học

Tùy theo nội dung của bài học mà có phương pháp tiếp cận khác nhau, do đó không có PPDH nào thích hợp với tất cả các nội dung bài học. Vì vậy, khi xác định phương pháp dạy học, giáo viên nhất thiết phải căn cứ vào nội dung cụ thể của bài học.

Thứ ba: Căn cứ vào đối tượng học sinh

Trong lớp học, tất yếu sẽ có sự chênh lệch về trình độ, năng lực của học sinh, cụ thể về vốn kiến thức, về kỹ năng, tư duy . . . Do vậy, để kích thích nhu cầu, hứng thú khám phá, tiếp nhận tri thức của học sinh, giáo viên phải lựa chọn PPDH thích hợp với đối tượng học sinh.

Thứ tư: Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường:

Đây là yếu tố không mang tính quyết định nhưng nó có ảnh hưởng nhất định đến việc lựa chọn PPDH, ảnh hưởng đến hiệu quả tiết dạy. Chẳng hạn như: tài liệu, phương tiện dạy học, số lượng học sinh . . .

Thứ năm: Căn cứ vào năng lực, tay nghề của giáo viên:

Năng lực, tay nghề của giáo viên được thể hiện ở kinh nghiệm, thói quen, hiệu quả lựa chọn và vận dụng PPDH.

Tóm laị, mục đích của việc xác định, lựa chọn PPDH nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; kích thích được hứng thú học tập của học sinh trong quá trình dạy học.

Bước thứ năm: Xác định hình thức củng cố, đánh giá, vận dụng tri thức của học sinh.

Thông thường, hình thức củng cố, đánh giá, vận dụng tri thức của học sinh được tiến hành sau khi kết thúc bài học, nhằm đánh giá mức độ đạt được của mục tiêu bài học, khả năng lĩnh hội và vận dụng tri thức vào thực tiễn của học sinh.

Hình thức củng cố, đánh giá có thể bằng câu hỏi, bài tập tình huống nhưng phải tập trung vào mục tiêu, kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp trực quan trong dạy học (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(99 trang)
w