CHƯƠNG 2 NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP 21 2.1- MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
2.2.4. Dự báo diễn biến của các yếu tố môi trường
Muốn đề ra các chiến lược của Doanh nghiệp trong tương lai thì điều quan trọng là phải tiên liệu được tình hình môi trường kinh doanh mà Doanh nghiệp sẽ gặp phải trong thời gian ngắn hoặc lâu dài.
Như vậy mục đích của dự báo chính là dự báo những ảnh hưởng của môi trường đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp .
Về nguyên tắc dự báo môi trường kinh doanh phải trả lời được câu hỏi:
Khi nào và ở đâu diễn ra sự thay đổi?
Xu hướng và mức độ tác động của từng thay đổi cụ thể đó đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp ?
Môi trường kinh doanh tác động đến hoạt động của Doanh nghiệp theo rất nhiều hướng khác nhau với mức độ rất khác nhau.
Vì vậy việc lựa chọn những biến số cụ thể để tiến hành dự báo phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh của mỗi Doanh nghiệp trong những thời kì cụ thể và gắn bó với nó là nội dung và quy mô xác định của môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Các biến số cụ thể của môi trường kinh doanh cần dự báo là các biến số ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp . Đó thường là xu hướng thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, xu hướng thay đổi kỹ thuật- công nghệ, chiến lược của các đối thủ cạnh tranh chủ yếu, phản ứng của khách hàng cũng như nguyện vọng của các đối tượng liên quan
PTIT
55 2.2.4.1. Các phương pháp dự báo
Có nhiều cách phân chia phương pháp sự báo môi trường.
- Có thể phân ra làm ba nhóm là
+ các phương pháp hình thức hoá được (dưới dạng mô hình), + Các phương pháp phi hình thức (như phương pháp chuyên gia) + Phương pháp kết hợp hai loại trên.
- Có thể phân loại các phương pháp dự báo theo tầm dự báo. Mặc dù cách phân chia này có tính tương đối, song thông thường người ta chia làm ba nhóm:
+ Các phương pháp dự báo ngắn hạn với tầm dự báo không vượt quá 1 năm, + Các phương pháp dự báo trung hạn với tầm dự báo từ 2- 5 năm
+ Các phương pháp dự báo dài hạn với tầm dự báo lớn hơn 5 năm.
- Ngoài ra còn có cách phân chia thích hợp hơn là phân làm hai nhóm: các phương pháp dự báo chất lượng và các phương pháp dự báo số lượng.
+ Các phương pháp dự báo chất lượng được sử dụng khi các thông tin, số liệu cụ thể có quá ít hoặc khó sử dụng. Loại dự báo này sử dụng những ý kiến đánh giá và hệ thống trọng số chủ quan để tạo thành những thông tin chất lượng trong các đánh giá số lượng.
Các phương pháp dự báo thường được sử dụng của nhóm này là phương pháp suy luận hợp lí, phương pháp xây dựng các kịch bản và phương pháp chuyên gia.
Phương pháp suy luận hợp lí dựa vào trực quan và kinh nghiệm của người làm dự báo, dựa trên cơ sở tư duy lành mạnh xuyên suốt toàn bộ các phương pháp dự báo khác song lại không thể tóm tắt thành một quy tắc, quy trình, tiêu chuẩn nào.
Phương pháp xây dựng kịch bản là phương pháp tạo ra một dãy giả thuyết có lôgic các biến cố, trả lời các câu hỏi “nếu…thì’’.
Phương pháp chuyên gia là phương pháp dự báo dựa trên cơ sở xử lí một cách khoa học những ý kiến của “chuyên gia” - những người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn hẹp đang được khảo sát.
+ Các phương pháp dự báo số lượng được sử dụng khi tồn tại những thông tin về quá khứ và có thể biểu diễn những thông tin này dưới dạng số và khi giả thiết rằng hệ thống đã tồn tại cho đến nay vẫn tiếp tục trong khoảng thời gian dự báo.
Các phương pháp chính của nhóm này là phương pháp ngoại suy và phương pháp mô hình hóa.
Phương pháp ngoại suy dựa trên luận cứ cho các sự vật và hiện tượng vận động theo các quy luật khách quan, do có sự liên hệ ràng buộc phức tạp nên luôn có tính ỳ (quán tính), muốn có phát triển nhảy vọt thì phải qua giai đoạn tiệm tiến. Nói cách khác, nhờ nắm chắc các quy luật vận động trong quá khứ người ta có thể “phát triển” quy luật đó theo kiểu “ngoại suy” cho một tương lai không xa.
Còn phương pháp mô hình hóa lại dựa trên một luận điểm của điều khiển học cho rằng giữa các hiện tượng xảy ra trong kinh tế, xã hội, kỹ thuật,… đều có những điểm tương
PTIT
56 tự, có thể sử dụng mô hình để nghiên cứu tìm ra các quy luật chung về sự tồn tại, phát sinh và phát triển của chúng.
+ Cũng có trường hợp sử dụng đồng thời cả phương pháp chất lượng và phương pháp số lượng để dự báo, chẳng hạn như sử dụng các chuyên gia để đánh giá một hoặc một vài tham số trong mô hình dự báo. Những thông tin về định tính sẽ giúp cho việc lượng hóa chính xác hơn và ngược lại trong nhiều trường hợp các thông tin về định lượng sẽ giúp cho việc nghiên cứu định tính đạt được những kết quả sâu sắc hơn. Kết hợp phương pháp mô hình hóa với phương pháp chuyên gia sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng của dự báo.
2.2.4.2. Lựa chọn phương pháp dự báo thích hợp
Đối với mỗi vấn đề kinh tế, xã hội hay kỹ thuật có thể lựa chọn rất nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành dự báo. Nhà quản trị phải lựa chọn phương pháp dự báo thích hợp để phục vụ cho mục tiêu của mình. Cần có hai điều kiện quan trọng đầu tiên trước khi lựa chọn là: những người thực hiện việc lựa chọn phải hiểu biết các phương pháp dự báo sẽ được sử dụng; cần phải chấp nhận một thủ tục để so sánh ưu nhược điểm của mỗi phương pháp riêng biệt.
Phương pháp luận chủ yếu của dự báo là phải tuân theo cách tiếp cận hệ thống, đi sâu dần vào bản chất của sự vật. Nói chung Doanh nghiệp nên lựa chọn phương pháp dự báo theo cách thức tiến hóa, tức là bắt đầu từ những phương pháp đơn giản nhất với đối tượng dự báo thuộc phạm vi toàn doanh nghiệp rồi tiến đến những phương pháp phức tạp hơn, cho các đối tượng dự báo ở phạm vi hẹp hơn. Kinh nghiệm thực tế cũng chỉ ra rằng, để nâng cao chất lượng dự báo, một mặt phải sử dụng nhiều phương pháp dự báo khác nhau và tiếp tục tìm tòi các phương pháp mới thích hợp hơn với đối tượng dự báo, mặt khác dự báo cần phải làm đi làm lại nhiều lần để kết quả thu được ngày càng chính xác.
Nhóm nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương pháp dự báo gồm:
- Trình độ của các nhà quản trị tiến hành xây dựng dự báo.
Sự hiểu biết của nhà quản trị về bản chất các phương pháp dự báo, những ưu nhược điểm, những khó khăn thuận lợi trong thực tiễn sử dụng là một nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới việc lựa chọn phương pháp dự báo.
- Chi phí cho việc xây dựng dự báo.
Chi phí cho việc xây dựng dự báo liên quan tới chi phí cho việc thu thập và xử lý số liệu, thời gian soạn thảo, thời gian sử dụng máy tính,… Nhiều phương pháp dự báo mặc dù thích hợp song vẫn không được lựa chọn vì chi phí để tiến hành theo phương pháp đó quá lớn, không thể đáp ứng được.
- Các đặc trưng liên quan đến vấn đề cần tiến hành dự báo.
Vấn đề dự báo thuộc lĩnh vực gì, các đặc trưng cơ bản của lĩnh vực đó, khoảng thời gian cần tiến hành dự báo… là những nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp dự báo.
- Các đặc điểm của phương pháp dự báo.
PTIT
57 Ở đây đề cập đến độ chính xác, tính cụ thể của kết quả dự báo được tiến hành theo phương pháp lựa chọn, cơ sở thông tin số liệu cần thiết để tiến hành dự báo theo phương pháp lựa chọn.
Tóm lại việc lựa chọn phương pháp dự báo cụ thể cần xem xét ảnh hưởng tổng hợp của tất cả các nhân tố trên.