Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Định hướng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp huyện Bạch Thông
3.4.4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho huyện Bạch Thông
3.4.4.1. Nhóm giải pháp chung
* Nhóm giải pháp về chính sách
Cần sự quy hoạch và có kế hoạch trong việc sử dụng đất. Thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, có những chính sách hỗ trợ hộ nghèo sản xuất;
Có những chính sách khuyến khích ưu tiên những người vay vốn để phát triển nông nghiệp với lãi suất thấp;
Thực hiện tốt Luật đất đai, khuyến khích người dân đâu tư vào sản xuất.
Đặc biệt khuyến khích hình thức hình thức chuyển đổi ruộng đất thành những thửa đất có diện tích lớn hơn, tránh tình trạng đất manh mún nhỏ lẻ, tạo điều kiện cơ giới hoá đồng ruộng
Hạn chế việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác
* Nhóm giải pháp khoa học kỹ thuật
Để đạt được hiệu quả kinh tế cao và chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá thì cần tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Khuyến khích người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao đang được sử dụng rộng rãi. Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân.
Hướng dẫn người dân bảo quản nông sản sau khi thu hoạch. Nhiều loại nông sản người dân chưa biết cách hoặc không có khái niệm bảo quản, vì vậy đi đôi với đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thì việc hướng dẫn kỹ thuật bảo quản cần được quan tâm.
* Nhóm giải pháp thị trường
Cần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân, phổ biến thông tin giá cả cho người dân trên hệ thống loa phát thanh của huyện. Tạo thị trường ổn định cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Thực hiện chính sách thị trường mềm dẻo, đa phương, đa dạng, coi trọng vấn đề chiếm lĩnh thị trường tại chỗ bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo sức cạnh tranh. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc, khảo sát thị trường, tiếp cận với những thông tin dự báo thị trường nhằm mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin thị trường đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong giải pháp thị trường. Cần tăng cường công tác thông tin thị trường, giao trách nhiệm cho một bộ phận thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý và phổ biến tiếp thị.
3.4.4.2. Giải pháp cụ thể
* Đối với trồng cây hàng năm
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp, hệ thống dịch vụ vật tư nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về giống, phân bón phục vụ sản xuất.
- Tạo điều kiện về vốn cho người dân thông qua các quỹ tín dụng: Ngân hàng chính sách xã hội, hội nông dân, hội phụ nữ v.v.
- Mở rộng thị trường nhằm giúp các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm - Tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, thuỷ lợi.
- Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nhằm tăng giá trị trên diện tích canh tác cần phải đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc phù hợp với điều kiện của huyện.
- Phát triển sản xuất cần gắn liền với bảo vệ, cải tạo đất, môi trường, tránh tình trạng ô nhiễm đất bằng việc tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh sử dụng phân vô cơ một cách hợp lý. Trồng các cây họ đậu xen canh hợp lý để cải tạo đất.
- Khuyến khích luân canh tăng vụ, đưa diện tích đất 2 vụ lên 3 vụ và lựa chọn các giống cây trồng phù hợp.
- Cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật người dân thông qua các buổi hội thảo đầu bờ.
- Quan tâm hơn tới việc bảo quản nông sản sau thu hoạch.
- Bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý để đạt được sản lượng cao và hạn chế ảnh hưởng của thời tiết
* Đối với cây trồng lâu năm (cây ăn quả)
- Mở các lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các biện pháp canh tác v.v phù hợp với từng giai đoạn của cây.
- Hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư giống, phân bón, khuyến khích người dân sử dụng các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với địa phương.
- Mở rộng thị trường tiêu thụ hướng tới một thị trường ổn định bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm [13].
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
1.1. Bạch Thông là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn, là huyện duy nhất giáp ranh với tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh và bao quanh hầu hết thị xã Bắc Kạn. Huyện có vị trí địa lý, địa hình đa dạng và phong phú, khí hậu thời tiết thuận lợi cho việc phát triển các cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ.
1.2. Là một huyện nông nghiệp do đó giá trị ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị GDP của huyện. Tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu bình quân hàng năm đạt khá cao như: Giá trị sản suất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5,75%/năm; giá trị sản suất công nghiệp và XDCB tăng bình quân 4,75%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,5%,/năm.
1.3. Theo phân loại đất huyện Bạch Thông năm 2011 thì huyện có 3 nhóm đất chính đó là: Nhóm đất phù sa; Nhóm đất xám và xám bạc màu;
Nhóm đất đỏ vàng với 06 loại đất chủ yếu (Đất xám phù sa suối ngòi; Đất xám trên phù sa cổ; Đất xám bạc màu trên đá mác ma axit và đá cát; Đất xám glây; Đất đỏ nâu trên đá vôi; Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất ). Với các nhóm đất trên thích hợp với nhiều loại cây trồng, nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để huyện đa dạng hoá các loại cây trồng trong tương lai.
1.4. Hiện tại huyện có 09 LUT với 21 kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có LUT1, LUT2, LUT3, LUT4, LUT6 và LUT7 là các LUT có thể duy trì trong tương lai.
1.5. Trong các loại hình sử dụng đất phổ biến của huyện thì LUT cây lâm sản, LUT 2 lúa - màu , LUT 2 lúa, LUT 2 màu - lúa, LUT cây ăn quả là những LUT mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kiểu sử dụng đất ngô xuân - ngô đông mang lại hiệu quả kinh tế thấp.
nguyên nhân là do: Trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, chưa áp dụng triệt để những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Việc đầu tư thâm canh tuy đã
được củng cố nhưng chưa đúng, chưa đủ theo quy định mức kỹ thuật đề ra dẫn đến năng suất cây trồng chưa tương ứng với tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp của huyện.
1.6. Dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, chúng tôi đưa ra hướng lựa chọn các loại hình sử dụng đất thích hợp cho huyện Bạch Thông:
Đối với đất 3 vụ: 2 lúa - màu; 2 màu - lúa, lựa chọn các giống cây trồng cho năng suất cao và ổn định như Bao thai, nhị ưu 838, KD18 v.v. các cây trồng vụ đông có hiệu quả cao như: Cà chua, cải bắp, xu hào, sup lơ v.v.
Đối với đất 2 vụ: lúa mùa - lúa xuân cần cải tạo hệ thống thủy lợi chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để nâng diện tích này thành đất 3 vụ với các cây trồng cho năng suất cao chất lượng sản phẩm tốt.
Loại hình sử dụng đất cây ăn quả: Cần mở rộng diện tích vườn cây ăn quả theo hướng tập trung thành vườn cây ản quả có giá trị kinh tế cao với các cây trồng: Cam, quýt v.v. tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ vì rất khó chăm sóc.
Loại hình sử dụng đất cây lâm sản: Cần mở rộng diện tích rừng trồng với các cây trồng chủ yếu là Mỡ, Keo.
2. Đề nghị
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp chủ yếu như đưa các giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, kết hợp với luân canh, thâm canh, tăng vụ.
Nâng cấp và củng cố hệ thống thuỷ lợi nội đồng đối với các vùng có địa hình thuận lợi và lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp đối với các vùng có địa hình khó khăn.
Trong quá trình sử dụng đất cần kết hợp tốt các biện pháp cải tạo, bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp bền vững cho tương lai.
Với điều kiện tự nhiên như đề tài đã nghiên cứu, đề nghị cần lựa chọn các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và là cây trồng thế mạnh của huyện như: Quýt Quang Thuận, hồng Bắc Kạn v.v. Bên cạnh đó, với địa hình
chủ yếu là đồi núi nên cây lâm nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Cần bố trí quỹ đất hợp lý, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, gắn liền với việc xây dựng thương hiệu hàng hóa v.v. hướng tới sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Khai thác tốt tiềm năng về đất đai và nguồn lao động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tổ chức tốt các chương trình khuyến nông và các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân dồn điền đổi thửa, luân canh cây trồng hợp lý, chú ý tới các biện pháp cải tạo đất, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải thực hiện đồng bộ và kịp thời đưa các giải pháp trên vào thực tiễn cuộc sống.