Chương 1 TỔNG QUAN VĂN HOÁ - XÃ HỘI VIỆT NAM - LÀO
3.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau
3.1.3.2. Hiện tượng không vần trong tục ngữ
Có thể nói, vần là “chất thơ” của tục ngữ. Nhưng mức độ hấp dẫn của vần cũng như vai trò, giá trị của câu tục ngữ lại không phụ thuộc vào vần.
Tuy nhiên, không phải mọi câu tục ngữ đều có vần. Tục ngữ cổ truyền người Việt và người Lào có rất nhiều câu không vần nhưng vẫn rất hay. Có thể dẫn ra hàng loạt câu tục ngữ không vần nhưng nghe vẫn xuôi tai, bởi tính nhịp nhàng, cân đối của chúng, thí dụ các câu “Voi chết về ngà, chim chết về lông”, “Leo cao ngã đau”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Ôm rơm nhặm bụng”, “Thả vỏ quýt, ăn mắm ngấu”... TN Việt) và các câu “Càu thực bòn khăn” (“Gãi đúng chỗ ngứa”), “Chắp pu xày động” (“Bắt cua bỏ nia”),
“Hả hàu ma xày hủa” (“Bắt chấy bỏ vào đầu”)… (TN Lào). Ngược lại, có những câu tục ngữ có vần nhưng cũng không hay, bởi vì cái làm nên giá trị của chúng không phải do vần mà do mối quan hệ giữa “cái phản ánh” và “cái được phản ánh” có hài hoà hay không. Vần không phải là yếu tố để tạo ra phát ngôn hay cú pháp mà có chức năng liên kết giữa các vế tạo thành những phát ngôn có nội dung hoàn chỉnh. Sáng tác tục ngữ là để nói chứ không phải để ngâm. Vần trong tục ngữ chỉ là để tạo ra “những câu văn đọc nghe xuôi tai để dễ nhớ, dễ lưu truyền và phổ biến một cách có hiệu quả những kinh nghiệm trong quần chúng” [36, tr.111].
Qua thống kê về vần tục ngữ Việt ở Phụ lục 4 (tr.214), (Hình 8), tục ngữ Lào ở Phụ lục 5 (tr.215), (Hình 9), cho thấy, số câu tục ngữ vần cách là tương đối phổ biến (Việt 36,08%, Lào 42,12%); tiếp đến là những câu không
vần (Việt 43,4%, Lào 40,38%), những câu vần liền (Việt 18,03%, Lào 16,49%) và vần hỗn hợp (Việt 2,49%, Lào 1,01%).
Hình 8: Vần trong tục ngữ Việt
Vần liền 18,03%
Không vần 43,4%
Vần hồn hợp 2,49%
Vần cách 36,08%
Không vần Vần liền Vần cách Vần hồn hợp
Hình 9: Vần trong tục ngữ Lào
Vần liền 16,49%
Không vần 40,38%
Vần hồn hợp 1,01%
Vần cách 42%
Không vần Vần liền Vần cách Vần hồn hợp
3.1.4. Nhịp
Nhịp là yếu tố không thể thiếu trong tục ngữ. Nó thể hiện qua sự tạm ngắt, ngừng khi nói và bắt nguồn từ sự cấu trúc hoá tục ngữ khi người ta làm nó. Nhịp điệu không chỉ có chức năng thi pháp như êm tai, dễ nhớ mà còn có chức năng cú pháp và chức năng biểu nghĩa, bởi nhịp điệu là “yếu tố ngoại hình làm thành đặc trưng ngữ điệu của tục ngữ, khiến cho tục ngữ vừa có nhạc điệu vừa ổn định trong cấu tạo của nó” [63, tr.53]. Nhịp trong tục ngữ khá đa dạng và linh hoạt gồm: nhịp một - một (xuất hiện không nhiều và chỉ có trong thể loại tục ngữ mà không tìm thấy ở những thể loại văn vần khác của loại hình văn học dân gian, thí dụ: “Chim/ thu/ nụ / đé” (TN Việt), “Pà/
nhày/ kìn/ pà/ nọi” (“Cá lớn/ nuốt/ cá bé”) (TN Lào). Ngoài ra, phần lớn tục ngữ có nhịp lệch và nhịp cân đối. Nhịp lệch sẽ tạo ra câu có cấu trúc lệch, nghĩa là tạo ra số âm tiết không đều nhau ở hai vế của tục ngữ, thí dụ:
“Già/chơi trống bỏi” (TN Việt) và: “Khoai thạu/mắc nhạ òn” (“Trâu già/
thích cỏ non”) (TN Lào) thuộc nhịp một - ba hoặc hai - ba; “Không thầy/ đố
mày làm nên” (TN Việt) và: “Cày căn/pan phạ cắp đin” (“Xa nhau/ như trời với đất”) (TN Lào) thuộc nhịp hai - bốn; “Đẹp phô ra/ xấu xa đậy lại” (TN Việt) và: “Tì hủa pa/xạ nươn hủa nạc” (“Đánh đầu cá/ làm rung đầu rồng”
(TN Lào) thuộc nhịp ba - bốn; “Sợ hẹp lòng/ không ai sợ hẹp nhà” (TN Việt) và: “Tài pền phỉ/ đì quà nhăng pền khọi” (“Chết làm ma/ hơn sống làm nô lệ” (TN Lào) thuộc nhịp ba - năm; “Già được bát canh/ trẻ được manh áo mới” (TN Việt) và: “Cốp tài nhọn pạc/khăn khạc tài nhọn xiểng” (“Ếch chết vì miệng/ cóc tía chết vì tiếng”) (TN Lào) thuộc nhịp bốn - năm; “Ăn không thì hóc/ chẳng xay thóc cũng phải ẵm em” (TN Việt) và: “Mốt đông nhăng làu/ mốt thạu càu nhăng lúc nhăng lản” (“Hết (rừng) rậm còn (rừng) thưa/
hết người già còn con còn cháu”) (TN Lào) thuộc nhịp bốn - bảy,... Tính không đơn điệu trong cách ngắt nhịp của tục ngữ Việt và tục ngữ Lào còn được thể hiện ở nhiều trường hợp đặc biệt khác. Trong một câu có thể có nhiều loại nhịp, thí dụ: “Vui xem hát/ nhạt xem bơi/ tẻ tơi xem hội/ bối rối xem đám ma/ bỏ cửa bỏ nhà xem giảng thập điều” (TN Việt), “Xạt tạ xỉn/
khuôn hằm hiên àu/ pền đằng nặm/ khưa khẩu đoọc mạc nặn ma” (“Mọi điều nên tích cóp học lấy, năng nhặt sớm chiều ắt là thừa thãi”) (TN Lào).
Như trên đã nói, nhịp lệch sáu - tám, có vần cách năm tiếng thì cấu trúc câu tục ngữ Việt lại trùng với cấu trúc câu ca dao hoặc câu thơ thể lục bát.
Trường hợp này không xuất hiện trong tục ngữ Lào, thí dụ: “Ghe bầu trở lái về đông/ làm thân con gái thờ chồng nuôi con”. Ngoài ra, đa phần tục ngữ Việt và tục ngữ Lào còn có nhịp cân đối, nghĩa là ở cả hai vế có số âm tiết bằng nhau. Các câu “Của chồng/ công vợ”, “Xanh vỏ/ đỏ lòng” (TN Việt) và câu “Xạu đeng/leng xịu” (“Sáng đỏ/ chiều xanh”) (TN Lào) thuộc nhịp hai - hai; câu “Ăn tuỳ nơi/ chơi tuỳ chốn” (TN Việt) và câu “Khoai thảy na/ mả kin khậu” (“Trâu cày ruộng/ chó ăn cơm”) (TN Lào) thuộc nhịp ba - ba; câu
“Thâm đông thì mưa/ thâm dưa thì khú/ thâm vú thì chửa” (TN Việt) và câu
“Kin dà lưm thù/ dù dà lưm khun” (“Ăn đừng quên đũa/ ở chớ quên ơn”) (TN Lào) thuộc nhịp bốn - bốn; câu “Vắng đàn ông quạnh nhà/ vắng đàn bà quạnh bếp” (TN Việt) và câu “Khoam pạc vản chọi chọi/chày xộm đằng mạc nao” (“Lời nói ngọt lừ lừ/ lòng dạ chua như chanh” (TN Lào) thuộc nhịp năm - năm; câu “Gái chưa chồng hay đi chợ/ trai chưa vợ hay đứng đường” (TN Việt) và câu “Khăn và nốc xặm mì hủ/ khăn và nủ xặm mì píc” (“Nếu là chim sao có tai/ nếu là chuột sao có cánh?”) (TN Lào) thuộc nhịp sáu - sáu;
câu “Bầu dục chẳng đến bàn thứ tám/ cám nhỏ chẳng đến miệng lợn sề” (TN Việt) và câu “Xíp pạc vạu bò thò ta hển/ xíp ta hển bò thò mư căm” (“Mười lời nói chẳng tầy mắt thấy/ mười mắt thấy chẳng tầy tay cầm”) (TN Lào) thuộc nhịp bảy - bảy); câu “Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác/ đàn ông không biết buộc lạt đàn ông hư” (TN Việt) và câu “Khăn đạy khì xạng căng hồm phạ khơ khiểu/ dà lưm xể na phụ hè năm tin xạng” (“Nếu được cưỡi voi che cái lọng xanh xanh/ chớ quên kẻ cận thần đi theo chân voi”) (TN Lào) thuộc nhịp chín - chín. Nguyễn Thái Hoà [63] đã đưa ra bốn chỗ ngắt nhịp như:
- Phân đoạn âm tiết;
- Phân đoạn từ và cụm từ;
- Phân đoạn thành phần phát ngôn;
- Phân đoạn một phát ngôn.
Khi đọc hay nói tục ngữ, nếu ngắt nhịp không đúng, có thể sẽ đưa đến sự hiểu sai ý nghĩa của chúng. Có những câu, do thói quen của từng người hay tuỳ theo nhu cầu cần nhấn mạnh ý khi sử dụng mà sự ngắt nhịp có thể thay đổi, thí dụ câu “Nhất có râu, nhì bầu bụng” có thể được ngắt nhịp theo hai cách sau:
Nhất có râu/ nhì bầu bụng;
Nhất/ có râu/ nhì/ bầu bụng;
Hoặc câu “Cà cuống chết đến đít còn cay” có thể có ba cách ngắt nhịp:
Cà cuống/ chết đến đít/ còn cay;
Cà cuống/ chết đến đít còn cay;
Cà cuống chết đến đít/ còn cay.
Dù có linh hoạt đến đâu thì nhịp cũng phải ăn nhập với ý vì xét cho cùng nhịp cũng là một trong những hình thức thể hiện ý. Trong thực tế, có một số trường hợp xác định nhịp sai hoặc ngắt nhịp khác nhau sẽ tạo nên nội dung khác nhau cho câu tục ngữ.
Câu “Cơm gà cá gỏi" (nói về những món ngon) được ngắt thành:
Cơm gà/ cá gỏi (ngắt nhịp đúng và giữ nguyên nghĩa) ; Cơm/ gà/ cá/ gỏi/ (ngắt nhịp sai và vô nghĩa).
Câu “Dâu hiền hơn con gái/ rể hiền hơn con trai” được hình thành trên cơ sở hai vế cân đối và hai phát ngôn rõ rệt: “Dâu hiền hơn con gái” và: “Rể hiền hơn con trai”. Song trong mỗi vế, mỗi phát ngôn ta ngắt nhịp khác nhau: “Dâu/ hiền hơn con gái” với “Dâu hiền/ hơn con gái”, “Rể/ hiền hơn con trai” với “Rể hiền/ hơn con trai” sẽ hình thành hai cách hiểu. Một là, tính người con dâu hiền hơn tính người con gái. Hai là, sống với con dâu hiền thì tốt hơn sống với con gái. Cũng có thể phân tích tương tự như vậy để hiểu vế thứ hai của câu tục ngữ. Có thể coi đây là hiện tượng mơ hồ về nhịp. Cách ngắt nhịp tạo thành hai vế có số âm tiết bằng nhau và ổn định cũng là một đặc điểm quan trọng trong lối nói của người Việt. Nó tạo cho tiếng Việt không chỉ thêm tính đối xứng và hài hoà mà còn nhịp nhàng nữa. Cách ngắt nhịp trong tục ngữ cũng giống như cách ngắt nhịp trong ngôn ngữ thơ ca.
Ngay trong bản thân mỗi vế cũng có cách ngắt nhịp: “Hay/ thì khen// hèn/ thì chê”, “Dạ/ trước mặt//chửi/sau lưng”, “Bầu dục/ chẳng đến/ bàn thứ tám//
cám nhỏ/ chẳng đến/ miệng lợn sề”... (TN Việt) và: “Xíp pạc vạu/ bò thò ta
hển//xíp ta hển/ bò thò mư căm” (“Mười miệng nói/ chẳng tầy mắt thấy/
mười mắt thấy/ chẳng tầy tay cầm”) (TN Lào)...
3.1.5. Lối tỉnh lược
Trong cuộc sống hàng ngày, nhân dân lao động thường có thói quen nói tắt, nói bớt theo quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ. Như vậy, “tỉnh lược” là lược bớt, bỏ bớt đi một số từ cho gọn câu, bởi “ngắn gọn là yêu cầu, đồng thời là đặc điểm nổi bật nhất xét về phương diện nghệ thuật của tục ngữ”
[34, tr.88]. Do tỉnh lược mà cấu trúc của câu tục ngữ Việt và tục ngữ Lào luôn được trau chuốt, gọt giũa bớt đi những yếu tố nào đó làm cho nó ngày một gọn ghẽ, khúc chiết hơn. Cấu trúc tục ngữ ngắn gọn phù hợp với tính chất truyền miệng (dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền) của văn học dân gian.
Mỗi vế của tục ngữ được hình thành trên cơ sở nhấn mạnh quan hệ giữa chủ từ logic và tân từ logic của phán đoán. Trong những trường hợp này tác giả dân gian thường lược bỏ một số từ để tạo cho tục ngữ có cấu trúc cân đối, gọn ghẽ và chắc nịch hơn. Bằng lối diễn đạt kiệm lời, tục ngữ đã được lược bớt đi một số từ cơ bản mà vẫn không làm thay đổi nội dung của nó. Lối nói rút gọn hay tỉnh lược là đặc điểm đáng chú ý của tục ngữ. Đôi khi sự tỉnh lược đã làm cho câu tục ngữ có hình thức như một thành ngữ hoặc trở nên đa nghĩa như: “Tham thì thâm”, “Túng thì tính” của người Việt và “Kin khậu linh” (“Ăn cơm khỉ”) của người Lào. Tuy vậy, không phải thành ngữ nào cũng được triển khai thành tục ngữ và tục ngữ nào cũng có thể rút gọn lại để trở thành thành ngữ. Phải chăng đây là cách sử dụng màu sắc tu từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào?. Chưa có điều kiện để làm một phép thống kê chính xác, nhưng bước đầu có thể thấy tỷ lệ những câu tục ngữ Việt và tục ngữ Lào được tỉnh lược là khá lớn. Đối với
những đơn vị kiểu như thế này, để hiểu đúng nghĩa đích thực của chúng, phải dựa vào sự liên hệ logic- ngữ nghĩa mà suy ra lớp nghĩa nằm ngoài sự hiển thị của ngôn từ; đồng thời với vốn tri thức về nhiều mặt của người đọc hoặc người nghe, tuỳ theo từng ngữ cảnh mà ý nghĩa của câu tục ngữ vẫn được hiểu đúng không mấy khó khăn. Đằng sau sự hiển thị của những từ ngữ, ở bề sâu của những câu chữ là những thông điệp được tạo ra không phải bằng phép cộng ngữ nghĩa của lớp từ vựng đó mà là một dòng chảy của lịch sử, của văn hoá, phong tục, tâm lý dân tộc...được hình thành và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”
rút gọn thành câu “Vợ hiền hoà, nhà hướng nam”; câu “Dâu là con rể là khách” lược bớt thành câu “Dâu con rể khách”; câu “Lúc trẻ thì cậy cha, lúc già thì cậy con” được rút thành câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”; câu “Đất có lề, quê có thói” được tỉnh lược thành câu “Đất lề quê thói”(TN Việt) và các câu “Chó sủa (nhưng) không cắn”, “(Như) ếch ngồi đáy giếng” (TN Lào).
Những thành phần bị khuyết thiếu khi rút gọn thường gặp trong những câu có kết cấu phức hợp kiểu: “Nếu A thì B”, “Hễ A là B” hoặc trong kiểu câu có quan hệ so sánh điều kiện - kết quả và nguyên nhân - kết quả hoặc quan hệ qua lại phụ thuộc: “(Nếu) thẳng mực tàu (thì) đau lòng gỗ”, “(Nếu - khi) đứa dại cởi truồng (thì) người khôn xấu hổ”, “(Khi - nếu) một con ngựa đau (thì) cả tàu bỏ cỏ”, “(Nếu) ai đội mũ lệch (thì) xấu mặt người ấy”, “(Khi) túng thì (phải) tính”, “(Vì) cha già (nên) con cọc”, “Còn người (thì) còn của”, “(Vì) phụ vợ (nên) không gặp vợ”... Tỉnh lược trong câu có quan hệ tương phản kiểu “Tuy A nhưng B”: “Cũ người, mới ta”, “Đắt xắt ra miếng”, “Của không ngon, nhà nhiều con cũng hết” (TN Việt) và: “(Khi) đi hãy hỏi, (khi) về hãy chào”, “(Nếu) được cưỡi voi che lọng thành hoàng tử (thì) chớ quên kẻ cận thần đi theo chân voi”, “(Tuy) lời nói ngọt lừ (nhưng) lòng dạ chua như chanh” (TN Lào). Đôi khi yếu tố bị tỉnh lược là các lượng từ: “mỗi”, “tất
cả”, thí dụ: “(Tất cả) lạt mềm (đều) buộc chặt” hoặc bỏ hệ từ: “Người sống (hơn) đống vàng”, “Một lời nói (là) một đọi máu”, “Người ta (là) hoa đất”;
cũng có khi bớt động từ: “Người chửa (đi gần tới) cửa mả”, “Đói thì (ăn) rau, đau thì (uống) thuốc” (TN Việt) và “Bắt cua (bỏ) vào mẹt” (TN Lào);
hoặc ẩn chủ từ: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” (TN Việt) và:
“Muốn ăn lúa phải làm ruộng” (TN Lào).
Tóm lại, tỉnh lược là lược bớt đi một số từ hoặc cấu trúc của câu tục ngữ làm cho câu tục ngữ ngắn gọn, khúc chiết hơn. Đôi khi, do tỉnh lược mà câu tục ngữ bị biến dạng, nghĩa mới thay đổi so với nghĩa ban đầu. Đây là một đặc điểm nổi bật và lý thú ở cả trong tục ngữ Việt lẫn tục ngữ Lào.
3.1.6. Lối nói
Theo Phan Thị Đào [36, tr.132], cả người sáng tác và người tiếp nhận đều tham gia vào quá trình tạo nghĩa cho câu tục ngữ. Có câu tục ngữ tưởng như nhất thành bất biến, bỗng khuôn mẫu bị phá vỡ, bởi trong quá trình lưu truyền qua nhiều người, nhiều đời mà câu tục ngữ được gọt giũa, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp, đôi khi đã tạo thêm những nét nghĩa mới, chẳng hạn, từ nghĩa “tiêu cực” của câu “Cái khó bó cái khôn”, người tiếp nhận đã sáng tạo thêm một nét nghĩa mới “tích cực” hơn nên mới có câu “Cái khó ló cái khôn”.
3.1.6.1. Các hình thức tu từ trong tục ngữ
Tục ngữ không chỉ phản ánh lối sống thời đại mà còn in dấu lối nói dân tộc và lối nghĩ của nhân dân. Nói cách khác, mỗi dân tộc có lối nói và lối nghĩ tục ngữ riêng thông qua một số biện pháp tu từ. Trong quá trình sáng tạo tục ngữ, cả người Việt và người Lào đều sử dụng một số thủ pháp tạo nghĩa nên đã làm cho tục ngữ không chỉ phù hợp với tâm lý dân tộc mà còn mang đậm phong cách tư duy hình tượng. Bởi vậy, trong các phương thức biểu đạt của tục ngữ, lối ví von so sánh, một lối nói hình tượng được sử dụng
nhiều nhất. Đó cũng là phương thức tu từ mang tính hình tượng của tục ngữ.
Khi tỉnh lược tính từ tính chất của quan hệ so sánh, hai phán đoán xoắn xuýt lấy nhau bằng quan hệ so sánh, thông qua các từ quan hệ: hơn, bằng, như, khác nào, như thể, là...
Trong tục ngữ Việt, biện pháp tu từ tạo nên sự so sánh với những gì gần gũi quanh ta: “Vợ chồng như đũa có đôi”; có sự so sánh xa xôi: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” hoặc so sánh trực tiếp: “Anh em như chân với tay” và cũng có sự so sánh gián tiếp: “Máu loãng còn hơn nước lã”... Trong so sánh, đôi khi các liên từ: cũng như, giống như, như, như là, là, tựa như, bằng, không bằng, hơn... bị ẩn đi, thí dụ: “Chim có tổ (như) người có tông”, “Người sống (hơn) đống vàng”, “Người ta (là) hoa đất”,
“Người đẹp về lụa (tựa như) lúa tốt về phân”, “Canh suông khéo nấu thì ngon (cũng như) mẹ già khéo nói thì con đắt chồng”, “Miếng ngon nhớ lâu (giống như) đòn đau nhớ đời”... Trong đó, tỷ dụ là một trong những phương thức tu từ có hiệu quả của tục ngữ. Đó là lối so sánh trực tiếp. Đối tượng nhận thức có mặt bên cạnh đối tượng được làm tỷ dụ hoặc đối tượng nhận thức được nói rõ hơn. Thí dụ: “Cái khó bó cái khôn”, “Người ta là hoa đất”,
“Người sống hơn đống vàng”...; đôi khi là lối nói so sánh gián tiếp, ẩn dụ.
Đối tượng nhận thức bị ẩn đi một cách kín đáo: “Có trăng quên đèn”, “Tre non dễ uốn”, “Giấy rách giữ lề”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Tục ngữ có khả năng nói về những vấn đề trừu tượng một cách sống động, mang lại những hình ảnh rõ rệt, hợp với lối nghĩ của nhân dân. Nhờ liên tưởng, những hình ảnh tưởng là xa lạ bỗng trở nên gần gũi. Nhân cách hoá hay nhân hoá cũng là một hình thức tu từ đặc biệt của tục ngữ. Lối nói này mang tính hình tượng rất cao. Tác giả dân gian đã gán cho các sự vật và hiện tượng những đặc tính của con người. Nói cách khác, những sự vật và hiện tượng đã được khoác tấm áo của con người, cũng