Chương 1 TỔNG QUAN VĂN HOÁ - XÃ HỘI VIỆT NAM - LÀO
2.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau
2.1.2.1. Đúc kết kinh nghiệm về sản xuất
Gần 80% người Việt Nam và người Lào là cư dân nông nghiệp nên tục
ngữ nói về công việc nhà nông (làm ruộng) chiếm đa số trong mảng tục ngữ Việt và Lào nói về lao động sản xuất. Theo nhịp điệu tuần hoàn của thời tiết, một năm người nông dân miền Bắc Việt Nam và ở Nam Lào thường trồng lúa vào hai vụ: vụ chiêm và vụ mùa. Họ còn phải “trông trời, trông đất, trông mây...”, bởi thời tiết có ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến kết quả của mùa vụ và cây trồng. Tuy nhiên, thời vụ và kinh nghiệm kỹ thuật canh tác ở mỗi nước lại có những nét riêng do đặc điểm thời tiết và địa hình quy định.
Ở Việt Nam, nhiều câu tục ngữ đã ghi lại những kinh nghiệm sản xuất, trong đó nghề nông, nghề trồng trọt, chăn nuôi còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Có loại thời tiết ích lợi cho loại cây này nhưng rất hại cho loại cây khác: “Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bấc là duyên lúa mùa”, “Gió heo may mía bay lên ngọn”, “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”... Cùng một hiện tượng thời tiết mà loại cây này được mùa, còn loại cây khác lại mất mùa: “Được mùa cau đau mùa lúa”, “Được mùa nhãn vãn mùa cau”, “Được mùa dưa sưa mùa lúa”, “Được mùa quéo, héo mùa chiêm”, “Được mùa xoài, còi mùa lúa”. Bởi mỗi loại cây trồng có những nhu cầu về thời tiết và dinh dưỡng khác nhau. Có những kinh nghiệm mà tục ngữ đưa ra chỉ phù hợp với từng vùng, không mang tính phổ biến, bởi Việt Nam là nước đa dạng về địa hình nên một hiện tượng thời tiết mang lại lợi ích cho vùng này thì lại gây bất lợi cho vùng khác: “Được mùa Nam Ngạn, khốn nạn mọi nơi”. Mỗi loại cây trồng cũng chỉ thích ứng với từng thời gian, mùa vụ mà thôi: “Tháng ba dâu trốn, tháng bốn dâu về” (về trồng dâu); “Tháng chạp mà cấy mạ non, thà rằng công ấy ẵm con ở nhà” (một kinh nghiệm canh tác); “Chiêm khô bầu, mùa sầu rơm”, “Tháng giêng trồng trúc, tháng lục trồng tiêu”, “Tháng mười có sấm, cấy trên nấm cũng được ăn”... Đôi khi mùa vụ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật nuôi, cây trồng: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy” hoặc đến chất lượng của món ăn: “Mùa hè cá sông, mùa đông cá biển”. Bởi vậy,
những kinh nghiệm trồng lúa, chăm bón, chọn giống, thu hoạch lúa của hai vụ nói trên được phản ánh khá rõ trong tục ngữ. Các câu “Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau”, “Chiêm cấy to tẽ, mùa cấy nhẻ con”, “Chiêm thối cỏ, mùa nỏ đất”, “Chiêm xấp xới, mùa đợi nhau”, “Chiêm yên gốc, mùa trốc rễ”, “Lúa chiêm là lúa bất nghì, cấy trước trỗ trước chẳng thì đợi ai”, “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”... nói về đặc tính sinh trưởng của các loại lúa trong từng vụ. Tục ngữ còn đi vào những kỹ thuật cụ thể hơn, từng công đoạn của mỗi vụ như: “Hòn đất nỏ một giỏ phân”, “Nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt”, “Nhất cày ải, nhì vãi phân” về kinh nghiệm cày bừa;
“Cơm quanh rá, mạ quanh bờ”, “Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa” về cách chọn giống; “Nhặt hàng sông, đông hàng con”, “Lúa chiêm thì cấy cho sâu, lúa mùa thì gẩy cành dâu mới vừa”, “Mạ chiêm đào sâu chôn chặt, mạ mùa vừa đặt vừa đi”, “Mạ úa cây lúa chóng xanh, gái dòng chóng đẻ sao anh hững hờ”, “Lập thu mới cấy lúa mùa, khác nào hương khói lên chùa cầu con”, “Tua rua thì mặc tua rua, mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền”,
“Mùa hơn đêm, chiêm hơn sương” về kinh nghiệm cấy lúa theo từng thời vụ, từng loại đất, loại mạ; “Một lượt tát, một bát cơm”, “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” về kinh nghiệm chăm bón lúa; “Nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống” về vai trò của nước, phân, sự chuyên cần và giống... Ngoài ra, còn có một số câu tục ngữ nói về kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá... như các câu “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen” (kinh nghiệm trồng khoai), “Ao sâu tốt cá” (kinh nghiệm nuôi cá), “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” (kinh nghiệm chài lưới), “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, “Tạnh trời mây kéo về non, hẹn cùng cây cỏ chớ còn mong mưa”... (ảnh hưởng của nắng mưa đối với cây trồng). Nhiều kinh nghiệm mà tục ngữ đưa ra có thể đem áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng cũng còn có những kinh nghiệm không đúng, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Câu “Chiêm bớt ra, mùa tra
vào” (1) và câu “Chiêm cấy to tẽ, mùa cấy nhẻ con” (2) phổ biến hai kinh nghiệm cấy lúa vụ chiêm và vụ mùa trái ngược nhau. Theo chúng tôi, câu (2) đúng với kỹ thuật trồng lúa của người nông dân đồng bằng Bắc bộ vì vụ chiêm cấy vào tháng giêng âm lịch, mùa khô, có ải, cây lúa đẻ nhánh và sinh trưởng nhanh, cần cấy ít mạ. Còn vụ mùa cấy dầm (tháng 6 âm lịch), năng suất thấp hơn nhưng gạo lại ngon hơn.
Tục ngữ Lào cũng có những câu đúc kết kinh nghiệm trong nghề nông.
Đó là kinh nghiệm về gieo mạ: “Đườn hốc hạy vàn cạ, đườn hạ hạy pèng thảy” (“Tháng sáu hãy gieo mạ, tháng năm hãy sửa cày”); là sự đầu tư cho sản xuất cũng cần thiết như đầu tư cho kinh doanh: “Hết na dà pheng cạ, pay khạ dà pheng thưn” (“Làm ruộng đừng tiếc mạ, đi buôn đừng tiếc vốn”); là kinh nghiệm be bờ giữ nước: “Hết na bò ti hày, liệng cày bò hì hằng” (“Làm ruộng không be bờ, nuôi gà không đậy ổ”). Họ đánh giá cao giá trị thổ nhưỡng của những thửa ruộng ở góc làng bởi đó là những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ: “Khăm thò hủa mả bò thò na tin bạn” (“Vàng bằng đầu chó sao bằng ruộng xó làng”). Qua thực tế sản xuất, người nông dân Lào rút ra kết luận không những cho công cuộc làm ăn sinh sống mà cho cả cuộc đời nữa: “Muốn làm rẫy phải tìm dao, muốn làm ruộng phải tìm cày”. Và người nông dân Lào cũng thấy những khâu cốt yếu trong nghề nông là nước, phân, cần, giống như người Việt nên mới có câu “Na đì thảm hả khậu pục, lục đì thảm hả phò hả mè” (“Ruộng tốt tìm hỏi lúa giống, con tốt tìm hỏi cha mẹ chúng”) hoặc các câu “Dạc hụ na ngam hạy bờng nò cạ, dạc hụ mạ đì hạy bờng nham lèn” (“Muốn biết ruộng đẹp hãy nhìn mầm mạ, muốn biết ngựa hay hãy xem lúc chạy”), “Ruộng tốt vì phân, ấm chỗ vì con gái nhiều, ruộng tốt vì mạ, dao sắc vì đá mài, ruộng tốt vì bờ, lợn béo vì người nuôi đảm” nói về vai trò của phân, của mạ, của việc be bờ giữ nước, giữ chất màu trong sản xuất nông nghiệp. Những câu tục ngữ Lào nói trên minh chứng cho chúng ta
thấy rằng, Lào là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, có phương thức canh tác giống Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác.