Sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động nhận thức cuộc sống, trong đó đối tượng quan tâm hàng đầu là con người, “bởi con người là phạm trù cơ bản của văn hoá, là nội dung cơ bản của văn học và trình độ ý thức về con người đánh dấu trình độ phát triển của văn học” [75, tr.73].
Con người tồn tại như thế nào trong tự nhiên và xã hội ? Căn bản giá trị con người là ở đâu và làm sao để đạt được chân giá trị ?... Những câu hỏi ấy vẫn luôn đeo đuổi mọi người, mọi dân tộc, mọi thời đại và tôn giáo, triết học cùng với văn học sẽ phải tiếp tục trả lời. Con người trong văn học luôn mang tính quan niệm, mặc dù không đồng nhất với con người theo cách giải thích của tôn giáo và triết học, nhƣng chịu sự chi phối lớn của chúng, tức là đã có sự chuyển hoá từ tôn giáo, triết học sang quan niệm nghệ thuật. Ngoài ra, hình tượng con người trong tác phẩm còn có mối liên hệ chặt chẽ với thời đại, cá tính và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ trong quá trình nhào nặn ra nó.
1.2.1. Hình mẫu con người truyền thống, thời đại và cá nhân
Chịu sự chi phối của tư tưởng vũ trụ cổ, con người trong quan niệm của người Trung Quốc là một kiểu con người tương thông với trời đất, tương hợp với thiên nhiên theo mô hình Thiên - Địa - Nhân, “vạn vật có đầy đủ ở nơi ta” cùng với những mệnh đề “Thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân tương dữ...”. Những quan niệm truyền thống này mở ra khuynh hướng lý tưởng cho việc nhìn nhận sự tồn tại của con người trong mô thức vũ trụ. Dịch truyện từng nói: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Sự vận chuyển của trời đất rất mạnh, người quân tử cũng
theo trời mà tự cường không nghỉ). Thoạt nhìn, các quan niệm này có vẻ như đề cao con người, nhưng sự giải thích tồn tại của con người như là một bộ phận không thể tách rời, chịu chi phối của trời (tự nhiên), của vũ trụ thực chất là đã thủ tiêu sự tồn tại độc lập của con người với tư cách cá nhân.
Trong ý thức xã hội, các trào lưu triết học như Nho gia, Mặc gia cũng không đề cao con người tồn tại với tư cách là một cá nhân độc lập. Con người chỉ có thể khẳng định đƣợc giá trị trong các mối quan hệ xã hội, cao nhất là quan hệ với Vua, đại diện cho Quốc gia, cho quần thể. Nho giáo đề cao Con Người với ý nghĩa chung nhất như “con người là linh hồn của vạn vật” (Thượng thư) hoặc con người
“là cái quý nhất trong thiên hạ” (Tuân Tử). Là thứ quý nhất, nhưng con người cũng chỉ hơn cầm thú ở chỗ có đức, như Chu Hy sau này đã nói : “Con người là tối linh vì có đầy đủ ngũ thường... Cầm thú vì hôn mê nên không có đầy đủ” [134, tr. 170].
Có lẽ Tuân Tử là người đầu tiên kiến giải bản chất con người trên tinh thần nhân văn nhất khi tuyên dương tính bản năng. Theo Tuân Tử, con người chỉ khác cầm thú ở chỗ “nhị túc nhi vô mao” (có hai chân, không có lông), còn bản tính con người cũng “đói muốn ăn, lạnh muốn ấm, mệt muốn nghỉ, tham lợi mà ghét hại”.
Cách nhìn nhận này rất tiếc chỉ là một ánh chớp yếu ớt trong đêm đen, chƣa đủ sức khẳng định con người tồn tại với tư cách là một cá thể sinh động trong đời sống tư tưởng của người Trung Quốc cổ đại. Con người chỉ được khẳng định ở phương diện vĩ đại, thiên sứ còn cái cá nhân là đối tƣợng để “khắc”. Khổng Tử đã từng dạy học trò : “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” và “Nhân giả, ái nhân” (Luận ngữ - “Nhan Uyên”). Đối với kỷ - cá nhân - thì phải “khắc”; đối với “nhân” - quần thể - thì phải
“ái” của Nho giáo kết hợp với “kiêm ái” (thương yêu rộng rãi) của Mặc Tử là một sự áp chế cá nhân nặng nề nhất trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Chương Bồi Hằng trong lời “Đạo luận” sách Trung Quốc văn học sử trên lập trường mới về tinh thần nhân văn đã thừa nhận : “Chậm nhất là đến đời Chu, áp chế cá nhân đã trở thành chủ lưu của nền văn hoá nước ta (tức Trung Quốc - TTH chú). Hiển học Nho
- Mặc thời Chiến quốc đều áp chế cá nhân”. Ông cũng chứng minh thêm rằng, mầm mống của tư tưởng này vốn có từ Thượng thư [143,tr.28-29].
Chịu sự chi phối nặng nề của quan niệm về con người truyền thống, kết hợp với những quan điểm văn nghệ Nho giáo, văn học cổ Trung Quốc (phương Đông nói chung) thường thiên về xây dựng những hình mẫu con người vô ngã, phi ngã, một kiểu con người lý tưởng “đầu đội trời chân đạp đất” trong một tư thế vũ trụ tiêu biểu; hoặc quên thân, xả kỷ để đối phó và thực hiện tốt phận sự trong cuộc đời với tƣ cách một kẻ làm tôi, làm con, làm chồng... trong mối liên hệ với quần thể.
Và tất nhiên, cá nhân sẽ bị hoà tan, bị thui chột. “Ở Trung Quốc, sự hoà tan cá nhân đã đạt đến mức tối đa, đến nỗi không còn có gì của riêng mình để người ta phải che giấu với gia đình hay bộ tộc” [51, tr.221].
Nhưng, con người trong văn học còn có sinh mệnh riêng của nó. Sáng tạo nghệ thuật tuy chịu sự chi phối của tư tưởng thời đại song nó có qui luật đặc thù.
Lịch sử văn học đã chứng minh không hiếm trường hợp tư tưởng văn học vượt lên trên tư tưởng thời đại. Hơn nữa, bản thân các trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tư tưởng ở Trung Quốc cổ xưa là Nho - Phật - Đạo, trong khi chủ trương vô ngã, phi ngã, diệt ngã... vẫn dành phần cho cái ngã của con người thi triển. “... Cả Đạo, Phật, Nho tam giáo đều chủ trương lý tưởng phi ngã, vô ngã, vô kỷ nhƣng không hề là một sự diệt ngã tuyệt đối. Trái lại, tất cả đều dựa vào phẩm chất cá nhân để giải phóng cho cái ngã nội tại khao khát tự do được bước sang một thế giới khác không gò bó, không tạm bợ” [75, tr. 75].
Song song với kiểu con người tinh thần lý tưởng chiếm địa vị chủ đạo trong thơ ca là một kiểu con người tự ý thức, tự biểu hiện với tư cách là một cá nhân độc lập. Thời Chiến quốc, nền văn hoá phương Bắc bắt đầu du nhập vào phương Nam để hình thành ở Khuất Nguyên (340 - 277 trCN) một con người vừa theo đuổi lý tưởng giúp vua, báo quốc vừa có một Khuất Nguyên trọng cá nhân, trọng tự do, kiên quyết tu danh, giữ vững phẩm hạnh cá nhân để không hùa theo thói đời “triêu
Tần mộ Sở” là một kiểu biểu hiện ý thức cá nhân theo khuynh hướng lý tưởng.
Thời Hán mạt, sự đổ vỡ của tư tưởng đại nhất thống đã khiến tư tưởng con người khai thoáng hơn, hoàn cảnh xã hội cũng trở nên bộn bề, phức tạp hơn là điều kiện để ý thức cá nhân bộc phát. Cổ thi thập cửu thủ xuất hiện trong thời Đông Hán là sáng tác của nhiều người, trong đó ý thức báo quốc, báo minh chủ và những tiêu chuẩn đạo đức theo khuynh hướng lý tưởng đã được thay thế bằng sự thở than về đời người ngắn ngủi, cấp thời hành lạc. Thời kỳ Ngụy Tấn - Nam Bắc triều, sáng tác của “Trúc Lâm thất hiền”, Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận, Tạ Diểu... đối lập ý nghĩa của đạo đức với đời sống cá nhân, bài xích việc dung hợp đời sống cá thể với sự nghiệp quần thể, trình bày những trăn trở về giá trị của sinh mệnh, của đời sống thực... là bước phát triển vững chắc của ý thức cá nhân. Người ta còn dùng quan điểm cá nhân để bình phẩm người khác (Thế thuyết tân ngữ - Lưu Nghĩa Khánh), căn cứ vào phẩm hạnh và tài năng để định giá tác phẩm (Văn tâm điêu long - Lưu Hiệp), thậm chí Chung Vinh còn dựa hẳn vào sự cảm thụ chủ quan mà định phẩm trật cho 122 vị thi nhân từ thời Hán Ngụy đến Tề Lương (Thi phẩm)...
Sự thể hiện một con người cá nhân phức tạp trong sáng tác của Lý Bạch rõ ràng không phải là một hiện tượng quá đột xuất. Ông chỉ là người kế thừa và phát triển cái ý thức cá nhân - tất nhiên là cá nhân phong kiến lên đến đỉnh cao trong sáng tác mà thôi.
Con đường hình thành kiểu con người cá nhân biểu hiện tương đối đa dạng và phức tạp trong thơ Lý Bạch là sự hội tụ của ba yếu tố căn bản : Môi trường văn hoá truyền thống, yếu tố thời đại và hoàn cảnh cá nhân.
Có thể Lý Bạch không phải là người Hán và từ nhỏ ông đã sống ở vùng Ba Thục (Tứ Xuyên), cái nôi của văn hoá phương Nam, nhưng đến thời Đường, hai dòng văn hoá Bắc - Nam mà đặc trƣng là Nho - Đạo đã có sự dung hợp. Lý Bạch được đào luyện trong môi trường văn hoá ấy. Đối với Nho giáo, tuy có lúc Lý Bạch đả kích thói “độc thiện”, có lúc cười cợt cả thánh nhân nhưng ông không hề chống
đối Nho giáo nói chung. Ông chỉ chống bọn hủ nho và không chấp nhận sự ràng buộc quá khắt khe về những quy phạm đạo đức lễ nghĩa cũng như chủ trương
“khắc kỷ” của Nho giáo. Do vậy mới có một Lý Bạch ôm ấp lý tưởng lập công dựng nghiệp, một nhiệt tâm cháy bỏng với thời cuộc trong cuộc đời thực và trong thơ ca, tuy những biểu hiện có lúc khác thường song vẫn là dấu ấn của Nho giáo.
Lý Bạch xuất thân ở vùng Trung Á, Toái Diệp, đến năm tuổi thì về Tứ Xuyên - căn cứ địa của Đạo giáo với những danh sơn nhƣ Đới Thanh sơn, Thanh Thành sơn... Do vậy từ thuở nhỏ ông đã tiếp xúc với Đạo giáo : “Ngũ tuế thông Lục giáp” (Năm tuổi hiểu Lục giáp - Thướng An Châu Bùi Trưởng sử thư). “Lục giáp” là đạo thuật, cũng là tên một vị thần có năng lực sai khiến, xua đuổi quỷ thần, đồng danh với Ngũ đế, Lục đinh, Lục phù của Đạo giáo [99, tr. 410]. Trong Tặng Trương Tướng Cảo, Lý Bạch cũng thừa nhận năm mười lăm tuổi, ông đã đọc hết
“kỳ thƣ” của Đạo giáo (Thập ngũ quán kỳ thƣ). Lý Bạch cũng đã từng giao du với các đạo sĩ nổi tiếng đương thời như Nguyên Đan Khâu, Nguyên Diễn, Tử Dương tiên sinh, Sầm Liêu Tử... và từng học đạo ở bốn địa phương khác nhau, trước sau có Mân Sơn (Tứ Xuyên), Tung Sơn (Hà Nam), Tuỳ Châu (Hồ Bắc) và Sơn Đông.
Lý Bạch yêu thích Đạo giáo (mặc dù ông không hề là tín đồ Đạo giáo đích thực) bởi một phần vì Đạo giáo ngợi ca và tuyên dương cuộc sống hiện thế (bởi thế mới luyện thuốc trường sinh, tu tiên, luyệt cốt... để kéo dài tuổi thọ). Lý Bạch vừa tiếp thu vũ trụ quan tự nhiên vô vi của Lão Trang, vừa có thực tiễn luyện đan, cầu trường sinh của phái Đạo giáo thần tiên, vừa tiếp thu “đạo lục” của phái Đạo giáo phù thuỷ. Tất thảy góp phần hình thành con người yêu thích tự do, theo đuổi sự giải phóng cá nhân, tuyên dương sự hoan lạc trong đời sống hiện thực... là những nội dung quan trọng trong thơ ca Lý Bạch.
Là một lực lượng xã hội, tầng lớp du hiệp tuyên dương những công tích kỳ vĩ, những sự nghiệp anh hùng nhƣng đồng thời cũng muốn bảo toàn sinh mệnh
“công thành thân thoái”... dường như rất phù hợp với cá tính của Lý Bạch. Có thể,
giữa Nho và Đạo, Lý Bạch đã tìm thấy và chọn cho mình một con đường mang tính chiết trung là Du hiệp. Gần trăm bài thơ có liên quan đến hình tƣợng hiệp khách, Lý Bạch ca tụng những con người lấy tiết nghĩa làm đầu, tán tụng tự do, bình đẳng. Trong cuộc đời thực, Lý Bạch cũng đã từng muốn mình trở thành một hiệp khách thực thụ và ông không hề giấu giếm lòng tự hào về điều này khi ông viết thư cho Hàn Kinh Châu : “Mười lăm tuổi thích kiếm thuật” (Thập ngũ hiếu kiếm thuật). Sự sùng bái du hiệp ở Lý Bạch có lẽ bắt nguồn từ hoàn cảnh sống, nền giáo dục của gia đình từ thời niên thiếu, khí chất hƣng phấn của tuổi thanh niên trên cơ sở chịu ảnh hưởng của tinh thần thời đại.
Chọn lựa những tinh tuý của các trào lưu triết học, tôn giáo truyền thống để hoàn thiện nhân cách, cá tính, có thể xem đây là cơ sở để hình thành một kiểu con người cá nhân tương đối phức tạp được biểu hiện trong thơ ca Lý Bạch.
Dưới sự trị vì của Đường Minh Hoàng (712 - 756), Vương triều Lý Đường đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện. Nền kinh tế phồn vinh, nhiều đô thị thương nghiệp lớn xuất hiện dần dần hình thành một tầng lớp thương nhân và thị dân đông đảo. Tầng lớp này ít chịu sự chi phối ngặt nghèo của những quy phạm truyền thống. Những cuộc chiến tranh khai biên (mở rộng biên giới) liên tục đƣợc phát động, hình thành xung quanh Trung Quốc những phiên bang (An Nam, An Đông, An Tây đô hộ phủ). Hào quang của chiến tranh thôi thúc sự hƣng phấn của kẻ sĩ đương thời - tất nhiên cũng chỉ ở giai đoạn đầu, khi mà tuyệt đại đa số trong số họ vẫn mơ hồ về bản chất của chiến tranh. Bên cạnh đó, chế độ tuyển lựa nhân tài của nhà Đường theo con đường thi cử đã đi vào thường quy, kẻ sĩ có điều kiện để thi thố tài năng (tất nhiên là ở phương diện lý thuyết mà chưa tính đến khả năng thực tiễn)... Tất cả những khía cạnh ấy làm hình thành một tinh thần thời đại, một “phong khí Thịnh Đường” phấn phát, hướng thượng và là cơ sở để mọi cá nhân có điều kiện tự khẳng định mình bằng nhiều con đường : Tòng quân để kiếm ấn phong hầu, thi cử để bước chân vào hoạn lộ hoặc chờ đợi thời cơ được tiến cử
(Lý Bạch và Đỗ Phủ chẳng hạn). Nhưng, từ trong lòng tinh thần phấn phát, hướng thượng ấy, những mặt trái của xã hội đã bộc lộ. Dường như Đường Minh Hoàng đã thỏa mãn với những gì mình đã gặt hái đƣợc, về cuối đời, ông vua già này lại đắm mê tửu sắc, tin dùng gian thần, hoạn quan, bỏ bê triều chính...và kết cục tất yếu là cuộc binh biến An Lộc Sơn-Sử Tử Minh (sử sách gọi là “ An - Sử chi loạn”, 755 - 764) bộc phát, đẩy xã hội phong kiến nhà Đường đi vào con đường suy vong mọi mặt. Từ đây, chính quyền trung ƣơng không thể khống chế đƣợc nạn phiên trấn;
hàng triệu người bị ném vào lò lửa chiến tranh (70% dân Trung Hoa chết trong 8 năm binh biến này [59, tr.208]; nền kinh tế bị phá hoại nghiêm trọng... Sống trọn cuộc đời trong thời kỳ phồn vinh nhất của xã hội Thịnh Đường, lại vừa dự cảm được những mầm mống của loạn lạc, vừa trực tiếp chứng kiến bước ngoặt lịch sử chuyển từ thịnh sang suy của xã hội là yếu tố quan trọng để con người cá nhân Lý Bạch bộc lộ mình đầy đủ nhất: Vừa đeo đuổi công danh sự nghiệp để khẳng định cái danh với đời sau, vừa yêu thích tự do, giải phóng cá tính và tận hưởng cuộc sống hiện thế, vừa lý tưởng vừa trần tục đời thường đan xen, hoà quyện. Thực ra những biểu hiện này không chỉ riêng có ở Lý Bạch mà của cả một thời đại, cũng không phải chờ đến cuộc binh biến An - Sử mới đƣợc dịp phát tiết. Những nhân vật đƣợc đề cập trong Ẩm trung bát tiên ca của Đỗ Phủ có thể gồm thâu tất cả các đại biểu của thời đại : Có thân vương (Nhữ Dương Vương), có quan lớn (Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi), có tín đồ Phật giáo (Tô Tấn), có đạo sĩ (Thôi Tông Chi), có nhà thơ (Lý Bạch), có nhà nghệ thuật (Trương Húc), có cả nhà du thuyết (Tiêu Toại)... không ai giống ai nhƣng đều tự do, phóng túng, thậm chí thoạt trông có vẻ sa đà, đồi trụy nhƣng kỳ thực đó là biểu hiện của một sự phản kháng lại những lề thói, những quy tắc để đạt đến chỗ giải phóng cá nhân. N.Konrat khi xem Lý Bạch cùng với Vương Duy, Đỗ Phủ là những “nhà thơ đầu tiên của phong trào phục hƣng ở Trung Quốc”, trong đó nhấn mạnh vị trí của Lý Bạch [45, tr.78] hẳn đã đặc