CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN NGHIÊN
2. Các khái niệm liên quan đến đề tài
LGBT là tên viết tắt của đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender). Những thuật ngữ trên dùng để mô tả xu hướng tính dục của một người, tức là họ có sự hấp dẫn tình yêu và tình dục khác với những người dị tính (những người bị hấp dẫn bởi người thuộc giới tính trái ngược với mình).
Người đồng tính nữ (Lesbian) mô tả một người phụ nữ bị thu hút bởi những người cùng giới.
Người đồng tính nam (Gay) mô tả một người nam bị thu hút bởi những người cùng giới.
Người song tính (Bisexual) mô tả một người (nam hoặc nữ) bị thu hút bởi cả hai giới.
Người chuyển giới (Transgender) mô tả một người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học. Họ là những người có biểu hiện sinh học trên cơ thể thuộc giới này nhưng lại luôn cảm thấy mình giống giới tính còn lại. Họ có thể là nam hoặc nữ và đã hoặc chưa thực hiện chuyển giới.
2.2. Hôn nhân
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, khái niệm hôn nhân được hiểu là: Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
Trên cơ sở khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình hiện hành, hôn nhân được xem là kết quả của tình yêu, là sự kết hợp giữa một người đàn ông được gọi là chồng và một người phụ nữ được gọi là vợ. Đây là sự kết hợp giữa nam và nữ
về tình cảm, xã hội, giới tính, tôn giáo một cách hợp pháp. Hôn nhân điều chỉnh mối quan hệ sinh lý giữa đàn ông và phụ nữ, cho phép nam nữ sống chung với nhau đồng thời đặt ra các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau. Trên thực tế, lễ cưới hỏi thường được xem là sự kiện đánh dấu sự chính thức bắt đầu của hôn nhân. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, hôn nhân bắt đầu từ việc đăng ký kết hôn, là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định pháp luật khi đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, theo quy định Điều 36 Hiến pháp 2013, hôn nhân dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, là chế độ một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Mục đích cơ bản nhất và quan trọng nhất của hôn nhân là việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái của vợ chồng. Hôn nhân góp phần duy trì nòi giống, đảm bảo tương lai tồn tại của cả một dân tộc.
2.3. Hôn nhân đồng giới
Hôn nhân đồng giới là việc những người cùng giới tính kết hôn với nhau xuất phát từ tình yêu giữa những người cùng giới, họ cảm mến nhau và muốn về sống chung một nhà. Sau khi kết hôn, họ chung sống với nhau như vợ chồng, có thể là hai người đồng tính nam hoặc hai người đồng tính nữ.
Vào năm 2014, theo Luật hôn nhân và gia đình mới nhất, Nhà nước đã xóa bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Theo đó tại khoản 2 Điều 8 đã có quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Đây là một bước tiến quan trọng đối với cộng đồng đồng tính, pháp luật đã thay đổi cách nhìn, không còn quy định cấm như trước đây mà chỉ là không thừa nhận hôn nhân giữa họ. Theo đó, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng việc kết hôn của họ
không được pháp luật công nhân, có nghĩa là không được đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, việc kết hôn đồng giới chỉ có ý nghĩa về mặt thực tế nhưng không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Nếu Nhà nước không thừa nhận thì cuộc hôn nhân đó sẽ không được pháp luật bảo vệ về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản
Về nhân thân: họ sẽ không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Quan hệ giữa họ không phải quan hệ vợ chồng nên việc sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Họ cũng không được cơ quan nhà nước cấp Giấy đăng ký kết hôn.
Về quan hệ tài sản: tài sản của họ trong thời kỳ hôn nhân sẽ không được pháp luật bảo vệ, không có chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Chính vì vậy, nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến tài sản của họ sẽ được xử lý theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
2.4. Thái độ về hôn nhân đồng giới
Thái độ của người tham gia nghiên cứu được đánh giá trên 3 nấc:
1 - Ủng hộ: Thái độ thấu hiểu, chia sẻ với các vấn đề của người LGBT và cho rằng cần hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính để đảm bảo quyền của các cặp đôi đồng giới.
2 - Trung lập (không ủng hộ nhưng cũng không phản đối): Thái độ bình thường với người LGBT và không cảm thấy hôn nhân đồng giới ảnh hưởng tới bản thân mình.
3 - Phản đối: Có thái độ không thiện cảm với người LGBT và phản đối hôn nhân đồng giới.