ĐỊA CHẤT VÀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM VÀ KẾ CẬN
3. Trầm tích tầng mặt đáy Biển Đông
Mấy năm gần đây tài liệu về trầm tích tầng mặt đáy Biển Đông được bổ sung thêm khá nhiều cho phép hiểu sâu hơn về thành phần và sự phân bố của chúng. Trầm tích tầng mặt gồm hai nhóm chính lục sinh và sinh hoá, các loại khác như vật liệu núi lửa có khối lượng đáng kể và chỉ tập trung ở phần tâm Biển Đông.
Nhóm trầm tích lục sinh thuần tuý (hàm lượng carbonat, silic…
dưới 25%) phân bố chủ yếu ở thềm lục địa, kề liền bờ, quanh các đảo và bao gồm:
Tảng, cuội (PG) gặp ở vùng biển Quảng Ninh, Kiên Giang, ven bờ biển Miền Trung có diện phân bố hẹp và thành phần phụ thuộc vào đá gốc kề bên bị phá huỷ. Quanh các đảo Vĩnh Thực, Ba Mùn ở biển Quảng Ninh gặp tảng cuội quarzit, bắc mỏm Đèo Ngang - các bãi cuội thạch anh có ý nghĩa như các loại hình khoáng sản.
Cuội, sạn (G), cát, sạn (GS) là các loại trầm tích phổ biến hạn chế đi liền kề với loại trên mà còn tạo nên các bãi biển nơi có sóng tác động mạnh, dọc ven bờ Miền Trung, quanh các đảo ở Quảng Ninh… và các bãi thềm bờ biển cổ ở độ sâu 110-130m thềm lục địa
Miền Nam (Trịnh Thế Hiếu, 1984). Cuội, sạn laterit gặp ở biển tây bắc Côn Đảo tạo nên vùng có hàm lượng Fe2O3 đạt 8-12% và phía bắc biển Kiên Giang (Nguyễn Biểu và nnk, 2001).
Sạn, cát các cấp hạt (SG), cát thô (CS), cát trung (MS) và cát trung nhỏ (MFS) khá phổ biến có mặt dọc theo bờ biển Miền Trung, phía đông một số đảo vùng biển Quảng Ninh (tạo nên nhiều bãi tắm đẹp) và nhất là ở đáy biển độ sâu 25-30m tây nam Bạch Long Vĩ, trước cửa sông Mã, sông Cả,… là bờ biển cổ được thành tạo cách ngày nay khoảng 8.000 năm và cùng với hai loại trầm tích nêu trên, có triển vọng tốt cho nguồn vật liệu làm bê tông xây dựng (agregats) (Nguyễn Biểu và nnk, 2002). Nói chung các loại trầm tích này có thành phần đa khoáng và liên quan với đá gốc vùng lục địa gần kề.
Cát nhỏ (FS) có diện phân bố dọc theo các bãi biển thuộc các châu thổ lớn, diện rộng trên thềm lục địa nhất là trước cửa sông Hồng và thềm lục địa phía nam. Đây là các cồn cát cổ được thành tạo vào kỳ biển tiến Flandrian khi biển dừng tạo nên đường bờ cổ ở độ sâu 25-30m, 50-60m, 90-100m về sau bị dòng chảy đáy phá huỷ một phần nên cát nhỏ trải ra trên diện rộng như ở thềm lục địa phía nam. Thành phần cơ bản cát màu vàng loại này là do tái tạo các lớp trầm tích Pleistocen muộn, giàu hoặc nghèo di tích sinh vật tuỳ theo vị trí phân bố của vật liệu bị huỷ hoại. Trong cát nhỏ ở thềm lục địa phía nam luôn có tro bụi núi lửa axit (que thuỷ tinh, tro), gloconit (Niino, H. and Emery, K. O., 1961; Hợp tác Việt Trung khảo sát vịnh Bắc Bộ, 1963; Nguyễn Biểu và nnk, 2001…).
Bùn, bùn-sét (M, MC)-YT chiếm diện tích lớn trước cửa các sông lớn (sườn và chân châu thổ) và các diện tích nằm giữa các đới cát nhỏ với thành phần đa khoáng, chứa 5-10% carbonat và gặp ở cả phần chân thềm lục địa hiện nay.
Sét thuần khiết (C) (trên 75% cấp hạt sét) bắt gặp ở độ sâu 10- 20m nước, tạo nên các vành khăn ở chân các châu thổ lớn, phía tây bán đảo Cà Mau và ven bờ vùng Kiên Giang, có thành phần đa khoáng.
Ngoài ra còn các loại cát nhỏ - bùn (MFS - t(m)s), cát nhỏ - bùn - sét (FS-M-C sty)… thường phân bố giữa các loại trên theo sự chuyển dần cấp hạt.
Trên thềm lục địa có hai nhóm trầm tích có tuổi khác nhau, nhóm mới thành tạo trong Holocen muộn (độ sâu 0-20m) đa dạng về cấp hạt, đa khoáng, có màu xám và nhóm thứ hai, hay gọi là trầm tích di tích màu vàng có tuổi Holocen sớm - giữa (sản phẩm tạo trong kỳ biển tiến, do tái tích tụ trầm tích mới thành tạo) và các lớp bột, cát nhỏ và sét màu loang lổ tuổi Pleistocen muộn.
Nhóm trầm tích sinh hoá bao giờ cũng chứa một lượng sét và bột với hàm lượng thay đổi 15-75% tuỳ theo vị trí (Xu Dongyu và nnk, 1997*; Schimanski A., Statteger et al, 1997-2003*…).
Bùn carbonat (MCa) phân bố như một vành đai theo chân rìa, sườn lục địa với thành phần ngoài lục sinh là carbonat (tập hợp vỏ vôi của sinh vật, Nannofosils, carbonat vi tinh thể) và vài nơi xen các lớp mỏng tro núi lửa. Đây là loại trầm tích tạo ở độ sâu 200- 2.000m (Schimanski A., Statteger K., et al, 1997-2003*…).
Bùn Foraminifera (Ozfo) phân bố ở độ sâu hơn, đôi nơi có sự xen kẽ với loại trên với diện khá rộng, giàu vỏ Foraminifera nhất là loại sống nổi cỡ hạt <0,1mm. Trong trầm tích này có một lượng tro núi lửa với chiều dày mỏng (2-40cm).
Cát, sạn san hô, Foraminifera hạt thô trung (MCSfc) và hạt nhỏ (FSfc) liên quan chặt chẽ với các vùng quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa, tạo nên các vùng có diện tích lớn. Thành phần chủ yếu là vụn san hô với các kích thước khác nhau (Diệp Liên Tuấn và nnk, 1993*).
Bùn carbonat- silic (MCa-Si) nằm bao quanh rìa biển thẳm ở độ sâu trên 4.000m. Thành phần carbonat là vỏ sinh vật vôi, chủ yếu là Foraminifera sống trôi nổi và các loài khác, carbonat vi tinh thể, còn silic do một ít vỏ bọt biển…, song phần lớn do tro thuỷ tinh núi lửa (Xu Dongyu và nnk, 1997*).
Bùn silic (OzSi) phủ phần Tây Nam trũng Biển Đông, độ sâu trên 4.500m, khác với loại trên trong thành phần có carbonat dưới 15%, còn lại chủ yếu là silic (gồm sinh vật có vỏ, gai silic và tro bụi núi lửa axit) và sét.
Sét nâu (đỏ) đại dương (PY) là loại trầm tích đặc biệt, phân bố thành diện rộng ở gần phần tâm đới tách giản, độ sâu trên 4.500m,
màu nâu gạch non với thành phần là sét, ít vụn sinh vật, tro núi lửa (Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Hải, 2003*).
Sét nâu (đỏ) đại dương giàu vụn núi lửa (PYV0) tương tự loại trên song trong thành phần tro và bụi núi lửa chiếm tới 25% đến trên 50% và phân bố phía Đông Bắc tâm Biển Đông.
Sét nâu (đỏ) đại dương chứa kết hạch Sắt - Mangan (PYFe-Mn) (Xu Dongyu và nnk, 1997*) tạo nên một số diện tích ở độ sâu trên 4.000m tây nam đảo Đài Loan và đuôi phía tây nam đới biển thẳm (ngoài khơi Nha Trang) (Đỗ Minh Tiệp, Tôn Nữ Mỹ Dư, 2001*), song hàm lượng các kết hạch sắt và mangan thấp.
Tóm lại, các trầm tích lục sinh tập trung ở thềm lục địa với điều kiện được cung cấp vật liệu đồi dào từ đất liền nên có chiều dày lớn, còn trầm tích lục nguyên hạt mịn đi cùng sản phẩm sinh hoá chiếm phần sâu hơn của đáy Biển Đông, thành tạo trong điều kiện lượng vật liệu lục sinh ít nên trong thành phần nơi thì carbonat chiếm ưu thế, nơi thì vật liệu núi lửa đóng vai trò quan trọng.