Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
3.1.2. Điều kiện kinh tế- xã hội
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này chỉ đề cập đến một số vấn đề có liên quan đến sử dụng đất và sự phát triển nông nghiệp của huyện Bạch Thông như vấn đề về dân số và lao động; Hiện trạng sử dụng đất; Thu nhập và đời sống; Sản phẩm nông nghiệp và thị trường; Cơ sở vật chất và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
3.1.2.1 Tăng trưởng kinh tế
Trong phát triển kinh tế, thành tựu nổi bật từ 2005 - 2010 là phát triển toàn diện, tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu bình quân 5 năm đạt khá cao (theo giá cố định 1994) như: Giá trị sản suất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5,75%/năm; giá trị sản suất công nghiệp và XDCB tăng bình quân 4,75%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,5%, so với giai đoạn 2000 - 2005 tăng 21%. Các ngành sản xuất và dịch vụ của huyện đều có bước phát triển mới, khá vững chắc [31].
3.1.2.2 Ngành nông nghiệp
- Sản xuất nông - lâm nghiệp: Tiếp tục có bước phát triển khá, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp thuận. Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; công tác khuyến nông, khuyến lâm được đẩy mạnh (100% xã có cán bộ khuyến nông). Sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh tiếp tục phát huy hiệu quả. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống, tập trung vào cây có giá trị kinh tế cao như: Thuốc lá, dưa hấu, đỗ tương v.v.
Năng suất lúa trung bình đạt 45 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người/năm đạt 525,5 kg. Sản lượng lương thực có hạt năm 2011 là 17080,0 tấn.
Diện tích đất ruộng đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha trở lên bình quân mỗi năm đạt 345,5 ha. Năm 2011 đạt 497 ha
Diện tích trồng cây ăn quả: Tổng diện tích các loại cây ăn quả toàn huyện, tính đến năm 2011 có 880,69 ha. Trong đó, diện tích cây cam, quýt là 670,3 ha.
+ Chăn nuôi: Năm 2011: Tổng đàn trâu, bò là 10.355 con (trong đó đàn trâu là 8.425 con, đàn bò là 1.930 con); Tổng đàn lợn 23.830 con; Tổng đàn gia cầm 165.500 con; Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 là 98,83 ha.
Một số nghề trong chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao phát triển tương đối nhanh do được áp dụng tiến bộ mới về giống, thức ăn và thú y nên đã tăng về số lượng và chất lượng sản phẩm, như đàn ong, đàn dê v.v.
+ Lâm nghiệp: Công tác trồng rừng được tích cực triển khai thực hiện, công tác chăm sóc và bảo vệ rừng đạt được nhiều kết quả, nhiều vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện kịp thời và xử lý đúng pháp luật. Đến nay, trồng rừng tập trung được 7839,8 ha, trong đó chủ yếu là cây mỡ, keo và một số cây trồng khác như: Hồi, chè tuyết shan tre, vầu, quế....
Độ che phủ rừng năm 2011 đạt 67%.
- Sản xuất công nghiệp: Chủ yếu là khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông, lâm sản. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2010 đạt 7,86 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 7,08 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2005 (tăng nhanh do công nghiệp khai khoáng mỏ sắt Sỹ Bình).
Toàn huyện hiện có 32 cơ sở sản xuất gạch thủ công, 01 cơ sở sản xuất gạch tuy nen, 01 cơ sở khai khoáng; 01 mỏ đá vôi và nhiều hộ sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi. Xu hướng sử dụng các loại máy móc phục vụ sản xuất ngày càng phát triển mạnh, toàn huyện có 42 ô tô các loại và nhiều máy xay sát, máy bơm nước, máy cày cầm tay v.v.
- Khu vực kinh tế thương mại - dịch vụ.
Mạng lưới dịch vụ ngày càng mở rộng. Các chợ trung tâm cụm xã được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu hàng hoá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ đạt 122 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 11,5%. Tuy nhiên, sự tăng giảm không ổn định, chưa hình thành đầu mối giao thương hàng hoá.
Hoạt động tín dụng đa dạng và thông thoáng, tỷ lệ rủi ro thấp, đáp ứng kịp thời về vốn trong sản xuất và kinh doanh trên địa bàn [31].
* Về phát triển các thành phần kinh tế
- Thành phần kinh tế nhà nước: Các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật, duy trì tăng lợi nhuận hàng năm. Đa số các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả như: Lâm trường, ngân hàng, viễn thông, điện lực v.v. Riêng Lâm trường Bạch Thông giá trị sản xuất trong những năm qua đạt khá cao, năm 2011 đạt 1,67 tỷ đồng.
- Thành phần kinh tế tập thể: Toàn huyện có 08 Hợp tác xã, được thành lập tại 06 xã: Vi Hương, Đôn Phong, Quân Bình, Cẩm Giàng, Quang Thuận và Dương Phong. Ngành nghề kinh doanh của các hợp tác xã chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp, chế biến nông lâm sản và vật liệu xây dựng. Nhìn chung các hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, vốn điều lệ ít, trình độ quản lý yếu nên kinh doanh chưa có hiệu quả.
- Kinh tế tư nhân và hộ cá thể: Đến 2011 các doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện có 08 DN tư nhân và 546 hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh quy mô còn nhỏ lẻ, hàng hoá chưa phong phú về chủng loại.
3.1.2.3 Thực trạng về kết cấu hạ tầng 3.1.2.3.1 Giao Thông
a, Đường bộ
- Hệ thống quốc lộ: Bạch Thông có quốc lộ 3 chạy dọc huyện theo hướng Bắc - Nam, qua địa phận 6 xã, thị trấn nối liền Bạch Thông với huyện Ngân Sơn ở phía Bắc và thị xã Bắc Kạn ở phía Nam (nền 7,5 m, mặt 5,5 m).
- Tỉnh lộ: Bạch Thông có 2 tuyến:
+ Tỉnh lộ 258 (cấp V miền núi): từ ngã ba Phủ Thông đi thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể). Rộng nền 6,5 m, rộng mặt 3,5 m.
+ Tỉnh lộ 257 (cấp VI miền núi): ở phía Đông Nam huyện, từ thị xã Bắc Kạn đi Bằng Lũng, qua xã Quang Thuận và xã Dương Phong huyện Bạch Thông, rộng nền 5 m, mặt nhựa 3m.
Các tuyến tỉnh lộ đã được trải nhựa nhưng mặt đường phần lớn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hiện nay, trong tương lai cần được nâng cấp và mở rộng.
- Hệ thống đường trục huyện và liên xã: Gồm có 13 tuyến với tổng chiều dài 111 km (đường huyện 74 km). Mặt đường các tuyến này một số được rải nhựa, đại đa số là cấp phối và đất. Các công trình trên tuyến còn thiếu nhiều, đặc biệt là hệ thống cống rãnh thoát nước còn thiếu, chưa hợp lý nên khi mưa thoát nước không kịp dẫn tới xói lở, phá vỡ nền và mặt đường. Đường loại này vì vậy mà xuống cấp rất nhanh. Hệ thống biển báo, cọc tiêu, thiết bị phòng hộ của loại đường này hầu như chưa có, gây mất an toàn giao thông.
Đại đa số thuộc cấp loại đường giao thông nông thôn loại B.
Bảng 3.1: Hiện trạng đường giao thông huyện Bạch Thông
STT Tuyến Dài (km) Mặt đường
Cấp phối Đất
1 Q.lộ 3 - Cẩm Giàng - Nguyên Phúc 6 6 -
2 Q.lộ 3 -Lục Bình - Tú Trĩ 14 - 14
3 Đèo Giàng-Sỹ Bình -Vũ Muộn-Cao Sơn 22 9 13
4 Bắc Kạn - Đôn Phong 8 8 -
5 Đường tỉnh 258 - Vi Hương- Tú Trĩ 10 10 -
6 Huyền Tụng - Mỹ Thanh 8 8 -
7 Huyền Tụng - Nguyên Phúc 6 6 -
Tổng 74 47 27
(Nguồn: UBND huyện Bạch Thông)
- Các tuyến đường trục xã: Huyện có 14 tuyến, tổng chiều dài 68,5 km.
Phần lớn các tuyến đường này thuộc loại đường liên thôn, rộng nền đường 3 m. Có 6 tuyến đạt cấp loại giao thông nông thông loại B.
Đến nay, 17/17 xã trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 6 xã đường nhựa (dọc theo quốc lộ 3), 5 xã đường cấp phối, 6 xã đường đến trung tâm vẫn là đường đất, nên gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa. Hầu hết đường từ trung tâm các xã đến thôn bản đều là đường đất nhỏ, không được tu bổ, duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên đi lại rất khó khăn.
b. Cầu
Huyện có tổng số 9 cầu treo được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1994 - 2004. Các cầu đều có độ rộng mặt cầu 1,4 m, cho phép người đi bộ và xe máy có thể lưu thông thuận tiện. Chiều dài cầu dao động từ 50 - 90 m.
Nhìn chung, huyện Bạch Thông có mạng lưới đường giao thông đường bộ khá lớn, giao thông thuận lợi từ huyện đến các xã. Tuy nhiên, do mạng lưới đường được xây dựng từ lâu nên hiện nay nhiều tuyến đã bị xuống cấp cần được quy hoạch lại phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và quan hệ quốc tế được mở rộng.
3.1.2.3.2 Thuỷ lợi
Hệ thống thuỷ lợi huyện Bạch Thông phần lớn có quy mô nhỏ, phạm vi phục vụ hẹp và có tính chất cục bộ.
Đến nay toàn huyện có 06 trạm bơm điện với 07 máy bơm; Tổng công suất 2.100 m3/h đảm bảo phục vụ tưới tiêu theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống hồ đập chứa nước có 74 cái (73 kiên cố, 01 đập đất). Hệ thống kênh kèm theo hồ đập và kênh độc lập có 42 tuyến với tổng chiều dài 41,547 km. Tổng năng lực tưới thiết kế của các công trình thuỷ lợi được đầu tư kiên cố hoá hiện có của toàn huyện đạt 1.051,4 ha (bằng 48,38% diện tích canh tác lúa của huyện). Ngoài ra, hệ thống phai, đập tạm cũng tưới cho một diện tích đáng kể đất canh tác lúa.
Trong những năm qua, hệ thống trạm bơm, phai đập và kênh tưới tiêu thường xuyên được cải tạo và nâng cấp. Riêng đối với các cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả,... các công trình tưới hầu như không có.
3.1.2.3.3 Hệ thống điện
Hệ thống lưới điện toàn huyện tính đến 2011 như sau:
- Trạm 35/0.4 KV: 36 trạm, tổng công suất 2.300 KVA.
- Công tơ 0.4 KV: 2.900 cái.
- Đường dây 35 KV: 71 km.
- Đường dây 0,4 KV: 72 km.
Đến nay điện lưới quốc gia đã tới 17/17 xã, thị trấn. Tuy nhiên riêng hệ thống điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Lưới điện huyện Bạch Thông nằm trong hệ thống điện của tỉnh Bắc Kạn, được cung cấp nguồn từ hệ thống điện miền Bắc. Nhìn chung các trạm nguồn cung cấp cho Bạch Thông đang ở tình trạng vận hành tốt.
Lưới điện hạ thế của huyện được xây dựng qua các giai đoạn khác nhau.
Nhìn chung các trục đường chính được thiết kế và xây dựng theo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên các đường nhánh rẽ đến các hộ còn nhiều bất cập, ngoài khu vực thị trấn và một số xã do chi nhánh điện quản lý, ở các xã còn lại do dân tự đầu tư cột và dây không theo quy chuẩn chắp vá, dây dẫn dùng các loại dây nhôm, đồng, thép, dây tận dụng v.v. một số nơi còn dùng nhờ điện của các cơ sở sản xuất, của các trạm bơm. Có những nơi bán kính lưới hạ thế quá lớn dẫn đến không an toàn trong mùa mưa bão, tổn thất điện áp và điện năng lớn.
Hiện tại và tương lai, nhất là trong thời gian tới khi các khu công nghiệp, du lịch, đô thị v.v. phát triển đòi hỏi phải có quỹ đất xây dựng mạng lưới truyền tải điện v.v. để bổ sung nguồn điện đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
3.1.2.3.4 Các cơ sở giáo dục và đào tạo
Hệ thống giáo dục và mạng lưới trường lớp của huyện Bạch Thông tương đối đầy đủ. Cơ sở giáo dục hiện nay gồm có 24 trường:
- Trung học cơ sở: 07 trường
- Trường phổ thông cơ sở (Cấp I và cấp II): 04 trường.
- Trung học phổ thông: 01 trường
Công tác giáo dục - đào tạo thường xuyên được quan tâm, cơ sở vật chất các trường học được đầu tư xây dựng ngày một khang trang sạch đẹp, trang thiết bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy; đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường về số lượng, chuẩn hoá về trình độ; Chất lượng giáo dục đại trà ngày một nâng cao, giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc; duy trì giữ vững phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Đến nay, toàn huyện có 03 trường đạt chuẩn Quốc
- Việc tổ chức các Trung tâm học tập cộng đồng được triển khai thực tại 17/17 xã, thị trấn bước đầu hoạt động có hiệu quả, thu hút được nhiều học viên tham gia, năm 2010 đã mở được 355 lớp cho 12743 lượt người tham gia học tập.
- Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thường xuyên được quan tâm. Năm 2011 có 2230 gia đình được công nhận gia đình hiếu học; trên địa bàn huyện hiện có 03 dòng họ khuyến học, hoạt động thường xuyên có nền nếp và đã xây dựng được quỹ riêng để động viên con, cháu tích cực học tập và rèn luyện.
3.1.2.3.5 Các cơ sở y tế
Năm 2011 trên địa bàn huyện có 18 cơ sở khán chữa bệnh gồm: 01 bệnh viện với 50 giường bệnh, 17 trạm y tế xã, thị trấn. Mạng lưới y tế đã được củng cố từ huyện đến cơ sở, các thôn đều có nhân viên y tế.
- Công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh được triển khai thực hiện thường xuyên, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Phát hiện và dập tắt kịp thời các vụ dịch nhỏ do vậy không có ca tử vong do dịch.
- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được thực hiện từ huyện đến xã, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đặc biệt quan tâm việc khám
chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số vùng cao, người nghèo thuộc diện được hưởng BHYT.
- Công tác Dân số - KHHGĐ được triển khai đều khắp, vì vậy hàng năm tỷ suất sinh giảm. Song, số người sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao (trung bình mỗi năm còn từ 07 - 09 xã, thị trấn).
Ngành y tế đang từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên, cơ sở vật chất, phương tiện chữa trị nhìn chung còn thiếu thốn. Quy mô diện tích các bệnh viện và các trạm y tế cơ sở hầu như chưa đảm bảo mặt bằng nhưng đối với các xã có quy mô dân số và diện tích lớn thì hệ thống các trạm y tế xã chưa đảm bảo cho việc chăm sóc sức khoẻ của người dân được kịp thời do khoảng cách các trạm đến một số khu dân cư trong xã còn khá xa.
3.1.2.4 Dân số và lao động 3.1.2.4.1 Dân số
Dân số năm 2011 của huyện Bạch Thông có 30351 người, dân số thành thị 1683 người chiếm 5,55%, dân số khu vực nông thôn 28668 người chiếm 94,45% dân số toàn huyện.
Mật độ dân số trung bình của huyện Bạch Thông là 55,54 người/ km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2011 của huyện là 6,80 ‰.
Sự phân bố dân cư theo đơn vị hành chính trong huyện không đều. Tại thị trấn Phủ Thông và các xã Cẩm Giàng, Quân Bình, Tú Trĩ dân cư tập trung đông với mật độ khá cao 140-15712 người/ km2. Ngược lại các xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Nguyên Phúc, Dương Phong v.v. có mật độ thưa thớt 12 - 40 người/km2.
3.1.2.4.2 Lao động
Năm 2011, tổng số lao động trong độ tuổi có 18710 người, chiếm 61,65% tổng dân số.
Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 17.163 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ chỉ chiếm 20 - 22% số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Trong những năm qua huyện đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cụ thể:
- Quan tâm tư vấn, giới thiệu người lao động đi đào tạo nghề. Thực hiện tốt công tác cho vay giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho hơn 200 lao động. Xuất khẩu lao động được 112 người.
- Công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 4-5%, cụ thể: Năm 2005 tổng số hộ nghèo toàn huyện chiếm 39,74%; đến năm 2011 còn 20,79%.
- Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm được quan tâm triển khai thực hiện, vì vậy số người nghiện các chất ma túy giảm dần qua các năm: Năm 2008, tổng số người nghiện ma túy là 139 người; năm 2009 giảm xuống còn 102 người, năm 2010 là 86 người. Tuy nhiên, năm 2011 số người nghiện ma túy có chiều hướng tăng so với năm 2010, tổng số là 99 người. Hiện nay toàn huyện có 01 xã không có người nghiện ma túy (xã Cao Sơn).
- Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm thực hiện, trẻ em dưới 01 tuổi tiêm đủ vacxin phòng bệnh hàng năm đều đạt trên 95%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm trung bình mỗi năm trên 1,5%, đến năm 2011 còn 19,5%. Đến nay toàn huyện có 9/17 xã, thị trấn đạt chuẩn mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em. Thực hiện kịp thời việc trợ cấp cho trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi.
- Thực hiện tốt công tác thăm hỏi, động viên người có công với nước, tu sửa chỉnh trang mộ và Nghĩa trang liệt sỹ được thực hiện chu đáo. Chi trả kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, thương, bệnh binh…; cơ bản xoá xong nhà tranh tre dột nát cho người nghèo và đối tượng chính sách.
- Đến nay có 130/155 thôn bản, tổ phố có nhà họp thôn, trong đó nhà xây cấp 4 là 19 nhà, nhà gỗ lợp Prôximăng 111 nhà; Còn lại 25 thôn bản, tổ phố chưa xây dựng được, nguyên nhân chủ yếu do các thôn chưa có đất để xây dựng.