Chương 1 TỔNG QUAN VĂN HOÁ - XÃ HỘI VIỆT NAM - LÀO
2.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau
2.1.2.2. Đúc kết kinh nghiệm về chăn nuôi
Tục ngữ hai nước cũng có những câu đúc kết những kinh nghiệm về chăn nuôi. Đối tượng quan tâm của tục ngữ Việt khi nói về nghề chăn nuôi không tản mạn mà tập trung vào kinh nghiệm chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Bởi vậy, kinh nghiệm chọn giống để chăn nuôi phải xuất phát từ cách lựa chọn những bộ phận cụ thể như mõm, chân, tai, mắt, đuôi, bụng... của vật nuôi: “Đực chuộng phệ, sề chuộng chõm” (chọn lợn), “Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày” (chọn trâu), “Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy” (chọn gà), “Mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng” (chọn chó), “Đực cụp, cái xoè” (chọn chim câu),
“Đực dài, cái vuông” (chọn kén tằm), “Bò đẻ tháng năm nỏ bằm thì hui”
(chọn bò giống),... Tục ngữ Lào cũng có những câu phổ biến kinh nghiệm chọn voi giống: “Lược xạng hạy bờng hảng” (“Chọn voi hãy xem đuôi”),
“Xem voi hãy xem đuôi, xem cô nàng hãy xem mẹ, hãy xem cho cặn kẽ, xem tới cụ kỵ ông bà”. Những kinh nghiệm đó đã được kiểm chứng qua thực tiễn sản xuất của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào nên được áp dụng tương đối phổ biến trong nông nghiệp. Người nông dân coi đó như là “cẩm nang”
về sản xuất và chăn nuôi của mình. Kinh nghiệm ấy dần dần được phổ biến rộng rãi, được nhiều người áp dụng rồi trở thành tri thức dân gian về lao động sản xuất của nhân dân. Do vậy, đến lượt mình, tục ngữ đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Từ đó, kinh nghiệm sản xuất cũng được tích luỹ và phát triển theo sự phát triển của trình độ sản xuất của xã hội tuy còn rất chậm .
Tục ngữ về lao động sản xuất còn phản ánh tập quán lao động lâu đời của nông dân Việt Nam và Lào trong hoàn cảnh hai nước nông nghiệp còn
thô sơ, lạc hậu về kỹ thuật. Kho tri thức mà tục ngữ có được chủ yếu là do sự trải nghiệm hàng ngày của nhân dân. Di sản tục ngữ mà hai dân tộc còn lại
“tuyệt đại đa số là của người nông dân lao động, phản ánh lối sống, in dấu lối nghĩ, tiêu biểu cho lối nói của người dân lao động” [22, tr.183].
2.1.3. Phản ánh các mối quan hệ gia đình, xã hội
Như trên đã trình bày, hai chủ đề của tục ngữ (giới tự nhiên, quan hệ của con người với giới tự nhiên; con người - đời sống vật chất, đời sống xã hội và tinh thần) phản ánh văn hoá ứng xử của con người trong quan hệ với tự nhiên, thiên nhiên; đồng thời cũng phản ánh rất tập trung quan hệ của con người trong môi trường xã hội, không hạn chế riêng trong việc giao tiếp giữa người với người, nặng về cung cách, thái độ, lời ăn tiếng nói trong gặp gỡ, hội họp, chuyện trò.
Tục ngữ ra đời trong lao động và trong giao tiếp giữa con người với con người. Mọi hành vi ứng xử của con người bắt nguồn từ cái gốc văn hoá của họ. Nó lại được khơi nguồn từ truyền thống văn hoá của cộng đồng, dân tộc mà họ đang sống. Có nhiều câu tục ngữ “biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống” [94, tr.3]. Nhiều nét đẹp ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội được lưu truyền qua các thế hệ, trở thành đạo lý, thành lối sống đã được phản ánh trong tục ngữ cổ truyền của nhân dân hai nước.
Trước hết, tục ngữ hai nước phản ánh các mối quan hệ trong gia đình, bởi gia đình là tế bào của xã hội. Cả tục ngữ Việt lẫn tục ngữ Lào đều đề cao mối quan hệ vợ chồng bởi vợ chồng là hạt nhân cơ bản của gia đình: “Bà phải có ông, chồng phải có vợ”, “Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương”.
Người Việt và người Lào đều đánh giá cao sự khéo léo của người phụ nữ nói chung, vai trò “nội tướng” của người vợ nói riêng: “Gái ngoan làm quan cho chồng” (TN Việt) và: “Nhẫn tốt vì mặt, chồng tốt vì vợ” (TN Lào). Theo
Trần Ngọc Thêm, “trong truyền thống Việt Nam, tinh thần của người nông nghiệp định cư coi trọng ngôi nhàcoi trọng cái bếp coi trọng phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét” [162, tr.43]. Vì vậy, mới câu “Xem trong bếp biết nết đàn bà”. Tuy nhiên, ngay từ đầu, không phải người Việt Nam nào cũng dễ chấp nhận tư tưởng tôn trọng phụ nữ. Điều đó không có gì là khó hiểu. Nền văn hoá Việt Nam từ khi nhà Lê lấy Nho giáo làm quốc giáo, chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hoá Trung Hoa nên đã du nhập tư tưởng “nam tôn nữ ty” cùng với thuyết “tam tòng” được đề ra từ thời Hán: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tư tưởng này ở Lào cũng không phải là không có nhưng ít được đề cập đến trong tục ngữ Lào.
Xã hội Việt Nam xưa đã ngầm định vai trò, trách nhiệm của người vợ trong gia đình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tương tự, người vợ ở Lào xưa cũng chỉ quẩn quanh với ruộng vườn, chăm sóc và nuôi dạy con cái để người chồng là người “làm kinh tế” cho gia đình. Do vừa phải nhọc nhằn mưu sinh, vừa phải lo cho chồng con và gia đình nên nhận thức của nhiều người vợ ở hai nước chưa vươn xa ra khỏi phạm vi của làng xóm.
Trước đây, đạo “tam tòng” đã trói buộc hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam trong vòng cương toả của luật lệ phong kiến khắt khe. Ngay cả khi người chồng đã mất, nhiều người vợ trẻ ở nông thôn vẫn ở vậy để “thờ chồng”, nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ chồng: “Ghe bầu trở lái về đông, làm thân con gái thờ chồng nuôi con”. Có người còn coi việc thủ tiết thờ chồng như là một biểu hiện của sự thuỷ chung. Trong đó, tiết hạnh được coi là một trong những biểu hiện của “tứ đức” mà người vợ nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung rất coi trọng và gìn giữ. Gia đình một vợ một chồng hạnh phúc vẫn là ước mơ lý tưởng không chỉ của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến mà còn là khát vọng của phụ nữ mọi thời. Tuy nhiên, lễ giáo phong kiến đã đẩy nhiều phụ nữ nói chung, nhiều người vợ nói riêng vào
cảnh cam phận làm lẽ hoặc goá bụa. Nhưng đã có những người phụ nữ Việt Nam phản ứng mạnh mẽ chế độ đa thê ấy: “Đói lòng ăn nắm lá sung, chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng” (TN Việt). Sự phản kháng ấy tuy không nhiều nhưng quyết liệt. Người Lào cũng có câu cảnh báo về mặt dở của chế độ đa thê nhưng bớt gay gắt hơn: “Muốn rối ren thời lấy vợ bé”. Người Lào đi đến hôn nhân cũng không quên chọn “tông”, kén “giống” như người Việt:
“Xem voi hãy xem đuôi, xem cô nàng hãy xem mẹ, hãy xem cho cặn kẽ, xem tới cụ kỵ ông bà”. Cũng có khi việc xem người của họ ít nhiều bị chi phối bởi thuật tướng số: “Muốn biết lòng người hãy nhìn thân thể”. Người Lào có kinh nghiệm chọn vợ, kén chồng rất thiết thực xuất phát từ đặc điểm cuộc sống lắm suối, nhiều rừng ở Lào: “Nếu lấy người thấp qua suối họ không dắt, lấy người cao leo núi họ không đợi”.
Thương yêu và tôn trọng nhau cũng là nét đẹp truyền thống của người Lào. Tục ngữ Lào có câu “Chồng vợ này, mày tao không được nói, gọi nhau tôi, anh cho tới trọn đời”. Từ tình yêu vợ chồng đầm ấm, biết tôn trọng và thông cảm lẫn nhau ấy, cuộc sống hạnh phúc, giàu sang mới đến: “Chồng vợ này, mày tao không được nói, hãy gọi anh với em, bạc trăm mới nêm đầy túi”, “Hạnh phúc này tự ta làm ra, chẳng phải tự nhiên mà có”. Đây cũng là lời dặn dò, khuyên bảo đối với tình vợ chồng, đã khẳng định một chân lý đẹp đẽ mà người Việt Nam ta thường ví là “Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn, thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông”. Tục ngữ Lào còn căn dặn những người vợ trẻ phải khéo léo trong cư xử: “Có chồng hãy khéo khen, có em hãy khéo dỗ” và nhắc nhở: “Ở cho người ta khen, đi cho người ta nhớ”.
Tục ngữ còn đưa ra những kết luận sâu sắc về sự làm gương: “Lòng không trong sáng với gương, soi mình mà chẳng thấy gương chiếu hình. Lòng không trong sáng với chiêng, đánh mà cũng chẳng vang rền được đâu”. Tục ngữ nhắc nhở người đàn ông Lào phải luôn giữ gìn tư cách đạo đức cho thật
tốt: “Thấy vợ người coi như mẹ của ta, thấy của cải của người coi như núi đá trai sò, thấy con gái người trông coi như em nhỏ, quan tâm tới mọi điều đó cho đầy đủ”.
Tóm lại, tục ngữ Việt và tục ngữ Lào đều dành những tình cảm trân trọng để nói về mối quan hệ vợ chồng, đặc biệt là vai trò không thể thiếu của người vợ trong gia đình. Nhân dân lao động Việt Nam và Lào đã có cách nhìn đúng đắn và nhân ái về người phụ nữ nói chung, về người vợ nói riêng.
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ máu mủ ruột rà. Dù sinh ra trong thời đại nào thì những đứa con lần lượt ra đời và lớn lên cũng được bàn tay cha mẹ yêu thương, chăm sóc. Bởi vậy, mọi hành động thường ngày của cha mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của con cái. Cha mẹ không chỉ che chở, bảo vệ con cái mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống cho con cái noi theo. Nói cách khác, gia đình luôn là bến đậu, là mái ấm chở che cho con cái. Chữ “hiếu” vẫn như mạch ngầm chảy mãi suốt cuộc đời mỗi người con. Các câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (TN Việt); “Ơn bố bằng trái núi già, ơn mẹ bằng trời và đất”, “Công cha như núi cao, nghĩa mẹ như trời đất”
(TN Lào) đều phản ánh sự biết ơn của con cái đối với cha mẹ. Tục ngữ hai nước đều lấy những sự vật không cùng, rộng lớn để làm biểu tượng so sánh công lao của cha mẹ đối với con cái.
Có một điều lý thú là, cả tục ngữ Việt lẫn tục ngữ Lào đều có những câu tương tự nhau chứa đựng những tri thức nuôi dạy con cái: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” (TN Việt) và câu “Hắc ngua hạy phục, hắc lúc hạy tì”,
“Hắc ngua hạy phục, hắc lúc hạy xằng xỏn” (“Yêu bò hãy buộc, yêu con hãy đánh”, “Yêu bò hãy buộc, yêu con hãy dạy dỗ”) (TN Lào).
Ngoài ra, tục ngữ Việt còn phản ánh quan niệm của họ về con cái mà người Lào cũng có cùng suy nghĩ nhưng chưa được tục ngữ Lào ghi lại một cách đầy đủ như tục ngữ Việt, chẳng hạn các câu “Đông con hơn rậm của”,
“Người là vàng của là ngãi”, “Năm con năm nhớ, mười con mười thương”.
Câu “Cá chuối đắm đuối vì con” đã mượn câu chuyện về loài cá thật cảm động để nói về tình mẫu tử; câu “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn” nói về đức thầm lặng hy sinh của người mẹ cho những đứa con yêu quý của mình;
câu “Phúc đức tại mẫu” phản ánh vai trò quyết định của người mẹ trong việc nuôi dạy con cái; các câu “Con không cha thì con trễ, cây không rễ thì cây hư”, “Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn không dây” nói về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái; các câu “Con dại cái mang”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” về trách nhiệm của mẹ, của bà;
“Con ai cha mẹ nấy”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” về những ảnh hưởng của cha mẹ và người lớn trong gia đình đối với con cháu. Mặt khác, đường ăn, nết ở của con cháu lại có ảnh hưởng không nhỏ đến mọi vui buồn của ông bà, cha mẹ: “Con khôn nở mặt mẹ cha, con dại ông bà cả họ xấu lây”. Tục ngữ Lào lại nói nhiều và có thiện cảm hơn tục ngữ Việt về mối quan hệ giữa con rể với gia đình vợ, trước hết là với bố vợ: “Àu lục khởi ma liệng phò thậu, pan đạy khậu têm nhia” (“Lấy con rể về nuôi bố vợ bằng được lúa đầy vựa đầy bồ”).
Trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái, thì quan hệ giữa mẹ chồng với con dâu không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Bởi vậy, cả tục ngữ Việt và tục ngữ Lào đều có những câu tương đối giống nhau cùng nói về chủ đề mẹ chồng - nàng dâu này. Các câu “Rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng ăn”, “Dâu vô nhà mẹ già ra ngõ” (TN Việt) và các câu “Lúc phạy hển mè nhà pan phỉ hà khậu hườn” (“Con dâu thấy mẹ chồng như thấy quỷ vào nhà”), “Au mè nhà ma dù cắp lúc phạy pan au khạy ma xày khing” (“Đưa mẹ
chồng đến ở với con dâu như mang cơn sốt bỏ mau vào mình”), “Au lúc phạy ma liệng nhà, pan àu hà ma xày hườn” (“Đem con dâu ở với mẹ chồng như mang dịch về nhà”) (TN Lào) đều phản ánh sự xung khắc mẹ chồng - nàng dâu. Nhưng những thành kiến, ác cảm trong mối quan hệ này của người Lào có vẻ nặng nề hơn người Việt. Dấu ấn Phật giáo ở Lào đậm nét hơn ở người Việt nhưng điều đó cũng không thể làm cho quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ở Lào bớt gay gắt hơn so với người Việt. Ở người Việt, đôi khi sóng gió nổi lên trong quan hệ giữa gia đình chồng và người con dâu: “Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu mới về là bồ nghe chửi” và ngược lại: “Bố chồng là lông lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn nang, nàng dâu mới về là bà hoàng hậu”. Xã hội Lào xưa cũng tồn tại những mâu thuẫn trong các mối quan hệ này nhưng rất ít được tục ngữ Lào ghi lại.
Trong các quan hệ gia đình Việt Nam truyền thống, đó đây mối quan hệ giữa giữa dì ghẻ với con riêng của chồng, giữa bố dượng với con riêng của vợ... không phải lúc nào cũng nồng ấm. Trong tục ngữ Việt, lối tư duy cũ với những định kiến còn là rào cản các quan hệ đó. Những câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng”, “Con chồng thì khinh con mình thì yêu” nói về mâu thuẫn giữa dì ghẻ với con chồng; “Đói thì ăn ngô ăn khoai, đừng ở với dượng điếc tai láng giềng” đề cập đến những bất hoà giữa con riêng của vợ với bố dượng.
Tình anh chị em ruột trong gia đình là tình của những người có cùng huyết thống, không thể tách rời: “Anh em như chân với tay”. Sự hoà thuận trong anh chị em là cái gốc của sức mạnh và niềm hạnh phúc gia đình: “Chị em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc mọi đường yên vui”. Tục ngữ đưa ra cách xử thế khi có mối bất hoà trong anh chị em: “Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em”. Bất hòa có khi lại nảy sinh giữa các chị em dâu:
“Chị em dâu cái đầu lúc lắc” hoặc xung đột chị dâu - em chồng: “Giặc bên
Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Tục ngữ Lào cũng có những câu phản ánh tình anh chị em trong gia đình như tục ngữ Việt nhưng với số lượng câu ít hơn nhiều, chẳng hạn: “Có chồng hãy khéo khen, có em hãy khéo dỗ”.
Ngoài ra, khi đề cập đến mối quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ, tục ngữ còn có các câu “Chim có tổ người có tông” (TN Việt) và câu
“Chim có tổ , người có nhà” (TN Lào) về cội nguồn, tổ tông. Các câu “Chín đời họ mẹ còn hơn người dưng”, “Máu loãng còn hơn nước lã” (TN Việt ) và câu “Máu thâm còn hơn nước lã” (TN Lào) về quan hệ gắn kết trong dòng họ. Tuy nhiên, tục ngữ Lào nói ít hơn tục ngữ Việt về mối quan hệ này.
Mối quan hệ láng giềng, hàng xóm cũng được phản ánh qua tục ngữ của cả hai dân tộc Việt - Lào. Người Việt và người Lào cùng nhận ra và thấm thía sâu sắc tầm quan trọng của mối quan hệ giữa mình, gia đình mình với láng giềng qua những câu đồng nghĩa về tình làng nghĩa xóm: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Bà con xa không bằng láng giếng gần” (TN Việt) và: “Anh em xa không bằng láng giềng gần”, “Bạn ở gần tốt hơn anh em ở xa” (TN Lào). Khi tục ngữ được dùng như một phương châm xử thế, nhân dân lao động cũng bộc lộ một phần nhân sinh quan và thế giới quan của mình. Nói cách khác, đó là những tư tưởng trong hệ thống các quan niệm của nhân dân về các lối ứng xử trong gia đình và xã hội.
Tính chất giáo huấn, đề cao đạo làm người, ý thức trân trọng những giá trị truyền thống dân tộc còn xuất hiện trong các câu tục ngữ về quan hệ thầy trò và các quan hệ xã hội khác. Nhiều câu tục ngữ Việt nói về truyền thống
“tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam: “Có thờ thầy mới được làm thầy”,
“Không thầy đố mày làm nên”; về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết: “Có học mới nên khôn”. Học chữ, trước hết là học đạo làm người: “Tiên học lễ hậu học văn”. Có biết bao tấm gương sáng về đạo học xưa nay đã được phản ánh trong văn học nghệ thuật: một Cao Bá Quát (? - 1854) búi tóc lên xà nhà mà