CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM
1.3. KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI TRUNG TÂM TRÁCH NHIỆM
Kế toán trách nhiệm được xác định dựa trên cơ sở xác định trách nhiệm của mỗi đơn vị cơ sở trong tổ chức. Mỗi một đơn vị cơ sở có một cá nhân chịu trách nhiệm về mặt tài chính đối với toàn bộ hoạt động trong đơn vị. Mỗi đơn vị như vậy gọi là một trung tâm trách nhiệm. Tổ chức các trung tâm trách nhiệm là khâu quan trọng sau khi đã có một cơ cấu tổ chức được phân cấp quản lý phù hợp và đúng đắn.
1.3.1. Sự hình thành các trung tâm trách nhiệm
Khái niệm trung tâm trách nhiệm dùng để chỉ một đơn vị được phân cấp quản lý của một doanh nghiệp mà nhà quản trị đơn vị được quyền điều hành, chịu trách nhiệm về kết quả trong việc hướng vào mục tiêu của doanh nghiệp.
Như vậy sự phân quyền và trách nhiệm chia doanh nghiệp thành các trung tâm trách nhiệm với các đặc điểm :
a.Về mặt kết cấu
Các trung tâm trách nhiệm là những hệ thống con vừa khác nhau vừa liên hệ với nhau hợp thành một chỉnh thể thống nhất là hệ thống kế toán trách nhiệm. Các hệ thống con này mặc dù khác nhau, độc lập với nhau nhưng chúng không tồn tại một cách cô lập trong hệ thống mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Như vậy :
- Nhìn theo chiều dọc của doanh nghiệp ta sẽ thấy được nất bậc trong bộ máy quản lý doanh nghiệp, đó là thứ bậc về quyền hạn của các trung tâm trách nhiệm.
- Nhìn theo chiều ngang ta sẽ thấy được cơ cấu các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, đó là các trung tâm trách nhiệm được phân chia theo đặc điểm ngành nghề kinh doanh.
b.Về mặt chức năng
Chức năng của các trung tâm trách nhiệm là một phần nhỏ chức năng của toàn bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên chức năng của doanh nghiệp không phải là phép cộng đơn giản chức năng của các trung tâm trách nhiệm. Hiệu ích của toàn hệ thống phải vượt lên tổng số hiệu ích đơn giản của các bộ phận cấu thành.
Việc tổ chức doanh nghiệp thành các trung tâm trách nhiệm có ưu điểm:
Chuyên môn hoá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, phản ứng nhanh với những biến động thị trường là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Với một qui mô khá lớn sự phân cấp quản lý sẽ tạo cho cơ cấu doanh nghiệp tính linh hoạt, phản ứng linh động trước mọi tình huống. Lợi ích thu được từ việc tổ chức kiểm soát nguồn lực doanh nghiệp phải lớn hơn chi phí bỏ ra cho việc vận hành
hệ thống kiểm soát nên hệ thống kế toán trách nhiệm chỉ thích hợp với những doanh nghiệp có qui mô lớn, hoạt động đa quốc gia hoặc đa sản phẩm.
Kịp thời điều chỉnh phương hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Kế toán trách nhiệm chia doanh nghiệp thành nhiều trung tâm nhỏ vừa độc lập vừa phụ thuộc với nhau. Sự độc lập của các trung tâm trách nhiệm giúp cho nhà quản lý có thể dễ dàng thực hiện sự thay đổi trong điều hành hoạt động của trung tâm khi có nhu cầu mà không ảnh hưởng đến các trung tâm khác.
Thúc đẩy cạnh tranh trong nội bộ doanh nghiệp
Hệ thống đánh giá các trung tâm trách nhiệm giúp phân biệt rõ ràng sự đóng góp của các bộ phận trong doanh nghiệp. Sự đánh giá này cộng với những phần thưởng khích lệ cho những trung tâm hoạt động tốt sẽ tạo ra được sự cạnh tranh trong doanh nghiệp. Sự cạnh tranh này nếu được hướng dẫn đúng sẽ có thể thúc đẩy các bộ phận khác nhau không ngừng sáng tạo cải tiến phương pháp thực hiện công việc nâng cao năng suất hoạt động của trung tâm, điều này còn có ý nghĩa lớn hơn là tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Kế toán trách nhiệm được xác định dựa trên cơ sở xác định trách nhiệm của mỗi đơn vị cơ sở trong tổ chức. Mỗi một đơn vị cơ sở có một cá nhân chịu trách nhiệm về mặt tài chính đối với toàn bộ hoạt động trong đơn vị. Mỗi đơn vị như vậy gọi là một trung tâm trách nhiệm. Tổ chức các trung tâm trách nhiệm là khâu quan trọng sau khi đã có một cơ cấu tổ chức được phân cấp quản lý phù hợp và đúng đắn.
1.3.2. Khái niệm về trung tâm trách nhiệm
Trung tâm trách nhiệm là một bộ phận phụ thuộc trong tổ chức mà người quản lý ở đó có quyền và trách nhiệm đối với kết quả tài chính của các hoạt động thuộc phạm vị mình quản lý.
1.3.3. Phân loại các trung tâm trách nhiệm
Một trung tâm trách nhiệm có bản chất giống như một hệ thống, mỗi hệ thống được phân định để xử lý một công việc cụ thể. Hệ thống này sử dụng các đầu vào là các giá trị vật chất như nguyên vật liệu, số giờ công của các loại lao động và các dịch vụ khác. Hệ thống sẽ làm việc với những nguồn này kèm theo các thiết bị sản xuất, vốn và các tài sản khác. Kết quả là các trung tâm trách nhiệm sẽ cho ra các đầu ra là các loại hàng hóa dịch vụ.
Căn cứ vào sự khác biệt trong việc lượng hóa đầu vào và đầu ra của các trung tâm trách nhiệm cũng như mức độ trách nhiệm của người quản lý trung tâm, người ta chia thành 4 loại trung tâm trách nhiệm: trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận và trung tâm đầu tư.
a. Trung tâm chi phí
Trung tâm chi phí là một bộ phận phụ thuộc trong tổ chức mà các nhà quản lý ở đây có quyền điều hành và có trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong trung tâm chi phí, đầu vào được đo lường bằng thước đo của tiền tệ, tại đây phát sinh các chi phí sản xuất và không trực tiếp tạo ra doanh thu.
Trong một doanh nghiệp, trung tâm chi phí thường được tổ chức gắn liền với các bộ phận, đơn vị thực hiện chức năng như phân xưởng sản xuất, phân xưởng phục vụ, bộ phận mua hàng, các phòng ban quản lý.
Trách nhiệm của nhà quản lý trung tâm chi phí là phải kiểm soát tốt các chi phí phát sinh ở đơn vị mình và đề ra các giải pháp để tiết kiệm chi phí.
b. Trung tâm doanh thu
Trung tâm doanh thu là một bộ phận phụ thuộc trong tổ chức mà nhà quản lý ở đây có quyền điều hành và có trách nhiệm đối với doanh thu đạt được trong phạm vi quản lý của mình.
Trong một doanh nghiệp, trung tâm doanh thu thường được tổ chức gắn liền với các bộ phận, đơn vị thực hiện chức năng bán sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp như các cửa hàng, quầy hàng.
c. Trung tâm lợi nhuận
Trung tâm lợi nhuận là một bộ phận phụ thuộc trong tổ chức mà người quản lý ở đây có quyền và trách nhiệm đối với lợi nhuận đạt được trong phạm vi mình quản lý. Do lợi nhuận được xác định bằng chênh lệch giữa doanh thu và chi phí nên các nhà quản lý trung tâm lợi nhuận có trách nhiệm đối với sự phát sinh của cả doanh thu và chi phí.
Trong một doanh nghiệp, trung tâm lợi nhuận thường tổ chức gắn liền với các chi nhánh, các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.
d. Trung tâm đầu tư
Trung tâm đầu tư là một bộ phận phụ thuộc trong tổ chức mà các nhà quản lý ở đây có quyền và trách nhiệm đối với lợi nhuận và vốn đầu tư mà trung tâm sử dụng để tạo ra lợi nhuận. Trung tâm đầu tư là bộ phận trách nhiệm có quyền lực cao nhất trong tổ chức.